Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầm lặng những người con Long Khánh

08:04, 21/04/2018

Chiến dịch Xuân Lộc mà đỉnh cao là chiến thắng giải phóng TX.Long Khánh vào ngày 21-4-1975 đã phá tan "tuyến phòng thủ thép" của địch ở Xuân Lộc, giúp cho các cánh quân nhanh chóng tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Chiến dịch Xuân Lộc mà đỉnh cao là chiến thắng giải phóng TX.Long Khánh vào ngày 21-4-1975 đã phá tan “tuyến phòng thủ thép” của địch ở Xuân Lộc, giúp cho các cánh quân nhanh chóng tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.

Quân giải phóng tiến vào TX.Long Khánh bắt giữ lực lượng địch tại Tiểu khu Long Khánh.
Quân giải phóng tiến vào TX.Long Khánh bắt giữ lực lượng địch tại Tiểu khu Long Khánh.

Trong suốt 12 ngày đêm ác liệt của Chiến dịch Xuân Lộc, quân dân TX.Long Khánh luôn sát cánh cùng lực lượng bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng quan trọng này.

* Sẵn sàng vào trận đánh

Sau một loạt chiến thắng của bộ đội chủ lực ở miền Trung và Tây Nguyên, ngày 31-3-1975, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Thường vụ Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch Xuân Lộc, đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở phía Đông Sài Gòn.

Trung tướng Lê Nam Phong (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, hiện ngụ quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) nhớ lại, tham gia Chiến dịch Xuân Lộc quân giải phóng đưa vào những đơn vị mạnh của Quân đoàn 4. Đầu năm 1975, Sư đoàn 7 giải phóng xong Phước Long, Định Quán, Bảo Lộc..., ông được lệnh quay về khu vực Xuân Lộc để đánh tan tuyến phòng thủ nơi này, thông đường cho các đơn vị bạn tiến vào.

Trong Chiến dịch Xuân Lộc, quân ta tiêu diệt được 2.056 tên địch, bắt sống được 2.731 tên, tiêu diệt Chiến đoàn 52 của địch, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn Bộ binh 18 và Lữ đoàn dù số 1 của địch, phá hủy 48 xe quân sự và 1.500 súng (có 14 khẩu pháo).

“Để giữ tuyến phòng thủ Xuân Lộc (thuộc địa giới hành chính của TX.Long Khánh ngày nay) bảo vệ Sài Gòn, chính quyền chế độ cũ đã duy trì một lực lượng lớn gồm Sư đoàn Bộ binh 18, Lữ đoàn 1 dù, Liên đoàn 3 biệt động quân... với hơn 12 ngàn quân” - Trung tướng Lê Nam Phong cho biết.

Chính vì vậy, để đánh bại được lực lượng hùng hậu này, ngoài bộ đội chủ lực còn phải kể đến đóng góp quan trọng của quân dân TX.Long Khánh. Cụ thể là các chiến sĩ kinh tài và cán bộ phong trào ở Xuân Lộc đã ngày đêm vận động đồng bào ủng hộ lương thực, thuốc men cho cách mạng. Các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số đã tích cực đóng góp lúa gạo, bắp, đậu, thuốc men phục vụ đắc lực cho chiến dịch. Các phương tiện chuyên chở như: xe bò, máy cày, máy kéo và cả sức người được huy động để vận chuyển lương thực, thuốc men về kho hậu cần.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh (còn gọi Năm Thanh, ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh, làm cơ sở mật nội thành thời kỳ chống đế quốc Mỹ) cho biết nửa cuối tháng 3-1975, quân dân địa phương cùng quân chủ lực đã tấn công liên tục vào các vị trí của địch ở khu vực này để tạo bàn đạp tấn công. Đến ngày 31-3-1975, quân dân địa phương đã làm chủ vùng ven thị xã gồm 4 ấp: Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, Suối Chồn, Bình Lộc...

Đồng bào ở vùng địch kiểm soát cũng tìm mọi cách để ủng hộ cách mạng, bất chấp sự ngăn chặn, khủng bố của kẻ thù. Các kho hậu cần của ta ở Suối Tre, nam sông La Ngà, đông Cẩm Mỹ... chứa đầy ắp gạo, thực phẩm. Riêng tại vùng ven TX.Long Khánh, đến đầu năm 1975 Thị ủy Long Khánh và nhân dân địa phương đã chuẩn bị sẵn hơn 7,5 ngàn tấn gạo, 17 ngàn ống thuốc cầm máu, 43 ngàn lọ thuốc kháng sinh...

