"Gia đình tôi ai cũng tham gia chế biến chuối chiên, chuối sấy. Với 2 bếp điện và 6 bếp củi, mỗi ngày gia đình tôi sản xuất khoảng 4-5 tấn chuối, xuất đi khắp nơi trong cả nước. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, tôi thấy chế biến chuối vào vụ tết cực nhất, nhưng bán giá cao và được thị trường đón nhận tốt"...
“Gia đình tôi ai cũng tham gia chế biến chuối chiên, chuối sấy. Với 2 bếp điện và 6 bếp củi, mỗi ngày gia đình tôi sản xuất khoảng 4-5 tấn chuối, xuất đi khắp nơi trong cả nước. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, tôi thấy chế biến chuối vào vụ tết cực nhất, nhưng bán giá cao và được thị trường đón nhận tốt” - bà Trần Thị Hoa (ngụ ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, chủ Cơ sở sản xuất chuối chiên Cường Hoa) bộc bạch.
Những mẻ chuối chiên vàng ươm sau khi ra lò. |
Thời điểm này, các cơ sở chế biến chuối ở xã Quang Trung đang tất bật với những đơn hàng tết. Với những cơ sở làm ăn lớn, để kịp giao hàng phải thuê thêm nhân công, tăng lượng sản xuất gấp 2-3 so với ngày thường.
* Đỏ lửa đêm ngày
Theo lời bà Hoa, nghề chế biến chuối ở huyện Thống Nhất đã có hơn chục năm nay. Ban đầu, chuối chiên, chuối sấy các loại được mọi người sản xuất nhỏ lẻ, làm thủ công, nhưng từ năm 2005 gia đình bà đã đầu tư trang thiết bị, thuê nhân công sản xuất với số lượng lớn; sản phẩm làm ra được tiêu thụ khắp cả nước với những đơn hàng lớn.
Ngày trước, chuối trồng ra ít người mua hoặc chủ yếu bán với giá thấp thì nay được chế biến thành sản phẩm khô, có thể bảo quản lâu dài. Từ chỗ chỉ vài hộ làm nghề, đến nay ở xã Quang Trung có khoảng 30 cơ sở sản xuất quanh năm, tập trung nhiều nhất ở 2 ấp Nguyễn Huệ 1 và Nguyễn Huệ 2.
Bà Đặng Thị Sang, chủ một cơ sở sản xuất chuối chiên ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), cho biết không chỉ bó hẹp ở việc làm chuối chiên, nhiều lò còn làm thêm chuối sấy, chuối ép dẻo, bánh chuối... Tuy nhiên, chuối chiên vẫn được coi là mặt hàng chủ đạo vì thị trường tiêu thụ nhiều, cách chế biến cũng như việc bảo quản không quá phức tạp. |
Sản phẩm chuối chiên, chuối sấy dần quen thuộc với thực khách gần xa, trở thành đặc sản của huyện Thống Nhất. Sản phẩm làm ra bao nhiêu được tiêu thụ ngay hết đó, hiếm khi lâm cảnh ế hàng. Vào dịp tết, nhiều cơ sở tăng lượng sản xuất lên gấp đôi so với ngày thường. Vì vậy, vào các lò chuối chiên những ngày này không khí sản xuất lúc nào cũng tấp nập, hối hả. Nhà làm nhiều có đến 5-6 bếp đỏ lửa, ít cũng 2-3 bếp với hàng chục người làm liên tục. Bếp đỏ lửa không chỉ ban ngày mà về đêm náo nhiệt không kém.
“Ngày thường tôi chỉ làm chừng 1-2 tấn chuối, dịp tết phải lên đến 4-5 tấn với 15 người làm thường xuyên. Chuối chiên đợt này bán cũng được giá, khoảng 25 ngàn đồng/kg, cao hơn trước đó rất nhiều, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Có năm, phải đến 28-29 tết nhà tôi mới thôi sản xuất, cho công nhân nghỉ” - bà Hoa tâm sự.
Bà Nguyễn Thị Liên (ngụ ấp Nguyễn Huệ 1) cho hay từ tháng 10 trở đi các lò chuối chiên trong xã đã tập trung sản xuất vụ tết. Việc sản xuất chuối chiên có thể quanh năm, vào mùa khô sản lượng ít hơn do chuối tươi không nhiều, nhưng dịp cuối năm thì được ưu tiên.
