Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý trên 100 ngàn hécta rừng, đất rừng và mặt nước hồ Trị An. Giám đốc Khu bảo tồn, TS. Trần Văn Mùi cho hay thực trạng nhận thức pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng của người dân trên địa bàn còn hạn chế.
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt Khu bảo tồn) quản lý trên 100 ngàn hécta rừng, đất rừng và mặt nước hồ Trị An. Giám đốc Khu bảo tồn, TS. Trần Văn Mùi cho hay thực trạng nhận thức pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng của người dân trên địa bàn còn hạn chế. Vì vậy, hàng năm Khu bảo tồn đều phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các xã giáp ranh Khu bảo tồn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và tài nguyên thủy sản đến người dân.
Việc bảo vệ và tạo môi trường sinh cảnh cho bò tót sinh sống thời gian qua được cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến người dân. |
Bao năm gắn bó với hồ Trị An mưu sinh, ngư dân Lê Văn Phúc (ngụ ấp Vĩnh An, xã La Ngà, huyện Định Quán) chia sẻ nguồn thủy sản ở hồ Trị An ngày càng cạn kiệt dẫn đến việc đánh bắt của ngư dân gặp khó khăn. Nguyên nhân là do con người đánh bắt tận diệt bằng xung điện, khai thác mạnh vào mùa sinh sản gây tác động xấu đến môi trường sinh sản của các loài thủy sản.
* Vẫn còn vi phạm
Khu bảo tồn hiện còn 2.029 hộ sinh sống, sản xuất trong khu vực đơn vị quản lý và vùng giáp ranh. Đại bộ phận người dân là người di dân tự do mấy chục năm về trước, trình độ dân trí thấp, sinh sống bằng nghề khai thác rừng theo kế hoạch của các lâm trường hoặc săn bắn động vật rừng.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc Khu bảo tồn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn, cho hay đối tượng vi phạm về rừng phần lớn là người dân cư trú ở vùng giáp ranh với Khu bảo tồn. Việc sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản ở hồ Trị An đang có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp, do các đối tượng vi phạm luôn sử dụng nhiều mánh khóe để tránh né sự kiểm tra của kiểm lâm và chính quyền địa phương. Điều này thật sự gây khó khăn đến công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản lòng hồ Trị An, bảo vệ rừng, thú rừng và an ninh trật tự trên địa bàn. |
Nông dân Hai Hùng (ngụ ấp 2, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) kể vào những năm 1980, khi gia đình ông mới về vùng rừng Mã Đà lập nghiệp, heo rừng, thú móng guốc xuất hiện nhiều tại các bìa rừng, vào vườn rẫy phá hoa màu của nông dân. Thời điểm ấy, do công tác quản lý, bảo vệ rừng và động vật rừng còn lỏng lẻo nên dân địa phương và cả các thợ săn bên ngoài gần như thản nhiên săn bẫy nai, heo rừng... để làm thức ăn, lấy thịt bán.
Giám đốc Khu bảo tồn Trần Văn Mùi cho biết trước khi Khu bảo tồn được thành lập, do nhiều yếu tố khách quan nên tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và thủy sản ở lòng hồ Trị An diễn biến tương đối phức tạp. Từ khi Khu bảo tồn được thành lập đến nay, công tác quản lý bảo vệ rừng, hồ Trị An được tăng cường và đi vào nề nếp, số vụ vi phạm hành chính được phát hiện, xử lý kịp thời, đảm bảo tính răn đe, giáo dục của pháp luật, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.
Phó giám đốc Khu bảo tồn kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết từ ngày 1-7-2012 đến ngày 31-3-2017, lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn đã phát hiện 91 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, 57 vụ vi phạm trong hoạt động thủy sản. Riêng năm 2017, lực lượng kiểm lâm kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ 7 vụ vi phạm về rừng (xử phạt hành chính 6 vụ, chuyển hồ sơ cơ quan công an xử lý 1 vụ); xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản 6 vụ. 3 tháng đầu năm 2018, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 2 vụ; phá bỏ tại rừng 584 sợi bẫy, yêu cầu 223 lượt người vào rừng trái phép ra khỏi rừng.