Đồng thời, Thị ủy Long Khánh đã chỉ đạo cho cơ sở mật trong thị xã may hàng ngàn lá cờ giải phóng sẵn sàng nổi dậy. Đội biệt động TX.Long Khánh chia nhỏ thành nhiều bộ phận, có nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình địch trong thị xã dẫn đường cho bộ binh, xe tăng các đơn vị chủ lực đánh vào các mục tiêu quan trọng.

* Quân dân cùng sát cánh

Sáng sớm 9-4-1975, pháo chiến dịch 130 ly (pháo tầm xa của Quân đội nhân dân Việt Nam) bắn cấp tập vào các tuyến phòng thủ của địch trong TX.Long Khánh mở màn Chiến dịch Xuân Lộc.

Ông Đào Bá Lượng (nguyên Đội trưởng Đội biệt động TX.Long Khánh giai đoạn 1973-1975, hiện ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) cho biết lúc đó các thành viên trong đội biệt động được phân công dẫn đường, trinh sát, giúp các mũi tiến công tránh được phục kích, hỏa lực mạnh của địch mà đến được mục tiêu. Đường đi nước bước đều được người dân địa phương hướng dẫn cho chính xác.

“Vị trí của tôi khi ấy là ngồi ngay trên tháp pháo xe chỉ huy nên rất nguy hiểm, thu hút hỏa lực của địch nhưng tôi vẫn không ngần ngại. Lúc đó có hy sinh tôi cũng không sợ vì đất nước sắp thống nhất rồi” - ông Đào Bá Lượng chia sẻ.

Đến khi địch phản công, giãn bộ binh và cho máy bay từ Sân bay Biên Hòa phản kích, ném bom các vị trí quân giải phóng chiếm được, Đội biệt động và trinh sát vũ trang TX.Long Khánh lại nhanh chóng kịp thời sơ tán trên 2 ngàn dân ra hướng Bình Lộc, Bàu Sen thoát khỏi sự tấn công của địch. Hàng trăm thanh niên địa phương tình nguyện ở lại chiến đấu cùng đội biệt động.

Ông Đào Bá Lượng kể, đội biệt động mật trong thị xã tiếp tục tổ chức thành nhiều đội thanh niên xung kích, thanh niên cờ đỏ với các thanh niên tình nguyện có cảm tình với cách mạng phục vụ chiến đấu, bất chấp bom đạn của địch. Từ tải thương, dẫn đường quân giải phóng, đến đánh lạc hướng địch... bất kỳ con đường nào, giao lộ nào bên trong lòng địch cũng in dấu chân anh hùng của quân dân Long Khánh.

Nhớ về Chiến dịch Xuân Lộc, ông Trần Văn Phú (nguyên chiến sĩ Công binh xưởng TX.Long Khánh, hiện ngụ phường Xuân Trung, TX.Long Khánh) cho rằng: “Để Chiến dịch Xuân Lộc thắng lợi, chúng tôi đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài, trải qua nhiều trận đánh lớn, nhỏ khác nhau, đồng thời dựa vào nhân dân mà đánh địch. Nhiều bà con đã âm thầm tháo tôn lợp nhà, tủ sắt, giấu búa, đinh, chuyển các quả pháo, đạn lép rồi âm thầm chuyển vào rừng để cho chúng tôi chế tạo vũ khí”.

Nói về ý nghĩa chiến thắng giải phóng TX.Long Khánh, ông Dương Hòa Hiệp (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, nguyên là du kích xã Bảo Định thời kỳ chống Mỹ) cho biết ông luôn tự hào bởi đã góp sức cùng quân giải phóng làm nên chiến thắng Chiến dịch Xuân Lộc mà đỉnh cao là giải phóng TX.Long Khánh vào ngày 21-4-1975. Từ đây đã tạo nên bước ngoặt quan trọng để các cánh quân giải phóng nhanh chóng đổ về Sài Gòn, bước vào trận quyết chiến lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 9 ngày sau đó.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều