Sông La Ngà (phụ lưu cấp 1 của sông Đồng Nai) bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh ven khu vực TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), chảy qua các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận và Đồng Nai, rồi đổ vào hồ Trị An (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai). Trước năm 1987, khi Nhà máy thủy điện Trị An chưa ngăn đập, hạ nguồn sông La Ngà với nguồn lợi thủy sản dồi dào đã giúp ngư dân có cuộc sống ung dung tự tại.
Sông La Ngà (phụ lưu cấp 1 của sông Đồng Nai) bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh ven khu vực TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), chảy qua các tỉnh: Lâm Đồng, Bình Thuận và Đồng Nai, rồi đổ vào hồ Trị An (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai). Trước năm 1987, khi Nhà máy thủy điện Trị An chưa ngăn đập, hạ nguồn sông La Ngà với nguồn lợi thủy sản dồi dào đã giúp ngư dân có cuộc sống ung dung tự tại.
Bà Nguyễn Thị Lến (67 tuổi, ngụ tổ 20, ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) vừa cùng con trai đi lưới về. |
Nguồn lợi thủy sản tiếp tục nuôi dưỡng ngư dân vùng lòng hồ Trị An thêm mấy chục năm thì dần cạn kiệt bởi con người đánh bắt vô tội vạ. Cũng vì lẽ đó mà nhóm ngư dân ở tổ 20, ấp Trung Tâm (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) phải bỏ nghề, bỏ ghe xuồng mục nát để lên bờ làm củi, đi phụ hồ, hái tiêu...
* Hoài niệm
Trước kia, rất nhiều gia đình ở tổ 20, ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình theo nghề chài lưới nên ghe, xuồng ken đặc bến nước. Nay số người làm nghề chỉ còn hơn 20 người (chủ yếu là người lớn tuổi). Riêng ngư dân là thanh niên, trung niên thì phải kiêm luôn việc làm mướn làm thuê mới đủ nuôi vợ con. Lắng lòng nghe họ tâm sự mới biết kiếp “người cá” của họ khổ nhọc vô cùng. |
Chờ lá cây xà cừ nhà bà Mai ngừng đong đưa, ông Hai Hùm (ngụ tổ 20, ấp Trung Tâm) mới đạp xuồng men theo bờ hồ Trị An đoạn thuộc xã Thanh Bình thả lưới. Ông Hai Hùm giải thích khu vực hồ Trị An ở xã Thanh Bình gió Nam rất mạnh nên tạo sóng lớn. Vì vậy, ngư dân đánh bắt thủy sản bằng xuồng nhỏ phải chờ gió Nam ngừng thổi mới đi làm. Gió Bắc ở khu vực này vào buổi sáng cũng khá mạnh, nhưng có cây cối 2 bên bờ che chắn nên làm gió yếu, mặt nước gần bờ ít sóng, đánh bắt bằng xuồng nhỏ không nguy hiểm.
Là Việt kiều Campuchia về khu vực lòng hồ Trị An hành nghề chài lưới từ năm 1975, ông Hai Hùm cho hay khi công trình Nhà máy thủy điện Trị An chưa đóng đập, khúc sông La Ngà chảy qua địa bàn xã Thanh Bình rất nhiều tôm, cá nên cuộc sống của ngư dân rất thoải mái. Cá, tôm thời đó nhiều và đa dạng về chủng loại, ngư dân chỉ cần chọn loại đặc sản, cá to để đánh bắt. Nhờ đánh bắt được số lượng lớn nên ngư dân mang một phần ra chợ bán, một phần đổi lấy gạo, mắm muối và những thứ cần thiết khác với nông dân và dân làm rừng.
Năm 1987, Nhà máy thủy điện Trị An đóng đập để tích nước, khúc sông La Ngà chảy qua xã Thanh Bình bị lòng hồ thủy điện Trị An nuốt chửng. Cá, tôm lúc này di chuyển tứ tán khắp lòng hồ Trị An, không còn sống co cụm nơi lòng sông rộng vài chục mét như trước nữa.
Thời đó, dân làm nghề chài lưới không nhiều, gặp môi trường sinh sản còn thuận lợi nên tôm, cá từ thượng nguồn sông La Ngà xuôi dòng về hồ Trị An sinh sản, phát triển. Đó là thời điểm các ngư dân Việt kiều Campuchia như ông Hai Hùm làm ăn ngon lành nhất vì dễ kiếm tiền.
