Từ các vụ xâm hại trẻ em cho thấy việc ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, xã hội mà hơn hết chính là từ trong mỗi gia đình, nhất là bậc làm cha làm mẹ.
[links()]Từ các vụ xâm hại trẻ em cho thấy việc ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, xã hội mà hơn hết chính là từ trong mỗi gia đình, nhất là bậc làm cha làm mẹ.
TS.Vũ Thiện Toàn, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, trả lời thắc mắc của một nhóm học sinh sau buổi nói chuyện chuyên đề về chủ đề ngăn ngừa xâm hại tình dục ở TP.Biên Hòa. |
Một số chuyên gia nghiên cứu tâm lý nhận định tình trạng xâm hại trẻ em sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp vì hiện nay lối sống của một bộ phận người dân bị lệch lạc, giá trị đạo đức bị xem nhẹ, giới trẻ cổ xúy cho lối sống thực dụng, hưởng thụ. Đặc biệt là việc tiếp cận các trang mạng có nội dung xấu, khiêu dâm, bạo lực quá dễ dàng.
* Lường trước những nguy cơ
Theo ông Nguyễn Phạm Hùng, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về trật tự xã hội Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đa phần các vụ xâm hại tình dục trẻ em là do lợi dụng sự sơ hở trong quản lý của gia đình đối với bị hại, kẻ xấu đã tiếp cận, ép buộc, đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc để xâm hại tình dục. Ngoài ra, thông qua quen biết trên mạng xã hội, các đối tượng dụ dỗ, rủ rê đi chơi và dùng thuốc, chất kích thích để thực hiện hành vi; thậm chí cho bị hại uống thuốc ngừa thai nhiều lần sau khi xâm hại tránh để lại hậu quả.
Theo ông Hùng, tình trạng những trẻ yêu rồi rủ nhau đi nhà nghỉ quan hệ tình dục cũng đáng báo động. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức của trẻ em về quan hệ tình dục còn hạn chế. Điều này xuất phát từ việc tuyên truyền pháp luật, giáo dục giới tính chưa đi vào chiều sâu và đôi khi còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, sự quản lý của gia đình, nhà trường đối với trẻ em còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, có trường hợp buông lỏng để cho trẻ em tụ tập, xâm nhập những tụ điểm như quán bar, nhà hàng, hoặc tự tổ chức các chuyến du lịch dẫn đến phát sinh quan hệ tình dục ở độ tuổi dưới 16.
* Cách phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục Để phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục, TS.Vũ Thiện Toàn, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, khuyến cáo cha mẹ cần để ý đến biểu hiện của trẻ như trẻ thường sợ hãi, lo lắng nhất là khi tiếp xúc với đàn ông. Trẻ thường hoang mang, thường xuyên giật mình, có hành động vô thức hoặc trốn tránh không gặp một người nào đó. Một số trẻ thường co rúm người lại, hoặc chống cự; bên bắp tay, eo hoặc mông có in các dấu ngón tay... |
Về mặt y học, bác sĩ Nguyễn Gió, Phó giám đốc Trung tâm pháp y Đồng Nai, cho biết nạn nhân bị xâm hại tình dục chủ yếu là các bé gái. Trước đây, bé gái thường dậy thì trong độ tuổi từ 11-15 nhưng hiện tại trẻ em được bổ sung nhiều dưỡng chất dẫn đến việc các trẻ có xu hướng dậy thì sớm hơn so với lứa tuổi, khoảng từ 9-10 tuổi. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về giới tính của trẻ em, nhiều đối tượng đã tiếp cận và dụ dỗ thực hiện hành vi xâm hại tình dục.
Theo bác sĩ Gió, trẻ em bị xâm hại tình dục thường bị ảnh hưởng rất lớn về tâm lý, tinh thần. Nhiều trẻ sau khi bị xâm hại tình dục đã bị trầm cảm, sợ sệt, lo lắng, hoang mang, nhất là khi gặp đàn ông. Nhiều trẻ bị xâm hại đến rách âm hộ phải thực hiện mổ khâu và ảnh hưởng lớn đến khả năng quan hệ tình dục, sinh con sau này.
“Đó là chưa kể đến sự nguy hiểm đối với trường hợp những bé gái bị xâm hại tình dục phải mang thai, sinh con khi tuổi còn quá nhỏ. Một số trẻ phải nạo phá thai, hoặc thường xuyên bị cho sử dụng thuốc tránh thai sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản sau này” - bác sĩ Gió phân tích.
* Nguyên tắc 10 phút
Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kiều Oanh cho biết từ cuối năm 2016, đơn vị đã phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai tuyên truyền phòng chống bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em. Mục đích là trang bị kiến thức cho phụ huynh, học sinh nhằm giúp các em nhận biết các hành vi xâm hại tình dục, các kỹ năng phòng ngừa để tự bảo vệ bản thân; dũng cảm tố cáo những kẻ có hành vi xâm hại tình dục.
“Từ khi kế hoạch tuyên truyền của chúng tôi được triển khai, tình trạng xâm hại trẻ em có xu hướng giảm dần. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với tất cả các cơ quan, ban, ngành để đồng loạt có sự quan tâm đúng mức cho công tác tuyên truyền về xâm hại tình dục trẻ em” - bà Oanh chia sẻ thêm.
Đánh giá hiệu quả tuyên truyền chuyên đề ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em của tỉnh, bà Phạm Thị Dịu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), cho biết: “Học sinh rất thích thú, chăm chú lắng nghe chuyên gia tâm lý nói chuyện và hào hứng đặt câu hỏi. Tôi nghĩ những kiến thức, kỹ năng được các chuyên gia chia sẻ rất hữu ích cho các em trong phòng ngừa các hành vi xâm hại tình dục”.
TS.Vũ Thiện Toàn, Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam, đưa ra một giải pháp khá ấn tượng đó là “Nguyên tắc 10 phút”. Theo đó mỗi ngày, phụ huynh cần giành ít nhất 10 phút để nói chuyện, tâm sự, hỏi han con về chuyện học hành và sinh hoạt trong ngày; tập cho con cách kể chuyện về cuộc sống của con và tin những lời con nói. 10 phút đó đủ để nhận biết được con có những biểu hiện gì bất thường, sẽ thấy trên cơ thể con có dấu tích gì lạ và sớm phát hiện được việc trẻ có bị xâm hại hay không.
Ngoài phụ huynh thì giáo viên cũng phải thực hiện “Nguyên tắc 10 phút” dành cho học sinh. Giáo viên chỉ cần mỗi ngày dành ra 10 phút để luân phiên hỏi han học sinh. Ngoài giờ dạy, giáo viên cũng nên đi xung quanh khuôn viên trường để xem các em vui chơi, kiểm tra các góc khuất như: cầu thang, nhà kho, khu vệ sinh... để sớm phát hiện những tình huống xấu xảy ra.
“Để ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em, nhà trường và gia đình hãy quan tâm đến các em mỗi ngày. Đừng chỉ quan tâm đến đời sống vật chất mà quên mất tâm sinh lý của trẻ cũng cần được chăm sóc, định hướng hàng ngày” - TS.Toàn nhấn mạnh.
Tố Tâm