Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩa tình đất Trị An

11:08, 30/08/2017

Vùng đất Trị An (huyện Vĩnh Cửu) sau năm 1975 vẫn còn bạt ngàn rừng già, vườn rẫy. Tình làng nghĩa xóm giữa cư dân địa phương và dân nhập cư tứ xứ thắt chặt nhau hơn qua những mùa rẫy. Ông Bảy Bình (73 tuổi, ngụ ấp 1, xã Trị An) cho hay hồi trước mỗi khi muốn mời hàng xóm sang nhà uống trà nói chuyện ông phải chụm tay vào miệng gọi đến khản giọng hàng xóm mới nghe thấy.

Vùng đất Trị An (huyện Vĩnh Cửu) sau năm 1975 vẫn còn bạt ngàn rừng già, vườn rẫy. Tình làng nghĩa xóm giữa cư dân địa phương và dân nhập cư tứ xứ thắt chặt nhau hơn qua những mùa rẫy. Ông Bảy Bình (73 tuổi, ngụ ấp 1, xã Trị An) cho hay hồi trước mỗi khi muốn mời hàng xóm sang nhà uống trà nói chuyện ông phải chụm tay vào miệng gọi đến khản giọng hàng xóm mới nghe thấy.

Từ trái qua, các ông: Ba Nam, Bảy Bình và Châu Thới đều là những người giàu tình, trọng nghĩa với con người vùng đất Trị An.
Từ trái qua, các ông: Ba Nam, Bảy Bình và Châu Thới đều là những người giàu tình, trọng nghĩa với con người vùng đất Trị An.

Nhà cách nhà xa tít bởi vườn rẫy, đường sá trắc trở, cuộc sống khó khăn nhưng cư dân Trị An không thấy cô đơn mỗi khi gia đình xảy ra hữu sự. “Trong ấp, xã có người qua đời là hàng xóm gần xa kéo đến lo mọi việc. Vì vậy mà đội bái quan của xã Trị An ra đời” - ông Châu Thới (ngụ ấp 1) nói.

* Nặng tình

Mấy tháng nay, người già ở xã Trị An lần lượt rủ nhau về với tổ tiên làm ông Ba Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Trị An, sụt mất vài ký.

Ông Ba Nam cho hay trong xã có người qua đời là ông tới thăm hỏi, cùng với gia đình họ lo chuyện hậu sự đến khi mồ yên mả đẹp mới thôi.

Câu chuyện nghĩa tình của người dân Trị An thời kinh tế còn khó khăn cho đến khi dịch vụ mai táng nở rộ vẫn ấm áp tình người.

Ở xã Trị An, dân Nam - Trung - Bắc đều có đủ. Phong tục tập quán mỗi vùng miền có nét khác nhau, nhưng khi có người qua đời, ông Ba Nam được giao nhiệm vụ phần lễ, còn các ông: Hai Ngữ, Năm Dữ, Châu Thới lo việc tẩm liệm, coi ngày giờ chôn cất, chỉ huy đội bái quan. Mỗi người một việc, cho dù đang bận việc rẫy vườn hay công tác xã hội…, các ông cũng vẫn đứng ra đảm trách.

Ông Châu Thới bộc bạch nếu các ông không lo thì những người nghèo khó, không người thân thích lỡ may qua đời không biết trông tựa vào ai.

Rời vùng đất miền Trung vào Trị An lập nghiệp, ông Nguyễn H. làm lụng quần quật mãi vẫn không đủ cái ăn, lại thêm bệnh tật hành hạ. Rồi ông H. qua đời. Nhìn cái chòi tranh trống huơ trống hoác nơi vườn rẫy của vợ chồng ông H., ông Ba Nam và những người hàng xóm đem gạo đến cho. Nhờ mỗi người giúp một tay, bà H. mới bớt đi đau buồn và sự tủi thân vì nghèo khó.

Ông Châu Thới tâm sự nghề chính của ông là làm rẫy vườn chứ không phải việc bái quan. Được lớp người già trong xã chỉ dạy, ông tìm hiểu và từ đó thông thạo các lễ nghi bái quan của dân 3 miền Nam - Trung - Bắc. Hiện ông Châu Thới là Đội trưởng Đội bái quan của xã Trị An, chỉ huy vài chục thanh niên khỏe mạnh để giúp xóm làng mỗi khi hữu sự.

