Thời điểm cách Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, nhiều người làm công việc thời vụ lại hối hả tìm việc. Tại những làng nghề sản xuất các mặt hàng phục vụ tết, không khí làm việc tất bật những ngày cận tết cũng là cơ hội để những người làm việc thời vụ kiếm tiền.
Thời điểm cách Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, nhiều người làm công việc thời vụ lại hối hả tìm việc. Tại những làng nghề sản xuất các mặt hàng phục vụ tết, không khí làm việc tất bật những ngày cận tết cũng là cơ hội để những người làm việc thời vụ kiếm tiền.
Chị Nguyễn Thị Hoa Liên (ngụ ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) bào chuối để chế biến tại một cơ sở sản xuất chuối chiên. |
Có mặt tại ấp Hưng Bình (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) những ngày cuối năm mới thấy tinh thần làm việc của người lao động tất bật đến chừng nào. Giữa cánh đồng mía rộng hàng chục hécta đang bước vào vụ thu hoạch, mấy chục người đang cần mẫn làm việc, chủ yếu là dân ở các tỉnh miền Tây Nam bộ đến đây kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
* Cả nhà kiếm tiền xài tết
Ông Phan Văn Minh (quê tỉnh Trà Vinh) cho hay từ cuối tháng 10-2017, 5 người trong gia đình ông dắt díu nhau đi tìm việc. Công việc chủ yếu là thu hoạch mía cho các chủ rẫy ở huyện Trảng Bom. Để có nơi tá túc, ông Minh căng tạm tấm bạt cũ làm chiếc chòi rộng chừng 12-15m2. Đây là chỗ ăn ở, nghỉ ngơi cho cả gia đình ông trong suốt 2 tháng làm việc.
Bà Trần Thị Hoa, chủ một cơ sở sản xuất chuối chiên, cung cấp các loại bánh kẹo, mứt tết ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) cho biết: “Những tháng cuối năm, việc sản xuất, cung ứng các mặt hàng tết nhiều nên thuê người làm việc thời vụ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có những năm đã gần tết mà đơn hàng chưa xong, tôi phải thuê nhân công giá cao để làm hàng cho kịp hợp đồng”. |
Tại xóm ông Minh ở tạm có gần 20 căn lều đều cao không quá đầu người. Giữa trưa nắng, ngồi lâu ở đây ai cũng cảm thấy hơi nóng bức bối và mùi bạt nhựa tỏa ra hăng hắc đến khó thở. Dù vậy, hàng chục con người ở đây vẫn ăn ngủ bình thường mà không cảm thấy chút khó khăn gì.
“Đi làm thuê riết nên có chỗ cắm cọc, dựng lều là may rồi. Cũng chỉ làm nơi che nắng, trú mưa nên càng giản tiện càng tốt. Mía ở đây rất nhiều, thu hoạch hết phải đến giữa tháng 12, sau đó quay ra đốt gốc, trồng lại vụ mới. Chắc cũng tầm 27-28 tháng Chạp công việc mới hoàn thành và lúc đó cả nhà mới lục tục bắt xe đò về quê ăn tết” - ông Minh bộc bạch.
Theo lời ông Minh, mọi người ở đây cũng siêng năng làm ăn nên chủ ruộng mía rất thương. Cả năm làm ăn ở đâu không biết, chứ đến vụ mía là chủ ruộng gọi điện thoại, mua cả vé xe đón mọi người đến đây làm việc. Nhờ vậy mọi người làm nhiệt tình không kể giờ giấc, khỏe thì làm, mệt vào chòi nghỉ, tiền công luôn được trả đàng hoàng.
5 người đang tuổi lao động trong gia đình ông Minh mỗi ngày kiếm được gần cả triệu đồng, đến khi về quê cũng có khoản tiền kha khá chi tiêu trong mấy ngày tết. Xong mùa mía này, đầu năm sau cả gia đình ông lại tiếp tục di cư đến các tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước… tìm việc.
