50 năm trước vào đêm 30, rạng sáng 31-1-1968 (mùng 1 Tết Mậu Thân 1968), quân - dân miền Nam đã đồng loạt nổ súng tấn công quân đội Mỹ và chế độ Sài Gòn tại các đô thị, mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam.
50 năm trước vào đêm 30, rạng sáng 31-1-1968 (mùng 1 Tết Mậu Thân 1968), quân - dân miền Nam đã đồng loạt nổ súng tấn công quân đội Mỹ và chế độ Sài Gòn tại các đô thị, mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Tại Đồng Nai, bộ đội chủ lực phối hợp với du kích và nhân dân địa phương đánh các nơi trọng điểm của địch, làm tê liệt nhiều khu vực. Lực lượng mỏng và vũ khí trang bị ít, nhưng cuộc chiến đấu của quân - dân Đồng Nai vô cùng kiên cường, quyết liệt.
Sân bay Biên Hòa bị quân ta tiến công bốc cháy năm 1968. |
Tại TX.Biên Hòa, ngay tận “sào huyệt” của địch, đòn tấn công vào mùng 1 tết của ta đã tiêu diệt một lực lượng khá lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam đã đề ra kế hoạch Tổng công kích - tổng khởi nghĩa ở miền Nam. Tháng 7-1967, Trung ương Cục quyết định bố trí lại các chiến trường, địa bàn tỉnh bấy giờ được tổ chức thành các đơn vị: Bà Rịa - Long Khánh, Phân khu 4 và Biên Hòa U1 trực thuộc Trung ương Cục miền Nam.
* Chuẩn bị tổng công kích
Trong cuốn hồi ký Những kỷ niệm của một đời người (Nhà xuất bản Đồng Nai, 2009), đồng chí Phan Văn Trang (Năm Trang), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1, Phó chính ủy mặt trận Biên Hòa lúc ấy, kể lại: “Các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Cao su Bình Sơn của Biên Hòa được đưa vào đội hình Phân khu 4, do đồng chí Lương Văn Nho làm Tư lệnh, Đặng Hữu Thuấn làm Tỉnh đội trưởng. Trong khi đó, các huyện: Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TX.Biên Hòa nhập vào Biên Hòa U1 do đồng chí Nguyễn Sơn Hà làm Bí thư, còn ông Phan Văn Trang làm Phó bí thư”.
Trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mặt trận TX.Biên Hòa đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 5 ngàn quân địch, phá hủy và làm hư hại 120 máy bay, 127 kho bom của địch. |
Trước khi vào chiến dịch, xác định TX.Biên Hòa là trọng điểm của đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa nên Bộ Chỉ huy Miền đã cử đồng chí Lê Đức Anh, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng, trực tiếp đến Biên Hòa triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch tiến công nổi dậy ở Biên Hòa.
Ngay sau đó, một cuộc hội nghị quân sự mở rộng được triệu tập tại Căn cứ Bàu Sao (huyện Trảng Bom) với sự tham dự của Bộ chỉ huy Sư đoàn 5 Miền, Tỉnh ủy, Tỉnh đội U1... để bàn bạc, thống nhất kế hoạch tiến công, phương án tác chiến cùng kế hoạch phối hợp giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.
Tại hội nghị, đồng chí Lê Đức Anh đã quán triệt ý nghĩa, mục đích của chiến dịch, đồng thời chỉ rõ các mục tiêu tiến công cụ thể ở Biên Hòa U1, gồm: Sân bay Biên Hòa, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 chính quyền Sài Gòn, Tòa Hành chính, Ty Cảnh sát quốc gia, Chi khu Công Thanh, Chi khu Đức Tu, Chi khu Trảng Bom. Ở xã, lực lượng biệt động, du kích, tự vệ mật tiến công các đồn bót, diệt ác phá kìm, phát động quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ...
Ngay sau hội nghị này, Tỉnh ủy và Tỉnh đội U1 đã nhanh chóng triển khai kế hoạch tiến công đến cán bộ, bộ đội các địa phương, đơn vị trong tỉnh, động viên toàn bộ cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng bước vào chiến dịch với quyết tâm cao nhất, đảm bảo bí mật tuyệt đối, giữ kín các mục tiêu tiến công cho đến giờ hành động.
