Cuối tháng 12, những cánh rừng trồng, rừng khoanh nuôi phục hồi của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc vẫn còn ẩm ướt nên đường vào rừng nhiều nơi còn lầy lội, trơn trượt. Tuy vậy, cán bộ bảo vệ rừng Lê Hoài Dương (Phân trường Đầm Voi) vẫn lấy xe máy đưa chúng tôi đi thăm rừng giữa tiết trời se se lạnh.
Cuối tháng 12, những cánh rừng trồng, rừng khoanh nuôi phục hồi của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc vẫn còn ẩm ướt nên đường vào rừng nhiều nơi còn lầy lội, trơn trượt. Tuy vậy, cán bộ bảo vệ rừng Lê Hoài Dương (Phân trường Đầm Voi) vẫn lấy xe máy đưa chúng tôi đi thăm rừng giữa tiết trời se se lạnh.
Cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc trao đổi với những người phát dọn phòng, chống cháy rừng mùa khô 2017-2018. |
Rừng do BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý gồm rừng trồng phòng hộ và rừng trồng sản xuất. Ngoài nhiệm vụ sản xuất gỗ, rừng ở Xuân Lộc còn làm nhiệm vụ phòng hộ, che chắn gió biển và khí hậu khô nóng từ Bình Thuận đổ về vùng đất sản xuất nông nghiệp và phố thị của huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh.
* Để rừng thêm xanh
Nhiều năm gắn bó với công tác quản lý và trồng rừng, Phó giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc Đặng Khánh Tài cho hay rừng ở đây có dạng hình cánh cung như một vầng trăng rất đẹp. Nó thể hiện rất rõ trên bản đồ hiện trạng của đơn vị mà dân không chuyên như chúng tôi nhìn vào có thể nhận ra ngay.
Đó là những cánh rừng trồng sản xuất bạt ngàn uốn lượn từ các phân trường: Đầm Voi, Gia Phu và Láng Cát đến Phân trường Gia Huynh (giáp với tỉnh Bình Thuận) trên diện tích hơn 4 ngàn hécta.
Lá chắn vầng trăng của BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc được hình thành từ năm 1977 với tên gọi Lâm trường Xuân Lộc. Do tác động kinh tế - xã hội, đặc biệt là trận cháy rừng mùa khô năm 1997-1998 xóa sổ hơn 1 ngàn hécta rừng tự nhiên khoanh nuôi, phục hồi dọc theo ranh giới 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận nên rừng tự nhiên trên lâm phận Lâm trường Xuân Lộc cơ bản xóa sổ.
BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc xuất thân là Lâm trường Xuân Lộc (được thành lập vào năm 1977). Qua 40 năm thực hiện nhiệm vụ, với chức năng về lâm nghiệp của UBND tỉnh, đơn vị tự hào về những tán rừng mới và cũ được phục trồng trên những vùng đất nghèo kiệt, thiên nhiên khắc nghiệt. Nhất là xây dựng lá chắn xanh vững chắc trong việc bảo vệ môi trường sống, phòng chống thiên tai cho vùng dân cư huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh với tốc độ đô thị ngày càng phát triển trong sức bật nông thôn mới. |
Diện tích Nhà nước giao quản lý được thu hẹp lại so với lúc thành lập lâm trường, rừng tự nhiên bị mất đã đặt Lâm trường Xuân Lộc vào tình trạng đầy khó khăn. Từ lợi thế khai thác tài nguyên rừng, lâm trường chuyển sang khai thác tiềm năng đất đai để gây dựng lại rừng bằng việc thực hiện các chính sách giao khoán, hợp tác liên kết và tự tổ chức sản xuất trồng rừng. Đồng thời, huy động các nguồn nhân lực xã hội kết hợp thực hiện các chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc theo dự án có hỗ trợ vốn của Nhà nước để xây dựng và tái tạo lại vốn rừng. Đến nay, diện tích rừng tự nhiên chỉ còn hơn 20 hécta, nhưng độ che phủ của rừng đã đạt 98% diện tích lâm phận quản lý.
Dù rừng tự nhiên không còn nhiều, diện tích đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý được điều chỉnh thu hẹp so với trước, nhưng để đạt được những thành quả như hôm nay là nhờ vào những chính sách của Nhà nước, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành và nhờ nỗ lực phấn đấu, sự tâm huyết với nghề của bao thế hệ cán bộ, viên chức lâm trường, như lời tâm sự của Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc Hoàng Đình Long.