Tại làng nghề làm chuối chiên, chuối sấy ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), không khí làm việc những ngày này luôn rộn ràng. Cả làng đang hối hả vào vụ sản xuất chính trong năm nên hầu như bếp lửa những nhà làm nghề này đều đỏ lửa cả đêm lẫn ngày.
Đến đây làm từ rất sớm, chị Nguyễn Thị Hoa Liên (ngụ ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung) chia sẻ đây là dịp cao điểm nên không thiếu việc để làm. Mỗi khâu là một công đoạn quan trọng quyết định đến chất lượng của sản phẩm. Từ bào, sơ chế chuối, đến đứng bếp chiên rồi đóng gói, giao hàng, tất cả đều được giám sát chặt chẽ và tuân thủ quy trình.
Chị Liên cho hay công việc này kéo cả gia đình chị cùng tham gia. Ban ngày chỉ có vợ chồng chị, nhưng đến tối, khi các con học hành xong là gia đình chị sang lò chuối chiên của một chủ lò lớn trong xã làm việc. Đến nay đã hơn 10 năm chị Liên gắn bó với nghề thời vụ này, khoảng thời gian từ đây đến tết là bận rộn nhất.
“Vì chủ khoán theo sản phẩm nên để có 200-300 ngàn đồng/ngày, tôi phải bào xong 5 tạ chuối nguyên liệu. Đôi bàn tay hoạt động hết công suất, mệt đừ người, nhưng ai cũng vui vì từ đây đến tết không lo thất nghiệp” - chị Liên hồ hởi nói.
* Vất vả nghề thời vụ
Những mùa tết trước, tại làng hoa Phúc Nhạc (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) thường xảy ra hiện tượng kẻ gian đột nhập vào vườn hoa phá hoại gây thiệt hại lớn cho nhà nông. Do đó, vào dịp này các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh lại sốt sắng thuê người chăm sóc, bảo vệ.
Công việc chăm sóc hoa, cây cảnh dịp tết tại làng hoa Phúc Nhạc (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất). Ảnh: D.Ngọc |
Ông Đặng Hoàng (ngụ ấp Gia Yên, xã Gia Tân) cho hay từ 2 tháng trước ông đã nhận lời một chủ vườn trong xã đến chăm sóc vườn cúc rộng gần 1 hécta. Hàng ngày, ông chủ yếu tưới nước, bón phân cho hoa sinh trưởng tốt, đồng thời bảo vệ vườn hoa, không cho người lạ đột nhập làm chuyện xấu.
Công việc tuy đơn giản, nhưng ông Hoàng phải luôn túc trực bên cánh đồng hoa đang bước vào thời kỳ kết nụ. Chỉ khi nào số hoa này được xuất bán xong, ông mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Cũng như chủ vườn, những ngày này ông Hoàng cùng ăn cùng ngủ với hoa, không dám lơ là công việc.
Ban ngày ông Hoàng chăm sóc hoa, đêm đến lại chong đèn kiểm tra quanh vườn thật kỹ càng. Càng gần tết, công việc có phần nặng nề hơn vì hoa sắp bước vào thu hoạch, người ông lúc nào cũng căng như dây đàn. Dù vậy, vui nhất vẫn là hoa nở trúng tết và người trồng bán có giá. Lúc đó ngoài tiền công theo thỏa thuận, chủ vườn còn thưởng thêm cho ông một khoản tiền hậu hĩnh.
“Đối với những người làm nghề thời vụ, đây là cơ hội để có thêm thu nhập, bởi lương cao và dễ tìm việc hơn ngày thường. Nghề bảo vệ, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh chỉ đến vào thời điểm cuối năm nên những ngày này, ai nấy đều bận rộn từ sáng đến tối mịt, thời gian nghỉ ngơi rất hiếm. Dù vậy, mọi người đều mong muốn làm gì cũng suôn sẻ và có việc nhiều nhiều cho đến tết” - ông Hoàng tỏ bày.
Dương Ngọc