Bạn bè của tôi, nhiều người từng đặt chân đến Paris nhưng do công việc quá bận rộn nên không có thời gian chụp hình kỷ niệm tại tháp Eiffel. Tôi là người thực tế, dù muộn màng, nhưng nay có dịp đến Paris tôi vẫn mong muốn phải được nhìn tận mắt, sờ tận tay công trình vĩ đại này.
Bạn bè của tôi, nhiều người từng đặt chân đến Paris nhưng do công việc quá bận rộn nên không có thời gian chụp hình kỷ niệm tại tháp Eiffel. Tôi là người thực tế, dù muộn màng, nhưng nay có dịp đến Paris tôi vẫn mong muốn phải được nhìn tận mắt, sờ tận tay công trình vĩ đại này.
Chúng tôi theo đoàn, tập trung đầy đủ dưới chân tháp Eiffel đợi người hướng dẫn liên hệ lấy vé vào tham quan. Nhìn thấy cảnh hàng ngàn, hàng vạn người xếp hàng rồng rắn dưới 4 chân tháp mà ngán, có người thấy đám đông như vậy ngại mất nhiều thời gian chờ đợi nên đã có ý kiến bàn ra. Hướng dẫn đoàn cho biết do tour đã đặt vé trước và được định giờ vào thang máy để lên tháp ngắm toàn cảnh thành phố Paris, vì thế có hủy chuyến cũng không lấy lại tiền được. Tốt hết là cứ đi để biết, để trải nghiệm.
* Tòa tháp 4 tầng tráng lệ
Sau hơn một tiếng đồng hồ chờ đợi dưới chân tháp, cuối cùng chúng tôi cũng theo hàng lối vào khu vực kiểm tra an ninh trước khi bước vào thang máy để lên tháp.
Chiều cao nguyên bản của công trình là 300m nếu theo đúng thiết kế, nhưng cột ăng ten trên đỉnh đã giúp tháp Eiffel đạt tới độ cao 325m. Tháp Eiffel được chia thành 4 tầng. Tầng một là vị trí chân tháp. 4 chân của tháp Eiffel tạo thành một hình vuông lớn có cạnh 125m. Phần bê tông đổ móng chân cột tháp ở 4 góc, mỗi chân cột có cạnh là 25m vì thế diện tích sàn tầng một rộng như một quảng trường. 4 góc tháp đều có 4 trạm thang máy và đủ chỗ cho hàng ngàn du khách xếp hàng chờ đợi. Không những thế, nơi đây còn bố trí nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, các tiệm cà phê, nước giải khát và nhiều loại thức ăn nhanh...
Nước Pháp là quốc gia đón lượng khách quốc tế nhiều, nhưng tháp Eiffel chỉ thu hút du khách xếp thứ 2 sau Nhà thờ Đức Bà Paris. Lý do thu phí và thời gian xếp hàng mua vé cũng làm giảm bớt một số lượng lớn khách đến đây. |
Ở độ cao 57m so với mặt đất, tầng 2 của tháp Eiffel có diện tích 4.200m², mang hình vuông tương đối và có thể chứa khoảng 3 ngàn người. Ở độ cao 115m, tầng 3 của tháp Eiffel có diện tích 1.650m2 có thể chứa khoảng 1.600 người. Tầng 3 được xem là tầng lý tưởng nhất để ngắm nhìn Paris. Độ cao của tầng đạt mức tối ưu đối với các công trình xung quanh.
Tầng 4 nằm ở độ cao 275m so với mặt đất, diện tích 350m², có thể đón tiếp khoảng 400 du khách vào cùng một thời điểm.
Giá vé lên mỗi tầng trên tháp Eiffel khác nhau, càng lên cao càng đắt tiền. Trừ những khách VIP, đa số du khách mua vé tham quan ở tầng 2. Đoàn chúng tôi theo mọi người lên thang máy và dừng lại ở tầng 2. Cầm chiếc vé màu đen, kích thước lớn hơn bao diêm một chút, có in hình tháp Eiffel không ai có thể ngờ rằng với tấm vé nhỏ nhoi như vậy với giá lên tầng 2 là 11€ (khoảng 250 ngàn đồng).
Tôi dọc theo hành lang bao quanh tầng 2, tại đây mọi người được thỏa sức chụp hình, ngắm nhìn toàn cảnh 360° của thành phố Paris. Trên hành lang có trang bị các kính viễn vọng cùng chỉ dẫn giúp du khách quan sát các công trình của thành phố.
* Công trình vĩ đại
Hơn 100 năm nay, hình ảnh nước Pháp và thủ đô Paris gắn liền với tháp Eiffel. Người ta không thể hình dung Paris mà lại không có tháp Eiffel.
Được xây dựng năm 1889, để phục vụ triển lãm quốc tế, tháp Eiffel là kỳ đài đã gây ra nhiều tranh luận nhất ở Paris. Không một người dân Paris nào sống vào cuối thế kỷ 19 lại có thể thờ ơ với sự xuất hiện của tháp Eiffel.
Để thực hiện ý tưởng trên, nước Pháp cho phép xây dựng một tháp bằng sắt, cao 300m ở Quảng trường Tháng Ba (Champ de Mars) bên bờ sông Seine. Trong số 700 đề án thiết kế được gửi đến, người ta chỉ giữ lại 3 đề án để xem xét. Cuối cùng đề án của Gustave Eiffel đã được chấp thuận.
