Báo Đồng Nai điện tử
En

Căng thẳng sau mỗi chuyến tàu

08:07, 09/07/2018

Sau nhiều vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra, thời gian qua ngành đường sắt tăng cường nâng cao trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ từ giờ giấc, tác phong đến năng lực làm việc của nhân viên...

Sau nhiều vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua, ngành đường sắt tăng cường nâng cao trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ từ giờ giấc, tác phong đến năng lực làm việc khiến công việc của nhân viên ngành này vốn đã áp lực lại càng căng thẳng hơn.

Nhân viên gác chắn phải rất vất vả để kéo chắn giữa dòng phương tiện đông đúc tại điểm giao cắt giữa đường Điểu Xiển với đường sắt (thuộc phường Long Bình, TP.Biên Hòa).
Nhân viên gác chắn phải rất vất vả để kéo chắn giữa dòng phương tiện đông đúc tại điểm giao cắt giữa đường Điểu Xiển với đường sắt (thuộc phường Long Bình, TP.Biên Hòa).

Ông Vũ Văn Quyền (34 tuổi, ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa), nhân viên gác chắn ở điểm giao cắt giữa đường Điểu Xiển với đường sắt (thuộc phường Long Bình, TP.Biên Hòa) bộc bạch, ông gắn bó với công việc này hơn 12 năm. Suốt quãng thời gian đó, không ít lần ông trăn trở liệu có nên bỏ nghề vì áp lực và rủi ro quá cao.

* Áp lực tại những điểm “nóng”

Tại khu vực ông Quyền làm nhiệm vụ là điểm “nóng” về mất an toàn giao thông. Đoạn đường này là khúc cua chữ “Z”, khuất tầm nhìn nên rất nguy hiểm. Hơn nữa, ở đây lúc nào cũng có xe container, xe tải hạng nặng vào ra, dẫn đến kẹt xe liên tục. Chỉ cần một sơ suất nhỏ là tai họa có thể ập đến, hậu quả khôn lường.

Tại cuộc họp bàn về giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể lên tiếng, trực gác chắn có ảnh hưởng tới an toàn của cả đoàn tàu mà lương thấp thì trách nhiệm làm sao cao được? Người đứng đầu ngành giao thông - vận tải đã chỉ đạo phải có chế độ, chính sách đảm bảo cho công nhân gác chắn, lái tàu, trực ban, tuần đường... để họ yên tâm làm việc.

Dù phức tạp là vậy, nhưng khác với những trạm chắn khác, bao năm qua nơi ông làm việc không được trang bị máy móc tự động. Tất cả đều làm thủ công và bằng sức người. Vì vậy khi làm ca đêm, những nhân viên gác chắn phải thức trắng để canh tàu. Nhiều lúc buồn ngủ quá, ông pha trà đặc, uống cà phê hoặc đi rửa mặt để giữ tinh thần luôn tỉnh táo.

Mỗi điểm chắn thường có 3 nhân viên, làm 12 giờ/ca. Cứ tới giờ tàu chuẩn bị qua gác mà chưa thấy trực ban điện thoại báo tàu tới là trong lòng ai nấy đều bồn chồn không yên, lo sợ có bất trắc xảy ra. Chỉ khi nào chuông điện thoại reo, gác chắn đóng xuống đúng vị trí, tàu qua trạm an toàn mọi người mới yên tâm.

Không dừng lại ở áp lực thời gian, cường độ làm việc liên tục mà những nhân viên đường sắt còn gặp phải vô vàn áp lực khác. Bởi những chuyến tàu thường chạy không cố định, có hôm chạy nhiều vào ban đêm nên những người đứng gác phải tập trung cao độ, không được lơ là.

Vụ tai nạn đường sắt tại tỉnh Thanh Hóa vào ngày 24-5 là một dẫn chứng. Nhân viên gác chắn chỉ vì không thực hiện đúng quy trình về thời gian đóng chắn tại đường ngang đã dẫn đến vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng. Lái tàu và phụ lái thiệt mạng còn 2 nhân viên gác chắn vướng phải vòng lao lý.