Lòng hồ Trị An sau ngày đóng đập tích nước, ngoài đặc sản tôm, cá còn có thêm nguồn lâm sản bị nhấn chìm dưới lòng hồ mà trong quá trình khai thác rừng làm lòng hồ người ta để sót lại nên ngư dân thỏa sức lặn ngụp, trục vớt gỗ đem bán. Một ngày lặn ngụp, trục vớt lâm sản, ngư dân có thể kiếm được tiền triệu, bằng gấp mấy chục lần bỏ công sức làm nghề chài lưới đánh bắt tôm, cá. Bị ngư dân “chê”, ít người bắt nên cá, tôm mặc sức sinh sôi.
Thời hoàng kim của ngư dân lòng hồ Trị An nay không còn nữa. Gỗ đã trục vớt lên bờ bán hết, chỉ còn sót lại những gốc tre làm vướng tay lưới, dây lộp. Cá, tôm thì ngư dân đánh bắt bằng xung điện, cào điện vô tội vạ nên giờ chẳng còn nhiều cho những ngư dân chân chính như ông Hai Hùm theo đuổi nghề để kiếm cơm. Vì vậy, ông Hai Hùm cùng các ngư dân trong tổ 20, ấp Trung Tâm và nhiều xã khác, như: Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu), Phú Cường (huyện Định Quán)..., sau mỗi lần đi thả lưới bị “mo” (được rất ít tôm, cá) lại thẫn thờ ngồi nhớ lại chuyện mấy chục năm về trước...
* Kiếp “người cá”
Nghề đánh bắt tôm, cá được ngư dân lòng hồ Trị An ví von là nghề hạ bạc. Cái nghề hạ bạc này hiện được ngư dân lòng hồ Trị An ví von tiếp là “nửa người, nửa cá”.
Vợ chồng ngư dân nghèo Nguyễn Văn Bê - Nguyễn Thị Bông (ngụ tổ 20, ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình) rời bến đi thả lưới. |
Ngư dân Ba Tùng (ngụ ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường) giải thích ngư dân rời xuồng lên bờ làm nông, phụ hồ, hái tiêu thuê là con người thực thụ; còn khi đẩy xuồng rời bến thì họ là con cá, con tôm. Ngư dân phải hiểu đặc tính, cách trú ngụ của từng loài cá để thả chài lưới mới bắt được. Bởi lẽ, tôm, cá ngày càng nhát, cảnh giác cao với các loại ngư cụ của ngư dân thả xuống hồ.
Những loài cá có giá trị kinh tế cao, như: trạch, lăng, hô, chẽm,... luôn khôn ngoan hơn các loài cá tạp, nên rất khó dính lưới, câu, chài... Bởi vậy, những tay lưới, tay chài, dây câu… của ngư dân sau vài giờ thả xuống, lúc kéo lên chỉ có vài con tôm, cá lạc loài, cùng cua, ốc, cỏ rác, đá sỏi. Cho nên, ngư dân Ba Tủng (ở khu Suối Tượng, ấp 3, xã Mã Đà) ước ao sớm thoát kiếp “người cá”, được lên bờ làm rẫy, ra phố thị phụ hồ, không còn vướng bận với chiếc xuồng, tay lưới nữa.
Đời cha theo nghề hạ bạc, đời con tiếp nối, cái vòng luẩn quẩn đó như ăn vào máu thịt của mấy người con trai bà Nguyễn Thị Lến (tổ 20, ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình) khi chồng bà là ông Trương Văn Hai mất. Đã 67 tuổi, nhưng bà Lến vẫn theo xuồng phụ giúp các con trai việc thả lưới, thả lộp, thả câu. Số cá các con bắt được trong ngày, bà Lến mang ra chợ ấp ngồi bán cho người dân trong vùng với giá từ 15-20 ngàn đồng/kg cá mè vinh, rô phi, hoàng đế... Hôm nào các con bắt được nhiều cá và bán không hết, bà Lến đem xẻ phơi khô để dành ăn vào mùa mưa gió, cá hiếm.
Mùa khô năm 2018 đã đến, nước hồ Trị An trong xanh nên ngư dân đánh bắt liên tục bị “mo”. Cũng vì chi phí đánh bắt không đủ trang trải cho tiền xăng dầu, thuế, khấu hao ngư cụ nên một số ngư dân ở hồ Trị An kéo ghe, xuồng lên bờ tìm việc. Người đi hái tiêu, điều, làm thợ hồ, thợ cưa; ai còn sức khỏe và có chút học hành thì xin làm công nhân để thoát kiếp hạ bạc. Tuy vậy, được vài bữa, nửa tháng họ lại nhớ con nước, nhớ chiếc xuồng và nhớ tay lưới nên chờ khi gió Bắc nổi lên lại đẩy xuồng rời bờ đi đánh bắt cá, tôm.
Đoàn Phú