Báo Đồng Nai điện tử
En

Đêm đông của 2 ngàn năm trước

07:12, 23/12/2017

Palestine vào sáng sớm mùa đông ngày 24-12-2016. Nhiệt độ bên ngoài là 00C giúp tôi cảm nhận được sự lạnh lẽo như trong lời bài hát "Đêm Đông, lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa…".

Palestine vào sáng sớm mùa đông ngày 24-12-2016. Nhiệt độ bên ngoài là 00C giúp tôi cảm nhận được sự lạnh lẽo như trong lời bài hát “Đêm Đông, lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa…”.

Nhà thờ Chúa Giáng Sinh ở Palestine, nơi diễn ra nghi lễ Giáng sinh.
Nhà thờ Chúa Giáng Sinh ở Palestine, nơi diễn ra nghi lễ Giáng sinh.

Hòa cùng dòng khách hành hương, tôi háo hức tìm đến nhà thờ Chúa Giáng Sinh ở Bethlehem, nơi tôi luôn mong ước có dịp đặt chân đến mỗi lần dự lễ Noel thuở bé.

* Tìm về nơi Chúa Giáng sinh

Bethlehem là một trong những địa danh cổ đã có từ 3000 năm. Trong Kinh Thánh Tân Ước nơi đây được xác định là nơi Chúa Jesus giáng thế. TP.Bethlehem ở bờ Tây sông Jordan, thuộc chính quyền nhà nước tự trị Palestine từ năm 1995. Tuy nhiên, nhà nước Israel lại nắm quyền kiểm soát người ra vào Bethlehem. Vì vậy, du khách nước ngoài có thể tham quan và nghỉ lại nơi đây nếu có visa của Israel.

Hàng ngàn du khách ở khắp nơi trên thế giới đều tìm đến hang Belem.
Hàng ngàn du khách ở khắp nơi trên thế giới đều tìm đến hang Belem.

Nhà thờ Chúa Giáng Sinh (The Church of Nativity) ở TP.Bethlehem chỉ cách TP.Jerusalem sầm uất chỉ 8km đi về hướng Nam. Đây là một trong những nhà thờ cổ nhất trên thế giới vẫn hoạt động liên tục từ lúc xây dựng vào thế kỷ thứ 4 đến nay. Nhà thờ đã được Tổ chức Khoa học - giáo dục và văn hóa của Liên hợp quốc công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào cuối tháng 6-2012. Di sản thánh đường này qua nhiều lần khảo cổ được xác định là xây dựng trên hang đá Belem, nơi Đức Mẹ Maria đã hạ sinh Đức Jesus.

Khi vừa đặt chân đến xứ Palestine, tôi dễ dàng nhật thấy sự bất ổn và khát vọng hòa bình được thể hiện qua ánh mắt, cử chỉ của từng người dân. Những cách thức trang trí đường phố cũng bị chia thành 3 khu vực: Công giáo, Chính thống giáo Armeni và Chính thống giáo Hy Lạp. Họ cùng tôn thờ Chúa Jesus. Nhưng ngày sinh ra của Chúa lại được chia ra 3 ngày giữa 3 tôn giáo: Công giáo và Tin lành chọn ngày 25-12; Chính thống giáo Hy Lạp, Coptic và Syria ngày 6-1 và Chính thống giáo Armenia ngày 19-1. Có lẽ sự chia cắt đã là đặc trưng của vùng đất này và những tranh chấp, xung đột thì kéo dài suốt nhiều thập kỷ.

Chánh điện bên trong nhà thờ Chúa Giáng Sinh.
Chánh điện bên trong nhà thờ Chúa Giáng Sinh.

Đoàn người hành hương chúng tôi đã lân la đến Quảng trường Máng Cỏ (Manger Square). Không khí nơi đây hết sức nhộn nhịp. Các cuộc diễu hành với trống kèn rộn vang tiếp đón du khách đến quê hương của Chúa. Trong khuôn viên quảng trường là các chốt tuần tra an ninh nghiêm ngặt được đặt ra để kiểm tra từng người trước khi vào khu vực nhà thờ cách đó 500m. Bao quanh thánh đường là đội ngũ an ninh được trang bị súng ống tối tân nhằm bảo vệ an toàn cho du khách, linh mục và các giáo sĩ từ khắp nơi trên thế giới đến đây trong ngày lễ trọng đại này.

