Báo Đồng Nai điện tử
En

Gian nan đưa các anh về

08:07, 28/07/2018

Trong hành trình tìm mộ liệt sĩ, các sở, ngành, cơ quan liên quan của Đồng Nai đều hỗ trợ hết mình, giảm các thủ tục hành chính để thân nhân liệt sĩ nhanh chóng tìm mộ cũng như di dời mộ về quê cha đất tổ.

Bài cuối: Đồng hành cùng gia đình liệt sĩ

>>> Bài 1: Vẫn mãi đi tìm ...

Trong hành trình tìm mộ liệt sĩ, các sở, ngành, cơ quan liên quan của Đồng Nai đều hỗ trợ hết mình, giảm các thủ tục hành chính để thân nhân liệt sĩ nhanh chóng tìm mộ cũng như di dời mộ về quê cha đất tổ.

Các cựu chiến binh Đồng Nai thắp hương tưởng nhớ các đồng chí, đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.
Các cựu chiến binh Đồng Nai thắp hương tưởng nhớ các đồng chí, đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Là người trực tiếp làm việc với các thân nhân liệt sĩ vào Đồng Nai tìm mộ, ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng phòng Người có công Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng năm nào cũng có hàng chục gia đình từ miền Bắc, miền Trung dành dụm tiền từ quê vào Đồng Nai tìm mộ.

* Hỗ trợ hết mình

Trong thời gian qua, Sở Lao động - thương binh và xã hội hỗ trợ, hướng dẫn cho hàng ngàn gia đình liệt sĩ đi tìm mộ và di dời mộ về quê hương, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp vì nhiều lý do mà không tìm thấy mộ của người thân. Dù không tìm được mộ liệt sĩ nhưng thân nhân cũng rất xúc động với sự hỗ trợ hết mình của cơ quan chức năng của Đồng Nai.

Toàn tỉnh hiện có 7 nghĩa trang liệt sĩ với gần 11,8 ngàn mộ liệt sĩ (trên 3 ngàn mộ liệt sĩ chưa biết tên), đã có trên 1,2 ngàn trường hợp di dời mộ về quê.

Như trường hợp gia đình liệt sĩ Nguyễn Quang Lâm, Trung đoàn Đặc công 113, quê ở huyện Cát Hải (TP.Hải Phòng) hy sinh năm 1975. Ông Nguyễn Quang Phi, em trai liệt sĩ Lâm cho biết trong 6 tháng đi tìm mộ chủ yếu là do thời gian chờ xét nghiệm ADN, còn việc liên hệ làm thủ tục hành chính ở Sở Lao động - thương binh và xã hội Đồng Nai để tra cứu, xác minh, làm thủ tục xét nghiệm hài cốt liệt sĩ rất nhanh chóng, thuận lợi.

“Dù không tìm được mộ của anh tôi nhưng gia đình vẫn yên tâm khi các phần mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai, trong đó có những ngôi mộ chưa biết tên của các chiến sĩ Trung đoàn 113 được chăm sóc chu đáo, ấm cúng” - ông Phi bộc bạch.

Trong thời gian qua, ngành lao động - thương binh và xã hội cũng có nhiều đổi mới để hỗ trợ gia đình liệt sĩ khi tìm mộ người thân. Trong đó có việc cho phép xét nghiệm ADN để xác định liệt sĩ thay vì chỉ có một phương pháp thực chứng, xác minh qua những nhân chứng, giấy báo tử, hồ sơ như trước đây.

“Việc cho phép xét nghiệm ADN đã giải quyết được những trường hợp chỉ có 1 ngôi mộ nhưng có đến mấy gia đình vào nhận là người thân. Tuy vậy, cũng có những trường hợp hài cốt liệt sĩ chôn vùi dưới đất quá lâu nên lấy mẫu giám định ADN đến lần thứ 3 nhưng vẫn bị trả về với lý do mẫu quá xấu, không xét nghiệm được” -  ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - thương binh và xã hội chia sẻ.

Tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh, các ban quản lý nghĩa trang cũng nhiệt tình hỗ trợ các gia đình liệt sĩ trong quá trình tìm kiếm, lấy mẫu ADN, cải táng hài cốt liệt sĩ về quê an táng. Ông Phạm Huy Thông, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh cho biết Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh hiện có khoảng 4,3 ngàn ngôi mộ, chỉ riêng từ đầu năm 2018 đến nay có khoảng 10 trường hợp đến xin đưa mộ về quê. Vì chuyện mồ mả, cải táng liên quan đến tín ngưỡng và phong tục nên thân nhân có thể xin bốc mộ bất kỳ lúc nào, dù là đêm khuya hay giữa trưa, nhân viên quản trang cũng không ngại khó nhọc để hỗ trợ gia đình các liệt sĩ.

* Những cựu chiến binh thầm lặng

Trong quá trình tìm kiếm mộ liệt sĩ có sự góp sức không nhỏ từ các cựu chiến binh, đặc biệt là Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh. Trong 5 năm hoạt động, Hội thu thập thông tin từ các cựu chiến binh, nhắn tìm đồng đội, giúp đỡ cho các gia đình trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ... Chánh văn phòng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Thái Văn Quân cho hay tìm ra hài cốt liệt sĩ đã khó, việc trả lại tên tuổi cho liệt sĩ rồi báo tin cho thân nhân cũng khó khăn không kém.

Như trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Khắc Nhiễu hy sinh đầu năm 1975 tại khu vực xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) đã được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TX.Long Khánh nhưng là liệt sĩ chưa biết tên. Trong lần họp mặt đồng đội năm 2015, ông Nguyễn Xuân Cương (Trưởng ban Chính sách Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh) được nghe nhắc đến vị trí chôn ban đầu của một số đồng đội có kèm di vật cá nhân. Sau mấy tháng dò tìm các hồ sơ, lời kể mới xác định được ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên ấy là liệt sĩ Nguyễn Khắc Nhiễu (quê huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Nhưng khi xác định được là liệt sĩ Nguyễn Khắc Nhiễu rồi, Hội mới liên lạc với huyện Thọ Xuân thì biết tin không có người tên Nhiễu hy sinh ở mặt trận phía Nam. Không bỏ cuộc và tin vào trực giác của người lính từng vào sinh ra tử, ông Cương đến Quân khu 7 xin xem lại các ghi chép từ chiến trường mới phát hiện ra quá trình ghi chép ở huyện Thọ Xuân do nét chữ viết tay nên nhầm tên từ Nhiễu thành Nhiễn.

Ông Nguyễn Xuân Cương kể lại: “Lúc tìm kiếm gia đình liệt sĩ Nhiễu cũng khó khăn lắm, cha mẹ liệt sĩ đã qua đời, anh ruột thì đang sống ở tỉnh Hải Dương. Khi xét nghiệm ADN lần đầu thì sai, sau khi chúng tôi đến nghĩa trang thì phát hiện quá trình xác định mộ bị nhầm, di vật của liệt sĩ Nhiễu là con dao inox chứ không phải lược nhựa như trong ghi chép. Sau khi tìm kiếm kỹ kể cả các hồ sơ lúc quy tập thì biết mộ liệt sĩ Nhiễu nằm ngay phía sau ngôi mộ bị nhầm. Tháng 6 vừa rồi, gia đình liệt sĩ Nhiễu vừa báo tin rằng đã đúng ADN và hết mùa mưa sẽ xin vào di dời”.

Với những cựu chiến binh ấy, ai cũng đều mang tâm niệm muốn bỏ chút công sức để giúp người nhà các liệt sĩ, những người cùng chiến đấu năm xưa tìm lại được mảnh hình hài còn sót lại của người thân. Nhiều người cha, người mẹ chờ con, người anh chờ em suốt hàng chục năm, nay nhận được tin báo về nơi liệt sĩ đang nằm lại đều vỡ òa hạnh phúc. Điều này chính là nguồn động lực to lớn khiến các cựu chiến binh dù tuổi đã cao nhưng vẫn không quản khó nhọc lên đường cùng các đoàn tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Họ tâm niệm giúp các gia đình liệt sĩ cũng chính là san sẻ phần nào nỗi đau mà gia đình liệt sĩ phải gánh chịu để cho đất nước có được hòa bình như ngày nay.

Minh Thành

Tin xem nhiều