Báo Đồng Nai điện tử
En

Người góp nhặt hoài niệm

08:07, 16/07/2018

Cầm trên tay chiếc đèn bão đã nhuốm màu thời gian, ông Tô Văn Quý (55 tuổi, ngụ ấp Láng Lớn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) say sưa mân mê những dòng chữ khắc chìm uốn lượn trên thân đèn. Ông cho hay, đây là một trong số hàng ngàn món đồ xưa mà ông đã sưu tập được suốt 34 năm qua.

Cầm trên tay chiếc đèn bão đã nhuốm màu thời gian, ông Tô Văn Quý (55 tuổi, ngụ ấp Láng Lớn, xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) say sưa mân mê những dòng chữ khắc chìm uốn lượn trên thân đèn. Ông cho hay, đây là một trong số hàng ngàn món đồ xưa mà ông đã sưu tập được suốt 34 năm qua.

Ông Tô Văn Quý (bìa trái) giới thiệu một vật trong bộ sưu tập đồ xưa của ông với bạn bè.
Ông Tô Văn Quý (bìa trái) giới thiệu một vật trong bộ sưu tập đồ xưa của ông với bạn bè.

Định cư ở xã Xuân Mỹ từ đầu những năm 1980 và khoảng thời gian đó cũng là lúc ông Tô Văn Quý bước vào con đường sưu tập đồ xưa, kỷ vật chiến tranh. Ông muốn bỏ chút công sức lưu giữ những ký ức một thời đã qua, để thấy được phần nào cuộc sống của bao lớp người đi trước.

* Hành trình tìm kiếm

Rời quê ở tỉnh Thanh Hóa, ông Quý cùng gia đình vào Đồng Nai lập nghiệp bằng công việc đầu tiên là công nhân cạo mủ cao su. Khoảng năm 1984, lúc làm công nhân cao su, ông nhặt được một số kỷ vật chiến tranh nhỏ như: vỏ đạn, cân tay, vật dụng có dấu của quân đội Mỹ nằm dưới đất. Nhưng phải đến một lần xin được những chiếc đèn xưa, vỏ đạn từ một đơn vị quân đội gần nhà, ông mới nảy ra ý định tìm kiếm và sở hữu nhiều vật dụng đã được dùng trong chiến tranh.

Từ đó, ông Quý bắt đầu chú ý quan sát nhiều hơn, kỹ hơn về những món đồ cũ kỹ mà ít ai chú ý. Ông kể, khi thấy những món đồ xưa hay kỷ vật chiến tranh, ông đều tìm hiểu về nguồn gốc và ngỏ lời mua lại từ người chủ, có khi họ chịu bán ngay, có khi họ nhất quyết từ chối vì đó cũng chính là món đồ quý đối với họ.

Đến nay, ông Quý có khoảng 3 ngàn món đồ xưa, kỷ vật chiến tranh như: đèn bão, mặt dây lưng, bình rượu... Có những đồ vật ông tự đào được, có những cái được bạn bè, người quen cho, tặng, có những món phải bỏ tiền ra mua, thậm chí có cái phải mất 10 năm mới mua được.

Ông Bùi Phong Quốc, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ), cho biết bộ sưu tập đồ xưa, kỷ vật chiến tranh của ông Tô Văn Quý rất quý và đáng trân trọng. Với số lượng lớn lại đa dạng nên nhiều người đến chiêm ngưỡng rất thích thú. Quá trình sưu tập đã giúp ông Quý có được vốn kiến thức sâu rộng về lịch sử, giúp ích việc giáo dục truyền thống, tạo cảm hứng trong tìm hiểu lịch sử cho mọi người, nhất là các thế hệ trẻ.

Như có lần ông phát hiện ra một cái bình được người Pháp đựng axit phục vụ cho các nông trường cao su ngày xưa, nhưng khi ngỏ lời thì người chủ dù không sử dụng, chỉ trưng bày trong nhà nhưng cương quyết không bán. Ông đi lại thuyết phục hơn 10 năm, người chủ của cái bình mới đồng ý trao lại cho ông Quý.

