Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện chưa kể về người anh hùng

07:02, 03/02/2018

Ngày nay, nhắc đến Anh hùng lực lượng vũ trang, cố Đại tá Phạm Ngọc Thảo (ảnh) ai ai cũng đều biết, bởi ông được xếp vào hàng 4 cán bộ tình báo cách mạng hoạt động thành công nhất trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (gồm: cố Đại tá Phạm Ngọc Thảo, cố Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, cố Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ và cố Đại tá Lê Hữu Thúy).

Ngày nay, nhắc đến Anh hùng lực lượng vũ trang, cố Đại tá Phạm Ngọc Thảo (ảnh) ai ai cũng đều biết, bởi ông được xếp vào hàng 4 cán bộ tình báo cách mạng hoạt động thành công nhất trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (gồm: cố Đại tá Phạm Ngọc Thảo, cố Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, cố Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ và cố Đại tá Lê Hữu Thúy).

Phạm Ngọc Thảo hy sinh ngày 17-7-1965 khi mới 43 tuổi, trong vỏ bọc là sĩ quan cao cấp của chính quyền Sài Gòn. Về cái chết của vị anh hùng, đã có nhiều tư liệu được báo chí đề cập đến. Ở đây, chỉ xin mở ra một vài chi tiết liên quan do ông Trần Xuân Roanh (88 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) - là một trong những người chứng kiến thời điểm Phạm Ngọc Thảo bị bắt tại Biên Hòa, cung cấp.

*Cuộc đào thoát ly kỳ

Ông Trần Xuân Roanh quê gốc ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Năm 1954, ông Roanh theo đoàn giáo dân Công giáo của giám mục Pierre Phạm Ngọc Chi di cư vào Nam. Thời điểm đó có trên 800 ngàn giáo dân theo các linh mục di cư vào Nam trong tổng số 1 triệu di dân, nên chính phủ Ngô Đình Diệm lập ra Phủ Tổng ủy di cư để sắp xếp nơi ăn, chốn ở, việc làm cho đồng bào di cư. Trong đó, đoàn giáo xứ Bùi Chu của giám mục Pierre Phạm Ngọc Chi được cấp khu đất 25 ngàn hécta để tái định cư ở Xuân Lộc và Biên Hòa. Ông Roanh được giám mục Pierre Phạm Ngọc Chi cử làm việc ở Phủ Tổng ủy di cư, sau đó trở thành Ủy viên công cán Phủ Tổng thống.

Tại đây, ông Roanh quen biết và chơi thân với 2 nhân vật: Phạm Ngọc Thảo và Vũ Ngọc Nhạ - thường gọi là Hai Long. Lý do gắn kết đầu tiên là cả 3 đều là dân Công giáo toàn tòng, kế đến là “hợp gu”. Phạm Ngọc Thảo còn gọi là Albert Thảo, hay Chín Thảo, cha ông là Adrian Phạm Ngọc Thuần - một địa chủ lớn ở Vĩnh Long có quốc tịch Pháp, rất thân thiết với Giám mục Ngô Đình Thục (anh của Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu), Chín Thảo là con đỡ đầu của vị giám mục quyền uy này. Cả Chín Thảo và Hai Long đều công khai lý lịch tham gia kháng chiến chống Pháp, không hề giấu giếm. Năm 1954, Chín Thảo được Giám mục Ngô Đình Thục giới thiệu với Ngô Đình Nhu, sau đó làm việc tại Phòng Nghiên cứu chính trị của Phủ Tổng thống.

Ông Roanh kể, có “ngờ ngợ” đoán Hai Long hoạt động cách mạng, vì có vài lần Hai Long “gợi ý” ông khi đánh máy các công văn mật của Phủ Tổng thống thì giữ nguyên tờ giấy carbon (giấy than - một cách “photocopy” trước đây) rồi vứt vào sọt rác, sẽ có người kín đáo nhặt và chuyển đi. Riêng Chín Thảo thì ông và mọi người đều không hề nghi ngờ, chỉ đánh giá đây là một người yêu nước và theo chủ nghĩa dân tộc. Đó là vỏ bọc tuyệt vời, rất khéo léo của Phạm Ngọc Thảo.

