Trước đây, ấp 6, xã Suối Nho từng là một trong những ấp đặc biệt khó khăn của huyện Định Quán. Hiện nay, Suối Nho cũng là ấp đặc biệt của huyện vì không còn hộ nghèo. Điều phấn khởi là có nhiều hộ tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo và không có tình trạng tái nghèo.
Trước đây, ấp 6, xã Suối Nho từng là một trong những ấp đặc biệt khó khăn của huyện Định Quán. Hiện nay, Suối Nho cũng là ấp đặc biệt của huyện vì không còn hộ nghèo. Điều phấn khởi là có nhiều hộ tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo và không có tình trạng tái nghèo.
Ông Nguyễn Cáng, ngụ ấp 6, xã Suối Nho (huyện Định Quán) thoát nghèo nhờ vay vốn của Nhà nước nuôi bò. |
Trong số 10 gia đình tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo của ấp 6, gia đình ông Nguyễn Cáng (66 tuổi) là đặc biệt hơn hết.
* Xin ra khỏi hộ nghèo
Những năm trước, gia đình ông Cáng phải dựng nhà tạm ở nhờ trên đất người khác, không có đất sản xuất và chỉ biết làm thuê kiếm sống. Trong số 3 người con của vợ chồng ông Cáng thì con gái đầu bị bệnh tiểu đường bẩm sinh, quanh năm tốn tiền chữa bệnh nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Vậy nhưng dù đã 5 lần ban ấp đến khảo sát xây dựng nhà tình thương, ông Cáng đều từ chối ý tốt này.
Ông Tăng Bá Trọng, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 6, cho biết khi trao tặng quà cho người nghèo, phát thẻ bảo hiểm y tế, giúp vốn vay ưu đãi… gia đình ông Cáng đều nhận nhưng khi đề nghị xây tặng nhà tình thương thì ông từ chối. Ông Cáng tâm sự không muốn ỷ lại hoàn toàn vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhà hảo tâm mà muốn tự phấn đấu vươn lên.
Từ số vốn vay hơn 20 triệu đồng ưu đãi dành cho hộ nghèo của Nhà nước, ông Cáng đã đầu tư nuôi bò. Vợ chồng, con cái đều chí thú làm ăn, dần dần gia đình ông có vốn tích lũy và phát triển đàn bò lên 6 con đang tuổi sinh sản. Thấy cuộc sống gia đình dần vượt qua khó khăn nên vợ chồng ông Cáng tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo.
“Ra khỏi hộ nghèo là mơ ước của cả nhà. Ở vùng này không ít hộ cũng nghèo như mình mà người ta đã khá lên còn mình cứ mang tiếng là hộ nghèo. Con cái cứ mang tiếng con nhà nghèo hoài sao chịu được, vậy nên mọi người trong nhà bảo nhau ráng làm ăn để có cuộc sống tốt hơn” - ông Cáng chia sẻ.
Năm 2018, vợ chồng ông Cáng tự dành dụm xây dựng căn nhà cấp 4 rộng hơn 200m2 mà nhiều người ao ước. Ông Cáng tâm sự: “Tuy lúc xây nhà có thiếu nợ chút đỉnh nhưng vẫn là nhà tự mình xây được nên tôi vui nhiều hơn lo. Nếu thuận lợi thì năm nay bò đẻ thêm, tôi sẽ bán bớt để trả nợ dần dần”.
Không xây dựng được kinh tế cơ bản như vợ chồng ông Cáng nhưng bà Trần Thị Kiến (65 tuổi) vẫn tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Bà Kiến là Việt kiều Campuchia trở về quê hương lập nghiệp cùng chồng và 3 người con. Sau khi chồng mất, bà lượm ve chai và làm thuê để nuôi các con ăn học.
“Khi tôi khó khăn nhất thì Nhà nước cho vô diện hộ nghèo để hưởng các chính sách an sinh xã hội. Cũng nhờ đó mà tôi mới có sức nuôi 3 con khôn lớn. Giờ đây tụi nhỏ đã đi làm và có thể tự lập thì tôi trả lại chế độ hộ nghèo cho Nhà nước để giúp người khác khó khăn hơn tôi. Chứ làm sao tôi cứ đeo bám, trông chờ vào Nhà nước, nhà hảo tâm hoài cho được” - bà Kiến nói.