Theo ông Hảo, trong vùng lõi của Khu bảo tồn còn nhiều hộ dân sinh sống đan xen trong rừng. Đa số các hộ dân thiếu đất sản xuất, cuộc sống từ nhiều năm qua phụ thuộc vào tài nguyên rừng; đồng thời sản phẩm từ rừng hiện vẫn là nhu cầu cao của xã hội nên những lúc thiếu hụt hay nông nhàn, một số người dân vào rừng thu hái lâm sản, săn bắn động vật rừng trái phép... Việc sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản trái phép mang lại lợi nhuận cao nên một số người vẫn lén lút khai thác thủy sản trái phép ở hồ Trị An.
* Đẩy mạnh tuyên truyền
Để hạn chế các hành vi xâm hại rừng, động vật rừng và nguồn lợi thủy sản ở hồ Trị An, ông Trần Văn Mùi cho biết Khu bảo tồn đã thực hiện nhiều giải pháp, như: phối hợp tuần tra truy quét, quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh, vùng đất ngập nước vùng nội địa hồ Trị An; phòng chống cháy rừng... Trong đó, Khu bảo tồn rất chú trọng đến công tác tuyên truyền.
Ông Mùi cho hay từ năm 2012-2017, Khu bảo tồn đã tổ chức 103 hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn các xã vùng giáp ranh Khu bảo tồn với số dân tham dự đến 9.950 người. Đơn vị cũng in, cấp 15 ngàn tờ bướm, 5 ngàn túi sinh thái, 12 ngàn cuốn vở và 1,4 ngàn cuốn sổ tay giới thiệu về đa dạng sinh học; làm 61 băng-rôn, 20 áp-phích đặt tại các vị trí người dân thường đi lại với nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, quy định xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…
“Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn Khu bảo tồn và vùng giáp ranh từ năm 2012 đến nay được Khu bảo tồn quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ. Qua công tác tuyên truyền đã giúp người dân nhận thức rõ, chấp hành tốt hơn về pháp luật xử lý vi phạm hành chính” - ông Mùi nhấn mạnh.
Việc xây dựng 52 câu lạc bộ xanh về rừng với những cái tên ngộ nghĩnh, như: Cánh Hoa Dầu, Voi Con Tinh Nghịch, Cu Li Nhỏ, Bằng Lăng Tím, Xóm Xanh... tại các ấp, trường học ở các địa phương và vùng giáp ranh với rừng Khu bảo tồn quản lý hiện đang phát huy hiệu quả. Từ các câu lạc bộ xanh này, việc tuyên truyền về bảo vệ rừng, động vật rừng, môi trường rừng được phổ biến sâu rộng trong dân với hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, dễ hiểu và dễ thực hành.
Theo ông Mùi, thông qua các câu lạc bộ xanh, người dân dần nâng cao ý thức trách nhiệm và tích cực hỗ trợ Khu bảo tồn trong việc bảo vệ rừng, động vật rừng, phòng chống cháy rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản lòng hồ Trị An... Đó chính là hiệu quả từ công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, ý thức trách nhiệm về quản lý bảo vệ rừng, động vật rừng, khai thác nguồn lợi thủy sản lòng hồ Trị An có kế hoạch, song song với các hoạt động chuyên môn của Khu bảo tồn, như: tuần tra, xử lý vi phạm…
Bên những cánh rừng già được bảo tồn: Hiếu Liêm, Mã Đà và Vĩnh An đang reo đùa với nắng xuân, ông Trần Văn Mùi cho hay nhiệm vụ trọng tâm của Khu bảo tồn là bảo tồn các nguồn gen động - thực vật và hệ sinh thái rừng cây tự nhiên bản địa thuộc lưu vực sông Đồng Nai, phòng hộ hồ Trị An, bảo vệ môi trường nước, bảo tồn các loài thủy sản... Trong đó, Khu bảo tồn luôn chú trọng việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch về nguồn và phối, kết hợp với chính quyền các địa phương tổ chức các hoạt động sản xuất và dịch vụ góp phần tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân nơi vùng đệm.
Đoàn Phú