Khi xa nhà mưu sinh, công nhân lao động nào cũng mong muốn tìm được một chỗ trọ thuận tiện, gần nơi làm việc, giá rẻ, sạch sẽ, an ninh, ấm tình người. Những nhà trọ như vậy thực sự là một nơi ở "lý tưởng" mà không phải người thuê trọ nào cũng may mắn tìm được.
Khi xa nhà mưu sinh, công nhân lao động nào cũng mong muốn tìm được một chỗ trọ thuận tiện, gần nơi làm việc, giá rẻ, sạch sẽ, an ninh, ấm tình người. Những nhà trọ như vậy thực sự là một nơi ở “lý tưởng” mà không phải người thuê trọ nào cũng may mắn tìm được.
Bà Lê Thị Thương (ấp Long Khánh 3, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) nhận thêm việc trong coi con nhỏ cho các cặp vợ chồng công nhân trong và ngoài nhà trọ của gia đình. |
Mấy chục năm chắt chiu dành dụm, vợ chồng bà Lê Thị Thương và ông Lê Văn Lợi (tổ 5, ấp Long Khánh 3, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) mới xây được 8 phòng trọ cho thuê giá rẻ. Để tạo thuận tiện cho người thuê trọ, bà Thương nhận thêm việc chăm sóc con cho các cặp vợ chồng trong khu nhà trọ.
* “Coi nhà trọ như nhà mình”
Khu nhà trọ của bà Thương có 8 phòng thì có đến 4 phòng là các cặp vợ chồng công nhân thuê trọ nhiều năm nay như: Sắt - Thảo, Đấu - Út (quê tỉnh Bạc Liêu); Tần - Hồng, Dương - Tình (quê tỉnh Hà Tĩnh)... Họ gắn bó không chỉ vì giá thuê trọ suốt 9 năm nay không tăng, vẫn duy trì ở mức 700 ngàn đồng/tháng, mà còn vì khi trở về đây họ thực sự cảm nhận như đang về chính ngôi nhà của mình.
Tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút trên 1 triệu lao động. Trong đó, công nhân nhập cư chiếm khoảng 60% và nhu cầu ở trọ rất lớn. Theo thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh, để giải quyết vấn đề nhà trọ, một số doanh nghiệp đã xây dựng ký túc xá, nhà trọ cho công nhân nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu, phần lớn công nhân lao động vẫn đang thuê trọ ở các nhà trọ tư nhân. Hiện toàn tỉnh còn có hơn 13 ngàn cơ sở tư nhân xây phòng trọ để kinh doanh, đáp ứng chỗ ở cho khoảng gần 180 ngàn người. |
Bà Thương cho biết, các cặp vợ chồng trên khi về nhà trọ của bà còn độc thân. Trong quá trình chung sống tại khu nhà trọ và làm việc chung công ty, họ quen rồi lấy nhau. Khi họ thành đôi, bà vận động các công nhân khác nhường hoặc dồn phòng cho các cặp vợ chồng trẻ. Khi họ sinh con, bà nhận chăm sóc cho tới khi trẻ vào tuổi đi học mầm non. Cũng vì vậy, các cặp vợ chồng trong khu nhà trọ thường gọi bà bằng mẹ, đám trẻ biết nói thì cứ hồn nhiên gọi bà nội suốt ngày.
Còn ở huyện Nhơn Trạch, nhiều công nhân cho rằng ai may mắn lắm mới thuê được phòng trọ của ông Trần Văn Điệp (còn gọi là ông Sáu Điệp, ngụ ấp Bến Sắn, xã Phước Thiền). Khu trọ 10 phòng của ông Sáu Điệp có gần 30 công nhân và con của họ luôn rộn ràng tiếng nói cười sau mỗi giờ tan ca.
12 năm nay, người ở trọ luôn xem vợ chồng ông Sáu Điệp như ông bà, cha mẹ của mình. Chị Phạm Thị Nga (quê tỉnh Nghệ An) tâm sự, 2 con của chị sinh ra ở nhà trọ đều được ông Điệp lo làm giấy khai sinh, tìm chỗ học tập. Hôm nào vợ chồng chị tăng ca thì gửi con cho vợ chồng ông đưa đón từ trường về và cho ăn uống.
