Tính tình quyết đoán, phong cách năng động, tràn đầy nhiệt huyết nhưng cũng không kém phần dịu dàng…, đó là cảm nhận khi gặp chị Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển Việt Nam (Change).
Tính tình quyết đoán, phong cách năng động, tràn đầy nhiệt huyết nhưng cũng không kém phần dịu dàng…, đó là cảm nhận khi gặp chị Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển Việt Nam (Change).
Chị Hoàng Thị Minh Hồng. |
Đam mê bảo vệ môi trường, người phụ nữ này từng 2 lần chinh phục Nam Cực và là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực. Hơn 20 năm từ chuyến thám hiểm đầu tiên đến vùng đất quanh năm băng tuyết, mắt chị Minh Hồng vẫn sáng lên khi kể về chuyến đi “gây sốc” trong đời.
* 2 lần chinh phục Nam Cực
Năm 1997, chị Minh Hồng là đại diện Việt Nam duy nhất trong nhóm thám hiểm Nam Cực (được tài trợ bởi Tổ chức Bảo vệ Nam Cực, Tổ chức 2041) cùng với 34 thanh niên ưu tú đến từ 24 quốc gia.
Chị Hoàng Thị Minh Hồng (trái) cùng bạn bè quốc tế cắm cờ Việt Nam trên vùng băng tuyết Nam Cực. |
Chị Minh Hồng kể lúc 16 giờ (giờ địa phương) ngày 16-1-1997, đoàn thám hiểm khởi hành rời cảng Ushuaia (điểm cực Nam của đất nước Argentina) trên con tàu Professor Khromov trực chỉ Nam Cực. Sau 3 ngày vượt biển, lúc 9 giờ 30 ngày 19-1-1997, tàu cập bờ và các thành viên đặt bước chân đầu tiên lên châu Nam Cực. 21 giờ 30 ngày 20-1, trong bộ áo dài xanh, chị Minh Hồng đã cắm quốc kỳ Việt Nam trên nền băng tuyết, đánh dấu người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên lục địa quanh năm băng tuyết này.
Đã 2 lần đặt chân đến Nam Cực (chuyến thứ 2 đi năm 2009), nhưng mỗi lần nhắc đến nơi đây chị Minh Hồng đều thấy hồi hộp. Chị chia sẻ Nam Cực rất đẹp, đẹp một cách kỳ lạ và huyền ảo, một vẻ đẹp hoang sơ chưa bị xâm hại bởi con người. Mặt biển ở đây luôn đóng một lớp băng bởi nhiệt độ thường xuyên ở -20C. Nam Cực cũng có những vịnh hở và nước biển tối đen vì giá lạnh. Ở Nam Cực bình minh ở đây diễn ra rất chậm.
“Những ngày ở đây, chúng tôi không được mang nước nóng lên Nam Cực; ai muốn uống trà, cà phê thì trở về tàu. Nam Cực không có nhà vệ sinh, ai có nhu cầu phải trở về tàu. Trưởng đoàn nói không có bất kỳ một hành động gây ô nhiễm nào được phép diễn ra ở đây” - chị Minh Hồng kể.
Hiện ước mơ lớn nhất của chị là một ngày gần đây sẽ tổ chức chuyến thám hiểm trở lại Nam Cực cho những thanh niên Việt Nam có chung chí hướng bảo vệ môi trường. Và việc đó vẫn đang được chị âm thầm chuẩn bị.
* Đổi thay từ một chuyến đi …
“Chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên kéo dài 6 tuần với sự thiếu thốn, cô lập, phải chống chọi với thời tiết băng giá cùng những cơn bão tuyết ập đến bất ngờ; đặc biệt là được gặp những người bạn quốc tế đầy nhiệt huyết với môi trường, được cùng chia sẻ những thông tin, dữ liệu về tầng ozone, về hiệu ứng nhà kính, về sự nóng lên toàn cầu…, tôi như vỡ òa kinh ngạc. Bởi thời điểm đó, những khái niệm ấy còn rất xa lạ với tôi, miền đất Nam Cực xa xôi này liên quan gì đến Việt Nam, nó như chuyện viễn tưởng… Rồi tận mắt chứng kiến băng tan do nhiệt độ trái đất nóng lên, tôi đã bị sốc” - chị Minh Hồng kể.
