Làng gốm Tân Vạn (nay thuộc khu vực các phường - xã: Tân Vạn - Bửu Hòa - Hóa An, TP.Biên Hòa) làm gốm đất đen từ khi hình thành nên vùng đất Biên Hòa (thế kỷ 19) với đặc thù bám sát bờ sông Đồng Nai, sản phẩm được mua bán, chuyên chở bằng ghe.
Làng gốm Tân Vạn (nay thuộc khu vực các phường - xã: Tân Vạn - Bửu Hòa - Hóa An, TP.Biên Hòa) làm gốm đất đen từ khi hình thành nên vùng đất Biên Hòa (thế kỷ 19) với đặc thù bám sát bờ sông Đồng Nai, sản phẩm được mua bán, chuyên chở bằng ghe. Nhiều năm trở lại đây, khi khách hàng chú ý đến các vật dụng sinh hoạt gia đình và đồ trang trí bằng chất liệu khác thì những hộ làm gốm nơi đây tưởng chừng đã “tắt lửa”.
Sản phẩm gốm dân dụng được chất thành từng tầng chờ khách đến mua. |
Đến nay, chỉ còn rất ít hộ tại phường Tân Vạn còn duy trì nghề thủ công truyền thống này.
* Quen mùi đất
Đi lên cầu Bửu Hòa hoặc đi dọc đường Bùi Hữu Nghĩa, từ cầu Bửu Hòa đến hết địa phận phường Tân Vạn, nếu chú ý kỹ sẽ thấy một số hộ dân ven đường, sau những bức tường cũ kỹ với ống khói cao ố đen, chất hàng tầng sản phẩm gốm đất đen, như: lu, khạp…
Ông Hồng Văn Chính cho hay gốm đất đen được làm bằng đất sét, nung bằng củi được sắp xếp đều đặn, nhờ nhiệt độ cao trong thời gian 3-4 ngày để tạo ra màu đen đặc trưng. Điều đó không thể có được khi nung bằng lò gas hay dùng hóa chất thay thế. |
Ông Hồng Văn Chính (47 tuổi, ngụ phường Tân Vạn) là một trong số ít ỏi những thợ nặn gốm cuối cùng còn tâm huyết ở lò gốm Kim Lan. Học nghề từ năm 20 tuổi, ông Chính cho biết để thành thợ lành nghề không phải cứ truyền đời hay có tố chất sẽ giỏi mà phải qua rèn luyện, tập làm từ các bước cơ bản.
Trong cái nóng hầm hập từ lò nung và buổi trưa tháng 1, ông Chính nhào nặn những vốc đất bằng cả cơ bắp lẫn sự khéo léo của đôi tay 27 năm kiếm sống nhờ đất. Chẳng mấy chốc, từ tảng đất vô tri, cái lu, cái khạp đã hình thành; lớn có, nhỏ có, đầy đủ hoa văn mà không cần khuôn mẫu nào.
“Bây giờ đâu còn như thời cha, ông tôi làm gốm nữa đâu, giờ có khuôn hết rồi, sản phẩm nào thích làm hoa tròn thì có khuôn hoa tròn, thích hoa xoáy có khuôn hoa xoáy. Đó cũng chính là sự khác biệt của thợ nặn với thợ in. Thợ in thì có mẫu, có khuôn, học vài bữa có thể làm được; còn với thợ nặn, làm được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Muốn thành thợ nặn làm được việc, nhanh cũng mất 1 năm, chậm thì vài năm; cũng có những người học hoài không thành nghề, bởi nặn đều và đẹp đòi hỏi mắt thẩm mỹ và phải truyền tình cảm bản thân vào đất. Vì vậy, hàng làm thủ công 100% có giá thành cao hơn và được chuộng hơn” - ông Chính chia sẻ.
Gần Cơ sở gốm Kim Lan, trong cái nóng của lò lửa nung gốm đang hừng hực tỏa ra, ông Lâm Lập (51 tuổi, ngụ phường Tân Vạn), một trong những “thợ lửa” hiếm hoi ở các lò gốm quanh đây, đang cởi trần, mặc quần lửng, làn da ngăm đen bóng nhẫy mồ hôi vì nóng nhưng không chút nào ngưng nghỉ, ông phải đi vòng các bầu nung, cứ 5 phút lại kiểm tra lửa/lần.
Ông Lập kể củi để nung gốm phải được chẻ thành các khối bằng nhau, xếp đều đặn, không được đổ; nếu củi không đều, lửa sẽ không đều, gốm ra lò sẽ bị cháy nám một bên. Mỗi lò duy trì lượng nhiệt khoảng 1.2000C trong vòng 4 ngày, cộng với 1 ngày xếp sản phẩm vào lò, 1 ngày chờ nguội và 1 ngày đưa ra lò, tổng cộng tròn 1 tuần để có một mẻ sản phẩm, không kể thời gian nặn. Thợ nặn và thợ lửa chính là 2 người quyết định sản phẩm như thế nào, vì người nặn nên hình hài, người kia biến những chậu đất thành các sản phẩm gốm cứng cáp, đạt yêu cầu.