Năm 1958, ông Roanh nhận ra bản chất của chính quyền Ngô Đình Diệm nên xin nghỉ việc, về Biên Hòa sinh sống. Trong khi đó, Phạm Ngọc Thảo ngày càng được Ngô Đình Diệm tin cậy, trở thành nhân vật có thế lực và tầm ảnh hưởng rất lớn trong quân đội Sài Gòn. Chỉ trong 2 năm 1964-1965, chính trường Sài Gòn liên tục bị chấn động bởi một loạt các cuộc đảo chính, trong đó có 2 cuộc đảo chính do Phạm Ngọc Thảo tham gia và đóng vai trò chủ chốt, được mệnh danh là “Người của những cuộc đảo chính”. Vì thế sau khi trở thành Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu quyết định tìm bắt bằng được Phạm Ngọc Thảo để diệt trừ hậu họa. Trước tình thế đó, Chín Thảo trốn về Thủ Đức ẩn náu dưới sự hỗ trợ của các vị linh mục.

Mấy hôm sau ngày ông Thảo hy sinh, ông Roanh nhận được điện thoại của người quen làm việc bên an ninh quân đội. Người này sau đó về Biên Hòa, trao cho ông Roanh bộ quần áo cùng với chiếc ghế bố, cả 2 đều dính máu, nói đây là kỷ vật của Chín Thảo, nhờ ông tìm cách trao lại cho bà Phạm Ngọc Thảo (lúc ấy vợ con ông Thảo sống ở Mỹ). Người này cũng cho biết, khoảng hơn 1 giờ sáng 17-7-1965, Phạm Ngọc Thảo bị Giám đốc Cục An ninh quân đội, Trung tá Nguyễn Ngọc Loan tra tấn dã man và bóp hạ bộ cho đến chết. Những kỷ vật này sau đó ông Roanh đã tìm cách chuyển cho bà Phạm Thị Nhiệm, vợ của Chín Thảo.

Ông Roanh cho biết, khoảng đầu tháng 7-1965 Chín Thảo có liên lạc với ông, địa điểm hẹn gặp là tại mộ Đoàn Văn Cự (nay thuộc phường Long Bình, TP.Biên Hòa). Cuộc gặp diễn ra chóng vánh, Chín Thảo nói vắn tắt về hoàn cảnh của mình và hỏi ý kiến của ông Roanh về việc tạm lánh ở Biên Hòa. Ông Roanh đồng tình với quyết định trên và khuyên ông Thảo cứ tiếp tục ẩn náu.

Ban đầu, Chín Thảo ở tại nhà thờ Bến Gỗ (nay thuộc xã An Hòa, TP.Biên Hòa) nhưng do an ninh truy lùng ráo riết, linh mục Giuse Nguyễn Quang Lãm (giáo xứ Vinh Sơn, nay thuộc quận 3, TP.Hồ Chí Minh) sắp xếp cho Phạm Ngọc Thảo về đan viện Phước Lý (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch ngày nay). Khoảng 6 giờ sáng 16-7-1965, Phạm Ngọc Thảo bị một nhóm 10 người đi trên 2 xe ô tô bắt cóc ngay tại đan viện, đưa lên xe chạy thẳng tới khu rừng chồi (nằm ở khoảng giữa ngã tư Vũng Tàu và ngã ba Bến Gỗ ngày nay, cách quốc lộ 51 khoảng 1km, lúc đó thuộc địa bàn xã Long Bình Tân) để thủ tiêu. Phạm Ngọc Thảo bị bắn vào đầu, nhưng ngay lúc đó có một tốp công nhân cạo mủ cao su đi đến nên nhóm này sợ bị lộ, không kịp kiểm tra xem Chín Thảo đã chết chưa đã quay xe chạy mất.

Phạm Ngọc Thảo bị bắn nhưng không chết, chỉ vỡ xương hàm. 9 giờ sáng, một nhóm giáo dân xã Long Bình Tân phát hiện ông nằm bên đường nên đưa vào trại di cư Công giáo ở gần đó. Ông Thảo xưng là thầy dòng, bị tai nạn và muốn gặp cha xứ để chịu phép xức dầu trước khi chết. Ông trùm họ đạo ở đây là Nguyễn Trọng Điền nhờ một giáo dân tên Đặng Văn Nhung đến gặp linh mục Giuse Bùi Đức Cường ở giáo họ Đa Minh (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Linh mục Cường thuê xe lam (lambretta) đến đón Chín Thảo, đưa về giấu ở ngôi nhà gần Hội dòng nữ tu Đa Minh.

