Công việc mỗi ngày gắn bó với các loại vũ khí, khí tài và nắm được những điểm mạnh, yếu của chúng nên các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã tìm tòi sáng tạo các thiết bị cải tiến hoạt động của các vũ khí, khí tài.
Công việc mỗi ngày gắn bó với các loại vũ khí, khí tài và nắm được những điểm mạnh, yếu của chúng nên các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã tìm tòi sáng tạo các thiết bị cải tiến hoạt động của các vũ khí, khí tài. Tất cả đều hướng đến mục đích để Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng cơ động và xử lý tốt trong mọi tình huống.
Đại úy Phạm Văn An (phải) hướng dẫn thợ sửa chữa dùng vam cảo tháo bánh tỳ xe PTS, GSP. |
Từ quá trình sử dụng, thao tác các loại xe tăng của đơn vị, Đại úy Nguyễn Bá Tính (Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Tăng - thiết giáp 22, Quân đoàn 4) đã sáng tạo ra thiết bị tách nhớt theo đường khí thải xe tăng.
* Mê nghiên cứu và sáng tạo
Đại úy Tính cho hay khi nổ máy các xe tăng niêm cất tại đơn vị, lượng dầu niêm còn sót lại trong xi-lanh và đường ống sẽ cùng với khí thải ra ngoài theo ống góp xả và văng lên tường nhà, dính vào các phương tiện bên cạnh…, làm bẩn phương tiện, mất thời gian dọn rửa và ảnh hưởng đến môi trường.
Đại úy Phạm Văn An (Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 7) chia sẻ các sáng kiến từ đơn vị trực tiếp dùng vũ khí, khí tài có tác dụng tham khảo rất lớn với lãnh đạo Quân khu 7, Bộ Quốc phòng. Nếu phù hợp, sáng kiến có thể được đưa vào sản xuất, áp dụng cho toàn quân, góp phần từng bước hiện đại hóa quân đội. |
Tranh thủ thời gian cuối tuần hoặc những khi rảnh rỗi, Đại úy Tính lại mày mò sử dụng các thiết bị hàn tại nhà tạo ra một bộ phận làm thay đổi hướng bay của khí thải, khiến nhớt nặng hơn khí thải rơi xuống dưới. Hơn 1 năm tìm tòi nghiên cứu và trải qua nhiều lần thất bại, nhận được sự góp ý của các kíp lái cùng lãnh đạo đơn vị, anh đã nghĩ ra cách có thể hạn chế tốt nhất phần nhớt thải ra ngoài mỗi khi nổ máy xe tăng niêm cất.
“Tôi nối thêm ống góp xả 1 ống hình hộp có cửa khí bằng cửa khí ống góp xả, trên cửa khí gắn vải mút để thấm nhớt niêm còn sót lại dưới dạng sương. Cơ bản là nhớt cặn sẽ bị tách 3 lần khỏi khí thải nhờ các lá thép bố trí theo ống hình hộp, để khi nổ máy nhớt cặn sẽ không theo khí thải ra ngoài. Tấm vải mút có thể lấy ra giặt sạch và bộ phận này được làm ra với những chất liệu dễ tìm, như: sắt, đinh ốc, bản lề…, nên chi phí sản xuất thấp, chỉ khoảng 1 triệu đồng nhưng lại đem lại lợi ích thiết thực trong quá trình sử dụng xe” - Đại úy Tính hồ hởi chia sẻ.
Công tác gần 10 năm tại Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 7), Đại úy Phạm Văn An nhận thấy quá trình bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa bánh tỳ xe vượt sông PTS, GSP tương đối khó khăn khi phải dùng búa tạ kết hợp nhiều thiết bị khác để tháo bánh tỳ ra. Trong không gian nhà xưởng chật chội, khoảng cách đậu giữa các xe khá hẹp, nếu làm liên tục trong thời gian dài dễ gây mất an toàn cho người và trang bị, ảnh hưởng đến kết quả nhiệm vụ.
Từ đó, Đại úy An nghiên cứu các giải pháp nâng cao tính an toàn, giảm bớt vất vả cho người thợ và quan trọng nhất là rút ngắn thời gian thực hiện nhiệm vụ. Mất hơn 1 tháng nghiên cứu, quan sát các garage sửa chữa ô tô, anh đã tạo ra “Vam cảo tháo bánh tỳ xe PTS, GSP”, được xét trao giải C cấp Quân khu 7 vào năm 2017.