* Tấn công vào tận sào huyệt của địch
Ngày 29 và 30-1-1968, Ban Chỉ huy chiến dịch tiến công và nổi dậy ở TX.Biên Hòa kiểm tra lần cuối kế hoạch tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở các đơn vị bên ngoài và bên trong thị xã. Bộ Chỉ huy Miền đã tập trung cho mặt trận Biên Hòa với 16 ngàn quân, chủ yếu là Sư đoàn 5 Miền cùng các lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng phối thuộc.
Theo đó, Sư đoàn 5 được phân công đánh vào các mục tiêu: Bộ Tư lệnh dã chiến số 2 Mỹ tại Long Bình, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 chế độ cũ, Sân bay Biên Hòa; Tiểu đoàn 2 đặc công U1 Biên Hòa đánh kho Long Bình; lực lượng huyện Vĩnh Cửu và Sư đoàn 5 đánh vào quận lỵ Công Thanh; lực lượng huyện Trảng Bom và một bộ phận chủ lực của Sư đoàn 5 đánh vào yếu khu Trảng Bom.
Ông Phùng Duy Tường (ngụ phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa, nguyên là Đội phó Đội biệt động TX.Biên Hòa) cho hay Đội biệt động TX.Biên Hòa nhận lệnh đánh vào Ty Cảnh sát và Tòa Hành chánh Biên Hòa. Trung đoàn pháo tên lửa 724 DKB đặt trận địa pháo ở Hiếu Liêm (phía Bắc sông Đồng Nai) bắn vào Sân bay Biên Hòa khi chiến dịch mở màn...
Đúng 0 giờ đêm 30, rạng sáng 31-1-1968, pháo tên lửa ĐKB của Trung đoàn 724 bắt đầu nổ, bắn liên tục 110 quả đạn vào Sân bay Biên Hòa. Chỉ sau vài giờ, sân bay bị tê liệt, 120 máy bay các loại bị đạn pháo phá hủy.
Tiếng pháo nổ trong sân bay cũng là hiệu lệnh tấn công theo quy định của Bộ Chỉ huy mặt trận; các mũi bộ binh tiếp cận mục tiêu, nổ súng giòn giã quyết liệt đánh thẳng vào các vị trí trọng yếu tại Sân bay Biên Hòa.
“Trong đêm 31-1-1968, Đặc công U1 Biên Hòa đã đánh vào kho Long Bình, phá hủy 127 kho bom đạn của Mỹ. Tiếng nổ liên tục 3 ngày đêm chưa dứt” - ông Tường bồi hồi cho hay.
Từ 0 giờ đêm 30-1 và trong ngày 31-1-1968, ta đã đánh và phá hủy nhiều mục tiêu trong Sân bay biên Hòa, kho Long Bình, gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực, phương tiện chiến tranh và vũ khí đạn dược.
Tuy nhiên, trong suốt ngày 31-1-1968, địch sử dụng các loại máy bay từ Sân bay Tân Sơn Nhất oach kích, bỏ bom các điểm có lực lượng ta đang nổ súng.
Sang ngày thứ 2 (1-2-1968), trước tình hình không thuận lợi, lực lượng ta rút khỏi các mục tiêu và tiếp tục đánh địch trên lộ 1, lộ 20. Tiểu đoàn 2 đặc công U1 đánh vào khu kho đồi 53 Long Bình, phá hủy 127 kho bom đạn của Mỹ. Tại các mũi chiến đấu, lực lượng ta vừa đánh bộ binh Mỹ vừa phải bắn trả máy bay của địch, chiến trận diễn ra vô cùng ác liệt. Cuối cùng, do lực lượng và vũ khí mỏng hơn địch nên ta phải rút lui về căn cứ.
Đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn Biên Hòa kết thúc, thể hiện quyết tâm lớn và nỗ lực cao của Đảng bộ và quân dân các địa phương trong toàn tỉnh. Lực lượng của ta đã tấn công vào tận “sào huyệt” của địch, các căn cứ quân sự, cơ quan chỉ huy của địch làm tiêu hao, tiêu diệt một lực lượng khá lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch.
Thanh Hải