Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Hoạt động giữa lòng địch

07:01, 27/01/2018

50 năm sau Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, biết bao câu chuyện vẫn còn giữ nguyên trong ký ức của những người lính trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử. Với họ, mỗi câu chuyện kể lại là những kỷ niệm về một thời máu lửa sục sôi và bi tráng của cả dân tộc 50 năm trước.

50 năm sau Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, biết bao câu chuyện vẫn còn giữ nguyên trong ký ức của những người lính trực tiếp tham gia trận đánh lịch sử. Với họ, mỗi câu chuyện kể lại là những kỷ niệm về một thời máu lửa sục sôi và bi tráng của cả dân tộc 50 năm trước.

Sân bay Biên Hòa bị tiến công bốc cháy trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu
Sân bay Biên Hòa bị tiến công bốc cháy trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu

Cuộc tổng tiến công và nội dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tạo bước ngoặt trong cục diện chiến tranh, tiến công trên mặt trận ngoại giao, xác lập lợi thế để bước vào giai đoạn vừa đánh vừa đàm phán, đạt mục tiêu chiến lược nhằm đi đến chấm dứt chiến tranh.

Góp phần vào chiến thắng chung đó phải kể đến sự đóng góp to lớn của lực lượng an ninh, biệt động nội thành và quần chúng nhân dân, tạo nên thế “nội công, ngoại kích”.

* Bảo đảm an toàn bí mật

Thời điểm năm 1968, TX.Biên Hòa được chính quyền Sài Gòn kiểm soát rất chặt chẽ với các căn cứ chiến lược như: Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình… Người dân có dấu hiệu “thân Cộng”, tiếp sức cho quân giải phóng lập tức bị theo dõi, ngăn chặn, thậm chí khủng bố ác liệt. Thế nhưng, nhiều người sẵn sàng đối diện với hiểm nguy để chở che cho những cán bộ, chiến sĩ của ta hoạt động bí mật.

Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa kể lại trận đánh Tết Mậu Thân 1968.
Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa kể lại trận đánh Tết Mậu Thân 1968.

Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa, nguyên Chính trị viên Đội biệt động TX.Biên Hòa, thuộc cánh CZ1) kể suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, dưới sự tra xét của cảnh sát, xoi mói của mật vụ, chỉ điểm, nếu không có lòng dân thì những người làm công tác biệt động khó hoàn thành được nhiệm vụ.

Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, xét về tương quan lực lượng, quân địch trên địa bàn TX.Biên Hòa đông gấp nhiều lần so với lực lượng của ta. Chúng lại được trang bị các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại nên nhiệm vụ tiến công của bộ đội trong Chiến dịch Mậu Thân 1968 hết sức khó khăn. Trước tình thế ấy, các cánh: CZ1, CZ2 đặc công cùng với lực lượng biệt động thị xã thường xuyên đột nhập vào nội thành nắm tình hình, vẽ sơ đồ và hướng dẫn các trinh sát Sư đoàn 5 điều nghiên các mục tiêu đóng quân của địch. Thị ủy Biên Hòa cũng khẩn trương chỉ đạo các cơ sở mật bí mật vận chuyển vũ khí từ căn cứ Bàu Hàm, Hưng Lộc về cất giấu ở Gò Me (phường Thống Nhất), Hiệp Hòa, Bình Đa... chuẩn bị hỗ trợ cho quần chúng nhân dân nổi dậy và xây hầm bí mật để lực lượng biệt động thị xã bám trụ chiến đấu.

Đội biệt động của ông Nghĩa có 8 người, chia nhau ẩn náu trong các nhà dân, vừa làm nhiệm vụ vừa xây dựng cơ sở giữa lòng địch. Ban ngày, họ phải trốn dưới hầm sâu, đêm mới thực sự là thời điểm hoạt động.

“Lúc ấy, tôi chủ yếu đi điều nghiên thực địa và dẫn anh em pháo binh đi thăm dò tình hình để chuẩn bị kế hoạch đánh Sân bay Biên Hòa. Dù trong tình thế nào cũng quyết không để lộ bí mật và giữ kín kế hoạch, tạo thế bất ngờ cho trận đánh” - ông Nghĩa bộc bạch.

