"Tôi bán trái cây ở đây hơn 15 năm, trước đó cũng có mấy người dựng chòi bán trái cây cho khách đi đường gần xa, lâu dần hình thành "xóm chòi lá" ven đường từ lúc nào không hay. Mùa du lịch lại đúng dịp trái cây Long Khánh bước vào chính vụ các loại đặc sản nức tiếng, như: chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… nên khách mua đông đúc, nhộn nhịp hẳn" - chị Đinh Thúy An (ngụ xã Suối Tre, TX.Long Khánh) cho hay.
“Tôi bán trái cây ở đây hơn 15 năm, trước đó cũng có mấy người dựng chòi bán trái cây cho khách đi đường gần xa, lâu dần hình thành “xóm chòi lá” ven đường từ lúc nào không hay. Mùa du lịch lại đúng dịp trái cây Long Khánh bước vào chính vụ các loại đặc sản nức tiếng, như: chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… nên khách mua đông đúc, nhộn nhịp hẳn” - chị Đinh Thúy An (ngụ xã Suối Tre, TX.Long Khánh) cho hay.
Những chòi lá ven quốc lộ 1 bán đủ loại sản vật trong vùng, từ trái cây đến măng tươi… |
Quốc lộ 1, đoạn từ xã Suối Tre (TX.Long Khánh) đến xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất), được coi là con đường chuyên bán các loại cây trái đặc sản địa phương. Những chòi bán trái cây ven đường lúc nào cũng có người ghé mua, chủ yếu là khách du lịch. Được thưởng thức ngay rau củ quả đặc sản, tươi ngon mới hái từ trong vườn ai cũng xuýt xoa khen.
* Mùa đặc sản…
“Mỗi ngày, ngoài trái cây, tôi còn bán được 2 tạ măng tươi. Măng đang vào vụ nên giá rất rẻ, chỉ 10 ngàn đồng/kg. Thu nhập từ việc mua bán ven đường không quá dư dả, nhưng đủ tiền để trang trải cuộc sống gia đình” - bà Đặng Thị Loan (ngụ xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) chia sẻ. |
Chỉ trên đoạn đường ngắn đã có gần 15 chòi bán trái cây, điều đặc biệt là người bán tập trung ở một chiều duy nhất, hướng từ TX.Long Khánh về TP.Biên Hòa.
Nhiều người bán trái cây cho hay không phải chỗ nào mở ra cũng bán được, cùng một khu vực chuyên trồng các loại trái cây ở huyện Thống Nhất và TX.Long Khánh, như: chôm chôm, sầu riêng, bơ…, nhưng so với quốc lộ 1 thì trên quốc lộ 20 đi tỉnh Lâm Đồng khách vắng hơn hẳn.
“Hướng nào cũng có khách du lịch, nhưng khu vực này đông khách mua thường xuyên hơn. Chưa kể đoạn đường này nhiều khúc dốc và cong, mỗi lần dừng xe không phải dễ, nhưng người ta vẫn dừng lại mua. Có lẽ, chúng tôi ở đây bán đã lâu và quen thuộc với khách gần xa” - chị Thúy An chia sẻ.
Chị Thúy An cho biết thêm, từ tháng 4 đến nay, các chòi lá bán trái cây ven quốc lộ 1 nhộn nhịp hơn hẳn bởi những loại trái cây thơm ngon trong vùng đã bắt đầu vào vụ. Những ngày nghỉ lễ hoặc cuối tuần, khách mua đông nườm nượp, có khi phải chờ lâu mới tới lượt và các mặt hàng bày bán rất phong phú. Khi người bán giới thiệu đặc sản Long Khánh, người mua ai cũng thích thú, thử ngay tại chỗ, nếu thấy ngon thì mua ngay mà chẳng cần mặc cả hay đắn đo gì. Có người ghé lại lần 2, lần 3, thậm chí hễ chạy xe qua đây là dừng lại hỏi mua nên người bán cũng quen mặt, nhớ tên.
Hàng ngày, vợ chồng ông Lê Văn Trí (ngụ xã Xuân Lập, TX.Long Khánh) thường tranh thủ có mặt ở ven quốc lộ 1 từ rất sớm để bán hàng. Dù vị trí để dựng chòi bán trái cây không mấy thuận lợi, gần chân đèo Mẹ Bồng Con, nhưng sạp trái cây, măng, bắp luộc của ông lúc nào cũng đông khách.
