Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi chợ phiên cây cảnh

07:10, 28/10/2017

"Chúng tôi đem theo nhiều loại cây cảnh đến đây ngoài mong muốn bán được hàng, quan trọng hơn là để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghề chăm sóc, tạo hình cây cảnh" - ông Tám Thao (quê Bến Tre) vui vẻ cho biết.

“Chúng tôi đem theo nhiều loại cây cảnh đến đây ngoài mong muốn bán được hàng, quan trọng hơn là để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghề chăm sóc, tạo hình cây cảnh” - ông Tám Thao (quê tỉnh Bến Tre) vui vẻ cho biết mục đích ông đến tham gia chợ phiên sinh vật cảnh được tổ chức ở  Văn miếu Trấn Biên năm nay.

Nhà vườn chăm sóc cho chậu cây cảnh để đạt chất lượng về thế và dáng.
Nhà vườn chăm sóc cho chậu cây cảnh để đạt chất lượng về thế và dáng.

Hàng ngàn cây cảnh với những kiểu dáng độc, lạ từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước có dịp “đọ dáng” tại chợ phiên sinh vật cảnh.

Nghệ nhân tạo hình

Dọc con đường Võ Trường Toản những ngày này luôn tấp nập người ra kẻ vào. Không khí ở đây sôi động hơn so với bình thường, bởi nơi đây đang diễn ra chợ phiên sinh vật cảnh quy tụ các gian hàng của những nhà vườn, cơ sở cây cảnh và nghệ nhân đến từ các tỉnh, thành trong cả nước, như: Trà Vinh, Bình Dương, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng... Hai bên đường trưng bày nhiều loại cây cảnh kiểu dáng độc, lạ khiến người tham quan rất thích thú.

Chợ phiên sinh vật cảnh Trấn Biên lần 5-2017 được tổ chức tại Văn miếu Trấn Biên từ ngày 22 đến 29-10. Chợ phiên sinh vật cảnh lần này có quy mô lớn nhất so với các phiên chợ trước đây khi quy tụ được sự tham gia của 100 nhà vườn với hơn 100 ngàn sinh vật cảnh đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là cơ hội để các nhà vườn, nghệ nhân giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong nghề tạo hình sinh vật cảnh.

Ngoài những chậu cảnh lớn (cây gỗ cổ thụ) vốn đa dạng về chủng loại, trong khuôn viên chợ phiên không thể thiếu những chậu bonsai nhỏ xíu, bỏ lọt vừa đủ lòng bàn tay.

Ông Tám Thao cho hay đây là năm thứ 2 ông đánh xe tải chở các chậu cảnh lớn nhỏ tới tham dự chợ phiên. Những lần trước, do ngại đường xa ông chỉ đem đi vài chục chậu, còn đợt này ông đem cả trăm chậu.

Quê ở huyện Chợ Lách, thủ phủ của hoa, cây cảnh lớn nhất nhì miền Tây, nên cái chất nghệ sĩ, mê tạo hình bonsai đã thấm vào máu của ông Tám Thao khi nào không hay. Mới 13 tuổi, ông đã theo cha học chăm sóc cây cảnh rồi gắn bó với nghề từ đó đến giờ. 

Với ông, được chăm sóc, uốn sửa cây là để thỏa niềm đam mê, hòa mình vào thiên nhiên và duy trì nghề truyền thống cha ông để lại từ bao đời nay. Trải qua bao thăng trầm, ông đã tích lũy cho bản thân nhiều kinh nghiệm quý để có thể tự phát triển sự nghiệp.

Tham gia chợ phiên lần này, ông mang đến chậu nguyệt quế có tuổi đời gần 70 năm. Gốc cây già cỗi, lớp vỏ đen xù xì nhưng tán cây xòe rộng, đã theo ông từ ngày mới chập chững vào nghề. Cách đây vài ngày, có người khách trả hơn 120 triệu đồng nhưng ông quyết định để chơi mà không bán.

Một chậu cảnh vóc dáng xù xì, thế đẹp được nghệ nhân chăm sóc tỉ mỉ.
Một chậu cảnh vóc dáng xù xì, thế đẹp được nghệ nhân chăm sóc tỉ mỉ.

“Tạo thế cho cây cần sự tỉ mỉ và phải có mắt thẩm mỹ để chiều lòng được tất cả người chơi. Quá trình chăm bón, tỉa cành cũng hết sức công phu, đòi hỏi nghệ nhân phải bỏ nhiều công sức mới mong có thành quả như ý muốn” - ông Tám Thao bộc bạch.