“Nghề này cực ở chỗ suốt ngày tiếp xúc với lửa, liên tục uống nước nên vật không thể thiếu khi làm việc là ca nước đá giải nhiệt. Sau khi được truyền nghề, tôi làm riết rồi quen, đến nay theo nghề chắc cũng 30 năm có lẻ rồi. Không biết sau tôi có còn đứa nào trong nhà chịu theo nghề này không, bởi tụi nhỏ có điều kiện học hành, kiếm công việc tốt hơn, thu nhập ổn định hơn” - ông Lập tâm sự.
* Mòn mỏi gốm đất đen
Từng là khu vực có nhiều lò gốm và thợ giỏi nổi tiếng, nhưng nhiều năm nay, các lò gốm ở khu vực: Tân Vạn - Bửu Hòa - Hóa An dần “tắt lửa”, thợ giỏi chuyển nghề, lớp trẻ cũng không còn mặn mà với nghề truyền thống. Người tiêu dùng dần chọn những vật dụng trong nhà bằng vật liệu nhựa, hợp kim nhẹ nhàng, dễ vận chuyển nhiều hơn là gốm sứ nặng nề. Tiếp xúc với nghệ nhân các lò gốm đất đen Tân Vạn đến các lò gốm mỹ nghệ Bửu Hòa…, hầu hết chỉ còn nghe những cái chặc lưỡi tiếc nuối của những người cao tuổi địa phương khi nhắc đến quá khứ vàng son của gốm.
Công nhân vận chuyển gốm sau khi nung. |
Sau những thời điểm tưởng chừng không vượt qua được sự thay đổi của thị trường, nhiều hộ sản xuất gốm ở phường Tân Vạn đã tìm được hướng đi mới đó là gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Vẫn là gốm đất đen, vẫn nung bằng củi, được làm ra nhờ các bàn tay tài hoa, nhưng thay vì làm ra lu, khạp... phục vụ sinh hoạt gia đình, giờ đây các sản phẩm đó được chăm chút tỉ mỉ hơn để cung cấp cho những nhà hàng, khu du lịch… dùng để trang trí.
Bà Nguyễn Kim Lan (61 tuổi, chủ Cơ sở gốm Kim Lan ở KP.2, phường Tân Vạn) cho biết: “Cơ sở tôi từng làm gốm đất đen phục vụ tiêu dùng; lu, khạp đều là các mẫu mã truyền thống bao đời với cách làm cũ, khách hàng cũ. Còn bây giờ, cơ sở tôi làm các loại lu, chậu kích thước lớn và các sản phẩm gốm trang trí được làm rất tinh xảo, như: đèn, các loài động vật, ngói có hoa văn... Nhờ đó, lò gốm của tôi mới duy trì được và không bị đứt đoạn truyền thống gia đình bao đời”.
Tìm được thị trường mới, một số lò gốm ở Tân Vạn cũng thay đổi để vươn tới những khách hàng tiềm năng vì tất cả các chủ lò đều làm nghề gia truyền, ai cũng muốn giữ lại những gì được tổ tiên bao đời xây đắp. Tuy nhiên, khó khăn lại tiếp tục bủa vây vì kỹ thuật làm gốm đất đen phải nung bằng củi với hệ thống lò kiểu cũ, cách làm cũ, mà những lò này phải dần xóa bỏ vì ảnh hưởng đến môi trường, phải thay bằng lò kiểu mới. Nhiều hộ cũng thử dùng lò nung bằng gas hay dùng hóa chất, nhưng không ra được màu đen ưng ý, vốn làm nên tên tuổi của dòng gốm này.
“Nghe chúng tôi báo sản phẩm gốm đất đen có thể không còn sản xuất nữa, khách hàng rất buồn vì gốm tốt, đẹp, phù hợp với nhu cầu sử dụng. Chúng tôi cũng đau lòng lắm, nghề gia truyền mà, trải qua bao thăng trầm, chiến tranh tàn phá, các thế hệ trước truyền lại cho chúng tôi, giờ đâu phải nói bỏ là đóng cửa nghỉ ngang được. Mà lò gas không làm được gốm đất đen, chúng tôi phải loay hoay tìm giải pháp. Nhưng đâu chỉ gốm đất đen, gốm tráng men khi nung lò gas cũng cho màu men không như ý. Bởi vậy, nhiều lò gốm truyền thống ở đây cứ phải loay hoay tìm đường đi mới” - bà Mai Ngọc Nhi, đại diện Cơ sở gốm Phong Sơn, cho hay.
Đăng Tùng