Làm chuối chiên bán tết được coi là cực nhất, ngoài huy động hết các thành viên trong nhà, chủ cơ sở còn thuê thêm dân trong xã để sản xuất. Vào cao điểm, bà Liên chuyển sang làm ban đêm cho kịp các đơn hàng lớn.
“So với mọi năm, nguồn chuối tươi hiện khá dồi dào và giá không tăng nên người làm chuối chiên đều có lời cao. Có thời điểm chuối chiên xuất bán chỉ mười mấy ngàn đồng/kg, nhưng bây giờ đã 25 ngàn đồng/kg, ai cũng phấn khởi. Hiện giờ, bếp nhà nào cũng đỏ lửa đêm ngày, làm hàng bán tết” - bà Liên bộc bạch.
* Rộn ràng chờ tết
Bao năm qua, ở Thống Nhất chuối được trồng phổ biến tại các vùng đồi các xã: Quang Trung, Gia Kiệm…, nhưng cây chuối vẫn sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Khi chuối chớm vàng, da căng tròn thì nông dân thu hoạch rồi đưa đến các cơ sở làm chuối sấy để bắt đầu chế biến.
Bà Trần Thị Hoa (ngụ ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) kiểm tra chất lượng chuối sau khi chế biến. |
Theo kinh nghiệm của các cơ sở làm chuối chiên, nguyên liệu làm chuối chiên phải là giống chuối bom, trái mập mạp, tròn đều, vỏ mỏng và không quá to như chuối sứ. Chuối đem bỏ vỏ, bào mỏng, rửa qua nhiều nước để sạch nhựa. Sau đó, đem chuối trộn với đường, mè rồi cho vào dầu chiên đến khi ngả màu cánh gián thì vớt ra. Ở một số nơi, để tăng hương thơm và thêm vị riêng, lúc trộn nguyên liệu người chế biến cho thêm gừng vào.
Để có những mẻ chuối đạt chất lượng còn phụ thuộc vào nhiệt độ khi chiên. Chỉ cần già lửa và chiên hơi lâu là chuối cháy khét, ăn có vị đắng, không còn giữ được vị ngọt, giòn của chuối. Thời gian chiên phải được cố định trong khoảng 70-75 phút cho một mẻ. Sau khi chiên xong, chuối được vớt ra để ráo dầu, cho đến lúc bẻ đôi lát chuối nghe giòn tan là được.
Bà Liên cho biết thêm, trước đây các cơ sở thường chế biến chuối chiên bằng bếp củi, còn hiện tại một số nơi đã chuyển sang dùng bếp điện. Chiên chuối bằng bếp điện thời gian chỉ khoảng 50 phút là xong một mẻ, chất lượng chuối đồng đều và có màu sắc đẹp. Theo tính toán của bà, 3 tấn chuối tươi sẽ cho ra 1 tấn chuối chiên.
“Nếu giá nguyên liệu đầu vào cao thì người làm nghề kiếm lời ít hơn. Nhưng nhờ sức tiêu thụ lớn, đơn hàng nhiều, vẫn có thể đảm bảo cho người làm có lợi nhuận. Số lượng cơ sở làm chuối chiên ở địa phương chưa thấy giảm xuống, ai cũng cố gắng giữ nghề, đỏ bếp lửa quanh năm” - bà Liên bộc bạch.
Chuối chiên thành phẩm được đem đóng gói thành túi từ 0,5-1kg và đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Các cơ sở chế biến chuối chiên không chỉ góp phần tiêu thụ chuối tươi cho bà con nông dân, mà còn biến nó thành đặc sản của huyện Thống Nhất, không phải nơi nào cũng có được.
Chuối được trồng và tiêu thụ tại chỗ, không phải mua nguyên liệu từ nơi khác nên cứ vào vụ tết ai cũng rộn ràng, mong chuối chiên luôn giữ giá cao để cả người trồng và chủ lò chế biến chuối chiên có thể sống khỏe với nghề.
Thanh Hải