Đa số người trong giới văn học nghệ thuật giận dữ vì e rằng công trình đồ sộ sắt thép này sẽ là một vết đen trên bầu trời Paris. Trong khi đó, Eiffel thốt lên hào hứng: nước Pháp là quốc gia duy nhất có cột cờ cao hơn 300m. Thật vậy, vào thời kỳ đó, tượng đài cao nhất ở Washington cũng còn thấp hơn tháp Eiffel đến 125m.
Ban đầu Gustave Eiffel dự kiến sẽ thi công trong 12 tháng. Thế nhưng thời gian thực tế đã kéo dài gấp đôi. Việc xây dựng được bắt đầu vào ngày 28-1-1887 và kết thúc tháng 3-1889, vừa vặn trước khi chính thức mở cửa triển lãm thế giới.
Năm 1996, Viện SOFRES, cơ quan điều tra xã hội của Pháp, thực hiện một cuộc điều tra ở 6 nước trên thế giới từ 15-3 tới 2-4 tại Ý, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ và Nhật. Với câu hỏi “Bạn hãy nêu 3 công trình châu Âu mà bạn biết, dù chỉ cái tên”. Tháp Eiffel đứng đầu trong kết quả tại cả 6 quốc gia. Các công trình nổi tiếng khác của Paris, như: Khải Hoàn Môn, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Louvre và lâu đài Versailles cũng đạt được thứ hạng cao. Theo các ý kiến trong cuộc điều tra, tháp Eiffel còn là biểu tượng cho châu Âu và là công trình được những người trả lời thăm nhiều nhất. |
Trong gần 25 tháng xây dựng tháp Eiffel, rất nhiều người Paris đến xem xây dựng công trình kỳ lạ này, và luôn luôn nghi ngại rằng có một ngày nào đó tháp này có thể đổ xuống đầu họ. Hơn thế, cứ 7 năm lại phải dùng đến 50 tấn sơn và 40 ngàn giờ lao động để sơn lại tháp.
Sau khi hoàn thành, ngoài việc thời gian thi công tăng gấp đôi, chi phí xây dựng của tháp Eiffel vượt 1,5 triệu franc so với dự tính ban đầu 6,5 triệu franc.
Theo văn bản, ngày 8-1-1887, trong thời gian triển lãm thế giới năm 1889, tháp Eiffel là tài sản của nhà nước Pháp, còn từ sau triển lãm, quyền sở hữu sẽ thuộc về chính quyền thành phố Paris. Theo thỏa thuận này, Gustave Eiffel được đứng tên khai thác các lợi ích của công trình và được hưởng lãi từ hoạt động kinh doanh tháp Eiffel trong vòng 20 năm, từ 1-1-1890. Ngay sau 1 năm đầu tiên, tiền thu phí tham quan đã đem về 5 triệu franc. Sau này với việc đầu tư biến tháp Eiffel trở thành nơi thực hiện các thí nghiệm khoa học và đặt trạm phát sóng, Gustave Eiffel đã kéo dài quyền khai thác tháp thêm 70 năm, tính từ ngày 1-1-1910.
Tầng 4 của tháp còn có căn phòng với các bức tượng sáp thể hiện cảnh Gustave Eiffel đón tiếp Thomas Edison, người đã đến thăm tháp vào 10-9-1889. Trên đỉnh tháp, 1 cột thu phát sóng được lắp vào năm 1957, hoàn thành năm 1959, phủ sóng analog cho một vùng khoảng 10 triệu gia đình. Ngày 17-1- 2005, thiết bị được nâng cấp thành đài phát truyền hình kỹ thuật số mặt đất đầu tiên của Pháp với 116 ăng ten cho cả truyền hình và truyền thanh. Chiếc ăng ten thứ 116 đã nâng chiều cao của tháp từ 324m lên 325m.
Tháp Eiffel trở thành biểu tượng của Paris và nước Pháp, một trong những công trình nổi tiếng nhất thế giới. Bắt đầu từ những thập niên cuối của thế kỷ 20, Champ de Mars cùng tháp Eiffel là nơi tổ chức các lễ hội, các buổi hòa nhạc của thành phố.
Tạm biệt ngọn tháp Eiffel ra về. Lần đầu tiên đến đây được nhìn ngắm một kỳ quan vĩ đại, chúng tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên một con người đã làm rạng rỡ Paris và thế giới: Alexandre Gustave Eiffel (15-12-1832 - 27-12-1923) là một kỹ sư kết cấu, nhà thầu, một nhà chuyên môn về các kết cấu kim loại người Pháp và là một nhà khí tượng học. Ông không chỉ nổi tiếng vì đã thiết kế tháp Eiffel tại Paris mà còn làm cốt cho bức tượng thần Tự do ở cảng New York, Hoa Kỳ.
Không những thế, Eiffel và công ty của ông ngay từ những năm 1898 còn tham gia xây dựng rất nhiều công trình ở Đông Dương và Việt Nam, nhất là những chiếc cầu sắt trên hệ thống đường sắt Bắc Nam ở Việt Nam, những nhà chợ vòm sắt lớn, các nhà kho, bến cảng Nhà Rồng, cảng Sài Gòn và nhà Bưu điện Sài Gòn...
Hoàng Đình Nguyễn