Những ngày này, việc buôn bán của vợ chồng ông Trí có phần suôn sẻ, khách hàng nhiều và khá hào phóng khi mua đặc sản đem về làm quà. Nhờ thế mà có hôm vợ chồng ông thu tiền bán hàng về gần cả triệu đồng, bù lại những hôm ế khách. Gặp những vị khách “sộp”, họ mua gần hết cả sạp để chất lên xe chở về thành phố. Những lúc như thế, ông Trí lại thấy tiếc rẻ vì không còn hàng để bán.
Dần dần, căn chòi lá bán đặc sản quê của vợ chồng ông Trí trở nên quen thuộc với khách thị thành. Nhiều người còn lấy số điện thoại để khi cần thứ gì thì gọi điện đặt hàng, dặn ông để dành. Có khi chỉ là buồng chuối, trái mít hoặc hũ măng muối chua giòn, cay xè nhưng càng ăn càng thấy ghiền.
“Hơn chục năm buôn bán ở đây, chúng tôi chỉ bán sản vật nhà quê, chứ chẳng có ai lấy hàng từ nơi khác về bán cả. Khách mua cũng khoái mấy thứ trồng tại vườn, chín trên cây nên bán mấy thứ lạ họ không mua. Chỗ của tôi có gì bán nấy, thậm chí hàng xóm có trái cây chín ăn không hết cũng mang ra gửi tôi bán giúp” - ông Trí bộc bạch.
Trái cây đặc sản vùng Long Khánh lúc nào cũng có khách mua. |
* Khách mua quanh năm
Khách du lịch từ TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa… khi về ngang qua “xóm chòi lá” có thể mua những loại trái cây đặc sản về làm quà khiến ai cũng thích thú. Dịp này, vào các buổi chiều cuối tuần, hàng trăm xe máy, ô tô dừng lại trải dọc cả đoạn đường để chọn mua trái cây thơm ngon vốn đã nổi tiếng từ lâu.
Người đi qua đi lại khi đông đúc khi lại thưa thớt, nhưng không lúc nào vắng bóng cả. Vì thế, từ nhiều năm nay công việc này đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Mùa nào thức nấy, ở Long Khánh có sản vật gì là các chòi lá đều có hàng để mời khách. Mùa này, trên sạp hàng của họ không thể thiếu chôm chôm, măng cụt, sầu riêng…
Để có thể giữ chân khách, người bán lấy trái cây quanh vùng để đảm bảo độ tươi ngon, dù bên ngoài nhìn không bắt mắt. Hàng bán ngày nào hết sạch ngày đó, ít khi để qua đêm. Ngoài ra, điều khiến du khách thích thú khi mua hàng ở các chòi lá ven đường chính là sự niềm nở của người bán.
“Cứ thấy người khách nào lạ mặt đi ngang, tôi đều chào mời. Khách dừng lại thoải mái chọn lựa, hợp giá thì mua, không thì chúng tôi cũng vui. Không chỉ riêng tôi mà những người bán hàng ở đây ai cũng vui vẻ, cởi mở như vậy” - bà Đặng Thị Loan (ngụ xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) nói.
Đến khoảng tháng 10, khi mùa cây trái kết thúc thì “xóm chòi lá” bán hàng ven đường lại chuyển sang bán bắp nếp luộc, nước giải khát. Những nồi bắp lúc nào cũng nghi ngút khói, tỏa ra mùi thơm phức khiến du khách qua đây không thể kìm lòng mà dừng lại. Các chòi lá tấp nập khách quanh năm, trở thành hình ảnh quen thuộc, bình dị với khách gần xa.
Bắp nếp ở đây trái không quá to, được luộc ngay tại chỗ. Bắp ngon, giá mềm nên luôn đắt khách; hầu như ai đã dừng xe vào xem hàng là mua ngay. Trung bình mỗi ngày, bà Loan bán được 400-500 trái cả bắp luộc và bắp tươi. So với bán trái cây, tiền lời bán bắp không nhiều, nhưng nhờ nồi bắp luộc mà bà có thêm thu nhập ổn định và thường xuyên để nuôi các con ăn học.
“Bán hàng ở đây không tốn tiền thuê mặt bằng, mình trực tiếp mang hàng đến đây bán nên đỡ áp lực, dù suốt ngày phải bám đường, chịu cảnh mưa gió, nắng cháy và bụi đường bủa vây” - bà Loan tâm sự.
Thanh Hải