Báo Đồng Nai điện tử
En

Cù lao Chàm bảo tồn cua

08:12, 16/12/2017

Rong ruổi khá nhiều nơi và cũng lê la không ít guesthouse, nhà trọ, thế nhưng tôi chưa từng thấy chủ homestay nào lại "chảnh" như bà Nguyễn Thị Tuyết ở Cù lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam): "Ở đảo chúng tôi người dân không bao giờ sử dụng bao ny-lông. Người trong thành phố chưa chắc đã sạch sẽ hơn cộng đồng dân cư ở đảo này".

Rong ruổi khá nhiều nơi và cũng lê la không ít guesthouse, nhà trọ, thế nhưng tôi chưa từng thấy chủ homestay nào lại “chảnh” như bà Nguyễn Thị Tuyết ở Cù lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam): “Ở đảo chúng tôi người dân không bao giờ sử dụng bao ny-lông. Người trong thành phố chưa chắc đã sạch sẽ hơn cộng đồng dân cư ở đảo này”.

Cua đá Cù lao Chàm
Cua đá Cù lao Chàm

Khẩu hiệu “Cù lao Chàm nói không với bao ny-lông” được treo ở Cửa Đại, ngay cổng xuống tàu cao tốc. 8 hòn đảo của Cù lao Chàm có dân số chưa đến 3 ngàn người, mỗi ngày đón bình quân 3 ngàn khách nhưng vẫn “ xanh - sạch - đẹp”. Trong đó, cả 7 bãi biển bao quanh đảo luôn có lượng người đến tắm, lặn ngắm san hô đông đặc mà vẫn sạch sẽ đồng thời giữ được nét hoang sơ với bờ cát dài trắng mịn, làn nước trong xanh. Điều này chứng tỏ bà chủ homestay Nguyễn Thị Tuyết tuy chảnh, nhưng đúng.

* Tiến sĩ cua

Vốn là dân cố cựu của Cù lao Chàm, bà Tuyết còn cho biết: “Hồi trước bãi biển ở đây dơ lắm, đầy túi ny-lông, xác động vật, mùi tôm cá chết phơi khô nồng nặc… Nhờ ông Trinh mà tui và người dân trên đảo bây giờ đều biết phân loại rác hữu cơ và vô cơ”. Ông Trinh, tức là TS.Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm), người được dân Cù lao Chàm đặt biệt danh là “Tiến sĩ cua”. Bởi theo người dân, nếu không có ông Trinh bây giờ loài cua đá ở Cù Lao Chàm chắc chỉ còn trong ký ức.

Cua đá dán nhãn sinh thái
Cua đá dán nhãn sinh thái

Cua đá ở Cù lao Chàm có thân hình chỉ to bằng nắm tay, mai và các chi màu nâu tím, phần bụng dưới màu vàng ươm, sống trên rừng trong các hang đá ven suối, rất khỏe, chạy và leo cực nhanh. Dân bắt cua đá chuyên nghiệp ở Cù Lao Chàm cho biết loài cua này tập trung đông nhất ở hòn Lao. Bà con còn gọi loại cua sống trên hang đá này là... “cua ăn chay”, vì chúng chỉ ăn cỏ, lá và chỉ ra khỏi hang khi đêm xuống. Tuy vậy, thịt cua đá chắc và béo ngậy, đầy gạch, khi chế biến có mùi thơm the the, cay cay, đặc biệt là không có vị tanh đặc trưng của hải sản. Do vậy, cua đá không chỉ được người dân Cù lao Chàm xem là “ăn nên thuốc”, mà còn coi là món đặc sản “ngôi sao” trong nền ẩm thực cụm đảo vốn rất phong phú thứ ngon như: bào ngư, yến sào, mực ống, ốc vú nàng…

TS.Chu Mạnh Trinh du học ở Mỹ và Hà Lan, về Quảng Nam công tác trong ngành lâm nghiệp. Năm 2003, TS.Trinh ra Cù lao Chàm nghiên cứu thực trạng đa dạng sinh học. Ông xác định công việc trước tiên phải làm là thay đổi ý thức người dân để Cù lao Chàm xanh hơn và đẹp ra trong mắt du khách, đồng thời phải nhanh chóng bảo tồn hệ động thực vật rừng - biển nơi đây. Nhìn cảnh tượng người dân trên đảo bắt cua đá một cách “tận diệt”, lớn nhỏ gì cũng bắt, kể cả cua đang mang trứng, ông lên tiếng can ngăn thì bị phản ứng.

Tổ khai thác và bảo vệ cua đá Cù lao Chàm
Tổ khai thác và bảo vệ cua đá Cù lao Chàm

Với sự kiên trì, đặc biệt là qua các khóa tập huấn do Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm tổ chức, người dân trên đảo chuyển biến nhận thức rất nhanh, nhận ra được lợi ích của mình trong việc bảo tồn sinh cảnh, thu hút khách du lịch, tăng thu nhập cho gia đình. Bà con được hướng dẫn cách phân loại rác thải, cách khai thác hải sản không để cạn kiệt… TS.Trinh đã lập đề án bảo vệ và nâng chuỗi giá trị sản phẩm cua đá Cù lao Chàm, được người dân trên đảo ủng hộ và tên gọi “Tiến sĩ cua” ra đời.