Từ ngày xây dựng nhà trọ cho thuê đến nay, vợ chồng ông Sáu Điệp chỉ lấy giá 650 ngàn đồng/ tháng/ phòng (tiền nước miễn phí). Ông Sáu Điệp bộc bạch lý do vợ chồng ông không tăng giá phòng như những người cho thuê trọ xung quanh vì ông cũng từ người nghèo khó chắt chiu mới có tiền mua đất, xây phòng trọ cho thuê để có thu nhập. Vì vậy, vợ chồng ông rất thương và thông cảm cho cuộc sống xa quê khó khăn của người lao động nhập cư đang thuê nhà trọ của ông.
* “Gác trọ” nghĩa tình
Là Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Bến Sắn, ông Sáu Điệp không chỉ lo cho nhà trọ của mình an ninh, nghĩa tình. Ông còn đến các khu nhà trọ khác tuyên truyền, vận động và giúp đỡ các chủ nhà trọ khi cần. Chủ nhà trọ nào chưa đăng ký tạm trú cho người thuê trọ thì ông vận động làm ngay, làm sớm. Ai bận rộn không đi làm được, ông sẵn sàng nhận lời làm giúp mà họ không lấy chi phí. Riêng chuyện người thuê trọ gặp khó khăn về đời sống, việc làm hoặc lỡ quá chén gây mất trật tự, ông Sáu Điệp luôn có mặt để động viên, an ủi, giải quyết cho ổn thỏa trong ngoài.
Ở huyện Trảng Bom, khu nhà trọ 70 phòng của vợ chồng Trưởng ấp Lê Văn Hồng (ấp Tân Phát, xã Đồi 61) cũng thực sự là nơi ở nhiều công nhân cho là “lý tưởng”. Khu nhà trọ mát rượi dưới tán cao su già. Trời nóng nực, những người ở trọ thường ra vườn cao su treo võng hóng gió.
Ông Hồng cho biết, trong khu nhà trọ của ông có hơn 400 công nhân, lao động, người thuê trọ đến từ khắp các vùng, miền trong cả nước. Phần lớn những người thuê trọ đều sống tình cảm, ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Khi họ gặp khó khăn đều được vợ chồng ông giúp đỡ tận tình. Người bệnh tật, bị tai nạn lao động, thất nghiệp không có tiền ăn, trả tiền phòng thì vợ chồng ông bán thiếu gạo, thức ăn cho đến khi nào khỏe, tìm được việc làm sẽ trả sau. Riêng công nhân nào khó quá thì vợ chồng ông miễn luôn tiền phòng trọ vài tháng, kẹt tiền sẵn sàng cho mượn không tính lãi.
Ông Tư Huỳnh (quê tỉnh Sóc Trăng) tỏ bày, người lớn thất nghiệp thì vợ chồng ông Hồng tìm chỗ làm, lo giúp thủ tục giấy tờ để xin vào làm việc trong những công ty trả lương cao. Đám trẻ con trong khu nhà trọ đều được vợ chồng ông lo tìm trường học tập, chỗ để gửi trẻ khi cha mẹ đi làm. Mấy thanh niên trong nhà trọ hôm nào nhận lương lỡ quá chén gây gổ với nhau đều bị ông nhắc nhở để không xảy ra ẩu đả, mất trật tự trong xóm.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng ấp Ông Hường (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) cũng có tiếng là người hay giúp đỡ người lao động nhập cư thuê trọ. Khu nhà trọ có 80 phòng của gia đình ông luôn duy trì mức giá thuê phòng bình dân, an ninh luôn được đảm bảo. Người thuê trọ ở đây còn được ông hỗ trợ, giúp đỡ làm các thủ tục giấy tờ, khai sinh, tạm trú, tìm việc cho những người ở trọ. Thấy mấy thanh niên ở miền Tây lên ở trọ hay tụ tập nhậu nhẹt cuối tuần, ông Tuấn còn kiếm việc làm thời vụ trong xóm, ấp cho họ làm. Nhờ vậy, nhiều người vừa có thêm thu nhập gửi về cho gia đình vừa giữ gìn sức khỏe, đỡ tốn tiền nhậu nhẹt vô bổ.
Đoàn Phú