Trước khí thế hừng hực của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đinh Phương Ngọc (Tư Ngọc) đã cùng 3 đồng đội: Hiển, Thành và Hai tòng quân cho đơn vị C2 biệt động Long Thành.
[links()]Trước khí thế hừng hực của Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đinh Phương Ngọc (Tư Ngọc) đã cùng 3 đồng đội: Hiển, Thành và Hai tòng quân cho đơn vị C2 biệt động Long Thành. Sáng mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, ông Tư Ngọc đã cùng tổ trinh sát C2 biệt động Long Thành (do đồng chí Ba Thời chỉ huy) đánh vào cầu Quán Thủ, khu Phước Hải (thị trấn Long Thành).
Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long An Nguyễn Tấn Hùng thăm hỏi xạ thủ B40 Đinh Phương Ngọc (phải). |
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Tư Ngọc được đồng đội phong là “vua” xạ thủ B40, đơn vị khen tặng ông danh hiệu Dũng sĩ B40 diệt Mỹ... Ông Tư Ngọc cho hay ông có thể kẹp nách B40 xung phong bóp cò liền 5 phát, bắn B40 vào nòng pháo xe tăng M114 và cả khi chiếc Jeep đang chạy với tốc độ 80km/giờ.
* “Vua” B40
Đêm 30, rạng sáng 31-1-1968 (mùng 1 Tết Mậu Thân 1968), xạ thủ B40 Tư Ngọc dưới sự chỉ huy của Tiểu đội trưởng Ba Thời cùng 4 đồng đội đã có mặt nơi bìa rừng cao su. Tất cả sẵn sàng chờ lệnh cấp trên đánh vào mục tiêu cầu Quán Thủ, khu Phước Hải.
Khoảng 6 giờ sáng mùng 1 tết, được lệnh cấp trên, xạ thủ B40 Tư Ngọc lẩy cò B40 hướng vào lô cốt địch. Sau tiếng B40 của xạ thủ Tư Ngọc là những loạt AK vang rền cùng với tiếng hô xung phong. Bị đánh bất ngờ, bọn dân vệ ở bót cầu Quán Thủ bỏ chạy về hướng Chi khu Long Thành.
Xạ thủ B40 Tư Ngọc và đồng đội như mũi tên lao lên truy kích. Bọn dân vệ từ các bót khác chống trả quyết liệt ngăn bước tiến của đơn vị do Tiểu đội trưởng Ba Thời chỉ huy.
Dù là chỉ huy hay người lính, ông Đinh Phương Ngọc vẫn là xạ thủ B40 quả cảm trong lòng đồng đội với tổng cộng 14 lần bắn diệt mục tiêu địch. Ông vẫn còn nhớ kỷ niệm vào đầu tháng 2-1968, ông đã chụp khẩu B40 trên tay đồng đội và trong tích tắc bắn hạ chiếc xe Jeep được xe tăng địch yểm trợ khi chúng chở tiền vào phát lương cho bọn lính đánh thuê Thái Lan ở chốt Vườn Điều (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch ngày nay). |
Trước sự chống trả loạn xạ của bọn dân vệ từ các cứ điểm, xạ thủ B40 Tư Ngọc vừa chạy vừa kẹp nách khẩu B40 bắn liên tiếp 5 quả B40 vào các ụ kháng cự của bọn dân vệ nhằm mở đường cho đồng đội tiến lên. Chỉ trong vòng 15 phút, đơn vị của chỉ huy Ba Thời đã làm chủ mục tiêu. Khi bọn dân vệ dồn về Chi khu Long Thành thì đơn vị được lệnh rút về nhằm yểm trợ các đơn vị khác ngăn chặn sự phản kích của địch.
Xạ thủ B40 Tư Ngọc kể đơn vị của ông lúc đó được trang bị 2 khẩu B40. Sau khi ông bắn hết cơ số đạn B40 (5 quả) được mang trên người, phần vì đồng đội bị thương, phần vì tình thế sinh tử buộc ông phải lấy cơ số đạn của đồng đội để bắn tiếp. Dù bắn liên tiếp 6 quả B40 trong vòng vài phút nhằm dập tắt hỏa lực của địch, xạ thủ B40 Tư Ngọc vẫn không hề hấn gì khi đơn vị được lệnh cấp trên rút về rừng đợi lệnh.
