Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyến đi rừng thú vị

07:02, 24/02/2018

"Tại sao gọi là cây gõ Bác Đồng?", "Cây bằng lăng 5 ngọn có gì đặc biệt?", "Gấu ngựa và gấu chó khác nhau ra sao?", "Hồng hoàng là loài chim như thế nào?", "Đây là bộ xương của con tê giác một sừng cuối cùng rồi ư?"…

“Tại sao gọi là cây gõ Bác Đồng?”, “Cây bằng lăng 5 ngọn có gì đặc biệt?”, “Gấu ngựa và gấu chó khác nhau ra sao?”, “Hồng hoàng là loài chim như thế nào?”, “Đây là bộ xương của con tê giác một sừng cuối cùng rồi ư?”…

Giáo viên, học sinh Trường THPT Thanh Bình nghe kiểm lâm viên chia sẻ về cây tung có bộ rễ khổng lồ.
Giáo viên, học sinh Trường THPT Thanh Bình nghe kiểm lâm viên chia sẻ về cây tung có bộ rễ khổng lồ.

Hàng loạt thắc mắc được các học sinh của Trường THPT Thanh Bình (huyện Tân Phú) đặt ra trong chuyến đi thực tế tìm hiểu về đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Cát Tiên.

* Hơn 10km trải nghiệm với rừng xanh

Chuyến đi do Trường THPT Thanh Bình tổ chức cho hơn 150 học sinh khối 11 và giáo viên tham gia. Lộ trình kéo dài hơn 10km ven bìa rừng, trong đó có gần 3km đi bộ xuyên rừng để học sinh trực tiếp ghi nhận, chụp ảnh và thu thập thông tin về các cây gỗ quý, các loại nấm, dây leo… đặc trưng của thảm thực vật ở Vườn quốc gia Cát Tiên.

Các học sinh háo hức khi tận mắt thấy chú vượn nhảy, leo trèo ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
Các học sinh háo hức khi tận mắt thấy chú vượn nhảy, leo trèo ở Vườn quốc gia Cát Tiên.

Khi đến cây tung đại thụ ngàn năm tuổi, nhiều học sinh không khỏi trầm trồ về độ khổng lồ của bộ rễ cây. Càng đi sâu vào rừng, không khí càng trong lành, mát mẻ khiến cho chuyến đi thêm phần hào hứng.

“Đây là lần đầu tiên em được đi bộ xuyên rừng như thế này. Lúc đầu đi cũng hơi mệt, sau quen dần với không khí của rừng xanh nên càng đi em càng thấy vui và hăng hái” - em Dương Phạm Duy Khang, học sinh lớp 11A2, chia sẻ.

Đến với cây bằng lăng một gốc nhưng có tới 5 ngọn cao vút lên không trung, nhiều em tỏ ra tiếc nuối sau khi nghe kiểm lâm viên chia sẻ thông tin trước đây cây bằng lăng này có tới 6 ngọn nhưng sau này 1 ngọn bị mục nên đã ngã đổ. Cách đó không xa là cây gõ to hơn 700 năm tuổi cao gần 40m, nhiều học sinh ngạc nhiên khi biết cây có tên “cây gõ Bác Đồng”.

Đây còn là dịp để học sinh giao tiếp với người nước ngoài.
Đây còn là dịp để học sinh giao tiếp với người nước ngoài.

Anh Vũ Văn Khôi, đội phó đội Kiểm lâm cơ động của Vườn quốc gia Cát Tiên, cho biết: “Cây gõ này thuộc loài gõ đỏ. Vào ngày 12-2-1988, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm cây gõ đại thụ này. Để kỷ niệm và nhắc nhở các thế hệ sau về trách nhiệm bảo tồn, Vườn quốc gia Cát Tiên đã đặt tên là cây gõ Bác Đồng”.

Sau khi đi bộ xuyên rừng, các em còn được tìm hiểu về rừng hỗn giao, vườn thú, chuồng nuôi gấu ngựa và gấu chó, thăm khu vực nuôi chim hồng hoàng - một loài chim lớn quý hiếm ở Cát Tiên, tham quan phòng trưng bày tiêu bản các loài động vật đặc trưng, như: tê giác một sừng, bò tót, khỉ mặt đỏ…

Học sinh tò mò với cây gõ Bác Đồng.
Học sinh tò mò với cây gõ Bác Đồng.