* Thăm hang Belem nơi Chúa sinh ra đời

Nhìn từ xa, nhà thờ không khác gì một pháo đài bằng đá khối màu trắng lộng lẫy, uy nghi. Do không biết cánh cổng dẫn đến nhà thờ, nên tôi liền sát nhập vô một nhóm du khách đến từ nước Anh. Qua giải thích của hướng dẫn viên du lịch, tôi biết được rằng: Trước đây, khu đền thờ có cổng chính rộng, cao hơn 5m, được khảm đá mạ vàng. Nhưng để không cho xe ngựa của quân Thập Tự Chinh ngang nhiên tiến vào nhà thờ, cánh cổng ấy đã bị lấp lại, chỉ còn chừa một lối đi bên cạnh cao 1m, rộng 0,8m, chỉ đủ một người khom lưng bước vào. Lối đi ấy có tên là “Cổng Khiêm Cung”.

Các chốt kiểm tra an ninh tại Bethlehem, Palestine.
Các chốt kiểm tra an ninh tại Bethlehem, Palestine.

Bên trong thánh đường, trần rất cao, được trang trí bằng những hoa văn mosaic. Gồm những mảnh ghép bằng đá hay thủy tinh nhiều màu sắc, phác họa nhành lá olive, con cá, đoàn chiên là nét đặc trưng trong các nhà thờ Công giáo nơi đây. 2 bên lối đi là 4 hàng cột tròn bằng đá chạy dài suốt chánh điện, xen kẽ các dàn đèn mạ vàng treo từ trần thả xuống là cách trang trí của Chính Thống Giáo.

Hầu hết người dân ở Bethlehem làm nghề thợ mộc, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ du lịch. Khách hành hương đến đây có thể tìm mua cho mình những vật lưu niệm được chạm khắc tỉ mỉ bằng gỗ olive (một loại cây đặc trưng của vùng Địa Trung Hải) hay những chiếc túi được may thủ công bằng da dê, cừu.

Trong sảnh chính của nhà thờ lúc đó vẫn còn dấu vết của cuộc khảo cổ để lộ ra một nền nhà thờ cũ được xác định từ năm 327. Chính giữa nhà thờ là chánh điện nơi diễn ra các nghi thức cầu nguyện của Chính Thống Giáo. Ngay dưới bàn thờ chính là một lối vào nhỏ hẹp gọi là hang đá dài khoảng 5m, rộng 3m được coi là hang Belem nơi Chúa Jesus sinh ra. Giống như “Cổng Khiêm Cung” vào Thánh đường, đường vào hang đá Chúa Giáng Sinh cũng vô cùng nhỏ hẹp nhưng hàng ngàn du khách vẫn kiên nhẫn xếp hàng.

Tại nơi Chúa sinh ra được đánh dấu bằng một ngôi sao bạc 14 cánh trên nền đá cẩm thạch, bên trên được thắp đèn, nến. Các dòng chữ được chạm khắc vòng quanh ngôi sao là: “Hicde Virgine Maria Jesus”, có nghĩa là: “Nơi đây Trinh Nữ Maria đã hạ sinh Đức Jesus KiTô”. Đối diện là hang Máng Cỏ, nơi Đức Mẹ ủ ấm Chúa bằng những đám cỏ khô.

Thánh lễ canh thức đón mừng Chúa giáng sinh được  tổ chức ở nhà thờ Thánh Catherine kề bên hang Belem. Đúng 24 giờ, nghi thức mục vụ được long trọng tổ chức dưới sự chủ trì của các linh mục. Bên ngoài thánh đường, hàng ngàn du khách tưởng niệm lại sự kiện Chúa giáng sinh dưới bầu trời nhiều sao sáng. Tạm gác mọi xung đột, bất ổn mà báo chí đưa tin hàng ngày. Đêm giáng Sinh, vùng đất Palestine bình yên đến lạ...

Kim Vũ

Tin xem nhiều