Thuốc lá đã vào mùa thu hoạch, các nông dân Kh'mer vùng trồng thuốc lá ấp Võ Dõng 3 (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) mắt bắt đầu thâm quầng vì thức khuya mà ngày chẳng được ngủ bù. Ông Thạch Thương (quê tỉnh Trà Vinh) cho hay mới được nửa mùa thuốc lá mà ông đã gầy đi 2kg.
Thuốc lá đã vào mùa thu hoạch, các nông dân Kh’mer vùng trồng thuốc lá ấp Võ Dõng 3 (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) mắt bắt đầu thâm quầng vì thức khuya mà ngày chẳng được ngủ bù. Ông Thạch Thương (quê tỉnh Trà Vinh) cho hay mới được nửa mùa thuốc lá mà ông đã gầy đi 2kg. Thuốc lá năm nay được giá nhưng không được mùa nên ông Thương và những người bạn Kh’mer thuê đất trồng thuốc lá tiếc hùi hụi.
Bà Thạch Thị Danh (vợ ông Thạch Thu Ra) thu hoạch đám thuốc lá còn trụ vững với nắng, đá ngoài vườn rẫy. |
Mấy chục người dân Kh’mer ở đây đều trông chờ vào vụ thuốc lá cuối năm. Năm nào thuốc lá được mùa, được giá thì họ có được cái tết dư dả. Ông Thạch Thu Ra bộc bạch năm nay thời tiết bất thường nên rẫy thuốc của ông thiệt hại 7 phần, 3 phần còn lại khó giúp gia đình ông có cái tết vui vẻ.
* Tìm kế sinh nhai
Bên rẫy thuốc lá lưa thưa, ông Thương kể cha mẹ ông trước đây nhiều ruộng lắm, vì làm ăn thất bại nên đã bán hết ruộng. Vì vậy, cha mẹ ông không còn ruộng để chia cho ông và các anh em khi mọi người có vợ, có chồng.
Mùa xuân cũng là mùa thu hoạch thuốc lá của những người Kh’mer ở ấp Võ Dõng 3 nên ngày tết họ được dịp bên nhau nhiều hơn, để cùng nhau hái thuốc, xắt thuốc, phơi thuốc. Ông Thạch Thương cho biết trong số 60 hộ Kh’mer đồng hương của ông ở ấp Võ Dõng 3, chỉ có vài hộ mua được khu đất để sau này làm nhà ở. Số hộ còn lại đến ấp Võ Dõng 3 chỉ để lao động tích cóp ít tiền bạc rồi về lại quê hương sinh sống. |
Quê nhà không có đất, vào năm 2002 vợ chồng ông Thương theo dòng người Kh’mer miền Tây Nam bộ về ấp Võ Dõng 3 làm thuê, làm mướn để kiếm kế sinh nhai. Ngày đó, ông Thương còn sức trai tráng nên chỉ trong buổi sáng vác được 2 tấn chuối từ đồi rẫy ra xe tải và được trả công 35 ngàn đồng. Có hôm vì ham tiền, ham việc, ông vác được thêm một “cuốc” nữa nên số tiền công được chủ rẫy trả gấp đôi.
Một ngày làm cỏ, dọn rẫy thuê lúc đó chỉ được chủ rẫy trả công 15 ngàn đồng. Hôm nào không có ai thuê vác chuối thì ông Thương và vợ đi làm cỏ, dọn rẫy, hái tiêu, thuốc lá lấy tiền công.
Thấy vợ chồng ông Thương hiền lành, chịu khó nên ông Ba Dũng (một người dân địa phương) gợi ý cho vợ chồng ông thuê 1,6 hécta đất rẫy của gia đình để trồng tỉa chỉ với giá 6 triệu đồng/năm.
Lúc đó, mới chân ướt chân ráo đến ấp Võ Dõng 3 làm thuê nên vợ chồng ông Thương chưa có đủ 6 triệu đồng trả tiền thuê đất trong năm đầu cho chủ rẫy Ba Dũng. Tuy vậy, ông Ba Dũng vẫn cảm thông cho nợ đến vụ bắp, thuốc lá cuối năm, làm cho vợ chồng ông Thương mừng như ngày nào cũng có người thuê ông đi vác chuối thuê.
Cái chòi rẫy thấp lè tè của vợ chồng ông Thu Ra cách chòi rẫy của vợ chồng ông Thương con đường đất. Vợ chồng ông Thu Ra và các hộ Kh’mer đồng hương tỉnh Trà Vinh, như: Thạch Mắc Ca Ra, Thạch Hai, Thạch Linh... đến đây cùng đợt với vợ chồng ông Thương và mọi người đều có điểm xuất phát chung là ai thuê gì làm đó để kiếm kế sinh nhai.