Đại úy An và đồng đội thực hiện bản vẽ tay thiết bị rồi đem đến xưởng hàn nhờ thợ hàn làm rồi đem về đơn vị thử nghiệm. Qua nhiều lần làm, rồi sửa, thiết bị mới chính thức hoàn thành với chi phí sản xuất khoảng 1 triệu đồng, gồm: 1 tấm thép tròn dày 10 ly, 1 đầu tỳ và 1 con ốc và 8 bu lông.
“Hệ thống bánh tỳ và đỡ xích của xe PTS và GSP lần lượt có 12 và 14 bánh tỳ, cùng đỡ xích được quay trên 1 trục bánh xe bằng 2 vòng bi. Để tháo theo cách bình thường, phải có 3 người tháo trong vòng 30-45 phút mới xong 1 bánh. Với thiết bị do tôi sáng tạo, chỉ 2 người làm trong 15-20 phút/bánh, đặc biệt chỉ dùng lực xoắn đẩy ra, không dùng tới búa tạ. Khi đưa thiết bị cho các thợ của đơn vị sử dụng, họ rất hoan nghênh và nhanh chóng sử dụng thuần thục, tiết kiệm thời gian, nâng tính an toàn khi sử dụng” - Đại úy An cho hay.
* Tiết kiệm thời gian, tăng tính cơ động
Công tác tại Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn Pháo binh 75 (thuộc Quân khu 7) 18 năm, Thiếu tá Phạm Trọng Tài cùng đồng đội nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật nhiều thiết bị hỗ trợ hoạt động của các loại pháo mặt đất. Một số thiết bị gửi đi dự thi ở cấp quân khu không đoạt giải, anh lại cùng đồng đội nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp.
Thiếu tá Phạm Trọng Tài (phải) quan sát thiết bị ken nòng pháo mặt đất hoạt động. |
Lữ đoàn Pháo binh 75 sở hữu một lượng lớn pháo mặt đất. Sau mỗi lần sử dụng, các khẩu pháo phải được bảo quản, bảo dưỡng tỉ mỉ. Nòng pháo trước và sau khi bắn phải lau chùi sạch, không được để bám bụi, đặc biệt là bám vảy đồng trong lòng nòng pháo. Cách đơn vị làm sạch nòng pháo sử dụng chủ yếu bằng sức người (khoảng 5 người), tốn nhiều thời gian. Việc dùng sức người chỉ thực hiện thông nòng bằng chổi thông thường nên khả năng làm sạch hạn chế, mất sức lao động, trong khi lượng pháo cần bảo quản, bảo dưỡng rất nhiều.
“Đơn vị được trang bị thiết bị ken nòng pháo mặt đất sử dụng dòng điện 380V do Học viện Kỹ thuật sáng tạo. Thiết bị nặng gần 2 tấn, cao 3m, dài 4m nên việc sử dụng khó khăn, không phù hợp với các đơn vị dùng nguồn điện 220V. Từ thực tế đó, chúng tôi đã nghiên cứu tạo ra thiết bị ken nòng pháo mặt đất dùng điện 220V, nặng khoảng 60kg, cao 1,2m, dài 1,3m và chỉ cần 2 người sử dụng, tiết kiệm được thời gian và sức người. Với trọng lượng giảm bớt của thiết bị, cộng thêm bánh xe gắn vào, chỉ cần 2 người là có thể sử dụng nhiều lần trong ngày và cơ động được trên thực địa” - Thiếu tá Tài cho hay.
Năm 2017, sáng kiến cải tiến thiết bị ken nòng pháo mặt đất giúp tiết kiệm sức người và thời gian bảo dưỡng các loại pháo mặt đất do Thiếu tá Tài cùng các cán bộ trong Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn Pháo binh 75 nghiên cứu đã được xét tặng giải B cấp Quân khu 7.
Thiếu tá Tài tâm sự: “Thiết bị được tôi và các đồng đội nghiên cứu, hoàn thành trong 2 năm. Năm 2016, khi đưa thiết bị dự thi không thành công, tôi cùng đồng đội nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung cho hoàn chỉnh. Đến năm 2017, thiết bị này đã giúp chúng tôi giành được giải B cấp Quân khu 7. Giải thưởng chỉ mang đến niềm vui một phần, quan trọng nhất vẫn là công sức đóng góp của chúng tôi giúp cho các loại vũ khí, khí tài hoạt động tốt hơn và tiết kiệm thời gian, công sức cho cán bộ, chiến sĩ”.
Đăng Tùng