Trở về từ Nam Cực, mọi thứ thay đổi, cuộc đời cũng thay đổi, chị Minh Hồng bỏ việc ở tờ báo Vietnam Investment Review đang cho thu nhập khá cao để lao vào các hoạt động môi trường. “Lúc đó, một mình tôi chạy đi chạy lại gầy dựng phong trào, bỏ tiền túi thuê hội trường, bao cả quán cà phê để mời học sinh, sinh viên, bạn bè đến nghe về Nam Cực, về biến đổi khí hậu, về sự nóng lên của trái đất… Nhiều người nói tôi... hâm” - chị tâm sự.
Năm 2007, tại Australia, chị Hoàng Thị Minh Hồng là một trong những thành viên đầu tiên làm “Giờ trái đất” lần I và sau đó trở thành cố vấn cho “Giờ trái đất” lần II; cả 2 lần đều rất thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2009, chị đã thuyết phục được Chính phủ Việt Nam tham gia “Giờ trái đất” lần III và cùng các bộ, ngành chung tay với chiến dịch này từ đó đến nay. |
Để được tiếp cận thông tin, kiến thức làm nóng ước mơ của mình, chị Minh Hồng nhận lời làm việc cho Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF). Nhưng ước mơ có những dự án môi trường của riêng mình cho Việt Nam luôn đau đáu trong chị. Công việc ở WWF ổn định, thu nhập cao, được đi nước ngoài... cũng chỉ giữ chân chị được 7 năm.
Rời khỏi WWF với “vốn liếng” khá dày về kiến thức, kinh nghiệm và mối quan hệ với các tổ chức, mạng lưới bảo vệ môi trường thế giới, đặc biệt là sự kết nối với những cựu thành viên trong 2 chuyến đi Nam Cực đã hun đúc thêm “máu lửa”, nới rộng thêm vòng tay bảo vệ hành tinh xanh.
Giờ đây, chị Minh Hồng đã là nhà hoạt động môi trường được nhiều tổ chức môi trường trong và ngoài nước biết đến. Hiện chị làm Giám đốc của Change, là thủ lĩnh Phong trào 350 (Phong trào chống biến đổi khí hậu toàn cầu) và WildAid Việt Nam (Tổ chức cứu trợ hoang dã) với nhiều hoạt động đa dạng. Song, những dự án lớn của Change tập trung vào 2 lĩnh vực “không thể chần chừ” là chống biến đổi khí hậu và bảo vệ động vật hoang dã.
Để thực hiện đam mê, tìm kiếm tài trợ cho các dự án xanh, phát triển năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu…, chị Minh Hồng phải hy sinh nhiều thời gian dành cho gia đình và bản thân. “May mắn là chồng tôi, dù là dân kinh doanh nhưng “nhiễm” máu mê môi trường của vợ, nên tạo điều kiện tốt nhất để tôi được làm việc mình yêu thích” - chị Minh Hồng cười mãn nguyện cho biết.
* Tôi sống “xanh” hơn
Hơn 20 năm sau chuyến thám hiểm Nam Cực đầu tiên, 15 năm miệt mài với những hoạt động bảo vệ môi trường, từ khi chưa biết biến đổi khí hậu là gì, đến nay ngoài những dự án toàn cầu, chị Minh Hồng đang gầy dựng phong trào “sống xanh”, một trào lưu sống mới, hiện đại.
“Khi tôi khởi động phong trào “I change” (Tôi thay đổi) kêu gọi thực hành lối sống thân thiện với môi trường, nhiều người thắc mắc “sống xanh” là trở lại cuộc sống lạc hậu, thiếu thốn như: không dùng máy lạnh, không tắm nước nóng để đỡ tốn điện, không đi xe ô tô để giảm khí thải, không ăn nhiều thịt… Sống thế thì… “vất” quá” - chị Minh Hồng chia sẻ.
Rồi chị giải thích “Sống xanh” là tối giản tiện ích phục vụ bản thân, là tiêu dùng khôn ngoan; bắt đầu từ những việc đơn giản như: tắt máy xe khi chờ đèn đỏ từ 25 giây trở lên, sử dụng năng lượng tái tạo, bơm căng bánh xe để đỡ tốn xăng, sử dụng hóa mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, tái chế và tiết giảm đồ dùng từ nhựa, dùng một lượng thức ăn vừa đủ, không để nhiệt độ máy lạnh thấp rồi phải đắp thêm chăn, mặc thêm áo ấm…
“Sống xanh” không hề làm giảm chất lượng cuộc sống của con người mà trái lại nó giúp ta tiết kiệm. Và hơn hết, hành tinh này sẽ chết dần nếu không có hành động nhỏ bé đó.
Phương Liễu