"Để giữ hồn của các ngôi đình, ban quý tế và các bậc cao niên bàn với dân trong làng giữ gìn nét văn hóa làng xã; tổ chức các lễ hội nhằm tưởng nhớ, tạ ơn các vị thần hoàng, bậc tiền nhân đã phù hộ cho dân; cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa..." - ông Nguyễn Văn Khai (Hai Khai, 72 tuổi, Trưởng ban quý tế đình thần An Hòa, ấp 1, xã An Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết.
“Để giữ hồn của các ngôi đình, ban quý tế và các bậc cao niên bàn với dân trong làng giữ gìn nét văn hóa làng xã; tổ chức các lễ hội nhằm tưởng nhớ, tạ ơn các vị thần hoàng, bậc tiền nhân đã phù hộ cho dân; cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...” - ông Nguyễn Văn Khai (Hai Khai, 72 tuổi, Trưởng ban quý tế đình thần An Hòa, ấp 1, xã An Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết.
Ông Huỳnh Hà, thủ quỹ kiêm phụ trách soạn thảo văn tự đình thần Tân Giám (xã Hiệp Hòa) là người hiếm hoi nơi đình thần còn biết chữ Hán và chữ Nôm. |
Ông Hai Khai giữ chức Trưởng ban quý tế đình thần An Hòa 10 năm qua. Chức Trưởng ban quý tế đình thần An Hòa của ông Hai Khai bao trùm luôn cả 2 nơi thờ tự, sinh hoạt dân gian của xã là: miếu Bà Mụ và chùa Ông.
* Ông Cả và ông Trưởng ban
Theo thông lệ của dân làng An Hòa (Bến Gỗ), cứ 3 năm người dân bầu chọn Trưởng ban quý tế một lần. Người được chọn làm Trưởng ban quý tế phải hội đủ các điều kiện: đạo đức, tâm lành, uy tín, nhiệt tình, hiểu lễ nghi và phong tục, tập quán của địa phương...
Ðình xuất hiện từ ngàn xưa, có mặt tại khắp làng xã Việt Nam. Ðình làng là hình ảnh quê hương, tượng trưng cho nếp sống đặc thù của xã hội Việt Nam, nét độc đáo của kiến trúc và điêu khắc. Ðình cũng là nơi thờ phụng thành hoàng, các vị thần phù hộ cho dân làng được an cư lạc nghiệp, tránh được tật dịch, hung khí, tai họa... |
Ông Hai Khai cho biết thời xưa người giữ chức Trưởng ban quý tế của đình gọi là ông Cả. Ông Cả là người có đạo đức, uy tín nhất làng, được dân làng trọng vọng, kính nể. Việc lễ nghi trong đình, ông Cả là người quyết định mọi việc; ông không phải trực tiếp làm mà giữ vai trò chỉ đạo.
Nay Trưởng ban quý tế như ông Hai Khai không có nhiều uy quyền như ông Cả thời xưa. Việc lễ đình ra sao, tổ chức lớn hay nhỏ phải do dân làng quyết định (vì tiền của tổ chức lễ đình đều do dân đóng góp). Lễ hội diễn ra, ông Hai Khai và các thành viên ban quý tế phải bỏ việc nhà, ra đình làm đủ thứ việc, từ quét dọn, đón khách đến cúng tế. Dù vậy, ông Hai Khai và mấy chục thành viên trong Ban quý tế đình thần An Hòa vẫn tình nguyện lo việc đình.
Theo lời ông Hai Khai và các thành viên Ban quý tế đình thần An Hòa, các ông làm điều tốt cho đình, cho dân không mưu cầu lợi lộc, nhưng việc làm của các ông luôn được các vị thần linh biết đến, phù hộ cho sức khỏe, gia đình trong ấm, ngoài êm nên mọi người ai cũng mãn nguyện, ra sức làm cho thật tốt.
Đình thần An Hòa của dân làng Bến Gỗ được hình thành năm 1792, được vua Tự Đức phong sắc thần vào năm 1852. Năm 1989, đình thần An Hòa được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đó là niềm tự hào của người dân Bến Gỗ bao đời nay, ông Hai Khai và các thế hệ tương lai có trách nhiệm giữ gìn di sản quý giá này qua việc phụng thờ, tế lễ, đào tạo các thế hệ trẻ về nghi lễ...
* Lưu giữ truyền thống
Hàng năm, đến ngày 21-10 âm lịch, dân làng đình Tân Giám (ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) tổ chức lễ cầu an. Trước đó, ông Phùng Văn Chục, thường trực ban quý tế đình, và các thành viên trong ban quý tế liên tục gặp nhau họp bàn việc tổ chức lễ đình sao cho chu đáo.
Ông Chục cho hay dân làng đình Tân Giám có 50 hộ; người từ 30 tuổi trở lên mới được tham gia Hồi thanh niên, người từ đủ 40 tuổi trở lên nếu tích cực đóng góp cho đình thì được chọn vào ban quý tế.