Một số đồ vật giá trị trong bộ sưu tập có tiền cũng không mua được. Ông phải “kiên nhẫn” thuyết phục nhiều năm chủ nhân mới quyết định tặng, chứ nhất định không bán. Đó là câu chuyện về chiếc radio từ thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ nhìn rất lạ, ông Quý cứ nài người chủ để mua lại mà không được vì đó là kỷ vật cùng người chủ này đi qua thời khói lửa chiến tranh. Sau mấy năm thuyết phục, chủ của chiếc radio thấy ông Quý biết trân trọng đồ xưa nên tặng luôn cho ông.

Hầu hết các tỉnh Đông Nam bộ, một số tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên đều có dấu chân của ông Quý trong hành trình sưu tập. Để có được món đồ ưng ý, tránh nhầm phải đồ giả, ông Quý phải bỏ công hỏi han, tìm hiểu từ người chủ món đồ và đọc lại các tư liệu, ghi chép cá nhân của chính ông suốt nhiều năm qua. Do gia đình từng có cha và 3 người anh đi bộ đội nên với những kỷ vật chiến tranh, ông có kiến thức khá nhiều. Riêng đồ xưa, đồ cổ có từ trước thế kỷ 20, ông phải tìm hỏi từ nhiều người sưu tập khác ở xa.

* Đam mê với đồ xưa

Ông Quý chia sẻ, đồ xưa, kỷ vật chiến tranh là những thứ đã ngưng đọng ý chí, tinh thần của thời đại đó, của những con người từng sống trong quãng thời gian đó. Nhìn vào những vật dụng này, mọi người có thể hiểu được phần nào nét văn hóa, cách sinh hoạt, suy nghĩ, niềm tự hào của những người thời đại đó.

Hơn 34 năm qua, gần như tháng nào ông Quý cũng đem về một vài món, có khi là một đồng xu nhỏ, có khi là chiếc mâm làm bằng một phần của máy bay, đèn bão, đồng hồ, mặt dây thắt lưng, hộp thuốc lá bằng đồng... Ông âm thầm đem hiện vật thu thập được về nhà lau sạch, tỉ mỉ ngắm nghía và cất vào các góc kho. Đến khi ông sửa lại nhà và dành ra những góc riêng để trưng bày bộ sưu tập thì mọi người mới giật mình vì số lượng lớn của hiện vật. Chỉ riêng bộ sưu tập chai rượu, mặt dây thắt lưng của ông Quý cũng đã có khoảng 500 món mỗi bộ.

Ông Quý tâm sự, điều quan trọng nhất của người sưu tập là niềm đam mê, sự kiên trì và cái tâm với món đồ, từ món đồ sẽ mở ra nhiều câu chuyện, khơi gợi được nhiều hình ảnh tưởng chừng đã lãng quên. Như trên thân các món đồ được sản xuất bằng máy móc thường có dấu của nơi sản xuất, có thể so sánh sự thay đổi mẫu mã qua các mốc thời gian... Hay với các món đồ có từ trước thế kỷ 20, phải nhìn ngắm thật kỹ, thấy điều gì lạ là ông phải cố tìm tòi, phân tích để tìm ra nguyên nhân sự khác lạ đó, khi hiểu ra thì lại rất thú vị.

Nhiều người biết ông Quý sưu tập nhiều đồ dùng xưa, kỷ vật chiến tranh đã đến tham quan, cũng có nhiều người đến trả giá mua gấp rưỡi, gấp đôi giá mà ông Quý đã mua nhưng ông không bán. Với ông Quý, đó là kỷ vật không thể tính bằng tiền được. Mỗi lần nhìn ngắm các bộ sưu tập của ông, ông đều phát hiện ra những thứ mới mà trước đây ông chưa từng phát hiện và với ông đó là niềm vui của người sưu tập.

Hiện nay, ông Quý duy trì công việc cơ sở sửa xe tại nhà, nhờ vậy ông gặp được nhiều người khách, nghe kể được nhiều điều hay trên hành trình của họ. Điều này giúp ông mở mang thêm nhiều kiến thức, phát hiện thêm những nơi có đồ xưa và quan trọng là có thêm nhiều người bạn mới. Ông Quý vẫn mong muốn bằng chút sức lực bản thân sẽ truyền đạt được tinh thần và mơ ước của các thế hệ trước đây đến cho lớp trẻ sau này thông qua những món đồ mà ông hằng trân quý.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều