Năm 1968, quê của ông Năm Lần (Nguyễn Văn Lần, 88 tuổi) thường xuyên bị bom đạn, pháo kích, chính quyền chế độ cũ ráo riết ruồng bắt thanh niên đi quân dịch nên ông theo dòng người ở xã Khánh Bình (nay là phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) về vùng rừng ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) lánh nạn.
Năm 1968, quê của ông Năm Lần (Nguyễn Văn Lần, 88 tuổi) thường xuyên bị bom đạn, pháo kích, chính quyền chế độ cũ ráo riết ruồng bắt thanh niên đi quân dịch nên ông theo dòng người ở xã Khánh Bình (nay là phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) về vùng rừng ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom) lánh nạn.
Ông Năm Lần vẫn còn giữ bộ đồ nghề thợ mộc mà theo lời ông kể là một năm ông mất nửa tháng đi dựng, sửa nhà không công cho người dân trong ấp. |
Sau năm 1975 nhiều người quay về quê cũ sinh sống, nhưng ông Năm Lần vẫn quyết ở lại vùng rừng ấp Bàu Cá lập nghiệp.
* Cho dân mượn lúa
Khi đến vùng đất Bàu Cá lánh nạn, ông Năm Lần đã gặp bà Sương (cũng là dân gốc Tân Uyên di cư về Bàu Cá sinh sống). Giữa thời loạn lạc gặp nhau nên đám cưới của ông bà rất đơn giản.
Ông Năm Lần vốn tráng kiện, giỏi võ Tân Khánh - Bà Trà và có nhiều tài lẻ, như: làm mộc, làm mai và rành chuyện lễ nghi cúng bái nên các hộ dân Tân Uyên di cư đến Bàu Cá rất mến mộ, hay tìm đến ông nhờ vả chuyện nọ, chuyện kia.
Ông Năm Lần kể thời khu vực Bàu Cá còn là rừng và đầm lầy, ông và gần 20 hộ dân Tân Uyên di cư thỏa sức khai phá đất để làm ruộng, làm rẫy. Do có sức khỏe và giỏi việc đồng áng nên ông khai phá được 4 hécta ruộng lúa 3 vụ và 1 hécta đất cao trồng hoa màu. Sẵn lúa, bắp, đậu, ông và các hộ dân khác không ngại tiếp tế cho bộ đội nằm vùng khu vực Bàu Cá.
Thời loạn lạc, dân rừng Bàu Cá của ông Năm Lần co cụm lại nhau để sống, để bảo vệ nhau lúc bệnh tật, bị bắt lính hay thu hoạch mùa vụ. Có những năm lúa đang đến ngày thu hoạch thì bị pháo, bom của Mỹ và chế độ cũ bắn phá hư hại mất hơn nửa, ông Năm Lần và những hộ dân khác tiếc và ức trong lòng nhưng vẫn hú gọi nhau ra đồng thu hoạch.
Chiến tranh chấm dứt, một số dân Tân Uyên cùng ông Năm Lần di cư về Bàu Cá trước đó đã lục đục trở về quê nhà sinh sống. Ngược lại, một số dân Tân Uyên lại rủ nhau về đất Bàu Cá lập nghiệp. Riêng ông Năm Lần thì mến vùng đất Bàu Cá làm lúa, làm đậu, bắp chẳng cần phân vẫn trúng mùa nên gắn bó với nơi đây. Hơn nữa, mẹ ông động viên vợ chồng ông ở lại vì thấy con nhỏ nheo nhóc trong khi cuộc sống ở Bàu Cá vẫn ổn định.
Năm 1978, cũng như nhiều nơi khác người dân Bàu Cá gặp cảnh mất mùa nên thiếu ăn. Nhờ vụ đông - xuân trước đó trúng mùa được gần 200 giạ lúa còn cất giữ trong nhà nên vợ chồng ông Năm Lần không bị đói. Thấy người dân xung quanh nhà không có gạo ăn, thiếu lúa làm giống cho vụ sau, vợ chồng ông Năm Lần đem hết số lúa tích lũy ra cho mọi người mượn.
Vì nhiều người mượn lúa nên vợ chồng ông Năm Lần chỉ để dành được phần lúa giống; cả nhà đành phải ăn cơm độn khoai, bắp như các hộ dân khác vì nhà hết lúa ăn. Qua thời điểm khó khăn đó, người dân Bàu Cá càng quý cái tình, cái nghĩa của vợ chồng ông Năm Lần.
* Nhiều lần Được tuyên dương
Năm 2014, ông Năm Lần có tên và hình ảnh trong sách “Người tốt, việc tốt” của Ban Tuyên giao Tỉnh ủy. Có được vinh dự đó là nhờ trong nhiều năm liền, ông Năm Lần đã vận động người dân trong ấp Bàu Cá sửa chữa và cứng hóa các tuyến đường: khu 1 (An Bình - Bàu Cá); Bàu Cá - suối Dâu; Cầu Cháy - Tây Hòa... Ông Năm Lần cho biết thêm, có tuyến đường ông và người dân trong ấp liên tục bỏ công, tiền ra tu bổ mỗi khi mùa mưa đến.
Vợ chồng ông Năm Lần hiện có cháu trai đích tôn và cô gái út Nguyễn Thị Ngọc làm cán bộ xã Trung Hòa. |
Đầu năm 2017, ông Năm Lần được con gái út là Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tây Hòa đưa đến UBND xã nhận giấy khen của Huyện ủy Trảng Bom khen tặng về thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chi Minh. Bởi, vào năm 2016, để xi măng hóa tuyến đường nội đồng ở cánh đồng Bàu Cá bằng 100% sức dân, ông Năm Lần không những đứng ra vận động mọi người góp tiền để làm, mà gia đình ông còn hiến 120m2 đất, đóng góp 30 triệu đồng.
Ông Năm Lần bộc bạch, ông đã mạnh dạn khởi xướng và phối hợp cùng với Ban điều hành ấp, chính quyền xã vận động người dân nơi ông sinh sống cứng hóa, xi măng hóa các tuyến đường nội đồng, khu dân cư. Gia đình ông cũng là hộ đi đầu trong việc hiến đất và đóng góp tiền, công lao động để cùng với mọi người làm đường, kéo điện.
Ông Năm Lần kể trước khi tỉnh, huyện, xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông đã nhiều lần cùng với những người có uy tín trong ấp đứng ra vận động mọi người dân trong ấp sửa đường, cứng hóa các tuyến đường nông thôn để cho học sinh và người dân đi lại được thuận lợi. Riêng việc kéo đường dây điện hạ thế vào các cánh đồng Bàu Kè (8 hécta) và suối Đá Bàn (10 hécta) bằng 100% sức dân, suốt 3 tháng ròng rã, ông Năm Lần và những người dân trong ấp đi vận động, thuyết phục mới xong.
Khi xã Trung Hòa bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, ông Năm Lần càng tích cực hơn trong việc cùng với những người uy tín trong ấp, cán bộ ấp, như các ông: Ba Hích, Hai Hùng... hô hào, vận động người dân đổ bê tông các tuyến đường nội đồng, đường liên tổ và giữ gìn an ninh trật tự...
Ông Năm Lần tâm sự ông phải mất hàng chục năm tích lũy uy tín với người dân Bàu Cá, từ việc nhỏ cho đến việc lớn mới thành. Để tăng uy tín, buộc ông phải hy sinh nhiều, đi nhiều, gặp gỡ mọi người trong xóm, ấp bàn thảo những gì có lợi cho mọi người. Bên cạnh đó, ông còn dạy bảo con cháu, học trò mình sống “trượng nghĩa, khinh tài”, tích cực đóng góp cho các phong trào của địa phương.
Một thời cầm đục, bào, thước đi giúp dân dựng nhà gỗ; dạy múa lân - sư - rồng cho thanh niên trong xóm; trị trật tay chân và cả việc hăng hái đi làm mai mối cho các cặp trai gái..., ông Năm Lần có rất nhiều câu chuyện để kể cho chúng tôi nghe. Tuy vậy, ông vẫn khiêm tốn cho rằng tất cả việc ông làm chỉ vì cái đạo ở đời, “thấy hèn không khinh, thấy giàu không bợ đỡ”. Cũng chính vì vậy mà vợ chồng ông được bà con quý trọng.
Đoàn Phú