Dưới nắng như thiêu như đốt của những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, các lòng hồ thủy lợi cạn trơ đáy ở huyện Cẩm Mỹ trở nên dịu mát hơn với những cánh đồng trồng bắp, trồng cỏ xanh mướt…
Dưới nắng như thiêu như đốt của những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, các lòng hồ thủy lợi cạn trơ đáy ở huyện Cẩm Mỹ trở nên dịu mát hơn với những cánh đồng trồng bắp, trồng cỏ xanh mướt…
Ông Võ Văn Mỹ dùng máy bơm hút nước từ hồ để tưới cho những cây bắp được trồng ngay tại lòng hồ. |
Đối với nhiều hộ dân nơi đây, khi các lòng hồ thủy lợi cạn nước cũng là lúc họ tận dụng khoảnh đất màu mỡ này để trồng trọt kiếm thêm thu nhập. Tập quán sản xuất này đã kéo dài từ hàng chục năm nay, không ít gia đình đã có nhiều thế hệ tham gia trồng trọt ở lòng hồ.
* Tận dụng đất phù sa
Từ sáng sớm, ông Võ Văn Mỹ (xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) đã chạy từ nhà đến khu vực trồng bắp của ông trong lòng hồ Suối Vọng (nằm giữa 2 xã Bảo Bình và Xuân Bảo) để kiểm tra và bơm nước tưới. Ông cho hay vào đầu mùa khô (sau Tết Nguyên đán), nước trong lòng hồ rút để lộ ra đất chứa phù sa màu mỡ nên ông cùng một vài hộ ven hồ tranh thủ trồng bắp cho bò ăn. Vì đất lòng hồ giữ độ ẩm tốt, lại ngay sát hồ nước nên tiết kiệm cho người trồng việc đầu tư phân bón và nước tưới. Công việc trồng trọt kéo dài cho đến khoảng tháng 6 thì thu hoạch vì khi đó nước hồ dâng lên theo mưa sẽ ngập lại bình thường.
Ông Nguyễn Tô Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Mỹ, cho biết một số hộ nông dân của huyện vì thiếu đất canh tác nên vào mùa khô đã tranh thủ diện tích đất lòng hồ ở các hồ thủy lợi để trồng trọt kiếm thêm thu nhập. Các hộ dân chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày, cỏ cho gia súc ăn và cũng biết cách thu hoạch kịp thời khi mùa mưa đến nên cũng không có ảnh hưởng nhiều. |
Ông Mỹ vừa chỉ tay vào đám bắp xanh mướt vừa cho biết ông đã canh tác ở lòng hồ này hơn 10 năm nay. Lúc trước ở lòng hồ vào mùa khô chỉ toàn cỏ mắt mèo mọc um tùm. Một số người dân trong vùng thấy tiếc nên xuống trồng cây ngắn ngày, không ngờ cây phát triển rất tốt, cho thu hoạch cao. Thấy vậy, nhiều người cũng xuống đây trồng trọt khi hồ cạn nước.
Đến nay, ông Mỹ đã trồng được 1,4 hécta bắp cho bò ăn. So với đất ở trên rẫy, nếu dùng cùng 1 giống bắp thì chắc chắn năng suất trên rẫy không thể bằng trồng ở lòng hồ. Do đó, mỗi ngày ông chỉ cần tranh thủ vài ba tiếng đồng hồ để tưới nước là sau vài tháng trồng trọt có thể thu được gần 20 triệu đồng, có thêm chút tiền lo cho con cái vào năm học mới.
Ngoài ông Mỹ, tại khu vực lòng hồ Suối Vọng cũng còn vài hộ dân địa phương nữa tranh thủ lúc nước cạn để trồng trọt. Các loại cây trồng trên phần đất này chủ yếu để dùng cho bò, gia súc ăn nên không sợ bị trộm mất hay phá hoại. Bên cạnh đó, việc trồng trọt ngay tại lòng hồ cũng tiết kiệm công sức tưới nước, kéo ống vì chỉ cần một máy bơm chạy dầu và đưa ống xuống hồ ngay dưới chân là có nước trồng trọt.
