Mặc cho biết bao đồng nghiệp đã bỏ nghề vì sự khắc nghiệt của rừng, ông Thái Văn Phượng (56 tuổi, Phân trường trưởng Phân trường Đầm Voi, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) vẫn quyết tâm bám trụ.
Mặc cho biết bao đồng nghiệp đã bỏ nghề vì sự khắc nghiệt của rừng, ông Thái Văn Phượng (56 tuổi, Phân trường trưởng Phân trường Đầm Voi, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) vẫn quyết tâm bám trụ. 34 năm qua, những cánh rừng phòng hộ Xuân Lộc thêm xanh, còn mái tóc của người giữ rừng Thái Văn Phượng thêm đốm bạc.
Ông Thái Văn Phượng (ở giữa) cùng lực lượng chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh: C.DUYEN |
* Bám trụ với rừng
Những ngày nay, mưa đã giúp cho khu rừng Đầm Voi rộng hơn 2 ngàn hécta xanh tươi hơn. Ông Phượng thở phào nhẹ nhõm vì mưa cũng giúp trút bỏ được áp lực về phòng chống cháy rừng. Ông chia sẻ: “Công tác bảo vệ rừng của chúng tôi luôn có việc làm quanh năm. Mùa nào việc nấy. Mùa khô dồn sức vào công tác phòng chống cháy vì đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Còn công việc mùa mưa thì tập trung trồng rừng, tuần tra ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất lâm trường, không để bò của dân vào phá gãy cây trồng”.
Ông Phượng kể, ông sinh ra và lớn lên tại một làng quê của tỉnh Nghệ An. Cũng như bao thanh niên khác, tuổi trẻ của ông cũng thích đi khám phá những vùng đất mới lạ. Cho nên năm 1982 sau khi học xong trung cấp kinh tế lâm nghiệp, ông quyết định vào Lâm trường Xuân Lộc làm việc.
Năm 1983 khi Đội 23-6 (vì đơn vị nằm trên địa bàn xã Suối Cao nên sau này còn gọi Phân trường Suối Cao) thành lập, ông Phượng được bố trí về đây công tác. Lúc bấy giờ đơn vị còn thiếu người nên ông phải gánh vác làm nhiều việc, ban ngày chăm sóc vườn ươm, trồng rừng, ban đêm lại tham gia cùng lực lượng tuần tra bảo vệ rừng.
Ông Thái Văn Phượng (bìa trái) trong chương trình cấp quà tết cho người dân sinh sống trong lâm phận. |
Ông Phượng nhớ lại: “Hồi đó rừng Xuân Lộc còn hoang vu, nhiều khu vực chưa có đường đi. Mỗi lần lực lượng bảo vệ lâm trường tổ chức tuần tra thì phải xác định hướng rồi băng xuyên rừng mà đi. Ai vào đây làm việc cũng bị bệnh sốt rét rừng hoành hành, thậm chí có người đã ra đi vĩnh viễn vì không vượt qua được bệnh này. Điều đó cũng đã gây hoang mang cho những đồng đội khác. Từ đó, một số người vào công tác một thời gian do không chịu nổi cảnh khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật nên phải bỏ cuộc giữa chừng. Bản thân tôi cũng vài lần bị bệnh sốt rét rừng rất nặng. Tuy nhiên, tôi nhất quyết không bỏ cuộc vì ngay từ đầu tôi đã xác định học theo nghề này thì dù khó khăn mấy cũng chịu được”.
Qua một thời gian ngắn làm việc tại lâm trường, ông Phượng đã tạo được niềm tin đối với lãnh đạo cấp trên. Bởi ông luôn làm việc chăm chỉ và không ngại bất kỳ khó khăn nào. Do vậy, mỗi khi khu vực nào xảy ra nhiều biến cố thì cấp trên lại chuyển ông về công tác. Khi địa bàn đó trở nên yên ắng thì ông tiếp tục đi địa bàn khác nhận nhiệm vụ mới. Cứ vậy, trong suốt 34 năm qua bước chân ông trải khắp các cánh rừng có diện tích gần 10.400 hécta của lâm trường để cùng đồng đội ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép.
Năm 1986, khi Phân trường Gia Huynh thành lập thì ông Phượng tiếp tục được điều chuyển về đây phụ trách địa bàn. Lúc bấy giờ, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp vì người dân vẫn ngang nhiên vào rừng chặt phá trái phép.
“Tôi về Gia Huynh nhận nhiệm vụ mới với nhiều áp lực. Bởi chính sách trước đây là cho dân vào rừng khai thác tự do, sau này có lệnh cấm không cho phá rừng nên đã xảy ra tình trạng người dân phản đối quyết liệt. Lúc đó, lực lượng phân trường còn ít người trong khi người dân quá đông, nhiều người tỏ ra hung hăng quá khích khiến một số nhân viên bảo vệ rừng phân vân, lo lắng. Trước tình hình trên, tôi nhanh chóng tiến hành củng cố lại tổ bảo vệ rừng, đồng thời liên hệ với công an xã, xã đội tại địa phương thực hiện liên tục các đợi truy quét, kiên quyết xử lý những trường hợp ngoan cố chống trả. Nhờ vậy, tình hình mới tạm ổn” - ông Phượng nhớ lại.
