Đến xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) những ngày tháng 4, lòng mọi người thấy vui hơn với nhiều tuyến đường trải nhựa thẳng tắp, ven đường rực rỡ cờ hoa. Nông thôn mới thật sự làm "thay da, đổi thịt" vùng đất Phú Lý anh hùng...
Đến xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) những ngày tháng 4, lòng mọi người thấy vui hơn với nhiều tuyến đường trải nhựa thẳng tắp, ven đường rực rỡ cờ hoa. Nông thôn mới thật sự làm “thay da, đổi thịt” vùng đất Phú Lý anh hùng...
Vườn quýt cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/hécta của nông dân Hà Thắng (người đứng đầu), ấp Lý Lịch 2, xã Phú lý. |
Từ những cánh rừng tự nhiên bị bom cày, đạn xới, từ những khu làng tan hoang, 43 năm sau ngày đất nước thống nhất, người dân Phú Lý cùng chính quyền địa phương từng bước xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
* Đổi thay ở vùng đất anh Hùng
Vùng đất Phú Lý hôm nay chính là một phần của vùng đất Lý Lịch xưa, vốn giàu truyền thống cách mạng. Thời chiến tranh loạn lạc, vùng rừng già Lý Lịch của đồng bào Chơro bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, chất độc hóa học, sự lùng sục, kìm kẹp của kẻ thù. Tuy vậy, đồng bào Chơro Lý Lịch vẫn bám làng, bám rừng, bám căn cứ Chiến khu Đ, cùng bộ đội Cụ Hồ kháng chiến cho đến ngày Bắc - Nam thống nhất (30-4-1975).
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Phú Lý, cho biết trước kia Phú Lý là xã vùng sâu, vùng xa của huyện, nay điều kiện giao thương thuận lợi, kinh tế phát triển nên Phú Lý không còn xa cách với bên ngoài như trước. Với thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm (năm 2017), trong xã không còn đối tượng trong độ tuổi lao động thất nghiệp, y tế - giáo dục - an sinh xã hội được đảm bảo tốt nhất cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc bản địa. |
Thoát khỏi cảnh quanh năm thiếu đói trong thời loạn lạc, đồng bào Chơro Lý Lịch bắt đầu theo già làng Năm Nổi - linh hồn của rừng già Mã Đà, Hiếu Liêm - về định canh, định cư nơi những vùng đất tốt của xã Phú Lý đã được huyện, tỉnh khai hoang để tái lập làng xưa. Thời bao cấp kinh tế trì trệ, đời sống vẫn còn không ít khó khăn, đồng bào Chơro của già làng Năm Nổi vẫn một lòng tin Đảng, theo chính quyền, bản thân nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, từng bước ổn định cuộc sống, xóa đói nghèo, lạc hậu.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển, những rào cản kinh tế thời bao cấp không còn nữa, đồng bào Chơro cùng người Kinh và các dân tộc anh em trên địa bàn xã Phú Lý ra sức cải hóa đất hoang, tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Cuộc sống khởi sắc từ khi điện lưới quốc gia kéo về khu định canh, định cư Chơro và các khu di dân tự do của người Kinh, Tày, Nùng, Mường... Rồi đường mòn được mở rộng, tráng nhựa và đặt tên; trường học, trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực được xây mới hoặc sửa chữa lại khang trang; giáo viên nơi xa tình nguyện về dạy con em xã Phú Lý ngày một nhiều... Già Năm Nổi hãnh diện lắm khi cuộc sống người Chơro cũng như người dân ở xã Phú Lý ngày càng sung túc hơn.
* Sức bật nông thôn mới
Để tạo ra sức bật phát triển cho Phú Lý, Đảng bộ xã đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương đúng, hợp lòng dân như: tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng tạo điều kiện cho phát triển; thu hút đầu tư, tạo việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội; chuyển đổi vườn tạp kém năng suất, kém kinh tế sang cây có múi, giá trị cao... Khởi điểm của những nghị quyết trên được Bí thư Đảng ủy xã Phan Thanh Chương đề xuất khi ông được Huyện ủy Vĩnh Cửu tăng cường về xã để khởi động xây dựng nông thôn mới vào năm 2013.
Con em ở xã Phú Lý hôm nay được học tập trong các ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. |
Từ các nghị quyết của Đảng bộ xã, sự sâu sát, đôn đốc tình hình của chính quyền cũng như các đoàn thể chính trị, xã Phú Lý xây dựng nông thôn mới thành công vào năm 2015 và nay đã đạt được 11/19 tiêu chí về nông thôn mới nâng cao.
Bí thư Đảng ủy xã Phan Thanh Chương bộc bạch, mục tiêu chính của nông thôn mới là nâng cao chất lượng sống của người dân. Điều này, cấp ủy Đảng và chính quyền, hệ thống chính trị xã Phú Lý đã làm được và tự hào về những gì đã làm được cho vùng đất, người dân Phú Lý.
Từ chính sách định canh, định cư của Nhà nước, ông Phạm Công Mạnh (ấp Lý Lịch 1) đã tích tụ được trên 6 hécta đất. Nhờ có nhiều đất, sản xuất giỏi, ông Mạnh là hộ dân tộc Chơro ở ấp này thuộc diện khá giả và có nhiều con học đại học, cao đẳng.
Ông Mạnh tâm sự, khi các con đường nông thôn mới mở ra, đất đai của ông trở thành mặt tiền đường nên giá trị tăng gấp nhiều lần. Đồng thời, nhờ giao thông thuận lợi và chính sách khuyến nông, ông có điều kiện chăm sóc vườn rẫy gia đình tốt hơn, năng suất cao hơn.
Ông Hà Thắng (ấp Lý Lịch 2) cũng đổi đời nhờ chuyển đổi cây trồng. Trước đây, 3 hécta rẫy điều và cây tạp của ông Thắng cho thu nhập mỗi năm chưa tới 100 triệu đồng. Trước sự khuyến khích của địa phương và Hội Nông dân xã, ông Thắng mạnh dạn vay vốn chuyển đổi diện tích điều, vườn tạp sang trồng 2 hécta quýt. Đến nay, vườn quýt của ông Thắng cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/hécta. Ông Thắng hồ hởi bày tỏ, nhờ bám sát chủ trương của xã để “mần ăn” nên ông đầu tư đúng hướng.
Ấp Bàu Phụng trước kia vốn là ấp nghèo, khó khăn nhất nhì xã Phú Lý. Qua chính sách định hướng chuyển đổi cây trồng, đầu tư hạ tầng, khoa học - kỹ thuật từ xã, huyện và nhất là sự thúc đẩy nông thôn mới, ấp Bàu Phụng trở thành ấp giàu, phong trào mạnh của xã. Tận dụng lợi thế vùng cây ăn trái: xoài, cam, quýt, sầu riêng... và lao động nông nghiệp nhàn rỗi, Trưởng ấp Trịnh Xuân Tứ thành lập Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Thành Đạt chuyên mua trái cây, gia công may mặc, đan lát, bóc tách hạt điều. Với mô hình này, ông Tứ đã giải quyết việc làm cho trên 60 lao động và đem về khoản thu nhập kha khá cho gia đình.
Đoàn Phú