Tuy nhiên, khi chiếc xe lam qua trạm kiểm soát Tân Mai vào lúc 10 giờ 30, một nhân viên cảnh sát cũng là giáo dân trong xứ Đa Minh nên biết linh mục Cường, thấy linh mục đi cùng một người đàn ông bị thương, máu me đầy mặt nên sinh nghi, ghi lại biển số xe lam là NA-6575-A và báo lại cho Trưởng chi cảnh sát quận Đức Tu (tên gọi cũ của TP.Biên Hòa) là Nguyễn Phước Hiệp. Ông Hiệp một mặt trình báo cho Trưởng ty Cảnh sát Biên Hòa Dương Đình Đôi và Quận trưởng quận Đức Tu là Đại úy Cao Văn Của, một mặt tung cảnh sát chìm tìm kiếm Chín Thảo ở khu vực xứ Đa Minh. Sự việc trọng đại, Trưởng ty Cảnh sát Biên Hòa Dương Đình Đôi gọi điện báo cáo Tỉnh trưởng Biên Hòa là Trung tá Trần Văn Hai, nhận được chỉ thị bằng mọi giá phải bắt cho được Phạm Ngọc Thảo và giao cho bên an ninh quân đội.

* Hy sinh

Lúc 17 giờ 10, một toán cảnh sát bắt giữ Chín Thảo ở khu vực Hội dòng nữ tu Đa Minh rồi đưa về dinh Tư lệnh Quân đoàn 3. Cùng ngày, ông Roanh đưa một nhóm hộ lý vào Nhà thương Biên Hòa (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũ) thực tập, vì ông có mở một lớp y tế cấp cứu. Khoảng gần 18 giờ, ông Roanh đang ngồi nhậu với một người tên Thọ, phụ trách Nhà thương Biên Hòa thì ông Thọ nhận được điện thoại kêu đưa bác sĩ, hộ lý sang dinh Tư lệnh Quân đoàn 3 gấp.

Ông Roanh giải thích thêm, trước kia dinh Tỉnh trưởng Biên Hòa nằm ở khu vực Nhà thiếu nhi Đồng Nai hiện nay. Đêm 18 rạng sáng 19-2-1965, nhóm của Phạm Ngọc Thảo làm đảo chính (còn gọi là cuộc “biểu dương lực lượng 19-2-1965”) thì “bộ sậu”  lãnh đạo ở Biên Hòa đều thay đổi. Trung tướng Nguyễn Bảo Trị về làm Tư lệnh Quân đoàn 3, sử dụng dinh Tỉnh trưởng Biên Hòa làm dinh của mình. Tỉnh trưởng Biên Hòa là Trung tá Mã Sanh Nhơn bị bắt, mất chức, Trung tá Trần Văn Hai về thay thế và dời dinh tỉnh trưởng về góc đường Nguyễn Trãi, cạnh chợ Biên Hòa. 2 dinh thự nằm kề nhau, cùng với Tòa Hành chánh tỉnh (còn gọi là Tòa Bố, nằm ở vị trí UBND tỉnh hiện nay) là một tổng thể, nhưng phía bên dinh Tư lệnh Quân đoàn 3 mới có bãi đáp trực thăng.

Ông Thọ rủ ông Roanh cùng sang. Vào bên trong, ông Roanh giật mình khi thấy người nằm trên chiếc băng ca khiêng xuống từ xe quân đội là Phạm Ngọc Thảo. Ông Thảo cũng nhận ra ông Roanh, nhưng chỉ nhìn thoáng qua mà không nói gì.

Lúc ấy, ông Thảo mặc áo nâu, quần cụt đen, máu dính bê bết. Ông Thảo nói với một người lính tên là Sáu Voi: “Anh cho tôi hỏi có anh Sáu Nhơn ở đây không? Nếu có, nhờ anh nói với Sáu Nhơn là tìm giúp tôi bộ đồ khác để thay”. Sáu Nhơn, tức là Phó tỉnh trưởng Biên Hòa Đỗ Thành Nhơn, do trong “thời điểm tế nhị” đã tránh mặt, không xuất hiện. Ông Roanh thấy vậy, trở về nhà mình lấy bộ đồ “xi-vin” (civil, có nghĩa là dân dụng, là quần tây, áo sơ mi) đem qua cho người lính canh giữ Chín Thảo, nói: “Ông Sáu Nhơn không có ở nhà, người nhà ổng nhờ tôi đem bộ đồ này gởi cho ông Chín Thảo mặc đỡ”. Người lính này nhận, đưa hộ lý thay cho Chín Thảo. Chỉ khoảng 15 phút sau, một chiếc trực thăng H-34 đưa Phạm Ngọc Thảo về Sài Gòn, “áp tải” là đích thân Trưởng ty Cảnh sát Biên Hòa Dương Đình Đôi. Khi băng ca bị khiêng đi, Phạm Ngọc Thảo nhìn thoáng qua ông Roanh, cái nhìn như thay vạn lời nói.

Ngày 17-7-1965, báo chí đưa tin Đại tá Phạm Ngọc Thảo chết tại Cục An ninh quân đội (số 8 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn).

Thanh Thúy

Tin xem nhiều