Cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử hình thành vùng đất Đồng Nai chính là năm 1698, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn "vào kinh lược đất Đồng Nai, đặt vùng đất mới thành phủ Gia Định gồm 2 huyện: huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên, huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn" (Gia Định thành thông chí).
Cột mốc quan trọng nhất trong lịch sử hình thành vùng đất Đồng Nai chính là năm 1698, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn “vào kinh lược đất Đồng Nai, đặt vùng đất mới thành phủ Gia Định gồm 2 huyện: huyện Phước Long dựng dinh Trấn Biên, huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn” (Gia Định thành thông chí).
Người dân viếng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa. Ảnh: T.THÚY |
Với việc lập dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, chủ quyền của nước ta được xác lập đến “địa đầu” phương Nam, lúc ấy là nền tảng để mở rộng vùng đất Nam bộ ngày nay. Công lao của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là ngoài việc thiết lập hệ thống hành chính, thống kê đất đai, dân số, đặt ra thôn xã để quản lý, còn là người tổ chức đẩy mạnh công cuộc định cư, khai phá vùng đất mới một cách quy mô, bài bản. Từ những chính sách thiết lập tổ chức hành chính, quân sự, thương mại và bình định các thế lực chống đối của ông (ở quy mô nhỏ, không phải là chiến tranh), vùng đất Gia Định - Đồng Nai ngày càng quy củ, ổn định, an ninh ngày càng vững chắc giúp người dân an tâm làm ăn, sinh sống.
* Người đi mở cõi
Nhìn lại “vũ đài” chính trị ở xứ Đồng Nai thời điểm đó, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh tuy xuất hiện sau nhưng đúng lúc và có vai trò quyết định. Bởi trên danh nghĩa Gia Định - Đồng Nai thuộc Chân Lạp nhưng thực tế, người Việt di cư đến sinh sống ngày càng đông, vì vậy rất cần sự ổn định về mặt chính trị để phát triển kinh tế.
Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần cho biết Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là vị Thượng đẳng thần có nhiều cơ sở thờ tự và sắc phong nhất Nam bộ. Hiện có khoảng 14 cơ sở thờ tự Đức ông ở 6 tỉnh, thành, gồm: Nhà thờ Nguyễn Hữu Cảnh (Quảng Bình), đình Bình Kính (Đồng Nai), chùa Minh Hương (TP.Hồ Chí Minh, do người Hoa lập), đình Thới An (Cần Thơ), đình Bình Mỹ, đình Mỹ Đức, đền Châu Phú, dinh Phủ Thờ, từ miếu Cồn Tiên, đền Vĩnh Ngươn, đền thờ Cù lao Ông Chưởng, đền thờ Cù lao Ông Vôi, đền thờ Chương Đùng (An Giang), và đặc biệt là ngôi miếu cổ ở Phnom Penh (Campuchia) do dân Campuchia lập để thờ ông. Ngoài ra còn một số cơ sở khác được cho là thờ Đức ông, nhưng chưa có cứ liệu chứng minh. |
Một sự cố xảy ra là năm 1688, Phó tướng Hoàng Tấn (Tiến) - một trong nhóm người Hoa “bài Thanh phục Minh” cùng đi với nhóm Trần Thượng Xuyên di cư sang nước ta vào năm 1679 được chúa Nguyễn bố trí về Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang ngày nay) đã làm phản, giết chết chủ tướng là Tổng binh Dương Ngạn Địch, chiếm cả khu vực hiểm yếu từ Mỹ Tho đến An Giang, đóng chiến thuyền, đúc súng lớn, ngăn cản thương buôn qua lại, quấy nhiễu cướp bóc người Chân Lạp (nay là Campuchia). Phó vương Nặc Non ở Sài Côn (nay là TP.Hồ Chí Minh) cầu cứu với chúa Nguyễn. Tháng 10-1688, chúa Nguyễn cử Thống suất Mai Vạn Long đem quân đánh dẹp. Đội quân của Mai Vạn Long có Trần Thượng Xuyên làm tiên phong đã giết chết Hoàng Tấn, đóng quân ở Bến Nghé trấn giữ cả khu vực Nam bộ.
Vua Chân Lạp là Nặc Ông Thu muốn thoát ly ảnh hưởng của chúa Nguyễn nên cử sứ giả là nàng Chiêm Luật sang gặp Mai Vạn Long, dùng “mỹ nhân kế” khiến vị tướng kiêu dũng một thời bị thất bại. Chúa Nguyễn lại cử Cai đội Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào (anh ruột của Nguyễn Hữu Cảnh) tiến đánh, bắt sống Mai Vạn Long (sau này bị giáng chức làm thường dân). Nhưng sau đó Nguyễn Hữu Hào cũng mắc mưu Chiêm Luật, bị chúa Nguyễn triệu về Thuận Hóa và cách hết chức tước (một năm sau mới được phục chức).
Mùa xuân năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đi kinh lược, “lấy đất Nông Nại đặc làm phủ Gia Định, lập đất Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên (lỵ sở nay là thôn Phước Lư), lập xứ Sài Côn là huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn. Mỗi dinh lập ra chức Lưu thủ, Cai bạ và Ký lục để cai trị… Ngàn dặm đất đai, dân hơn 4 vạn hộ, chiêu mộ lưu dân từ Bố Chính đến lập nghiệp, lập ra thôn xã phường ấp, phân định địa giới ruộng đất, lập ra tô thuế, xây dựng dinh điền bạ tịch…” (Gia Định thành thông chí).
