Gần 18 năm qua, từ khi chồng bị tai nạn lao động dẫn đến liệt nửa người, bà Trần Thị Liên (ngụ ấp Cọ Dầu 2, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) đã hy sinh tuổi xuân, dành tình thương và thời gian chăm sóc chồng, nuôi con ăn học nên người.
Gần 18 năm qua, từ khi chồng bị tai nạn lao động dẫn đến liệt nửa người, bà Trần Thị Liên (ngụ ấp Cọ Dầu 2, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) đã hy sinh tuổi xuân, dành tình thương và thời gian chăm sóc chồng, nuôi con ăn học nên người. Đến nay khi con gái đi học đại học xa nhà, sự hy sinh của bà càng lớn hơn khi mọi việc lớn, nhỏ trong nhà, chi phí học hành của con đều một tay bà gồng gánh.
Mỗi ngày, bà Trần Thị Liên đều lo lắng mọi sinh hoạt cho chồng. |
* Thân cò lặn lội
Tháng 1-2000, trong một lần đi hái tiêu mướn, ông Hoàng Minh Tiến (chồng bà Liên) bị té từ độ cao 8m do trụ tiêu đổ. Nhập viện chữa trị nhiều tháng, ông Tiến thoát chết nhưng bị liệt nửa phần dưới. Từ đó, bà Liên (lúc đó mới 26 tuổi, con gái mới hơn 1 tuổi) phải chạy đôn chạy đáo lo tiền chạy chữa cho chồng và gánh vác mọi việc trong gia đình, lo cho con gái ăn học.
Sống cạnh nhà và thường xuyên giúp đỡ gia đình bà Trần Thị Liên, bà Dương Thị Hóa bày tỏ: “Nói về sự chịu thương chịu khó thì cô Liên không thua ai đâu. Chồng bị liệt nằm một chỗ mười mấy năm nay, cô Liên phải đi làm thuê kiếm tiền chăm lo cho chồng con từng chút. Hết việc chỗ này, cô lại tìm việc chỗ kia, hàng xóm thấy thương nên giới thiệu việc cho cô làm để có thêm thu nhập lo cho chồng con”. |
“Lúc chồng nằm viện, bao nhiêu đất đai, tài sản trong nhà đều đem bán hết để lấy tiền chạy chữa, nhưng chồng tôi vẫn phải chịu cảnh liệt nửa người mãi mãi. May mắn là bà con họ hàng đã góp sức xây cho vợ chồng tôi ngôi nhà khác để có chỗ che nắng che mưa. Từ đó về sau, một mình tôi gồng gánh mọi việc trong nhà. Con gái từ nhỏ đã hiểu hoàn cảnh gia đình nên ngoài giờ học lại phụ mẹ việc nhà, nuôi con heo, con gà để có thêm chút tiền” - bà Liên chia sẻ.
Thấy hoàn cảnh gia đình bà Liên đáng thương, những người hàng xóm tìm cách tạo công ăn việc làm cho bà bằng cách thuê hoặc giới thiệu cho bà những công việc dọn dẹp nhà cửa, làm rẫy trả tiền công theo giờ để bà có thể vượt qua số phận, chăm lo cho chồng cho con chu đáo.
Mỗi ngày, sáng đi làm, trưa bà Liên lại chạy về nhà lo cơm nước rồi chăm sóc chồng, chiều lại đi làm tiếp nếu có người thuê. Có những buổi đi làm xa nhà gần 20km, trưa không về được, bà Liên phải dậy sớm lo cơm nước cho chồng con rồi giở theo cơm đi làm. Đến chiều, vừa xong việc bà lại nhanh chóng chạy về nhà dọn dẹp, lo cơm nước cho chồng con. Hầu như không tối nào bà ngủ trước 22 giờ vì việc nhà bận rộn và chồng hay bị đau ốm.
Không có việc làm ổn định, ai kêu gì làm nấy nên gần 18 năm qua, thu nhập của bà chỉ đủ xoay xở cuộc sống tạm bợ mỗi ngày, không hề dư dả.
“Nhiều đêm cứ khoảng 22 giờ chồng tôi lại lên cơn đau dưới thắt lưng, đến gần 1 giờ sáng mới đỡ. Những lúc đó, tôi chỉ biết ở cạnh bên xoa bóp cho chồng bớt đau. Tháng nào cũng tốn tiền thuốc men nên tôi phải cố gắng làm nhiều hơn. Hồi con gái còn học phổ thông, ngày nào đi học về cũng phụ mẹ lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Giờ học đại học, con gái cũng biết đi làm thêm kiếm tiền ăn học nên tôi không phải lo cho con nhiều lắm. Năm rồi, dành dụm mãi tôi mới mua được chiếc xe máy cho con đi học, chứ mười mấy năm qua cháu chỉ đạp xe đi học, đi làm dù đường có xa mấy đi nữa” - bà Liên tâm sự.
* Hạnh phúc nhỏ nhoi
Ngay từ nhỏ, Hoàng Thị Diệu Nghĩa (con gái bà Liên, hiện là sinh viên năm 2 Trường đại học giao thông - vận tải) đã có ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên chăm chỉ học tập. Suốt 12 năm học phổ thông, Nghĩa luôn đạt kết quả học tập khá, giỏi và hầu như năm nào cũng nhận được học bổng của các cơ quan báo chí, ngân hàng, công ty... Mỗi ngày sau khi đi học về, Nghĩa lại dành thời gian phụ giúp cha mẹ chuyện vặt trong nhà. Cũng nhờ vậy mà nỗi lo cơm áo gạo tiền của bà Liên, nỗi buồn khi thui thủi một mình trong nhà của ông Tiến cũng vơi dần.
Sau những giờ làm công kiếm tiền mưu sinh, bà Trần Thị Liên lại loay hoay với những việc trong nhà. |
Ông Tiến tâm sự: “Tôi may mắn được bà con hàng xóm giúp đỡ và có vợ hiền, con thảo luôn quan tâm chăm sóc cho tôi. Mấy năm gần đây, bạn bè đồng ngũ năm xưa tại Trung đoàn 31, Sư đoàn 309 cũng đến thăm hỏi, tặng vợ chồng tôi cái tivi và ít tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày. Bệnh tật nằm một chỗ, tôi cũng chẳng mong muốn gì hơn là được nhìn thấy con gái nên người, có gia đình hạnh phúc, còn vợ thì khỏe mạnh để thay tôi gánh vác việc nhà”.
Ông Tiến bị liệt nửa phần dưới, mọi sinh hoạt cá nhân đều do một tay bà Liên giúp đỡ. Từ chuyện vệ sinh cá nhân đến ăn uống hàng ngày, bà Liên luôn tận tâm chăm lo cho chồng, giúp chồng vượt qua nỗi đau với tình cảm ấm áp vẹn nguyên như ngày mới cưới. Những việc làm của bà gần 18 năm qua đã tiếp thêm sức mạnh cho chồng cố gắng chống chọi với bệnh tật. Để bây giờ nếu được vợ đỡ lên xe lăn ngồi, ông Tiến có thể nấu cơm, tưới nước cho cây cối trong vườn. Với ông, đó cũng là chút niềm an ủi vì có thể phụ giúp vợ con phần nào.
Thu nhập mỗi tháng chỉ vài triệu đồng nhưng cũng không ổn định, lại phải lo tiền thuốc cho chồng, tiền học cho con và sinh hoạt phí nên bữa cơm hàng ngày ở nhà bà Liên rất đơn giản. Tuy vậy, bữa cơm đơn giản ấy lại thấm đẫm tình nghĩa vợ chồng, thấm đẫm sự hy sinh của người phụ nữ có tấm lòng chung thủy sắt son, chu toàn mọi việc để xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc.
Bà Liên chia sẻ: “Nhiều khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình cũng có chút buồn, nhưng phải cố gắng sống vì chồng vì con. Vả lại, hồi còn khỏe mạnh chồng làm lụng vất vả để chăm lo cho mẹ con tôi, giờ chồng gặp nạn thì tôi phải cố vươn lên để lo cho chồng để trọn đạo nghĩa vợ chồng. May mắn là con gái tôi chăm ngoan, học giỏi nên đã tiếp thêm động lực cho tôi cố gắng vượt qua khó khăn để chăm lo cho chồng con. Tôi cũng luôn nhắc nhở con gái phải nhớ ơn những người đã giúp đỡ cho con được học hành đàng hoàng, từ đó chăm học để sau này thành tài mà có điều kiện giúp đỡ những người khác”.
Đăng Tùng - Thúy Hằng