Ông Lưu Phan Hiếu (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ), một trong những hộ trồng bắp lâu năm ở lòng hồ Suối Vọng, cho biết tận dụng thời gian mùa khô này, ông cũng trồng được 3 hécta bắp dùng cho bò ăn. Chỉ cần hơn 2 tháng chịu khó là ông sẽ thu hoạch trên 100 tấn bắp cây cho bò ăn, trừ chi phí ông có lợi nhuận gần 40 triệu đồng.
“Đất ở đây rất màu mỡ vì nhiều xác cá, xác tôm, chỉ trồng 1 lần/năm nên đất rất tốt, ít nhiễm bệnh, quá trình chăm sóc cây trồng, hoa màu cũng dễ hơn so với trồng tại rẫy. Nhưng thiên nhiên cũng chỉ ưu đãi cho chúng tôi khoảng 3 tháng, khi mùa mưa bắt đầu là chúng tôi phải gọi người đến thu hoạch vì nước ngập là mất hết” - ông Hiếu tâm sự.
* Kiếm tiền ở lòng hồ
Cũng là một trong những hồ thủy lợi tại huyện Cẩm Mỹ, vào mùa khô, người dân ven hồ Suối Rang (xã Xuân Tây) liền canh mực nước để trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc. Ông Phạm Văn Hải (ngụ xã Xuân Tây) cho hay gần 10 năm nay ông đã trồng cỏ ở lòng hồ Suối Rang. Nước trong hồ cạn dần khoảng tháng 12 âm lịch, có khi là tháng 11, ông đã bắt đầu trồng cỏ và thu hoạch dần bán cho các hộ dân chăn nuôi gia súc. So với bắp thì cỏ lên nhanh hơn, sớm có thu hoạch hơn.
Trong khi đó, ông Đỗ Chí Bằng (ngụ xã Xuân Bảo) bộc bạch nhà ông có rẫy trồng nông sản nhưng khi mùa khô tới ông cũng phải xuống lòng hồ Suối Vọng để trồng thêm bắp. Vì khi mùa khô, rẫy điều, rẫy tiêu thiếu nước tưới cho năng suất thấp nên ông phải kiếm thêm thu nhập bằng việc trồng cỏ ở lòng hồ để bán. “Số tiền thu về từ trồng trọt ở lòng hồ sẽ bù vào phần thu nhập giảm sút vì bị thiệt hại trong thu hoạch nông sản ở rẫy nhà. Vì kinh phí đầu tư trồng trọt ở lòng hồ thấp nên người trồng sẽ dư dả được chút đỉnh” - ông Bằng chia sẻ.
Còn tại hồ Sông Ray (nằm giữa huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai và 2 huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) tuy không phải hồ thủy lợi nhưng nhiều năm qua, cứ đến mùa khô nhiều người dân địa phương cũng xuống hồ đãi hến, tận dụng cỏ mọc hoang ở lòng hồ để chăn bò hoặc nuôi vịt tại các vũng nước chưa cạn.
Bà Nguyễn Thị Vân (xã Lâm San) cho biết chỉ cần một cái rổ, chậu và chịu khó dậy sớm từ 4 giờ sáng một người ở đây có thể kiếm được khoảng 300 ngàn đồng/ngày nhờ đãi hến. Việc này ai làm cũng được, già thì đãi nơi nước nông, khỏe có thể tới mấy chỗ sâu cả mét. Đãi xong, đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập vào mùa nông nhàn.
“Làm nông dân đã cực, lúc mùa khô còn cực hơn nên ai nấy đều phải tranh thủ kiếm thêm các việc khác để trang trải chứ trồng trọt ở hồ có sung sướng gì đâu. Nếu không tính toán thu hoạch sớm, khi mưa lũ kéo về đột ngột nguy cơ mất trắng rất cao. Nhưng bà con ở đây làm quen rồi, khi trời bắt đầu chuyển vào mùa mưa là chúng tôi có thể chủ động bán dần nông sản trồng ở lòng hồ nên thường có thêm 1 khoản thu nhập lo cho cuộc sống” - ông Đỗ Chí Bằng (ngụ xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) cho biết.
Đăng Tùng