Khi những khu đất đầy cỏ dại chuyển mình thành những ngôi nhà cao tầng, khu dân cư sầm uất..., người thợ hồ bắt đầu chuyển lán trại hoặc bôn ba khắp nơi kiếm tìm công trình mới. Đời thợ hồ là vậy, rong ruổi ngược xuôi, chỉ ở tạm bợ trong những lán trại của công trình hoặc căn nhà trọ rẻ tiền…
Khi những khu đất đầy cỏ dại chuyển mình thành những ngôi nhà cao tầng, khu dân cư sầm uất..., người thợ hồ bắt đầu chuyển lán trại hoặc bôn ba khắp nơi kiếm tìm công trình mới. Đời thợ hồ là vậy, rong ruổi ngược xuôi, chỉ ở tạm bợ trong những lán trại của công trình hoặc căn nhà trọ rẻ tiền…
Những người lao động quê các tỉnh miền Tây phụ hồ cho một công trình giao thông nông thôn ở xã Phú Cường (huyện Định Quán). |
Cái ruộng hoang nơi công trình khu nhà trọ 40 phòng của ông Năm Tiến (ấp 4, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) mọc đầy rau muống. Nhờ những đám rau muống dại này mà nhóm thợ hồ làm nhà cho ông tiết kiệm được không ít tiền mua rau tươi.
* Bán sức khỏe kiếm tiền
Ngày mới xin vào làm phụ hồ cho công trình nhà trọ của ông Năm Tiến, ông Trần Kim Em (46 tuổi, quê tỉnh Trà Vinh) được giao các công việc: trộn hồ, khuân gạch đá, đào đất, cột khung móng... Những công việc nặng nhọc này thường được các chủ thầu công trình “ưu tiên” giao cho người mới đến như ông Em với mục đích: thử sức chịu đựng, cho nhóm thợ quen biết. Quy luật “bất thành văn” này, đối với người “thâm niên” phụ hồ, ông Em quá hiểu nên chấp nhận.
Ông Năm Chuột (quản lý công trình tại khu chung cư cao tầng phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, muốn thợ ở lại lán trại coi công trình phải làm thủ tục đăng ký tạm trú cho người lao động. Bên cạnh đó, ông cũng phải đứng ra nhắc nhở, giải quyết những chuyện xung đột giữa các nhóm lao động với nhau trong quá trình sinh hoạt tại lán trại hoặc đề xuất hợp lý của họ về điều kiện sinh hoạt, nghỉ ngơi với các chủ công trình khi nơi ở thiếu an toàn vệ sinh, an ninh trật tự phức tạp. |
Mồ hôi túa đầy tấm lưng trần, ông Em vẫn nhịp nhàng làm tốt các công việc phụ hồ theo yêu cầu của người thợ xây Hai Vân (dân địa phương). Cũng vì quá hiểu và đồng cảm với những người phụ hồ, ông Hai Vân nhắc nhở cánh thợ phụ cần dẻo dai, bền bỉ, trách nhiệm với công việc nhưng đừng quá phí sức mà đổ bệnh, mất sức, không trụ với công việc được lâu.
Công việc phụ hồ cho các công trình dân dụng nặng nhọc nhất ở giai đoạn đào, dựng móng. Với công trình lớn có máy móc hỗ trợ, người phụ hồ (dù được mang cái tên sang trọng công nhân công trình) luôn phải chạy đua với máy móc, tiến độ công việc nếu không có kinh nghiệm dễ dẫn tới đuối sức. Còn với công trình nhỏ, cần sức người là chủ yếu thì người phụ hồ phải cật lực dùng sức, sự khéo léo của mình để lao động. Do đó, dù công trình lớn hay công trình nhỏ, phụ hồ vẫn là công việc cần sức khỏe hơn sự khéo tay.
Hì hục đào móng hầm vệ sinh lớn trong ngôi nhà 3 tầng cho một hộ dân ở ấp Nhất Hòa, xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), ông Lâm Me (quê tỉnh Sóc Trăng) cùng 3 đồng hương tỏ ra phấn khởi vì sắp có khoản tiền công kha khá. Nếu đào xong hầm vệ sinh (rộng 24 m2, sâu 2m) trong vòng 3 ngày, họ sẽ nhận tiền công 3 triệu đồng/người.