Cù lao Chàm có giếng cổ của người Chăm. Du khách đến cù lao đều múc nước lên từ ngôi giếng cổ để uống với lời truyền miệng râm ran: “Nước giếng cổ linh thiêng lắm, uống một hớp ước sanh trai có trai, sanh gái có gái”.

Đề án quy định: cua đá có kích thước 7cm trở lên mới được bắt; mỗi năm chỉ được khai thác trong giới hạn 10 ngàn con cua đá đủ chuẩn và việc khai thác cua phải tuân thủ theo mùa, theo khu vực để tránh cạn kiệt. Phần quy định giá được mọi người thảo luận rất sôi nổi, đề án đưa ra mức giá sàn 500 ngàn đồng/kg. Bà con bàn bạc nâng lên 700 ngàn đồng và đồng ý cho nhà hàng, quán đặc sản, chế biến phục vụ du khách bán với giá 1,2 triệu đồng/kg. Mọi người dân trên Cù lao Chàm, kể cả các cơ sở làm dịch vụ du lịch đều hồ hởi. Sau đó, UBND TP.Hội An đã ban hành chỉ thị về việc bảo tồn cua đá trên cơ sở đề án đã được “dân biết, dân bàn, dân làm chủ” này.

* HÀI HÒA LỢI ÍCH

Đi vào thực hiện, Ban Quản lý Khu khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm đã có một loạt giải pháp quan trọng: thành lập Ngân hàng cua đá, Hội Những người chuyên bắt cua đá và yêu thích cua đá, xây dựng bộ chỉ số giám sát cua đá… Đặc biệt, Tổ khai thác và bảo vệ cua đá Cù lao Chàm quy tụ 30 hộ “thâm niên kinh nghiệm” săn bắt cua đá đã ra đời. Từng thành viên được phân bổ chỉ tiêu khai thác hàng tháng; mỗi ngày từ 7-8 giờ sáng tập trung toàn bộ cua đá được săn bắt đêm trước để kiểm tra, cân, đo và dán nhãn sinh thái. Cua không đủ tiêu chuẩn bị loại ra và được trả về môi trường; người vi phạm bị trừ vào lượng cua được phân bổ khai thác trong tháng. Do vậy, người săn cua đá nào cũng chọn lựa cẩn thận trước khi bắt. Ở Cù lao Chàm, cua đá không dán nhãn sinh thái bị xem là… cua bất hợp pháp.

Du khách tấp nập ra Cù lao Chàm
Du khách tấp nập ra Cù lao Chàm

Nhìn mai cua đá dán nhãn sinh thái, tôi bỗng nhớ đến chuyện tôi cùng Thượng tá Hồ Đức Bình, Phó trưởng phòng Công tác chính trị (Công an Đồng Nai) nhân một chuyến công tác ở miền Tây đã đến tận cồn Phú Đa (nằm giữa 2 tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long) định bụng thưởng thức món ốc gạo ngon nổi tiếng cả nước. Bước vào một quán ăn, hỏi đến món chân quê, dân dã này thì thấy chủ quán bối rối ra mặt rồi nhỏ nhẹ đề nghị: “ Quý khách muốn ăn ốc gạo, đề nghị làm đơn gửi Ban chủ nhiệm hợp tác xã xin mua 1kg ốc gạo, Chủ tịch UBND xã phê duyệt mới… được ăn”. “Phi vụ ốc gạo” bất thành, ra Cù lao Chàm lại thấy cua đá dán nhãn sinh thái, cả tôi và Đức Bình đều “ sốc”.

Trở lại chuyện cua đá ở Cù lao Chàm không bị tuyệt chủng như cảnh báo vào năm 2006 của TS.Mariana Damholt (người Đan Mạch) khi ra đây nghiên cứu về cua đá, để được tổ chức môi trường Liên hợp quốc tại Việt Nam hỗ trợ dự án phục hồi, bảo tồn, khai thác bền vững cua đá, UBND TP.Hội An có lúc phải ra chỉ thị “tạm thời ngưng khai thác, kinh doanh, tiêu thụ cua đá Cù lao Chàm để bảo vệ, khôi phục và tái tạo”. Bên cạnh đó, địa phương còn có chủ trương “Nói không với túi ny-lông”, được đánh giá: “Công tác bảo tồn biển ở Cù lao Chàm được đúc kết tương đối thành công nhờ dựa vào cộng đồng”, trong đó không thể tách rời vai trò tích cực của “Tiến sĩ cua” Chu Mạnh Trinh.

 Bùi Thuận

Tin xem nhiều