Học trò lễ của các đình (cầm đèn) được lựa chọn từ độ tuổi 15-25. |
Đình Tân Giám có khu nghĩa trang của làng rộng 2 hécta và 1 nhà quàn cốt để dành chôn cất, lưu giữ hài cốt những người trong làng nếu họ là: ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con của những người tham gia Hồi thanh niên, ban quý tế khi mất. Điều này theo ông Chục, là để đãi ngộ những người có trách nhiệm và bổn sự đóng góp cho đình. Còn những người trong làng nếu thờ ơ, không góp sức thì không được đình ưu ái quyền lợi này.
Biết chữ Hán và chữ Nôm nên ông Huỳnh Hà (70 tuổi) được đình Tân Giám phân công nhiệm vụ thủ quỹ kiêm soạn thảo văn tế. Mỗi lần đình tổ chức lễ, ông Huỳnh Hà phụ trách việc soạn thảo văn tế để cúng thần.
Ông Hà cho biết để soạn ra bộ văn tế cho từng loại lễ từ chữ Hán, chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ, ông phải mày mò nghiên cứu mấy chục năm nay. Nhờ những bản dịch song ngữ của ông được photocopy ra trên giấy điều, những người phụ trách việc lễ cứ vậy mà triển khai theo trình tự trước sau theo sự hướng dẫn của ông chủ lễ, ông xướng, ông nhắc lễ.
Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa) có diện tích 6,6km2, nhưng có tới 11 ngôi đình, 6 ngôi chùa, 3 tịnh xá, 3 ngôi miếu và 1 thánh thất Cao Đài, trong đó có 3 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và các bậc cao niên, trong công cuộc mở cõi phương Nam, với tài kinh lược của mình, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã nhìn thấy vùng đất cù lao Phố trù phú nên cùng với dân binh khai hoang, lập ấp từ rất sớm. Do vậy, hầu hết các đình, chùa ở đây có từ thời khai hoang mở cõi, tức vào thời kỳ đầu khi mới thành lập thôn, làng.
Đình thần Bình Tự (ấp Nhất Hòa) cũng là ngôi đình cổ được hình thành khoảng năm 1885, được vua nhà Nguyễn phong sắc thần.
Theo các bậc cao niên đình Bình Tự, sắc thần của đình một thời gian được cất giữ ở Bảo tàng tỉnh, sau đó dân làng xin rước về đình để thờ phụng. Vì sợ mất sắc thần vua ban, dân làng đình Bình Tự giao cho ông Nguyễn Văn Đực bảo quản chu đáo tại nhà, đến ngày cúng tế mới rước về.
Việc cúng tế đình làng ở cù lao Phố và nhiều nơi khác trong tỉnh hiện do các bậc cao niên, người hiểu biết nghi lễ trong ban quý tế đình làng đảm nhiệm. Dù việc truyền dạy các nghi lễ cúng tế theo truyền miệng, cha truyền con nối hoặc từ người biết cho người không biết, các thế hệ sau vẫn giữ được đúng cốt cách xưa của cha ông. Riêng các bài văn tế, có đình được truyền từ đời này sang đời khác bằng chữ Hán, chữ Nôm và nay được dịch sang chữ Quốc ngữ cho dễ bề cúng tế, lưu truyền cho thế hệ sau khi người biết đọc, viết văn tế bằng chữ Hán, chữ Nôm không còn nhiều. Tuy vậy, cũng có đình không còn giữ được các bài văn tế nguyên mẫu xưa.
Ông Nguyễn Thanh Sơn (Ba Sơn, cố vấn Ban quý tế đình thần Bình Tự) cho biết các bậc cao niên thời trước không để lại các bài văn tế bằng chữ Hán, chữ Nôm nên ông phải sưu tầm từ những bài văn tế viết tay bằng chữ Quốc ngữ của ông thầy lễ Nguyễn Văn Trọng (Hai Hỷ đã mất), rồi nhờ một thượng tọa ở chùa Phước Hội dịch ra chữ Hán, chữ Nôm để lưu truyền cho thế hệ sau.
Tháng 10 âm lịch, các đình làng bắt đầu khai hội kỳ yên. Có đình hội kỳ yên đúng dịp đáo hạn 3 năm thì có thêm đua thuyền, thi lân - sư - rồng, hát bội..., thu hút nhiều dân làng đến xem, cúng lễ. Dù lễ kỳ yên của các đình tổ chức quy mô khác nhau, nhưng phần văn tế đều hướng tới việc ca ngợi công đức các vị thần đã giúp đỡ, phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp, xua đuổi dịch bệnh... Góp sức để làm nên những bài văn tế này là những người tích cực, tâm huyết việc đình, như: ông Ba Sơn (đình thần Bình Tự, ông Huỳnh Hà (đình thần Tân Giám)... nhằm truyền lại cho thế hệ kế tiếp.
Đoàn Phú