Sáng mùng 2 tết, địch bắt đầu mở đợt phản kích và tấn công vào rừng cao su nơi đơn vị C2 Biệt động Long Thành và nhiều hơn vị khác dừng chân. Bọn biệt kích địch hùng hổ xông lên, lập tức bị quân ta đánh bật ra bằng cối 60 ly. Toán quân Mỹ phía sau hùng hổ xông lên với xe tăng M114, M113 yểm trợ đều bị quân ta tập trung hỏa lực đánh bật ra.
Thất bại liên tiếp sau 2 đợt càn, địch gọi máy bay đến hỗ trợ thì quân ta rút sâu vào rừng, căn cứ an toàn.
Sau Tết Mậu Thân 1968, xạ thủ B40 Tư Ngọc được thăng chức Trung đội trưởng Trung đội 1, C2 biệt động Long Thành.
Ông Tư Ngọc kể qua Tết Mậu Thân 1968, địch điên cuồng phản kích vào căn cứ cách mạng nên quân và dân Long Thành triển khai các trận đánh chặn và phủ đầu địch. Tháng 5-1968, C1 và C2 biệt động Long Thành có trận đánh lớn tiêu diệt 4 xe tăng của địch tại Bình Sơn.
Ông Tư Ngọc chậm rãi kể chờ địch lọt vào ổ mai phục, quân dân Long Thành dùng B40 bắn cháy tại chỗ 3 chiếc xe tăng M113. Chiếc xe tăng M114 bị bắn trúng 4 quả B40 vẫn quay nòng pháo về hướng quân ta rồi lao tới. Trước tình thế đó, ông Tư Ngọc lanh trí ngắm vào nòng pháo chiếc tăng M114 bóp cò và diệt gọn.
Sau trận này, C2 biệt động Long Thành của ông Tư Ngọc được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
* Duyên nợ
Mùa xuân này đã bước vào tuổi 75, nhưng “vua” xạ thủ B40 Tư Ngọc (ngụ ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành) vẫn bận rộn khai thác dòng nhựa trắng cao su trên khu rẫy nhà và công việc kinh doanh của gia đình. Ông phân trần việc nhà lúc nào cũng làm cho bản thân ông bận rộn, nhưng thích thì ông cùng với vợ đi du lịch đó đây cả tháng liền.
Ông Tư Ngọc xuất thân từ dân công tra cao su giàu truyền thống cách mạng ở xã Bình Sơn. Năm 21 tuổi, ông thoát ly theo cách mạng và được phân công về làm ở Sở cao su De Lare (người dân thường gọi là Sở Đờ La, thuộc huyện Cao Su Bình Sơn). Một lần đi công tác ở Bình Sơn, ông Tư Ngọc gặp và để ý thôn nữ Lan khi bà đang cạo mủ một mình trong rừng cao su. Mối tình của ông Tư Ngọc với bà Lan kéo dài và đợi chờ nhau cho đến ngày đất nước thống nhất.
Ông Tư Ngọc kể vợ chồng ông có duyên lẫn nợ với nhau. Chỉ một lần gặp bà Lan khi đi ngang qua rừng cao su, ông đã trộm nhớ thương. Rồi một lần vô tình, ông cùng đơn vị từ rừng vào đón ông Nghĩa ra căn cứ mới biết bà Lan là em gái ông Nghĩa. Từ đó, cả 2 bắt đầu đợi nhau cho đến khi chiến tranh kết thúc thì kết hôn và sinh hạ được 3 người con.
Năm 1979, ông Tư Ngọc thôi giữ chức vụ Thị đội trưởng Thị đội thị trấn Long Thành để về làm một người nông dân bình thường như bao người lính khác sau khi chiến tranh kết thúc. Cho dù, cơ thể ông vẫn còn in đậm 28 vết thương và đầy ắp những chiến tích hào hùng.
Ông Tư Ngọc kể nhờ tiệm sạc bình, lắp bình ắc quy tại nhà, vựa lá dừa, rồi nhà máy xay xát gạo ở thị trấn Long Thành... mà vợ chồng ông nuôi được 3 con ăn học, dành dụm xây được căn nhà 3 tầng, lập vườn cao su. Nay vợ chồng ông cứ thong thả hưởng tuổi già bên nhau. Lúc rảnh rỗi, vợ chồng ông dắt nhau đi du lịch trong nước, ngoài nước hoặc thăm đồng đội cũ.
Đoàn Phú
Bài 3: Chuyện kể sau chiến trận