Gần cuối năm, miền Bắc và khúc ruột miền Trung liên tiếp hứng chịu những cơn bão mạnh làm cho ruộng đồng, bè cá tan hoang; còn dân miền Tây Nam bộ thì vào lúc nông nhàn. Cho nên, nhóm thợ hồ của ông Trần Vương (tỉnh Phú Yên); nhóm mua bán ve chai của bà Lệ Thủy (tỉnh Thanh Hóa)... bôn ba đến Đồng Nai tìm việc mưu sinh.
Gần cuối năm, miền Bắc và khúc ruột miền Trung liên tiếp hứng chịu những cơn bão mạnh làm cho ruộng đồng, bè cá tan hoang; còn dân miền Tây Nam bộ thì vào lúc nông nhàn. Cho nên, nhóm thợ hồ của ông Trần Vương (tỉnh Phú Yên); nhóm mua bán ve chai của bà Lệ Thủy (tỉnh Thanh Hóa)... bôn ba đến Đồng Nai tìm việc mưu sinh.
Những người thợ hồ quê tỉnh Phú Yên đang gấp rút hoàn thành công trình để bàn giao cho gia chủ. |
Căn nhà hàng xóm Trân sát vách nhà ông Chín Giàu đang gấp rút thi công để kịp bàn giao khi năm cũ kết thúc. Nhóm thợ hồ của ông Vương tranh thủ thi công cả ngày lẫn đêm để kịp bàn giao, sau đó cùng nhau đón chuyến xe khách về quê ăn tết với gia đình. Dù cật lực làm xuyên suốt gần 2 tháng nay và ăn ngủ luôn tại công trình, nhưng nhóm thợ hồ của ông Vương vẫn chưa thấy đuối sức.
* Nơi công trình gấp rút…
Đôi tay xách hồ, chuyển gạch, đá chai sần, da mặt rám nắng, nhưng Huỳnh Sĩ Dân (18 tuổi) vẫn giữ được nụ cười hồn nhiên cho biết anh ở huyện Đông Hòa (tỉnh Phú Yên). Học hết lớp 10, Dân nghỉ học, ở nhà phụ việc ruộng đồng cùng cha mẹ nuôi 2 em ăn học. Vì năm nay quê nhà mưa bão nhiều nên ít việc làm thuê, Dân đành theo nhóm thợ hồ của ông Vương vào miền Nam phụ hồ kiếm chút ít tiền xài tết.
Thêm một mùa xuân nữa lại về, những người tha phương làm thuê mà chúng tôi đã gặp trên những công trình, ruộng mía, rẫy thuốc lá... có thêm một địa chỉ mới để hẹn mùa xuân sau quay lại. Ngày xuân với họ cũng nhiều nỗi niềm và khát khao, nhưng điều lớn nhất vẫn là tình người, tình đồng hương san sẻ ngọt bùi nơi đất khách, để sau này họ quay lại và bắt đầu công việc khi ngày xuân kết thúc. |
Gần 1 tháng làm công trình xây dựng ở tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh, Dân và nhóm thợ hồ cùng quê được ông Vương dẫn về KP.2, phường Hòa Bình làm nhà cho ông Trân. Công trình khởi công đúng vào dịp mưa bão cuối năm nên cả nhóm thợ bị ướt như chuột bên công trình nhếch nhác khi hết giờ làm. Mẹ con ông Chín Giàu thấy tội cho họ nên lấy mấy tấm bạt của gia đình ra cho họ che tạm chỗ ở. Rồi mẹ con ông Chín Giàu chỉ cho nhóm thợ hồ trẻ chỗ mua nước đá, đồ ăn rẻ, ngon, no của bà Chín Mắm, ông Tài... trong khu phố.
Ông Chín Giàu tâm sự vì thương nhóm thợ hồ của ông Vương sống tạm bợ bên công trình xây dựng nên đã tận tình giúp đỡ. Ông cũng dặn dò nhóm thợ hồ giữ gìn vệ sinh nơi thi công, sinh hoạt hòa nhã để tránh xung đột với thanh niên địa phương.
Là phận nữ duy nhất trong nhóm thợ hồ có mặt tại công trình, chị Nguyễn Thị Thân (27 tuổi) cho hay chị và chồng gửi 2 con nhỏ cho ông bà ở quê trông để theo xe cùng nhóm thợ hồ: Phúc, Hải, Kiệt... vào TP.Biên Hòa làm hồ. Công trình làm xong, nếu cận ngày tết mà vợ chồng chị không mua được vé xe thì cả 2 sẽ đi xe máy về quê ăn tết. “Bằng mọi giá vợ chồng tôi cũng phải về quê ăn tết cùng ông bà và 2 con” - chị Thân thổ lộ.
Lần đầu tiên xa nhà đi làm phụ hồ, anh Nguyễn Thành Phúc (19 tuổi) lóng ngóng trong công việc lẫn sinh hoạt. Cho nên, chị Thân và Dân phải kèm cặp, chỉ bày Phúc mọi chuyện.