Bên cạnh đó, lực lượng an ninh Biên Hòa hoạt động công khai, hợp pháp làm nhiệm vụ trinh sát địa bàn, thanh lọc số phần tử xấu và phối hợp vận động quần chúng nhân dân trong nội ô Biên Hòa, công nhân Khu công kỹ nghệ nổi dậy chiếm công sở, nhà máy, trụ sở chính quyền địch…, đã góp phần không nhỏ cho việc triển khai lực lượng, triển khai chiến dịch đến tận giờ nổ súng.

* Ký ức không quên

Ông Phùng Duy Tường (ngụ phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa, nguyên Đội phó Đội biệt động TX.Biên Hòa thời điểm năm 1968) tâm sự cuộc đời binh nghiệp của ông kéo dài trên 35 năm, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất chính là trận đánh vào Sân bay Biên Hòa trong Tết Mậu Thân 1968.

Để đảm bảo cho chiến dịch giành thắng lợi quyết định, các đơn vị hậu cần trên chiến trường Biên Hòa, gồm: Hậu cần Tỉnh ủy, Tỉnh đội U1 và Hậu cần 814 Miền đã bí mật vượt qua hàng rào kiểm soát gắt gao của địch, khẩn trương vận chuyển vũ khí, đạn dược từ Chiến khu Đ về cất giấu tại các kho vừa mới thiết lập quanh TX.Biên Hòa; đồng thời tiến hành thu mua dự trữ 500 tấn lương thực, 100 tấn thực phẩm để phục vụ bộ đội ăn no chiến đấu dài ngày.

Ngày 30-1-1968, không khí chuẩn bị cho cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa của quân và dân Biên Hòa vô cùng khẩn trương. Đến chiều 30 tết, các cơ sở mật hóa trang dưới nhiều hình thức, vận chuyển những chuyến hàng cuối cùng bên trong có giấu vũ khí, thuốc nổ, đạn… đã vào tận trong lòng địch ở TX.Biên Hòa.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta hóa trang thành những người đi làm ăn xa về nhà đón tết đã lọt vào nội ô Biên Hòa và những địa bàn được phân công. Mọi việc chuẩn bị cho trận đánh coi như đã hoàn tất.

Đúng 0 giờ ngày 30-1-1968 (giao thừa Tết Mậu Thân 1968), pháo binh của ta từ trận địa pháo Hiếu Liêm cấp tập dội xuống Sân bay Biên Hòa làm rực sáng cả một vùng trời. Cùng lúc, Đại đội đặc công của ông Tường và nhiều đơn vị bộ binh khác cắt rừng Trà Cổ, băng qua Đồng Lách, Hố Nai tiến sát đến vành đai Sân bay quân sự Biên Hòa.

Khi toàn bộ lực lượng áp sát hàng rào sân bay, địch trong lô cốt bắn ra dữ dội. Ông Tường đã dùng B40 bắn liên tiếp nhiều quả vào bên trong tiêu diệt gọn số lính canh. Chớp lấy thời cơ, các lực lượng của ta vượt rào tràn vào Sân bay Biên Hòa; cuộc chiến đấu giữa 2 bên diễn ra giằng co và dữ dội.

Lúc này, địch dùng hỏa lực pháo, trực thăng, xe tăng, xe bọc thép phản công mạnh khiến bộ đội ta hy sinh nhiều và mất dần các vị trí hiểm yếu vừa chiếm được.

Sau hơn 1 ngày đêm chiến đấu, ông Tường cùng đồng đội bị kẹt giữa vòng vây địch, nhưng vẫn mưu trí rút về sở chỉ huy đóng chân. Từ đây, ông lại cắt rừng dẫn đường thoát khỏi vùng địch về lại Căn cứ Bàu Hàm an toàn.

Còn ông Nghĩa cho hay những ngày sau đó, liên tục các toán quân, cảnh sát của chính quyền Sài Gòn quần thảo quanh khu vực trận địa pháo và các vùng lân cận Sân bay Biên Hòa nhằm lập lại thế trận, đánh bật quân ta khỏi nội ô. Trận đánh Sân bay Biên Hòa Tết Mậu Thân 1968 đã gây tổn thất rất lớn đối với quân địch.

“Trận đánh vào thời khắc đặc biệt ấy với tôi không thể nào quên, các đồng đội đã anh dũng hy sinh để giữ bí mật, hoàn thành nhiệm vụ và cả những người dân, cơ sở của ta đã không tiếc gì để giúp đỡ, cưu mang chúng tôi” - ông Nghĩa xúc động nói.

Thanh Hải

Bài 2: Xạ thủ B40 Đinh Phương Ngọc

Tin xem nhiều