Báo Đồng Nai điện tử
En

Cha, con và... tiệm sửa xe

07:11, 27/11/2017

"Tại Biên Hòa, cùng thời với tôi có 3-4 tiệm chuyên sửa dòng xe Vespa (của hãng Piaggio, Italia). Qua thời gian, một số bỏ nghề, số khác chuyển qua sửa các loại xe máy khác, chỉ còn tôi gắn bó với việc sửa xe Vespa đến nay đã trên 60 năm"...

“Tại Biên Hòa, cùng thời với tôi có 3-4 tiệm chuyên sửa dòng xe Vespa (của hãng Piaggio, Italia). Qua thời gian, một số bỏ nghề, số khác chuyển qua sửa các loại xe máy khác, chỉ còn tôi gắn bó với việc sửa xe Vespa đến nay đã trên 60 năm” - ông Quách Huệ Chương (83 tuổi, ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) bộc bạch.

Ông Quách Huệ Chương chăm chú theo dõi, truyền đạt kinh nghiệm sửa xe Vespa cho con trai.
Ông Quách Huệ Chương chăm chú theo dõi, truyền đạt kinh nghiệm sửa xe Vespa cho con trai.

Nằm khiêm tốn trên đường Phan Đình Phùng, diện tích chỉ hơn 20m2, chỉ cần vài chiếc xe của khách gửi đến sửa là đã chiếm hết lối đi, nhưng tiệm sửa xe Vespa mang tên Cần Nghiệp của ông Quách Huệ Chương không lúc nào ngơi khách.

* Nổi tiếng khắp vùng

Ông chủ tiệm sửa xe Quách Huệ Chương dù đã lớn tuổi, mái tóc gần bạc trắng nhưng vẫn luôn nhiệt tình với khách hàng. Ông Chương là một trong số ít thợ chuyên sửa chữa và phục chế xe Vespa cổ hiếm hoi ở vùng Đông Nam bộ. Còn ở Biên Hòa, nhắc đến tên ông Chương, giới chơi xe cổ có rất nhiều người biết và đánh giá cao về tài năng lẫn uy tín.

“Nghề sửa xe Vespa khó khăn nhất có lẽ vào thời kỳ đất nước còn bao cấp. Không chỉ Vespa mà hàng loạt xe máy thời bấy giờ, như: Lambretta, Honda, Mobylette… đều chịu cảnh “thất sủng”, đắp chiếu thành “đống sắt vụn”. Nhưng nhờ kiên trì theo đuổi với nghề mà tiệm sửa xe của gia đình tôi tồn tại đến ngày nay; trở thành nơi lui tới thân quen của những người chơi xe Vespa” - ông Quách Huệ Chương cho hay.

Mới 15-16 tuổi, ông Chương đã đến Sài Gòn học nghề sửa xe máy. Hơn 1 năm sau, khi tay nghề đã cứng cáp, ông chuyển sang sửa xe thuê cho các chủ tiệm gần đó. Sau mấy năm dành dụm, ông mới có đủ vốn mở tiệm riêng tại Biên Hòa và theo nghề cho tới nay.

Từ giữa những năm 1950, xe Vespa bắt đầu du nhập vào Việt Nam và được người Việt hào hứng đón nhận. Khi phong trào chơi xe Vespa nổi lên, thấy tiềm năng từ việc sửa chữa loại xe này, ông Chương chuyển hẳn sang sửa xe Vespa. Tuy nhiên, việc trụ với nghề không hề đơn giản.

“Thời đó, chỉ có giới thượng lưu và các công chức lắm tiền mới sở hữu được dòng xe Vespa nên thu nhập từ nghề sửa dòng xe này không nhiều. Tôi đã chứng kiến nhiều người vì không trụ nổi đã bỏ nghề. Mãi đến sau năm 1970, xe Vespa mới được dùng nhiều trở lại” - ông Chương nói.

Đó là khi thị trường tràn ngập xe Vespa nhập từ Ấn Độ, Đài Loan - Trung Quốc, Indonesia... Lúc này, những người làm nghề sửa chữa, tân trang dòng xe này mới “sống khỏe”. Tiệm của ông Chương nhờ thế mà ăn nên làm ra, khấm khá hơn trước. Đây cũng là lúc hàng loạt dòng xe Vespa giá “mềm”, như: Super Sprint... xuất hiện, nên loại xe này trở nên phổ biến.

Tiệm của ông Chương không lúc nào vắng khách. Nhiều khách từ địa phương khác đến tiệm của ông chầu chực sửa chữa, ai không đủ kiên nhẫn đành gửi xe lại tiệm đợi lúc nào xong thì đến lấy. Xe Vespa đời trước chạy bằng động cơ 2 thì, dùng xăng pha nhớt nên người đi xe khá ít mà người sửa xe cũng không nhiều. Do đó, tay nghề sửa xe Vespa ít được nâng cao, chỉ những ai yêu thích dòng xe này mới đủ khả năng bắt “bệnh”, “chẩn đoán” khi xe bị hư hỏng.

