Bên những tuyến đường nông thôn mới sáng màu xi măng hay được phủ nhựa sạch sẽ, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) vẫn còn những tuyến đường cấp phối lổm nhổm đá, nhiều nơi đọng nước. Để giải quyết những chỗ nước đọng hay đoạn đường xấu, Bí thư Chi đoàn ấp 7, xã Sông Trầu Lê Hùng Mạnh xin đất, đá rồi huy động xe phối hợp với đoàn viên thanh niên, nhân dân trong xã san lấp.
Bên những tuyến đường nông thôn mới sáng màu xi măng hay được phủ nhựa sạch sẽ, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) vẫn còn những tuyến đường cấp phối lổm nhổm đá, nhiều nơi đọng nước. Để giải quyết những chỗ nước đọng hay đoạn đường xấu, Bí thư Chi đoàn ấp 7, xã Sông Trầu Lê Hùng Mạnh xin đất, đá rồi huy động xe phối hợp với đoàn viên thanh niên, nhân dân trong xã san lấp.
Anh Lê Hùng Mạnh (thứ 2 bên trái) bàn bạc với Ban điều hành ấp 7 kế hoạch nâng cấp đường Cây Me (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom). |
Nhà văn hóa ấp 7 chỉ được địa phương hỗ trợ trên 100 triệu đồng như ở các ấp khác để đạt tiêu chí nông thôn mới, nhưng rất hoành tráng. Bà Nguyễn Thị Bích Thu, Trưởng ấp 7, cho hay lý do nhà văn hóa ấp 7 to đẹp, trong khi chi phí xây dựng thấp là nhờ đoàn viên thanh niên trong ấp bỏ công, vật liệu làm phần móng.
* Đội xe của anh Mạnh
Bí thư Đoàn xã Sông Trầu Lương Trọng Quỳnh cho hay mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi của anh Lê Hùng Mạnh vừa được Tỉnh đoàn Đồng Nai tặng bằng khen. Anh Mạnh đi đâu cũng được người dân địa phương quý, thanh niên ngưỡng mộ vì trách nhiệm với Đoàn, với các phong trào của ấp, xã. |
Chiếc máy cày gắn rơ-moóc là phương tiện hữu ích của nhà nông Sông Trầu trong việc kéo cày, vận chuyển nông sản. Nhà cũng có chiếc máy cày gắn rơ-moóc phục vụ cho cái tiệm mộc nhỏ của 2 anh em, anh Lê Hùng Mạnh đã tận dụng nó hết công suất để chở đất, đá xin được từ các cơ sở sản xuất đá chẻ, từ các công trình vào dặm vá đường làng, ngõ xóm.
Xe nhà làm không xuể, anh rủ thêm vài thanh thiên có xe nhập cuộc. Mới đầu, chỉ có vài đoàn viên thanh niên trong và ngoài ấp tham gia với anh. Sau đó, anh huy động được đội xe trên chục chiếc với những tài xế hừng hực khí thế với phong trào Đoàn, với việc sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nông thôn.
Đội xe của thủ lĩnh Mạnh phục vụ việc vận chuyển đất, đá làm đường giao thông nông thôn miễn phí. Tuy vậy, nhiều người dân thấy đoàn viên thanh niên bỏ công sức lại lấy xe nhà đi làm đường giao thông để mọi người đi chung nên góp nhau chút ít tiền hỗ trợ thủ lĩnh Mạnh đổ xăng dầu.
Riêng Bí thư Đoàn xã Sông Trầu Lương Trọng Quỳnh thì tận dụng sức mạnh của đội xe anh Mạnh để huy động đoàn viên thanh niên trong xã góp sức cùng các ấp dặm vá đường giao thông.
Anh Quỳnh bộc bạch, khi chưa có đội xe của anh Mạnh, Đoàn xã rất muốn huy động đoàn viên thanh niên trong xã sửa đường cho dân, nhưng lực bất tòng tâm vì phải chờ kế hoạch của ấp, xã. Ngày có đội xe của anh Mạnh, khi xin được đất, đá đều thông báo cho Đoàn xã. Khi đội xe chở đất, đá về, Đoàn xã lập tức huy động thanh niên dặm vá đường ngay. Nhờ vậy, ấp không phải huy động tiền của dân vào việc dặm vá đường.
Đường lục cục đá, đọng những vũng nước, đã có thanh niên lo, Ban ấp rảnh tay tập trung huy động sức dân vào việc mở rộng đường, cứng hóa, xi măng hóa, nhựa hóa đường thôn, xóm. “Thuyền lớn thì sóng lớn”, sức dân của xã Sông Trầu nhiều nơi còn hạn chế, Ban ấp lại nhờ đội xe của anh Mạnh giúp sức.
