Vùng đất giàu truyền thống cách mạng ở ấp Xóm Hố (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) ngày càng toát lên vẻ đẹp trù phú, yên bình nhờ xây dựng nông thôn mới.
Vùng đất giàu truyền thống cách mạng ở ấp Xóm Hố (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) ngày càng toát lên vẻ đẹp trù phú, yên bình nhờ xây dựng nông thôn mới.
Giống bưởi da xanh được trồng trên đất Xóm Hố thay cho các giống bưởi truyền thống như: đường cam, năm roi. |
Những con đường xi măng dân sinh nhỏ nhắn, rợp bóng cây, quanh co theo những căn nhà xây khang trang luôn gắn với câu chuyện tình làng, nghĩa xóm.
* Xóm Hố chuyển mình
Từ thuở lập làng đến nay, người dân Xóm Hố quen với nếp sống nông nghiệp nên nhà đâu vườn đó. Cũng chính vì vậy, Xóm Hố dày đặc những con đường quê quanh co nối từ vườn hộ dân này tới vườn của hộ dân khác.
Ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch rộng khoảng 900 héc ta, Những năm gần đây, đời sống người dân tăng cao nhờ làm việc tại các khu công nghiệp của huyện Nhơn Trạch. |
Theo ông Đặng Văn Minh, Trưởng ấp Xóm Hố, xưa dân ấp Xóm Hố còn nghèo thì đường làng, đường xóm, đường nhà là những bờ mương. Người dân đắp bờ mương cao để trồng cây, thoát nước vườn nhà và làm ranh giới giữa vườn này với vườn khác, lối đi chung giữa các nhà với nhau. Giữa các bờ mương thường làm cống, làm cầu. Những cây cầu bắc qua bờ mương là thân dừa hoặc cây tre có tay vịn hoặc không.
Những năm gần đây, khi phong trào xây dựng đời sống mới khu dân cư rồi xây dựng nông thôn mới phát triển rầm rộ, người dân ấp Xóm Hố cũng như các vùng trũng khác trong huyện bắt đầu cứng hóa, xi măng hóa, nhựa hóa các bờ mương thành đường đi chung. Hàng loạt nhà cửa, cống, cầu tạm cũng lập tức được kiên cố theo đường khiến cảnh quan Xóm Hố ngày càng khang trang, sạch đẹp. Không còn cảnh mùa mưa đường đất trơn trượt, xe đạp thì cõng lên vai để qua cầu tre lắc lẻo còn in đậm trong tâm trí những người già Xóm Hố.
Để kiên cố đạt 95% các tuyến đường trong ấp, tổ thành bê tông xi măng, người dân ấp Xóm Hố phải hiến từng mét đất quý giá, bỏ công nhiều năm liền ra bồi đắp. Riêng các đoàn thể xã hội và Ban điều hành ấp thì ngỏ lời, liên hệ xin cấp trên, vận động mạnh thường quân: xi măng, đất, cát... đem về cho dân làm. Cũng chính vì vậy, ông Phạm Tấn Minh (tổ 9, ấp Xóm Hố) mạnh dạn bỏ ra trên 100 triệu đồng và xin ý kiến hàng xóm để xây kè, mở đường chung rộng 3m cho xe cộ dễ lưu thông.
Nay các bờ mương thành đường bê tông xi măng hoặc nhựa, người dân ấp Xóm Hố không còn hì hụi cùng nhau vét mương nước tôn đắp nền đường cho cao khi mùa mưa đến hoặc tháng thủy triều dâng. Bà con trong xóm lại cùng nhau dọn dẹp đường làng với việc thành lập luôn tổ môi trường của Chi hội phụ nữ ấp.
Trong số 30 thành viên tổ môi trường, bà Sáu (67 tuổi) là người tham gia rất tích cực. Ngoài chuyện ngày chủ nhật ra quân dọn dẹp vệ sinh đường tổ, xóm cùng tổ môi trường, hàng ngày bà Sáu còn có thói quen quét dọn những tuyến đường tổ, xóm gần nơi sinh sống. Bà Sáu điềm đạm tỏ bày, bà thích ngắm đường xóm khang trang, sạch đẹp, mát rượi dưới bóng cây mà không phải vùng quê nào cũng có được như ở Xóm Hố.
* Giữ hồn quê
Dù địa phương đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, người dân ấp Xóm Hố vẫn còn giữ được khu vườn nhà với nhiều loại đặc sản trái cây của vùng đất Xóm Hố xa xưa như: dâu, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít tố nữ, trà... Cuộc sống sinh hoạt theo kiểu nông dân miệt vườn vẫn thấm sâu vào lòng người dân ấp Xóm Hố. Bà Năm Bế, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Xóm Hố, tỏ bày con người Xóm Hố bao lâu nay vẫn giữ đúng cốt cách của mình, đó là uống nước nhớ nguồn và luôn quan tâm thăm hỏi động viên nhau, thấm đẫm tình làng nghĩa xóm.
Bà Sáu (bìa trái) cùng chị em phụ nữ trong tổ môi trường ấp Xóm Hố quét dọn đường trong xóm. |
Toàn xã Phú Hội có 57 bà mẹ Việt Nam anh hùng được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng, trong đó ấp Xóm Hố có 18 mẹ. Ông Nguyễn Văn Phương, cán bộ phụ trách thương binh - xã hội xã Phú Hội, cho biết rất tự hào được sống ở vùng đất anh hùng. Các gia đình chính sách, có công cách mạng ở ấp Xóm Hố luôn gương mẫu, đầu tàu trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Địa phương luôn quan tâm, thăm hỏi, động viên các bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Một nét văn hóa đặc trưng vốn nổi tiếng xa gần và gắn chặt với nét làng quê Phú Hội nói chung cũng như ấp Xóm Hố nói riêng vẫn còn giữ được chính là trà Phú Hội. Khách lạ, khách quen tới chơi, người dân ấp Xóm Hố đều thiết đãi những ly trà đỏ au thơm mùi lá dứa và những quả ngon, trái ngọt đặc sản vườn nhà. Cái tình người, vị trà, trái cây cứ vậy mà làm cho khách lạ, khách quen nhớ và quý người dân ấp Xóm Hố nhiều hơn khi rời xa những con đường sạch bóng, mát rượi.
Tháng 3, trái cây ấp Xóm Hố vào vụ nghịch (trái mùa), Trưởng ấp Xóm Hố Đặng Văn Minh tiếc vì nhà chưa có nhiều loại trái cây đãi khách. Ông Minh bộc bạch cho dù địa phương đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích trồng cây ăn trái đã giảm mạnh nhưng người dân ấp Xóm Hố vẫn còn giữ được khu vườn nhà với nhiều loại trái cây của vùng đất Xóm Hố xa xưa. Ngoài trái cây, người dân ấp Xóm Hố còn trồng xen các loại rau màu khác để kiếm tiền chi tiêu cho những buổi chợ.
Mùa này, về Xóm Hố uống trà, ăn trái cây nghịch mùa, dạo trên đường quê quanh co rợp bóng cây và nhìn dòng nước suối Mạch Bà trong veo mát lành là niềm vui của nhiều người, nhất là dân thành thị. Người dân ấp Xóm Hố giờ cuộc sống sung túc, đủ đầy, khá giả hơn xưa nhưng vùng đất này vẫn giữ được sự bình yên, nét chân chất, mộc mạc, nghĩa tình...
Đoàn Phú