Hàng chục năm trong nghề, quen sửa một dòng xe nên chỉ cần khởi động máy, nghe tiếng nổ là ông Chương biết xe có vấn đề ở bộ phận nào. Từ tiếng nổ “bạch, bạch” đặc trưng của dòng xe Vespa, ông còn có thể biết chất lượng máy còn bao nhiêu phần trăm, các bộ phận của xe còn “zin” hay không...

* Hơn nửa thế kỷ sửa Vespa

Khoảng 7 năm nay, ông Quách Huệ Chương giã từ nghề sửa xe Vespa, cửa tiệm được chuyển giao cho người con trai Quách Chí Quang (48 tuổi), nhưng ông vẫn luôn lui tới tiệm theo dõi.

Được cha truyền dạy, ông Quách Chí Quang đam mê theo đuổi nghề sửa xe Vespa.
Được cha truyền dạy, ông Quách Chí Quang đam mê theo đuổi nghề sửa xe Vespa.

Cũng như cha mình, ông Quang theo nghiệp sửa xe từ khi mới 15 tuổi. Bao nhiêu kinh nghiệm, vốn liếng cha truyền lại được ông Quang phát huy và tận tâm gắn bó với công việc.

Hơn 30 năm trong nghề, ông Quang cũng chứng kiến nhiều thay đổi thăng trầm với dòng xe này. Có lẽ nghề sửa xe Vespa thịnh hành nhất từ những năm 1985 đến đầu năm 2000. Thời đó, nhiều người gọi xe Vespa là xe “nghĩa địa”, bởi xe cũ từ nước ngoài nhập về với số lượng lớn. Tiệm sửa xe của ông Quang bắt đầu tân trang, phục chế những “đống sắt vụn” thành nguyên bản như vừa xuất xưởng.

Ông Quang cho hay nghề tân trang xe Vespa cổ mà dân chơi thường gọi là “độ” xe đặc biệt đòi hỏi cao ở kiến thức và sự sáng tạo ở người thợ. Để phục chế xe theo yêu cầu của khách, người thợ phải am hiểu từng dòng xe, đặc tính của từng loại phụ tùng.

Những chiếc xe càng cổ, có tuổi thọ hàng chục năm như Standard, khó nhất là tìm phụ tùng thay thế. Ông phải lặn lội đến TP.Hồ Chí Minh lùng mua tại những tiệm chuyên bán phụ tùng xe máy. Nếu ở đây vẫn không có, ông phải đặt trước mấy tháng từ nước ngoài mới có “hàng” vì đại lý không thể nhập về tràn lan.

Sửa xe cổ có giá trị cao nên mọi thay đổi từ bề ngoài đến “nội thất” của chiếc xe, người thợ đều phải thăm dò trước ý kiến của chủ xe. Quá trình phục chế, nâng cấp đòi hỏi người làm cẩn thận đến từng chi tiết. Nhờ đó mà tiệm sửa xe cha truyền con nối của ông Quang tạo dựng được uy tín và nổi tiếng trong giới chơi xe Vespa.

Ông Quang chia sẻ, nghề sửa xe cổ không chỉ làm lâu quen tay mà còn cần có chút năng khiếu và đam mê. Khách “ruột” của ông không chỉ ở Đồng Nai mà nhiều người sưu tầm xe Vespa cổ tại các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Thuận... cũng mang xe đến ông nhờ sửa chữa.

Cửa tiệm của gia đình ông Quang trở thành nơi hội tụ của những tay chơi xe Vespa từ khắp nơi đổ về đây. Thỉnh thoảng họ lại gặp nhau, trước để đọ độ “chất” của chiếc xe mình đang đi, sau là chia sẻ những dòng xe có giá trị mà dân chơi “săn” mua trên thị trường.

“Nhờ sửa được nhiều xe mà kiến thức về dòng xe Vespa của tôi nâng lên rõ rệt, có khi còn am hiểu tường tận hơn những tay chuyên chơi xe Vespa cổ. Kinh nghiệm này giúp tôi biết khách đang cần dòng xe gì để phục chế, tân trang. Từ chỗ làm thợ sửa chữa, tôi cũng ghiền luôn cái tiếng nổ “bạch, bạch”, dáng ngồi chễm chệ trên yên xe và làn khói trắng tuôn ra từ ống pô xe Vespa... lúc nào không hay” - ông Quang chia sẻ.

Thanh Hải

Tin xem nhiều