Ông Nguyễn Hữu Tiến, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Hữu, hiện giữ nhà từ đường của dòng họ và thờ phụng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình), cho biết trong dòng họ vẫn lưu truyền những câu chuyện về Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh. Tương truyền trong 3 người con trai của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, so với 2 anh là Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Dũng sớm nổi tiếng tài hoa từ nhỏ thì Nguyễn Hữu Cảnh “bình thường” hơn, nhưng ông là người có tính quảng giao, thích kết bạn và hào sảng với mọi người. Ông có nước da đen, nên được đặt biệt hiệu là “Hắc Hổ”, từ nhỏ đã theo cha đánh trận lập nhiều chiến công. Năm 1692, ông đem quân dẹp loạn Chiêm Thành, lập vùng đất mới là trấn Thuận Thành (sau đổi là phủ Bình Thuận), mở rộng cương vực phía Nam đến tỉnh Bình Thuận ngày nay. Đây là tiền đề để chúa Nguyễn Phúc Chu chọn ông vào bình định phương Nam.
* Lấy trí nhân thay cường bạo
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có tư tưởng mới mẻ, thoáng đạt. Ông đề ra kế sách đưa dân lưu tán, chiêu mộ người có nhân lực, vật lực ở Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Đức tức Thừa Thiên - Huế ngày nay) vào Trấn Biên lập nghiệp, giải quyết được bài toán nguồn nhân lực và tài chính cho vùng đất mới. Ông cũng khuyến khích người dân tự chiếm đất, khai phá ruộng vườn, chỉ cần khai báo với chính quyền là trở thành chủ nhân và căn cứ vào đó để nộp thuế. Nhờ vậy, công cuộc di dân và khẩn hoang được đẩy mạnh với quy mô lớn, không còn mang tính chất nhỏ lẻ như trước. Theo Địa chí Đồng Nai, thành quả khai hoang và trồng trọt của Đồng Nai đã góp phần làm cho vùng đất này trở thành vựa lúa lớn thời đó, sản xuất thóc gạo vượt nhu cầu tại chỗ và được đưa bán các nơi. Làng xã cũng được quản lý ổn định, Nhà nước có nguồn thu để chi cho bộ máy.
Theo Gia Định thành thông chí, sau khi bình định Nặc Ông Thu (Chân Lạp) quấy rối lãnh thổ nước ta, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh về đóng quân ở cù lao Sao Mộc (nay là cù lao Ông Chưởng, thuộc tỉnh An Giang). Lúc ấy trong quân phát bệnh dịch, ông cũng nhiễm bệnh. Tết Đoan Ngọ mùng 5-5-1770 (âm lịch), ông gượng dậy khao thưởng quân sĩ, bị trúng gió, thổ huyết, bệnh trở nên trầm trọng. Ngày 9-5, quân kéo về đến Sầm Giang (tức Rạch Gầm, Tiền Giang) thì ông mất ở tuổi 50. Linh cữu ông được đưa về Trấn Biên theo di nguyện và an táng tại gò Y Lăng (nay thuộc xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Theo thông tin từ dòng họ Nguyễn Hữu, vào Gia Long sơ niên (năm 1803), một hậu duệ dòng họ Nguyễn Hữu là Ngũ Đức hầu Nguyễn Hữu Quỳnh đã cải táng ông về khu vực Thác Ro (xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). |
Trước năm 1698, cơ cấu xã hội ở Đồng Nai khá phức tạp. Thành phần dân cư gồm có người dân tộc bản địa (Chơro, Mạ, S’tiêng, K’ho, gọi chung là Đê man); nhóm lưu dân người Hoa sống theo bang, hội thành những cộng đồng riêng với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa mang theo từ cố quốc; lưu dân Việt từ Ngũ Quảng với thói quen canh tác nông nghiệp… Chính vì vậy, cần thiết phải xây dựng một xã hội chung có sự hòa hợp về dân tộc, tôn giáo. Ở 2 dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, ông lập ra 2 xã người Hoa là Thanh Hà và Minh Hương, khuyến khích phát triển buôn bán, giao thương và giữ gìn phong tục cố quán, bản sắc dân tộc. Ở vùng đất mới, ông thường ghé vào thăm viếng các thôn, xóm người Việt cũng như người Hoa, người dân tộc bản địa, khuyến khích người dân làm ăn, mở rộng canh tác và giao thương, giữ tình làng xóm thân thiện, tối lửa tắt đèn có nhau.
Ông cũng đề ra kế sách “Dĩ binh ư nông, dĩ nông ư binh” (dùng binh làm nông và dùng nông làm binh), hình thành các “quân điền” để đóng quân lâu dài bảo vệ vùng đất mới mà không làm ảnh hưởng đến dân chúng, vì thế rất được lòng dân. Chính sách này được các chúa Nguyễn áp dụng, kể cả khi Nguyễn Ánh lên ngôi lập nên triều Nguyễn.
Nhìn lại, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người đóng góp công sức rất lớn trong công cuộc mở cõi phương Nam, không chỉ định danh vùng đất Đồng Nai trên bản đồ Việt Nam mà cả các vùng Bình Thuận, Vĩnh Long và An Giang. Đặc biệt, lịch sử đánh giá cuộc kinh lược của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mở cương vực mới cho đất nước không phải bằng chiến tranh, bạo lực mà là bằng uy đức, diễn ra trong hòa bình, hòa hợp dân tộc, tôn giáo.
Thanh Thúy