Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng Quảng Trị ở Xuân Quế

07:11, 28/11/2017

Xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) có gần 300 dân gốc tỉnh Quảng Trị di cư về đây lập làng, với 4 dòng họ lớn: Vương, Ngô, Huỳnh và Dương. Cuộc di cư của người dân Quảng Trị về Xuân Quế lập nghiệp gắn liền với cây cao su và những thửa đất "đầu thừa, đuôi thẹo" của Nông trường cao su Ông Quế.

Xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ) có gần 300 dân gốc tỉnh Quảng Trị di cư về đây lập làng, với 4 dòng họ lớn: Vương, Ngô, Huỳnh và Dương. Cuộc di cư của người dân Quảng Trị về Xuân Quế lập nghiệp gắn liền với cây cao su và những thửa đất “đầu thừa, đuôi thẹo” của Nông trường cao su Ông Quế.

Ông Vương Tánh, người cùng 12 hộ dân làng Phước Điền về Xuân Quế lập nghiệp vào năm 1988.
Ông Vương Tánh, người cùng 12 hộ dân làng Phước Điền về Xuân Quế lập nghiệp vào năm 1988.

Sau mấy chục năm cùng 13 hộ dân trên chiếc xe tải về xã Xuân Quế lập nghiệp, ông Vương Tánh (83 tuổi, ngụ ấp 1) vẫn còn nhớ như in những gian khổ ban đầu trên vùng đất mới.

* Chuyện di cư

Vốn quen với cuộc sống kham khổ ở làng Phước Điền (xã Hải Thành, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), ông Vương Tánh xem cái khó, cái khổ trong quá khứ nhẹ như cơn gió thoảng qua làng trước sức bật nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu của xã Xuân Quế. Vì vậy, ông càng lạc quan vào sự đổi thay cuộc sống mỗi khi đi lại trên đường làng mà chân không hề vướng bụi.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Xuân Quế, cho biết vào năm 1988, ông đưa mẹ và các em từ tỉnh Quảng Trị vào xã Xuân Quế lập nghiệp. Được gia đình ông Vương Tánh cưu mang, ông vừa tham gia công tác chính quyền địa phương vừa cùng mẹ nuôi được 2 trong số 4 người em học đại học. Dù cuộc sống ngày mới vào Xuân Quế còn khó khăn, nhưng tình đồng hương của người Quảng Trị và người dân di cư từ các tỉnh khác về đây và dân bản địa lúc nào cũng đoàn kết, nghĩa tình.

Năm 1977, ông Vương Tánh mang theo 10 người con để cùng 13 hộ dân làng Phước Điền vượt chặng đường dài từ Quảng Trị vào xã Xuân Đường tìm kế sinh nhai. Sau 2 ngày đêm co ro trong thùng xe tải, nhóm di dân làng Phước Điền của ông Tánh  được Nông trường cao su Ông Quế tiếp nhận vào làm công nhân cao su và phân cho 1 lán trại nằm heo hút trong lô cao su để làm nơi ở.

Có chân công nhân trong nông trường và chịu khó khai khẩn thêm những thửa đất hoang để trồng tỉa nên nhóm di dân làng Phước Điền của ông Tánh luôn có được bữa cơm trắng hoặc độn khoai, bắp, đậu no bụng.

Cuộc sống ở vùng đất mới tạm ổn định thì nhóm di dân làng Phước Điền gặp phải đợt dịch bệnh. Ông Vương Tánh kể vào năm 1982, đợt dịch hạch bùng phát nơi dãy nhà của cư dân làng Phước Điền làm nhiều người mắc bệnh và ông mất đi người con trai. Để dập dịch, chính quyền địa phương và Nông trường cao su Ông Quế quyết định xóa hẳn dãy nhà tạm, chuyển dân về khu đất mới.

Về nơi ở mới, dân di cư làng Phước Điền của ông Tánh dần ổn định theo những mùa cao su rụng lá. Những người làng Phước Điền đầu tiên di cư về Xuân Quế, như các ông: Vương Tánh, Nguyễn Chương, Ngô Vân... đã dần xây dựng nên những ngôi nhà và vườn cây xanh tốt nép mình nơi những lô cao su đang dâng tràn nhựa sống.