Ghé thăm chợ phiên, mọi người có thể bắt gặp hàng ngàn cây cảnh được tạo hình nhiều con vật, như: nghê, gà, trâu…, hay kiểu dáng tuân theo thủ pháp phong thủy. Mỗi thế cây, mỗi dáng vẻ mang một triết lý, ý nghĩa khác nhau để người chơi có thể mua về nhà trưng bày, thưởng lãm.

Nhiều nhà vườn, nghệ nhân chia sẻ tùy vào sự cầu kỳ, độ “chất” mà mức giá dành cho những chậu cảnh có thể dao động từ vài trăm ngàn đến cả trăm triệu đồng. Cây càng sống lâu năm, dáng thế độc, lạ thì càng giá trị.

Độc đáo chợ phiên

Những nghệ nhân giỏi trong nghề tạo hình cây cảnh cho rằng mỗi người thợ đều có cái tài riêng để biến những thứ tưởng chừng bình thường trở nên sinh động và giàu tính nghệ thuật. Họ mang đến chợ phiên sinh vật cảnh hàng trăm cây cảnh các loại và đa số đều bán hết ngay tại chợ phiên. Vì thế, mọi ngóc ngách, khoảnh đất trống ở đây đều được tận dụng làm nơi trưng bày bonsai, cây cảnh.

“Nhiều người đến chợ phiên sinh vật cảnh không chỉ để buôn bán mà còn mong muốn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề. Trong đó, không thể thiếu những món hàng “độc” nhằm khoe với nhau” - anh Cao Hiếu Nghĩa (quê huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) hóm hỉnh nói.

Theo anh Nghĩa, cứ mỗi đợt chợ phiên diễn ra lại có thêm một chậu cây cảnh mới với giá cao chót vót khiến ai cũng bất ngờ, ấn tượng. Tại chợ phiên sinh vật cảnh được tổ chức ở Văn miếu Trấn Biên vào năm ngoái (tháng 11-2016), những nghệ nhân ở đây đều ngả mũ thán phục trước 2 cây vạn niên tùng giá 1,4 tỷ đồng của một nhà vườn ở TP.Hồ Chí Minh. 2 cây tùng cao khoảng 10m, tán rộng 2,5m phủ từng lớp lá xanh mướt khiến chủ nhân có dịp “nở mày nở mặt”.

Những chậu cây cảnh được khách mua khi đã chọn lựa ưng ý.
Những chậu cây cảnh được khách mua khi đã chọn lựa ưng ý.

“Những cây này phải thật tâm đắc, đặc biệt thì họ mới mang tới chợ phiên giới thiệu, thi thố với nhau. Giá của những loại cây cảnh thuộc “hàng độc” cũng khó xác định lắm. Mà giá càng cao thì họ càng ít bán, chủ yếu để chơi, tạo tiếng tăm trong giới bonsai, cây cảnh” - anh Nghĩa tâm sự.

Tại chợ phiên sinh vật cảnh lần này, ông Huỳnh Văn Hóa (quê tỉnh Đồng Tháp) được nhiều người biết đến bởi biệt tài biến những gốc cây ăn trái thành các chậu cảnh giá trị, từ gốc vú sữa có vòng tròn gốc rễ đường kính gần 5m, đến những chậu táo, sơ-ri, me, khế... với đủ hình dáng đặc sắc.

Ông Hóa cho biết muốn tạo nên một cây cảnh có trái đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật cao, có kinh nghiệm chăm sóc và mất nhiều thời gian nuôi dưỡng. Quan trọng hơn, một cây ăn trái muốn đưa vào chậu phải là những cây có dáng thế hùng mạnh, gân guốc, cành nhánh hài hòa và sống lâu năm.

Dịp này, ông Hóa chỉ dự chợ phiên với “gia tài” 30 chậu cảnh, gồm: me, táo và khế, nhưng đã có khách mua gần hết. Điều đó ngoài sức mong đợi của ông vì so với các loại cây khác, giá bán của mỗi chậu cây cảnh có trái, dáng đẹp sẽ đắt hơn rất nhiều.

“Dự định ban đầu của tôi chủ yếu mang đi giao lưu với các anh em trong nghề; nếu bán không hết sẽ mang về chăm bón, đợi đến dịp Tết Nguyên đán, khi thời tiết thuận lợi, cây ra hoa kết trái thì lúc đó mới đẹp. Niềm vui này giúp tôi phấn khích, tin tưởng để phiên chợ sau ghé lại” - ông Hóa hồ hởi tỏ bày.

Thanh Hải

 

Tin xem nhiều