 “Em khá bất ngờ khi được xem tận mắt bộ xương tê giác một sừng cuối cùng ở Việt Nam. Ngoài ra, em còn được mục sở thị những loài động vật mà trước đây em chỉ biết qua sách vở, như: gấu ngựa, gấu chó, vượn, các loài chim quý…” - em Phạm Như Thể, học sinh lớp 11A9, nói.

* Nâng cao ý thức với thiên nhiên

Ở mỗi địa điểm, các học sinh đều được nghe hướng dẫn viên của Vườn quốc gia Cát Tiên và các giáo viên Tổ Sinh học - công nghệ của nhà trường giới thiệu, chia sẻ thông tin, kiến thức và hướng dẫn các kỹ năng đi rừng.

Giáo viên môn Sinh học của Trường THPT Thanh Bình giải thích những lý thuyết về đa dạng sinh học, hệ sinh thái ngay tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Giáo viên môn Sinh học của Trường THPT Thanh Bình giải thích những lý thuyết về đa dạng sinh học, hệ sinh thái ngay tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

“Đây là lần thứ 2 em đến Vườn quốc gia Cát Tiên. Lần này, em thấy thú vị và bổ ích hơn nhiều vì em có nhiều điều kiện, thông tin để hiểu thêm về các loại cây rừng. Qua đó, em có thêm kiến thức thực tế, hiểu được sự quý giá của rừng và nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên” - em Lã Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 11A1, hào hứng chia sẻ.

Cô Nguyễn Lý Phương Anh, Tổ phó Tổ Sinh học - công nghệ của trường, cho biết chuyến đi nằm trong hoạt động thực tế sinh thái ở môn sinh học, môn nghề trồng rừng trong chương trình giáo dục phổ thông. Sau chuyến đi, học sinh sẽ làm bài thu hoạch về thảm thực vật, đa dạng sinh học, nêu cao nhận thức về rừng, môi trường tự nhiên… Chuyến dã ngoại này các em còn có dịp trau dồi khả năng giao tiếp với những du khách, chuyên gia người nước ngoài đến tham quan và làm việc tại Vườn quốc gia Cát Tiên, tham quan các cảnh đẹp, như: Bến Cự, thác Trời… 

Một số đoạn đường phải đi bộ qua những bãi đá trơn trượt. Ảnh: H.Quân
Một số đoạn đường phải đi bộ qua những bãi đá trơn trượt. Ảnh: H.Quân

“Chuyến đi còn là dịp để học sinh phát huy tinh thần đoàn kết, kỹ năng mềm, tham gia các trò chơi vận động tập thể, cũng như được hướng dẫn một số kỹ năng đi rừng cơ bản” - thầy Tạ Duy Bình, giáo viên phụ trách chuyến đi, nói.

Anh Nguyễn Văn Tâm, hướng dẫn viên du lịch ở Vườn quốc gia Cát Tiên, chia sẻ: “Hoạt động này cần được phát huy, nhân rộng để góp phần giới thiệu những đặc trưng về rừng ở địa phương, nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường xung quanh cho giới trẻ”.

Tổ chức hoạt động ngoại khóa thường niên

Cô Dương Thị Hoàn, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình, cho biết: “Đây là hoạt động thường niên của nhà trường, đã được tổ chức gần 15 năm nay. Mục đích chính của chuyến đi là giúp học sinh có điều kiện tham quan thực tế, tìm hiểu về thảm thực vật ở địa phương. Từ đó, giáo dục, trau dồi thêm kiến thức thực tiễn về rừng, đa dạng sinh học. Đặc biệt là nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cho học sinh. Kinh phí tổ chức các hoạt động này là do nhà trường và phụ huynh cùng đóng góp. Trước chuyến đi, nhà trường đã tiền trạm, thiết kế lịch trình đi theo các nhóm phù hợp, an toàn và phối hợp với Vườn quốc gia Cát Tiên bố trí các hướng dẫn viên, giáo viên đồng hành cùng học sinh trong suốt lịch trình”.

Hải Quân

Tin xem nhiều