Hay tin người làng Phước Điền vào Xuân Quế có cuộc sống sung túc, dòng người Quảng Trị ở quê lần lượt theo về đây. Chẳng bao lâu, dân gốc Quảng Trị ở làng 1 (xã Xuân Đường) phát triển thành nhiều nhóm di cư ở làng 2, làng 3 (xã Sông Nhạn) và nhiều nơi khác thuộc các xã: Cẩm Đường, Bàu Cạn (huyện Long Thành)... với hàng ngàn hộ.

* Tình đồng hương

Người Quảng Trị đến trước mở vòng tay đón nhận, giúp đỡ những người đến sau. Ông Vương Tánh tâm sự lúc gian khó tình đồng hương Quảng Trị của ông được thể hiện qua ký gạo, ít tiền, mái nhà, vậy là ấm lòng. Nay điều kiện kinh tế khá giả, người Quảng Trị trong và ngoài làng Phước Điền càng thắt chặt mối thâm giao đồng hương qua việc xây dựng nếp sống mới, nông thôn mới.

Những khu đất “khai hoang” của dân Quảng Trị di cư vào Xuân Quế luôn xanh màu cây trái.
Những khu đất “khai hoang” của dân Quảng Trị di cư vào Xuân Quế luôn xanh màu cây trái.

Ông Huỳnh Tâm (con trai ông Huỳnh Đồng) vốn là thế hệ thứ 2 của làng Phước Điền ở đất Xuân Quế. Ông Tâm cho hay sau khi cha của ông qua đời, ông phải thay cha nuôi 6 người em ăn học (có 4 người tốt nghiệp đại học). Để làm tròn bổn phận người con trai cả trong nhà, ông Tâm bon chen đủ thứ việc.

Thời người dân Xuân Quế tưới cây tiêu, cà phê bằng từng gàu nước được múc từ giếng lên, ông Tâm đã sắm được chiếc máy xới để ban ngày đi cày xới đất, chở hàng thuê, đêm đến ông đi tưới nước thuê chẳng biết mỏi mệt. Nay ông Tâm trở thành người khá giả trong làng với trên 10 hécta đất, con cái học giỏi và ngoan hiền nên càng tự hào về những ngày khốn khó của bản thân.

Vì thương cảnh cha già làm quần quật nuôi đàn con cho đến ngày nhắm mắt, ông Tâm nay tạm gác lại hết việc bon chen của thời trai trẻ để vợ chồng chuyên tâm làm việc từ thiện. 10 hécta đất rẫy, ông cho người nghèo thuê mướn; năm nào người thuê được mùa thì ông lấy tiền thuê, năm thất mùa thì cho nợ hoặc giảm, miễn. Số tiền tỷ tích cóp của vợ chồng, ông Tâm chẳng đắn đo cho mọi người vay mượn với tiền lãi rẻ hơn ngân hàng mà không sợ bị quỵt.

Cuộc sống không khá giả bằng ông Huỳnh Tâm, nhưng ông Vương Tánh Quỳnh (con trai ông Vương Tánh) vẫn rộng rãi tặng cho người đồng hương 5 sào đất khi họ mới vào Xuân Quế lập nghiệp. Ông Quỳnh kể trước kia cha ông khai phá rất nhiều đất “đầu thừa, đuôi thẹo” ở Xuân Quế để làm rẫy. Dù nhiều đất, nhưng ông Tánh không bán mà lại đem cho, tặng các đồng hương để họ có nơi ở, có đất sản xuất khi mới chân ướt chân ráo vào Xuân Quế lập nghiệp.

Cuối tháng 11, rừng cao su lác đác rụng lá già, cây trồng đang được tắm mát khi trời dứt mưa thêm xanh tốt. Nơi xóm làng người Quảng Trị đâu đó xuất hiện thêm ngôi nhà mới vừa xây xong. Ông già Quảng Trị Dương Văn Đạo, Trưởng họ Dương ở xã Xuân Quế, háo hức khoe với chúng tôi cứ vào dịp cuối năm là dân làng Quảng Trị của ông lo sửa sang lại nhà cửa, nhắc nhở con cháu đang làm ăn phương xa sắp xếp công việc về thăm gia đình, giỗ họ. 

Đoàn Phú

Tin xem nhiều