Là nhân viên gác ghi, ghép nối mới vào nghề được hơn 6 tháng, anh Hoàng Văn Hà (24 tuổi, quê Quảng Bình, làm tại ga Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết nhân viên gác ghi làm công việc là quản lý, giám sát, kiểm tra, sử dụng ghi phục vụ cho công tác tổ chức chạy tàu của ga theo biểu đồ chạy tàu, các mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu, quy trình, quy phạm, quy tắc quản lý kỹ thuật ga... Do nhiệm vụ nặng nề nên áp lực và trách nhiệm công việc của nhân viên gác ghi, ghép nối rất cao. Mỗi ca làm việc kéo dài đến 24 giờ nên tinh thần lúc nào cũng phải “căng như dây đàn”.

Anh Hà cho biết thêm, hiện nay bộ phận gác ghi, ghép nối còn mang tính thủ công, trong khi điều kiện chỉ có một đường ray nên tại các ga tránh, ga xép mỗi ngày phải đón hàng chục chuyến tàu. Vì vậy nhân viên gác ghi, ghép nối phải xoay tua liên tục, cường độ và trách nhiệm cũng tăng gấp nhiều lần.

Vị trí làm việc của anh Hà gần với một trạm gác chắn, nếu trạm gác quên đóng để xảy ra tai nạn, nhân viên gác ghi, ghép nối cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Do vậy, mỗi lần thực hiện nhiệm vụ xong, anh Hà nhanh chóng báo cáo với trực ban, phòng ngừa để xảy ra sự cố.

 “Vào mùa hè hay dịp tết, trung bình mỗi ngày đón cả 50 chuyến tàu. Có lúc đang ăn cơm mà tàu đến chúng tôi cũng phải bỏ, tàu này vừa qua là tàu khác tới, thành ra nhân viên gác ghi, ghép nối hiếm khi có được bữa cơm trọn vẹn. Ngoài trực ở đây, nếu tàu vào nhiều có khi còn phải kiêm thêm dồn dịch (dồn toa) với những anh em khác” - anh Hà tâm sự.

* Trách nhiệm với nghề

Vất vả là vậy nhưng thu nhập của những nhân viên đường sắt không đủ để trang trải cuộc sống gia đình. Từ đó, nhiều người phải chấp nhận bỏ nghề, tìm công việc mới sau hàng chục năm gắn bó.

Với một nhân viên gác chắn, thu nhập bình quân trong khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, nếu trừ tiền đóng bảo hiểm, phí các loại thì chỉ còn 4 triệu đồng với điều kiện làm đủ 21 ca/tháng.

Hay như công nhân sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cũng vất vả không kém khi ngày nào cũng quần quật bám đường ray nhưng tiền lương lại thấp hơn những công việc chân tay khác.

Ông Lã Tấn Tài (39 tuổi, công nhân của Công ty quản lý đường sắt Thuận Hải, thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam), làm công nhân sửa chữa đường sắt, cho hay công việc rất vất vả trong môi trường tiếng cuốc xẻng lúc nào cũng vang lên chát chúa, nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay mồ hôi ai cũng túa ra như tắm. Tàu chạy một đoạn rồi kéo còi báo hiệu đoàn qua an toàn, những người thợ đường sắt trong bộ quần áo bảo hộ lao động lấm lem dầu mỡ mới thực sự thở phào nhẹ nhõm.

Còn ông Nguyễn Văn Tài (46 tuổi, nhân viên tuần đường cung đường Dầu Giây) bộc bạch, làm công việc này phải đi suốt bất kể nắng mưa, gió bão. Ngày nào cũng phải cuốc bộ hàng chục cây số trên những cung đường ray lởm chởm đá với đôi chân dẻo dai và sức người bền bỉ.

Vào nghề gần 20 năm, đôi chân của ông đã đi không biết bao nhiêu cây số đường sắt, nhưng ông vẫn mỉm cười chấp nhận những đồng lương ít ỏi. Công việc của tuần đường là lúc nào trên vai cũng có túi xách chứa bộ đồ nghề, mắt lúc nào cũng nhìn chăm chăm xuống đường ray xem có hỏng hóc gì không.

“Tuần đường được ví như con ong chăm chỉ trên những cung đường dài vô tận. Sự cô đơn lúc nào cũng bủa vây, nhưng không vì thế mà nản chí. Ngán ngại nhất là những hôm trời mưa to gió lớn, tôi vẫn phải cuốc bộ trên đường để bảo đảm an toàn cho từng lượt tàu ngược xuôi luôn được an toàn” - ông Tài nói.

Thanh Hải

Tin xem nhiều