Phúc khoe nhờ vậy mà anh bớt nhớ nhà, xong công trình có vài triệu đồng để về quê vui tết. “Tết năm nay, lần đầu tiên tôi có tiền triệu để trong túi tiêu xài và gửi cha mẹ lo tết. Ăn tết xong, nếu quê nhà không có việc, tôi tiếp tục theo mọi người vào Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh phụ hồ” - Phúc nói.
* ...Và ở rẫy vườn
Nắng trưa trên cánh đồng chói chang, nhóm thợ chặt mía thuê cho chủ mía Hai Thành (ở ấp 4, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) toàn thân che kín mít, chỉ chừa đôi mắt để nhìn.
Những người Kh’mer làm thuê cho các chủ rẫy thuốc lá ở ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiêm (huyện Thống Nhất) ngày cận tết. |
Mồ hôi nhễ nhại, chị Khương Minh (quê tỉnh Trà Vinh) nghiêng mình theo cây mía vừa được chặt hạ cho hay nhóm làm công của chị có 10 người. 3 năm nay, cả nhóm bám rẫy mía của ông Hai Thành làm thuê. Rẫy mía của ông Hai Thành thu hoạch xong thì cả nhóm tiếp tục đi chặt mía thuê cho các rẫy khác.
Mỗi lần di chuyển sang vườn rẫy khác làm thuê, nhóm của chị Minh phải mất nửa buổi di chuyển lều trại. Mọi người thường chọn những nơi cao ráo, thuận tiện về nước, điện sinh hoạt để dựng chòi. Làm theo nhóm nên công việc của chị Minh kéo dài liên tục 10 ngày, nửa tháng mới nghỉ xả hơi. Vì làm ăn theo sản phẩm nên dù mệt, chị Minh vẫn cố gắng làm để có thật nhiều tiền về quê khi mùa thu hoạch mía kết thúc.
Cách rẫy mía ông Hai Thành không xa, ruộng mía của ông Trần Lương đang ngã rào rào bởi những nhát dao chặt của nhóm thợ chặt mía thuê Thạch Nia (quê tỉnh Sóc Trăng).
Ông Nia bộc bạch gần chục năm nay nhóm của ông bám chủ rẫy ở các xã: Sông Nhạn, Xuân Quế và Cẩm Đường (huyện Cẩm Mỹ) làm thuê nên quen thuộc đường đi nước bước. Nhóm thợ do ông chỉ huy làm liên tục từ cuối tháng 11 đến gần tết mới tạm nghỉ. Người nào có việc thì tranh thủ về quê nhà vui tết vài ngày cùng gia đình rồi lên; nếu không cứ làm cho đến khi nào công ty mía đường thông báo tạm ngưng mua mía mới nghỉ.
Năm nay thuốc lá mất mùa nên nhóm người Kh’mer làm thuê ở ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) phải tranh thủ nhận thêm công việc hái tiêu, chặt chuối thuê cho các chủ rẫy quanh vùng. Vì vậy, gần như ngày nào họ cũng có việc để làm. Không bị thất nghiệp trong dịp tết, đồng nghĩa với việc họ có thu nhập ổn định.
Ông Thạch Lâm (quê tỉnh Vĩnh Long) tâm sự nhóm người làm thuê của ông, nếu có việc vẫn ở lại làm và ăn tết luôn ở đây. Mọi người không về quê vì cố gắng làm nhằm kiếm thật nhiều tiền để tháng 3 âm lịch về quê đón tết Chol Chnăm Thmay của người Kh’mer.
Đôi mắt thâm quầng của ông Thạch Tú và chị Thạch Thị Mai (quê tỉnh Trà Vinh) mà chúng tôi gặp nơi rẫy tiêu của ông Năm Hận (ở ấp Tân Phát, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) vì đêm thức làm thuốc, ngày nhận việc hái tiêu thuê như chất đầy vất vả. Nhất là chất giọng lơ lớ của chị Mai rất chân chất: “Không làm thì lấy gì mà ăn. Tết thường ăn nhiều, tiêu nhiều nên những ngày cận tết phải làm nhiều hơn so với ngày thường mới không bị nợ nần”.
Ngày tết càng cận kề, không khí lao động trên các công trình, vườn rẫy của những người xa xứ làm thuê chộn rộn niềm vui và cả nỗi nhớ nhà. Họ vui vì công việc kết thúc sớm, người làm công sẽ được giới chủ thưởng thêm chút ít tiền công, vé xe về quê hoặc buổi tiệc nho nhỏ chia tay. Lòng chộn rộn nhớ nhà vì sau mấy tháng liên tục xa nhà mưu sinh, mọi người sẽ có một khoản tiền kha khá mang về sắm sửa ngày tết, trang trải nợ nần.
Đoàn Phú