Để ổn định dân cư trong lâm phận, ông Phượng bắt đầu giúp đỡ bà con có công ăn việc làm, như: cưa củi, khai thác cây theo kế hoạch của lâm trường, hướng họ làm những việc theo đúng chủ trương của Nhà nước. Còn đối với những trường hợp vẫn ngoan cố không chấp hành, ông thực hiện phương án “mưa dầm thấm lâu”, nhờ những người có uy tín trong làng khuyên giải, phân tích những việc gì nên làm và những việc gì không còn phù hợp với xã hội nữa thì không nên làm. Đồng thời, ông phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về những quy định bảo vệ rừng. Dần dà người dân cũng hiểu được và thông cảm cho những người thực thi công việc bảo vệ rừng.
Theo ông Thái Văn Phượng, cán bộ bảo vệ rừng bây giờ đã đỡ vất vả hơn so với trước vì đường sá ngày càng rộng mở, giúp cho lực lượng đi tuần tra bằng xe máy thuận tiện hơn. |
Năm 1988, Phân trường Đầm Voi thành lập. Lúc bấy giờ, địa bàn này cũng xảy ra nhiều biến cố phức tạp nên cấp trên đã cử ông Phượng về giữ chức vụ Phân trường phó để giải quyết vụ việc. Năm 1992, ông giữ chức vụ Phân trường trưởng cho đến nay.
* Giúp đỡ người dân trong lâm phận
Ông Thái Văn Phượng tâm niệm, việc ông giúp đỡ người dân có được công ăn việc làm ổn định thì ngược lại, họ cũng rất ủng hộ ông và đơn vị trong công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Bởi vì, người dân sinh sống trong lâm phận chính là “cánh tay nối dài của lực lượng giũ rừng. “Khi người dân thấy đối tượng nào lạ, khả nghi đang ở trên địa bàn thì ngay lập tức gọi điện báo chúng tôi biết để triển khai lực lượng đến ngăn chặn kịp thời. Nhờ vậy, thời gian qua tình trạng trộm cắp, chặt cây rừng, lấn chiếm đất... đã giảm đi đáng kể” - ông Phượng dẫn chứng. |
Nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ rừng, điều khiến ông Phượng trăn trở là thấy quá nhiều người dân khỏe mạnh sinh sống trong lâm phận nhưng không có việc làm ổn định, không có đất đai để canh tác. Nếu để tình trạng trên tiếp tục kéo dài, người dân sẽ làm liều vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Cho nên, sau khi Chính phủ có những nghị định hướng đến lợi ích của người dân (Nghị định 01 về giao khoán đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân; Nghị định 02 về đất lâm nghiệp; Nghị định 135 về rừng sản xuất, quy hoạch 3 loại rừng...) ông Phượng kiến nghị lên lãnh đạo lâm trường xem xét giúp đỡ người dân trong khu vực.
“Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc thường xuyên quan tâm, giúp đỡ cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn, làm ăn lương thiện trong lâm phận bằng cách giao khoán đất lâm nghiệp; xác nhận hồ sơ bảo lãnh cho người dân tiếp cận vay nguồn vốn ngân hàng để có điều kiện làm ăn vươn lên trong cuộc sống” - ông Phượng nói.
Một trong những trường hợp được giúp đỡ là ông T.D.P. Năm 1983, ông P. rời quê vào Lâm trường Xuân Lộc tìm kiếm việc làm mưu sinh. Thời gian đầu, ông đi chăn bò thuê cho một ông chủ nơi đây, được một thời gian thì đi đánh xe bò thuê cho người chủ một xưởng gỗ.
Một lần, ông Phượng đi tuần tra thì phát hiện ông P. đánh xe bò kéo gỗ lậu. Ông Phượng chặn xe bò lại và yêu cầu ông P. gọi người chủ đến để xử lý vi phạm. Kể từ đó, ông P. nhận biết việc làm sai trái của mình nên không còn đi đánh xe bò kéo gỗ lậu, nhưng vì thất nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Biết được ông P. không có việc làm ổn định, ông Phượng đến nhà hướng dẫn cách làm vườn ươm. Ông P. có tính siêng năng, thường thức khuya dậy sớm chăm sóc vườn ươm nên chẳng bao lâu ông đã có cây giống để bán đem lại thu nhập. Khi khách hàng đến mua cây giống ngày càng đông, một mình làm không xuể nên ông thuê thêm người đến làm. Từ đó, cuộc sống của ông ngày càng ăn nên làm ra. Hiện giờ gia đình ông P. đã di chuyển ra ngoài quốc lộ 1 mua đất cất nhà ở và cho con ăn học đàng hoàng.
Cơ Duyên