Với trên 10 đầu việc thuộc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ phụ trách và nhiều phần việc không tên được địa phương giao, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch các xã (phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành.
Với trên 10 đầu việc thuộc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ phụ trách và nhiều phần việc không tên được địa phương giao, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch các xã (phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành. Tuy nhiên, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã cũng có nỗi niềm rất đời thường, như: thu nhập chưa tương xứng, bị người dân cho rằng gây phiền hà trong công việc…
Công chức tư pháp - hộ tịch xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) Trương Văn Thọ giải quyết hồ sơ cho người dân tại bộ phận một cửa của xã. |
Bà Phùng Thị Sửu, công chức tư pháp - hộ tịch xã Tân Hiệp (huyện Long Thành), tâm sự công chức tư pháp - hộ tịch gặp một số khó khăn khi luân chuyển từ địa phương này sang địa phương khác công tác, như: đường đi làm xa, tốn kém chi phí đi lại mà không có phụ cấp hoặc đãi ngộ; trong công tác chuyên môn; vì là người địa phương khác nên gặp nhiều khó khăn trong công tác: trích lục hồ sơ lưu trữ, xác minh tình trạng hôn nhân, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, kết hôn và tổ chức hòa giải ở cơ sở…
* Những nỗi niềm…
Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến cho biết qua đối thoại trực tiếp và kiến nghị, đề xuất của đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch các xã (phường, thị trấn), Sở Tư pháp đã phối hợp cùng các địa phương tháo gỡ được rất nhiều vấn đề, như: điều chỉnh lại công tác luân chuyển cán bộ cho phù hợp, ưu đãi công chức khi luân chuyển, mở các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp - hộ tịch… Tuy vậy, ông vẫn muốn “sòng phẳng” với các công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã rằng Sở Tư pháp luôn đồng hành với đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trong mục tiêu hành động vì dân, cải cách hành chính; còn những hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phục vụ nhân dân không chu đáo, trễ nãi công việc chuyên môn…, Sở Tư pháp và các địa phương, phòng tư pháp sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc. |
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các địa phương giao, cán bộ phụ trách tư pháp - hộ tịch cấp xã rất tự hào lăn xả vì nhiệm vụ. Tuy nhiên, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch trẻ gặp phải một số khó khăn, như: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải lồng ghép trong các sinh hoạt của các tổ nhân dân vào buổi tối, trong khi công chức tư pháp - hộ tịch ở xa nơi công tác, kinh nghiệm tuyên truyền còn hạn chế, phong tục tập quán của người dân chưa nắm bắt được...
Công chức tư pháp - hộ tịch Lu Nhật Đồng (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) bộc bạch việc luân chuyển công chức tư pháp - hộ tịch đôi khi ảnh hưởng tới quyền lợi của họ trong vấn đề quy hoạch cán bộ.
Cụ thể, các cán bộ trẻ và giỏi ở địa phương bị mất cơ hội thăng tiến, còn công chức lớn tuổi thì điều kiện đi lại xa, cuộc sống gia đình bị xáo trộn, thu nhập thấp.
Công chức tư pháp - hộ tịch Trương Văn Thọ (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) cho biết ông khổ tâm nhất là khi người dân yêu cầu công chức tư pháp - hộ tịch giải quyết hồ sơ theo ý của họ.
Trường hợp này, dù ông cố gắng nở nụ cười đến mỏi cả miệng để giải thích theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch không được làm những điều đó, hoặc làm sẽ sai quy định pháp luật, nhưng họ vẫn giãy nảy đòi khiếu nại với chủ tịch UBND xã vì cho rằng bị công chức tư pháp - hộ tịch gây phiền hà.
Ông Nguyễn Thế Huy Phong, công chức tư pháp - hộ tịch xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), than thở trong công tác chứng thực, ông phải ghi sổ chuyên môn, cập nhật phần mềm cho huyện, cập nhật phần mềm một cửa liên thông vào hệ thống quốc gia, vào sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, in phiếu… làm mất rất nhiều thời gian, buộc dân phải chờ đợi lâu.
Trong khi đó, với trình độ công nghệ thông tin hiện đại, công chức tư pháp - hộ tịch chỉ cần nhập vào phần mềm liên thông và in thông tin từ phần mềm ra để lưu trữ là đủ và nhanh gọn nhất.
Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở Tư pháp và Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) tổ chức. |
* Mỗi người góp một phần
Nỗi niềm của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã được Sở Tư pháp, phòng tư pháp các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa và các ngành liên quan thường xuyên chung tay tháo gỡ. Đặc biệt, công chức tư pháp - hộ tịch các xã phần nào thỏa lòng khi được đối thoại trực tiếp với Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến tại nhiều cuộc họp, hội thảo chuyên đề do sở tổ chức và được nêu lên những ý kiến cá nhân, những vướng mắc trong công tác...
Ông Viên Hồng Tiến cho biết luôn mong muốn tất cả cán bộ tư pháp - hộ tịch thông qua đối thoại, các cuộc họp giao ban phản ánh đầy đủ, cụ thể các vấn đề vướng mắc trong chuyên môn nghiệp vụ, thực tiễn công tác và cả trong cuộc sống để sở và các phòng tư pháp nắm bắt, có giải pháp điều chỉnh kịp thời. Có như vậy, từng công chức tư pháp - hộ tịch sẽ góp phần cùng ngành tư pháp tỉnh nâng cao vị thế, vai trò của công tác tư pháp, đưa công tác tư pháp thật sự đến gần dân và phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân.
Ông Nguyễn Ngọc Giang San, cán bộ Phòng Tư pháp huyện Long Thành, cho hay theo quy định thì tùy vào dân số mà mỗi xã (phường, thị trấn) có 1-2 công chức tư pháp - hộ tịch. Khi xã có 2 công chức tư pháp - hộ tịch, có địa phương bố trí cán bộ A làm công tác tư pháp, cán bộ B làm công tác hộ tịch, hoặc cả 2 làm chung nhiệm vụ tư pháp - hộ tịch.
“Mô hình nào cũng có cái ưu và cái nhược của nó. Để khắc phục cái nhược đó, đòi hỏi công chức tư pháp - hộ tịch phải tận tâm, tận tụy với công việc, với nhân dân” - ông San nói.
Vốn có kinh nghiệm công tác tư pháp - hộ tịch tại các xã Bình Sơn và Cẩm Đường (huyện Long Thành), ông San phân tích thêm, công chức phụ trách tư pháp cấp xã thường được địa phương chọn người có kinh nghiệm và có tuổi nghề lẫn tuổi đời. Có như vậy, công chức tư pháp mới đủ năng lực, bản lĩnh tham mưu, hỗ trợ và là cánh tay đắc lực cho lãnh đạo địa phương trong việc thẩm định văn bản, tuyên truyền pháp luật, hòa giải cơ sở, xây dựng chính sách và choàng gánh công việc hộ tịch khi đồng nghiệp bận học tập, hội họp...
Đoàn Phú