Hiện nay, mặc dù hàng ngày vẫn đẩy xe đạp đi mua ve chai để trang trải cuộc sống nhưng mỗi khi trong ấp có phát động đóng góp là bà Kiến đều tham gia. Như mới đây, ấp tổ chức kéo điện về khu dân cư, thấy hộ bà Kiến không phải là hộ nghèo nhưng còn khó khăn nên bà con nhất trí miễn giảm số tiền đóng góp. Vậy nhưng bà Kiến vẫn nộp phần nghĩa vụ đóng góp hơn 8 triệu đồng nên ai cũng khâm phục bà.
* Chuyển biến ở một vùng quê
Cũng nhờ sự tự giác, ý chí vươn lên trong mỗi gia đình, từng cá nhân mà từ một ấp có 71/181 hộ nghèo cách đây 5 năm, đến nay ấp 6, xã Suối Nho đã hết hộ nghèo, trở thành một trong những địa bàn kiểu mẫu, có nhiều chuyển biến tích cực của huyện. Để đạt được kết quả này, ngoài sự chủ động vươn lên của từng hộ dân còn phải kể đến sự tác động, giúp sức của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Cáng (ngụ ấp 6, xã Suối Nho, huyện Định Quán) cho rằng: “Gia đình tôi có được cơ hội thoát nghèo chính là nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương. Bây giờ cuộc sống gia đình tôi đã tốt hơn rất nhiều thì càng phải chung sức cùng địa phương xây dựng quê hương ngày càng phát triển hơn nữa”. |
Ông Trần Văn Hà, Trưởng ấp 6, cho hay trước đây do không có điện để bơm nước tưới nên vào mùa khô bà con thường phải bỏ hoang đất tìm việc khác để làm. Thu nhập của người dân trong ấp phụ thuộc vào cây điều, mỗi năm chỉ làm được một mùa lúa hay bắp vào mùa mưa. Từ khi Nhà nước kéo điện về, hỗ trợ phương pháp tưới nước khoa học, giống mới, vốn sản xuất nên bà con có điều kiện đầu tư nhiều loại cây ăn trái, rau, củ, quả... Việc làm có quanh năm nên thu nhập của các hộ dân cũng tăng lên.
Những người không có đất sản xuất cũng có việc làm thuê ngay tại các nhà vườn trong ấp thay vì phải đi làm xa. Bà Nguyễn Thị Dung (52 tuổi, ngụ ấp 6), cho biết: “Lúc trước muốn có việc làm thì tôi phải đi tới những nhà vườn ở các xã Phú Túc, Túc Trưng. Mấy năm nay chỉ làm loanh quanh cho những nhà vườn trong ấp mà cũng không hết việc, nhờ đó mà thu nhập của tôi cũng đều đặn hơn”.
Cùng với sự vươn lên trong cuộc sống của từng gia đình thì diện mạo của vùng quê khó khăn thiếu thốn trước kia đã có sự chuyển biến rõ nét. Nhiều căn nhà kiên cố được xây dựng, đường bê tông bao quanh khắp ngõ xóm, điện được kéo đến từng hộ gia đình và cả khu sản xuất nông nghiệp của bà con trong ấp.
Khi người dân đã có đời sống ổn định, mỗi gia đình đều tự nguyện đóng góp cùng nhà nước xây dựng xóm, ấp thay vì trông chờ hoàn toàn vào nguồn lực của nhà nước như trước đây. Trong đó, bà con đã tự nguyện đóng góp tiền, hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa ấp... Nhờ vậy mà diện mạo cũng như đời sống người dân ở ấp 6 đã không ngừng thay đổi và chắc chắn sẽ có sự khởi sắc hơn nữa khi xã Suối Nho là một trong những địa phương được huyện Định Quán chọn xây dựng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Sông Thao