Tiếp xúc hàng ngày với các bảng vi mạch điện tử, thợ sửa chữa đồ điện tử cho rằng phải thật yêu nghề mới gắn bó lâu dài với công việc này. Tất cả món hàng điện tử công nghệ cao mới ra "lò", xuất hiện trên thị trường đều được chủ tiệm nắm bắt, sửa chữa thành công.
Tiếp xúc hàng ngày với các bảng vi mạch điện tử, thợ sửa chữa đồ điện tử cho rằng phải thật yêu nghề mới gắn bó lâu dài với công việc này. Tất cả món hàng điện tử công nghệ cao mới ra “lò”, xuất hiện trên thị trường đều được chủ tiệm nắm bắt, sửa chữa thành công.
Ông Võ Văn Đức đang cặm cụi sửa món đồ điện tử để kịp giao cho khách. |
Khoảng 10 năm trước, sửa chữa điện tử là một nghề ăn nên làm ra. Ở các trường dạy nghề, cao đẳng hay đại học, nghề này luôn thu hút người học; còn bên ngoài, các cửa tiệm cũng đua nhau mọc lên như nấm.
* Xoay xở với nghề cũ
“Ngày trước, nghề sửa chữa đồ điện tử cho thu nhập luôn cao và ổn định. Có người còn dành dụm được tiền mua đất, cất nhà chỉ sau vài năm mở tiệm. Trong nhà tôi lúc nào cũng có 3-5 thanh niên đến xin học nghề, có thời điểm lên đến chục người” - ông Nguyễn Xuân Sơn nói. |
Ông Nguyễn Xuân Sơn (ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết ông mở tiệm sửa chữa đồ điện tử từ năm 1990, khi nghề này thực sự kiếm bộn tiền. Hồi đó, tivi, đầu đĩa, máy cassette… là tài sản lớn, có giá trị nên khi hư hỏng người ta phải đem ra tiệm sửa chữa.
Nhiều khi khách quá đông, hàng “chạy” không kịp phải để trong kho cả tháng khiến khách la rầy, mất lòng. Xung quanh cũng chỉ vài tiệm nhận sửa đồ điện tử, nhưng vì mới mở nên khách không yên tâm, ngại giao mặt hàng giá trị cho thợ trẻ. Tiệm của ông Sơn vốn đông khách nên càng lắm người đến sửa. Mức thu nhập từ nghề được cho là “khủng” hơn nhiều công việc khác.
Sau một thời gian, trên thị trường tràn ngập các mặt hàng điện tử giá rẻ, thiết kế thay đổi liên tục. Những sản phẩm đời sau thường có nhiều tính năng hơn nên người ta sẵn sàng mua đồ mới, chứ ít chịu chi tiền để sửa cái bị hư hỏng. Nghề sửa đồ điện tử vì thế dần trở nên thất thế, nhiều người phải từ bỏ, rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc chỉ xem đây là công việc tay trái.
Theo ông Sơn, nghề sửa chữa đồ điện tử không còn dễ kiếm tiền. Để tồn tại được, ông chuyển sang “mông má”, tân trang đồ cũ rồi bán với giá rẻ. Thông thường, những món hàng sau khi dùng một thời gian thì xuống cấp hoặc hư hỏng, người ta bỏ đi để mua đồ mới. Ông Sơn đem về bắt “bệnh” rồi lặn lội đến các khu chợ mua bán đồ điện tử ở TP.Hồ Chí Minh tìm linh kiện đem về thay thế.
Chuyển sang tân trang đồ điện tử, nhưng ông Võ Văn Đức (ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) chỉ chuyên “mông má” các dòng máy hiếm, giá trị cao theo yêu cầu của khách. Khi đã nhận đơn hàng, ông phải lùng sục khắp nơi tìm mua cho được linh kiện, bảng vi mạch để về thay thế.
Ông Đức chia sẻ thêm, có những đơn hàng khi thanh toán với khách giá trị ngang ngửa với việc mua đồ mới, nhưng nhiều người không ngại móc hầu bao. Đó là những chiếc máy cassette cổ, tivi ra đời cách đây hơn 30 năm…, nên việc tìm đồ thay thế không phải lúc nào cũng có.