Anh Mạnh cho hay ấp mở đường thì đoàn viên thanh niên trong đội xe của anh có việc làm. Tuy vậy, các thành viên trong đội xe luôn lấy giá hữu nghị với Ban ấp làm đường các ấp chỉ bằng một nửa so với giá thuê bên ngoài nhằm bù đắp cho các khoản chi phí xăng dầu, công lao động.
Ngoài dàn xe máy cày gắn rơ-moóc, đội xe của anh Mạnh có thêm xe tải, xe ben. Xã, ấp muốn mở đường, chở hàng hóa phục vụ hội nghị, hay đợt tuyên truyền nào đó mà kinh phí giới hạn thì liên hệ với anh Quỳnh để anh cậy nhờ đội xe của anh Mạnh giúp sức. “Dân xã, ấp mình cũng có xe mà để mọi người thuê xe bên ngoài giá cao thì tiếc lắm. Do đó tôi tập hợp các đoàn viên thanh niên trong ấp, xã vào đội xe” - anh Mạnh tâm sự.
Anh Lê Hùng Mạnh (bìa trái) và những người thợ của mình. |
* Nghĩa tình với Sông Trầu
Là cử nhân kinh tế, anh Lê Hùng Mạnh đã bàn với người em trai mở tiệm mộc nho nhỏ tại nhà để sản xuất các khung gỗ phục vụ cho các cơ sở sản xuất đá granite xuất khẩu trên địa bàn xã. Vốn ít, ngày đầu 2 anh em anh Mạnh phải đi mua từng cây tràm của dân trong xã mang về cưa xẻ ra làm khung gỗ với thu nhập mỗi ngày chỉ được vài trăm ngàn đồng.
4 năm sau, anh em anh Mạnh nâng cấp tiệm mộc nho nhỏ của họ thành cơ sở sản xuất, rồi doanh nghiệp chuyên sản xuất các khung gỗ phục vụ các cơ sở sản xuất đá granite xuất khẩu với 12 lao động. Nhóm thợ làm việc cho anh Mạnh đều là những thanh niên không xin được việc làm ở các khu công nghiệp vì thành tích bất hảo, trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh khó khăn…
Anh Thanh Lực (người làm công cho anh Mạnh) cho biết khi chưa về làm cho anh Mạnh, anh là “bợm nhậu” ở ấp 7. Được anh Mạnh mời về làm việc cùng với các anh: Nghi, Dũng, Nhân…, anh Lực sợ bản thân sẽ nhậu nhiều hơn vì gặp phải đối thủ. Vậy mà, cuối cùng tất cả mọi người đều bỏ được rượu, trở nên chí thú với công việc làm ăn và tranh thủ cơ hội tốt do anh em anh Mạnh trao cho để sửa đổi cuộc đời.
Qua thời gian làm công cho anh em anh Mạnh, các anh: Lực, Nghi, Nhân, Dũng… đã hoàn toàn bỏ được thói hư tật xấu, tham gia tổ chức Đoàn thanh niên của doanh nghiệp và các hoạt động của địa phương.
Anh Nhân tâm sự được làm việc với anh em anh Mạnh, anh và những người thợ khác xem như anh em trong nhà. Vì hiểu nhau, thông cảm nhau chuyện quá khứ nên mọi người càng quý nhau, trách nhiệm với công việc và tích cực cùng anh Mạnh tham gia công tác xã hội để tạo niềm vui cho mình.
Hoàn cảnh của anh em anh Mạnh 10 năm trước cũng khó khăn như những người thợ của họ. Mới học hết THPT, 3 anh em anh Mạnh được cha mẹ gửi cho người chú ruột ở ấp 7, xã Sông Trầu nuôi ăn học nhằm xa lánh tệ nạn xã hội ở vùng quê Bắc Kạn. Và ở vùng đất mới này, anh Mạnh và người em trai tên Hùng đã bảo ban nhau tự học, cố gắng lao động để thành tài.
Là anh cả, vì hoàn cảnh quá khó khăn, không tìm được việc làm đúng chuyên môn sau khi tốt nghiệp đại học nên anh Mạnh cùng với người em trai mở tiệm mộc để có điều kiện thay cha mẹ ở quê nuôi 2 người em kế học đại học. Đến nay, 2 người em của anh Mạnh đã ra trường và có việc làm ổn định.
Công việc làm ăn thuận lợi, các em trưởng thành, anh Mạnh đón cha mẹ từ quê vào Sông Trầu để phụng dưỡng.
Anh Lê Hùng Mạnh cho biết trách nhiệm của anh là lo đối ngoại và công tác xã hội, người em trai lo công việc sản xuất của doanh nghiệp. Dù thu nhập của doanh nghiệp không cao lắm, nhưng anh vẫn duy trì được công việc sản xuất và trả lương, thưởng cho nhóm thợ, đồng thời rảnh tay lo công tác xã hội bất cứ lúc nào Đoàn thanh niên hay Ban ấp cần đến anh.
Đoàn Phú