Vợ chồng ông Thu Ra phải làm thuê, làm mướn cho dân địa phương mất 3 năm mới dành dụm đủ tiền thuê được rẫy trồng thuốc lá.
Ông Thu Ra thổ lộ, người Kh’mer tỉnh Trà Vinh vốn có tay nghề, kỹ thuật trồng thuốc lá nên khi đến ấp Võ Dõng 3 mọi người đều khát khao thuê được khu rẫy tốt với giá rẻ trồng thuốc lá, để cuối năm có dư chút đỉnh tiền.
Cũng vì dân Kh’mer tỉnh Trà Vinh và các tỉnh khác về ấp Võ Dõng 3 thuê đất trồng thuốc lá nhiều nên các chủ rẫy ở đây ngày càng tỏ ra khó tính trong việc lựa chọn người thuê và nâng giá tiền thuê rẫy. Dù trầy trật qua các vụ trồng thuốc lá, những người bạn Kh’mer của ông Thương vẫn cố bám trụ. Năm nào thuốc lá được mùa hay mất mùa, họ vẫn không quên công việc đi làm thuê, làm mướn nhằm tích trữ, dự phòng cho năm sau.
* Mùa thuốc lá đến
Tiết trời đã vào xuân, số thuốc lá còn sót lại ở các rẫy thuê của nông dân Kh’mer ấp Võ Dõng 3 vẫn mãnh liệt hút sương đêm tô màu xanh cho lá.
Vào mùa thu hoạch thuốc lá, người Kh’mer ở ấp Võ Dõng 3 thường thức thâu đêm bên nhau nên nghĩa tình đồng hương càng thắt chặt. |
Ôm chục bó thuốc lá cố mót được trong buổi sáng vào chòi, ông Thu Ra cho biết năm nay 1,4 hécta thuốc lá ở khu rẫy đồi đá Sók Lu (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) ông thuê xem như mất trắng. Do đó, vợ chồng ông chỉ còn trông đợi vào mấy sào thuốc lá ở ấp Võ Dõng 3.
Dù thuốc lá mất mùa, ông Thu Ra và nhóm bạn Kh’mer trồng thuốc lá ở Võ Dõng 3 vẫn giữ đúng lời hứa, cùng nhau chung tiền rước thợ xắt thuốc Tư Vẹn (quê tỉnh Đồng Tháp) về xắt cho mình. Thuốc lá ở rẫy của các ông: Thương, Hai, Thu Ra, Mắc Ca Ra... thu hoạch về mỗi đợt ủ không nhiều, nên ngày công của thợ xắt thuốc Tư Vẹn và những người phụ việc bị giảm mấy phần so với năm rồi. Tuy vậy, mắt của ông chủ rẫy, người làm công và thợ xắt thuốc đều thâm quầng vì thức khuya.
Thợ xắt thuốc Tư Vẹn thổ lộ thu nhập giảm vì lượng thuốc xắt giảm, nhưng các chủ rẫy thuốc lá vẫn thực hiện tốt lời giao kèo bất thành văn: bao ăn ở và chi phí xe cộ cho thợ xắt. May sao, thuốc lá năm nay được giá nên các chủ rẫy cũng không đến nỗi trắng tay.
Đúng như lời thợ xắt thuốc Tư Vẹn: “Đã bao mùa thuốc lá trôi qua, năm nào chúng tôi cũng ghé thăm nhóm bạn Kh’mer của ông Thương đều nghe họ than thở thất mùa; nhưng cuối vụ tổng kết lại thành quả thì tất cả đều cười hả hê nói rằng có lời chút ít và sang năm lại tiếp tục thuê rẫy trồng thuốc lá”.
Mùa thuốc lá đã qua nửa chặng đường (thu hoạch từ tháng 11 đến tháng Giêng âm lịch), đám trẻ Kh’mer ở ấp Võ Dõng 3 cũng tranh thủ ngày nghỉ học ra rẫy phụ giúp cha mẹ hái thuốc, hoặc tối lại lăng xăng bên người lớn để chờ được ăn bữa cháo đêm. Riêng đám bạn của ông Thương có dịp tụ họp nhau ngồi uống trà, uống ly rượu, làm đổi công cho nhau từ sáng đến tối. Bởi vậy, câu chuyện về giá thuốc, rẫy tốt, rẫy xấu, ai còn đất trống cho thuê... được những người bạn Kh’mer của ông Thương bàn luận mãi không dứt.
Đoàn Phú