Báo Đồng Nai điện tử
En

Ở khoa tâm thần dành cho người nước ngoài

07:04, 10/04/2018

Ở Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) có một khoa rất đặc biệt vì bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân chỉ trao đổi bằng tiếng Anh. Đó là Khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế, có chức năng tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài.

Ở Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (TP.Biên Hòa) có một khoa rất đặc biệt vì bác sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân chỉ trao đổi bằng tiếng Anh. Đó là Khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế, có chức năng tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân người nước ngoài.

Bác sĩ Trần Thanh Liêm (phải), Trưởng khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế, đang trao đổi với bệnh nhân K.B. (người Uzbekistan).
Bác sĩ Trần Thanh Liêm (phải), Trưởng khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế, đang trao đổi với bệnh nhân K.B. (người Uzbekistan).

Giữa trời trưa tháng 4 nóng hừng hực, khi bước vào Khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế, chúng tôi lập tức cảm nhận được không khí mát mẻ tỏa ra từ các phòng dịch vụ có máy lạnh. Ở đây bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân khá thân thiện, vui vẻ.

* Bác sĩ kiêm phiên dịch

Vừa thấy bác sĩ Trần Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế, bước vào phòng làm việc, bệnh nhân H.K. (quốc tịch Nhật Bản) đã ghé sát tai nói với bác sĩ điều gì đó với nét mặt có vẻ rất hệ trọng. Vị bác sĩ nghe xong vỗ vai bệnh nhân và nói bằng tiếng Anh trấn an bệnh nhân H.K. không nên quá lo lắng, yên tâm về phòng nằm nghỉ vì bác sĩ đang có khách. Ngay sau đó, bệnh nhân này lịch thiệp cúi chào tạm biệt bác sĩ theo kiểu người Nhật Bản rồi về lại phòng.

Khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế (Bệnh viện tâm thần trung ương 2) hiện có 43 bệnh nhân đang điều trị. Trong số đó, bệnh nhân là người nước ngoài khoảng 10 người. Khoa cũng từng tiếp nhận bệnh nhân với nhiều quốc tịch khác nhau như: Úc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... Ngoài ra, còn có Việt kiều về thăm quê và điều trị bệnh.

 

H.K. là một chuyên gia người Nhật Bản đến làm việc ở Việt Nam nhiều năm nay. Mang căn bệnh rối loạn lưỡng cực nên khi lên cơn hưng cảm anh hay nói nhiều, hay làm phiền người khác và không chịu ngủ. Mỗi lần như vậy, anh lại nhập viện để điều trị bệnh, đến khi bệnh ổn anh đi làm lại. Theo bác sĩ Trần Thanh Liêm, đây là một dạng bệnh tâm thần nhẹ, người bệnh vẫn sinh sống, hoạt động bình thường; khi có các yếu tố nguy cơ như: áp lực công việc, chấn động tâm lý... bệnh sẽ dễ tái phát. 

Khác với H.K., nữ bệnh nhân K.B. (quốc tịch Uzbekistan) rất kiệm lời. Qua phiên dịch của bác sĩ Liêm, bệnh nhân K.B. cho biết cô vốn là giáo viên dạy ngoại ngữ cho một trung tâm ngoại ngữ ở TP.Hồ Chí Minh, bình thường cô luôn hoạt bát, yêu đời. Bỗng dưng một ngày, gia đình phát hiện cô có biểu hiện bất thường không thích giao tiếp, kiệm lời, ủy mị. K.B. được người nhà đưa đến bệnh viện khám thì mới biết cô bị tâm thần phân liệt. Đây là lần thứ 2 bệnh nhân K.B. quay lại khoa điều trị. Hiện nay, bệnh tình của K.B. đã ổn định và chuẩn bị về nước.

Bác sĩ Liêm kể ngày mới thành lập khoa, ông là người giỏi ngoại ngữ nên phải làm luôn công việc phiên dịch cho đồng nghiệp, điều dưỡng, nhân viên phục vụ khi cần. Sau một thời gian, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên trong khoa từng bước trau dồi được vốn tiếng Anh thì ông mới thôi kiêm thêm công việc phiên dịch. Việc trao đổi tiếng Anh lưu loát với người bình thường đã khó, và càng khó hơn khi trao đổi với bệnh nhân tâm thần. Đó là một trong những khó khăn, rào cản lớn nhất trong điều trị bệnh cho người nước ngoài.

* Điều trị không chỉ bằng thuốc

Bác sĩ Liêm bộc bạch, để hiểu người bệnh nói gì thì trước hết phải hiểu tâm lý người bệnh muốn nói, trình bày điều gì trước. Sau đó, qua trao đổi bác sĩ đoán biết được điều bệnh nhân muốn trình bày. Điều trị bệnh tâm thần nếu chỉ điều trị bằng thuốc thì hiệu quả sẽ không cao.

Tập thể bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ của Khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế.
Tập thể bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ của Khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế.

Điều quan trọng là phải lắng nghe bệnh nhân, khuyến khích họ bày tỏ mong muốn để có hướng giúp đỡ. Cho nên mỗi lần mở cửa vào phòng trực, bác sĩ Liêm và đội ngũ y, bác sĩ của khoa luôn nhận được những lá thư tay của bệnh nhân chi chít những lời tâm sự bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác.

Đưa chúng tôi đi tham quan các phòng điều trị, bác sĩ Liêm vỗ vai một bệnh nhân nam đang cởi trần yêu cầu về phòng mặc áo, bệnh nhân này ngoan ngoãn nghe theo. Theo bác sĩ Liêm, một trong những thuận lợi trong chữa bệnh cho người nước ngoài chính là ý thức chấp hành trong điều trị và sinh hoạt của bệnh nhân rất tốt. Đa số bệnh nhân người nước ngoài nhập viện điều trị là những người đến Việt Nam để làm việc hoặc đi du lịch không may trở bệnh. Phần đông trong số bệnh nhân có trình độ, có kiến thức nền khá tốt.

“Chính vì vậy những ngày đầu nhập viện chúng tôi tiếp cận với họ rất khó khăn. Nếu bác sĩ không nói chuyện thành thạo bằng tiếng Anh, không bản lĩnh thì bệnh nhân sẽ không hợp tác. Vậy nên, trong vòng 2-3 ngày đầu phải tạo được niềm tin với họ, giải thích rõ tình trạng bệnh, phác đồ điều trị thì họ mới tâm phục khẩu phục” - bác sĩ Liêm bộc bạch. 

Rời Khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế trong cái nắng chiều gay gắt, nhìn lại phía sau, chúng tôi vẫn thấy những cánh tay bệnh nhân vẫn còn vẫy chào tạm biệt. Ở đó,  không có khoảng cách bác sĩ và bệnh nhân, không có sự phân biệt giữa người Việt Nam và người nước ngoài. Rồi mai này, các bệnh nhân sau khi ổn định sẽ trở lại làm việc, trở về quê hương xứ sở và họ sẽ nhớ mãi kỷ niệm ở nơi đây, nơi đã giúp họ vượt qua bệnh tật để trở lại với nhịp sống năng động của đất nước mình...

Đoàn Phú

Tin xem nhiều