Để rừng xanh trở lại, đất trống đồi trọc được phủ xanh, ông Hoàng Đình Long cho biết đơn vị đã khai thác triệt để tiềm năng đất đai; tận dụng, cải tạo diện tích đất hoang hóa, huy động góp vốn trồng rừng sản xuất để tạo nguồn thu nhập thêm cho đơn vị. Từ đó, diện tích rừng trồng ngày càng mở rộng, chất lượng rừng trồng phòng hộ ngày càng được nâng cao, năng suất rừng trồng sản xuất ngày càng được nâng cao theo hướng thâm canh và tiến tới tổ chức sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành và thực hiện quản lý rừng bền vững phù hợp với môi trường, đồng thời có lợi ích cho xã hội và đạt hiệu quả kinh tế.
BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc hiện có hơn 2 ngàn hộ dân nhận giao khoán đất để trồng rừng, phục hồi rừng với diện tích giao khoán trên 7 ngàn hécta. Để hài hòa 2 mục tiêu lâm sinh và kinh tế, ông Đặng Khánh Tài cho hay đơn vị đã xây dựng các mô hình trồng rừng phòng hộ hỗn giao cây gỗ lớn và cây công nghiệp, cây ăn trái lâu năm ngày càng hợp lý để rừng trồng ngoài chức năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường còn đem lại thu nhập cho hộ nhận khoán để ổn định cuộc sống, tạo điều kiện gắn bó lâu dài với rừng.
Bên cạnh việc quản lý rừng, công tác quản lý sử dụng đất, quản lý bảo vệ thành quả rừng trồng cũng được đơn vị quan tâm. Đất đai được quản lý chặt chẽ đến từng thửa và hộ sử dụng, hiện trạng rừng được cập nhật diễn biến định kỳ, thực hiện tốt phương án quản lý bảo vệ rừng, nhiều năm liền không xảy ra cháy rừng. Mới đây, đơn vị đã được Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh tuyên dương là đơn vị điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống cháy.
* Rừng reo vui
Điều khiển chiếc xe máy vượt qua những đoạn đường lầy lội, cán bộ bảo vệ rừng Lê Hoài Dương cho biết đường càng xấu càng hạn chế người dân vào rừng khi không có phận sự. Chính vì đường rừng luôn xấu nên xe máy là phương tiện tiện hữu dụng nhất trong công tác tuần tra rừng.
Vượt qua những trở ngại, những cánh rừng trồng theo đúng kiểu cách lâm sinh hiện ra với rộn ràng tiếng chim hót buổi sớm. Từng chòm rừng: sao, dầu, xà cừ… mãnh liệt sống trên đất nghèo kiệt được bồi bổ từng nhúm phân, vòi nước mùa khô như vẫy chào ngày mới khi chúng tôi đi qua.
Ông Dương cho hay rừng ở đây hết nạn sùng đất phá hoại đến dịch nấm hồng do bị ảnh hưởng của diễn biến khí hậu và ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn kiên cường phát triển. Đó là công sức của dân, của cán bộ bảo vệ rừng, của các cấp chính quyền và chính sách trồng rừng đúng đắn của tỉnh.
Phân trường Gia Phu lẻ loi giữa rừng hiện ra. Phân trường trưởng Tô Thế Mạnh cho hay đơn vị quản lý 1,7 ngàn hécta đất rừng, toàn bộ đất giao khoán cho dân đã phủ xanh bởi cây rừng và cây công nghiệp. Tuy vậy, đơn vị cũng gặp một số khó khăn, như: vài hộ dân chưa thực hiện tốt kế hoạch nhận khoán của đơn vị; dịch nấm hồng nơi rừng trồng; sự khắc nghiệt của thời tiết.
Để bảo vệ tốt những cánh rừng đầu nguồn, ông Mạnh bộc bạch đó là nhờ có quy định và hướng dẫn cụ thể của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn về phương thức trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; công tác hỗ trợ và phối hợp tốt giữa chính quyền với đơn vị quản lý rừng.
Rời những cánh rừng phòng hộ ở Xuân Lộc, chúng tôi hồi tưởng những con đường mà cán bộ bảo vệ rừng Lê Hoài Dương và Phó giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc Đặng Khánh Tài đã đưa chúng tôi đi thăm rừng, thăm những con người nhận đất trồng rừng thân thiện, như các ông: Phạm Hữu Lượt, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Thành Nam... Đường rừng sẽ mãi gập ghềnh, lầy lội nhưng rừng thì mãi xanh tươi, kiên cường với dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt... như những cán bộ bảo vệ rừng và người dân gắn bó với rừng vậy.
Đoàn Phú