Đối với ông Lâm Me và những người đồng hương, công việc đào hầm vệ sinh giống như đào ao ở quê nên chẳng có gì khó khăn. Cái khó và rất ít người nhận làm vì nó được đào ngay chính cái hầm vệ sinh trên nền nhà cũ, nên trong quá trình đào phải tiếp xúc với chất bẩn. Thậm chí mùi hôi thối còn bám vào cả trên người, dính trên áo quần khi về nhà, tắm giặt mãi cũng không hết hẳn.
Ông Lâm Me chia sẻ nhóm của ông thường nhận làm những công việc khó như: đào móng, đào hầm vệ sinh... vì tiền công được trả nhiều hơn, có thêm chút đỉnh lo cho vợ con. Tuy nhiên, công việc này rất cực khổ, đòi hỏi phải thật khỏe mới làm nổi vì khối lượng công việc lớn, nặng nhọc lại chỉ làm trong một thời gian ngắn.
* Cuộc sống khó khăn
Một nhóm thợ 4 người gồm: Linh, Mạnh, Bé Em, Út Nhỏ đến từ tỉnh Trà Vinh vừa xin gia nhập vào đội quân thợ hồ của chủ thầu Trần Văn Nhẫn (ở ấp Bình Phước, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Ông Nhẫn giao kèo thù lao phụ hồ 250 ngàn đồng/người/ngày, công thợ xây từ 300-350 ngàn đồng/người/ngày (tùy vào tay nghề) và bao chỗ ở. Với cách làm đó, ông Nhẫn tập hợp được lực lượng lao động giá rẻ, chủ động điều động nhân lực cho các công trình xây dựng trong khu vực.
Dù mức thù lao được ông Nhẫn đưa ra rẻ hơn so với mức giá chủ đầu tư khác đưa ra hoặc người có nhu cầu xây dựng nhà trả cho thợ, nhưng nhóm thợ nói trên vẫn gật đầu đồng ý. Thợ xây Út Em cho biết rời quê ở miền Tây lên đây tìm việc làm, do không quen biết ai ở xã Tân Bình nên cả nhóm phải dựa vào các chủ thầu công trình để tìm việc. Vì đi theo mấy ông thầu xây dựng, việc làm quanh năm không hết, có được công việc ổn định, không sợ bị thất nghiệp. Như vậy, người lao động mới bám trụ lâu dài, mỗi tháng đều đặn gửi về quê nhà vài triệu đồng lo cho con ăn học.
Tại một công trình xây dựng nhà cao tầng ở ấp 2, xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) mùa mưa vẫn đẩy nhanh tiến độ. Các công nhân công trình đến từ các tỉnh miền Tây, miền Trung... vẫn hối hả lao động giữa cơn mưa nhỏ đầu mùa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hải (người quản lý lao động của công trình này) cho hay lương lao động phổ thông công trình từ 250-300 ngàn đồng/ngày. Với mức lương này, ông cũng biết rằng người lao động phổ thông phải cần kiệm trong chi tiêu mới đủ sống. Tuy vậy, công ty không thể trả lương cho lao động phổ thông cao hoặc bằng những lao động kỹ thuật, có tay nghề được.
Để tiết kiệm, trong quá trình bám lán trại công trình, thợ hồ, thợ xây, công nhân phổ thông (làm sắt, thợ sơn, lắp ráp giàn giáo...) thường rủ vợ, con cùng làm hoặc tự lập thành nhóm đồng hương để cử người lo việc cơm nước, nghỉ ngơi nhằm tiết kiệm chi tiêu. Có hộ gia đình công nhân tranh thủ ngày hè đem con nhỏ về công trình để đoàn tụ, chăm sóc.
Hầu hết lán trại tại các công trình xây dựng mà tôi ghé qua đều xập xệ, không gian sinh hoạt hạn hẹp, điều kiện vệ sinh không đảm bảo nhưng đối với những người thợ thì phải may lắm mới được ăn ở tại đây vì tiết kiệm được tiền thuê trọ, vừa tiện qua lại làm việc, nghỉ ngơi. Với họ, công trình chính là nhà, nơi để tìm kiếm kế sinh nhai nên vẫn nhẫn nại bám víu cho đến khi công trình hoàn thành. Sau đó, họ sẽ được chuyển đến lán trại của công trình khác hoặc bám nhà trọ tìm việc, chờ việc với nỗi lo cơm áo, gạo, tiền nặng trĩu…
Đoàn Phú