“Nếu không tìm cho mình lối đi riêng thì cũng sớm dẹp tiệm vì không kham nổi. Bởi, nhiều bạn bè cùng nghề với tôi đã bỏ nghề, chuyển sang sửa chữa điện thoại di động, lắp đặt âm thanh, chạy hàng bỏ mối đồ điện cho các tiệm điện… Mình yêu nghề thì phải cố gắng, quyết gắn bó với nó” - ông Đức bộc bạch.
Thợ sửa chữa điện tự cho rằng nghề này giống như “bác sĩ” chuyên “phẫu thuật” cho những ca bệnh khó. |
* Nghề cũ nhưng không lỗi thời
Có thời gian, ông Đức còn nhận chạy hàng, bỏ mối đồ điện tử cho các tiệm điện ở TP.Biên Hòa. So với sửa chữa đồ điện tử thì công việc này nhàn nhã và cho thu nhập cao hơn. Nhưng cuối cùng, ông vẫn quay về với nghề cũ, sau khi nhận thấy nhu cầu sửa mặt hàng này có sự thay đổi đáng kể.
Đó là lúc trên thị trường, việc sửa đồ điện tử không dừng lại ở tivi, quạt máy, tủ lạnh, máy điều hòa…, mà xuất hiện thêm các loại lò vi sóng, lò nướng, máy hút khói, khử mùi… Nhu cầu ngày càng tăng, ông Đức quyết định thuê hẳn mặt bằng mở tiệm ngay cạnh con hẻm nhỏ 26 trên đường Lý Văn Sâm. Ở TP.Biên Hòa, khu vực này có nhiều tiệm sửa đồ điện nổi tiếng. Các tiệm mọc san sát nhau, mở cửa từ sáng sớm và lúc nào cũng đông khách lui tới.
“Để có thể sống được với nghề các chủ tiệm phải tìm hiểu, học hỏi nhằm nâng cao kiến thức, sửa được những món đồ được thiết kế ngày càng hiện đại. Có như vậy, mới níu chân khách hàng” - ông Đức tâm sự.
Đến nay, những ai còn “trụ” lại với công việc sửa chữa đồ điện tử đều là những thợ giỏi tay nghề. Tất cả các loại hàng điện tử công nghệ cao mới ra “lò”, xuất hiện trên thị trường đều được người thợ nắm bắt, sửa chữa thành công; nhờ vậy mà các tiệm sửa chữa cũng đã đông khách trở lại.
Cũng là một người thợ lành nghề, ông Nguyễn Quốc Tuấn (chủ tiệm sửa chữa đồ điện tử lâu năm trên đường Lý Văn Sâm) cho hay công việc này tuy cũ, nhưng không lỗi thời. Bởi, số lượng thiết bị điện tử gia dụng ngày càng tăng cao thì mức độ sử dụng nó càng lớn. Ngoài hành nghề, ông còn đứng ra chỉ dạy tận tình cho 5 “học trò” khác. Điều này cho thấy nhiều bạn trẻ ngày càng quan tâm đến công việc sửa chữa đồ điện tử.
Ông Tuấn chia sẻ đồ điện tử có rất nhiều mạch điện nhỏ, chi li, đòi hỏi người sửa cũng phải rất tỉ mỉ. Các thiết bị điện tử dần trở nên tích hợp thu nhỏ, thông minh, đòi hỏi các kỹ thuật viên, người thợ phải khéo léo và không ngừng học hỏi mới thành công, để khách hàng tin tưởng.
Đồ càng hiện đại càng khó chữa nên nhiều “bệnh” phức tạp, phải mất vài tiếng ông Tuấn mới sửa xong. Có những hôm gặp ca “bệnh” lạ, món hàng giá trị lên đến vài chục triệu đồng, ông Tuấn cũng căng thẳng không kém. Do đó, để tạo uy tín với khách hàng, ông không ngại vất vả, đến tận nhà sửa chữa theo yêu cầu của khách.
“Tôi vẫn hay răn dạy học trò, ví nghề này như bác sĩ chuyên “phẫu thuật” cho những ca bệnh khó. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ có khi còn mang tiếng phá hoại, nên khi làm nghề ngoài chuyện giỏi chuyên môn, phải thật tâm huyết với nó” - ông Tuấn tâm sự.
Dương Ngọc