Trắng đêm ngâm mình dưới dòng nước lạnh ngắt mưu sinh, anh Út Tửng (ngụ ấp 1) vẫn cố để cặp mắt khỏi nhíu lại vì thèm ngủ, xách xe máy chạy thẳng ra nghĩa trang xã phụ các thanh niên trong xã đào huyệt mộ cho một người trong xóm vừa mất cách đó 2 ngày.

Anh Út Tửng giãi bày giờ còn trẻ khỏe nên anh lo cho người già, để sau này anh có bề gì thì những người khác sẽ lo cho anh.

Ông Nguyễn Văn Em (ngụ ấp 1, xã Trị An) chăm chỉ đảm nhận việc chăm sóc nghĩa trang ấp không thù lao.
Ông Nguyễn Văn Em (ngụ ấp 1, xã Trị An) chăm chỉ đảm nhận việc chăm sóc nghĩa trang ấp không thù lao.

* Nét đẹp truyền thống

Gió từ đồng thổi vào nhà mát rượi, ông Bảy Bình kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ngày mẹ ông mất mà nghe nhói lòng.

Lúc đó, ông Bảy Bình chỉ 10 tuổi, ngồi bên xác mẹ chơi với ông thợ mộc già đang tỉ mỉ đóng quan tài cho mẹ ông Bình. Đóng xong quan tài, ông thợ mộc già làm luôn cả việc tẩm liệm cho mẹ ông Bình. Xong xuôi đâu đó, người thợ mộc và cậu bé Bình ngày ấy ngồi chờ cha và các chú của cậu từ trong rừng về lo chuyện chôn cất.

Ông Bảy Bình cho biết thời đó thanh niên trai tráng vì theo cách mạng nên ở nhà chỉ còn lại người già và trẻ con. Khi trong xóm làng xảy ra hữu sự chỉ biết trông cậy vào lớp người già; thanh niên trai tráng muốn về phụ giúp phải chờ chiều tối, hoặc nghe ngóng bọn địch không ruồng bố, bắt bớ mới dám về nhà.

Hòa bình lập lại, chuyện chết chóc, bệnh tật vẫn thỉnh thoảng xảy ra với người già, trẻ nhỏ ở Trị An. Những lúc ấy, trai tráng trong làng tụm nhau lại đóng quan tài, di quan, đào huyệt mộ; người già hiểu lễ nghĩa thì lo chuyện lễ nghi, tiếp khách; cánh phụ nữ thì lo việc chợ búa, cơm nước.

“Người quá cố thuộc gia đình khá giả hay nghèo khó đều được xóm làng đến phụ giúp chuyện hậu sự. Dân Trị An tụi tui không phân biệt giàu nghèo với những người đã khuất” - ông Bảy Bình nói.

Vốn là người hoạt bát, trọng nghĩa tình, lại có chức vụ chính quyền, ông Ba Nam được người dân Trị An mời dự từ đám thôi nôi đến đám cưới, đám giỗ… Lúc thì ông được chủ nhà mời giữ vai trò chủ trì, lúc chỉ đến góp vui, nhưng ông Ba Nam luôn tỏ ra sốt sắng như chuyện của gia đình ông.

Ông Ba Nam tâm sự chuyện ông lăng xăng lo việc hiếu hỉ trong làng ngoài ngõ như ngấm vào máu của ông lúc nào không hay. Hễ nghe tiếng trống báo tang trong xóm ấp là ông chạy đến. Chuyện cưới hỏi thì ông đến làm ông mai hoặc MC. Riêng chuyện hộ dân nào bị bệnh tật, nhà hết gạo, hay tin ông cũng đến tìm hiểu, vận động tổ chức, người dân chung tay hỗ trợ gia chủ.

Nhìn đám mía của nông dân Sáu Dần (ngụ ấp 2) cây to, chắc khỏe hơn ông chủ rẫy, những người trồng mía hỏi ông Sáu Dần bí quyết thì ông cười khà khà cho hay ai muốn biết kinh nghiệm trồng mía cứ đến nhà ông, ông sẽ chia sẻ tường tận. Là hàng xóm với nhau, nhìn ruộng mía nhà bên xấu, ruộng mình xanh tốt ông Sáu Dần cũng thấy nóng ruột nên đâu nỡ giấu kinh nghiệm sản xuất cho riêng mình.

Chuyện giúp nhau trong trồng trọt, chăn nuôi…, những người nông dân xã Trị An luôn rộng lòng. Chuyện thiếu tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu hay cây, con giống…, nông dân Trị An chỉ cần ngỏ lời với nhau thì bạn bè mau mắn cho mượn tiền, cho mượn phân, giống... Riêng chuyện mấy đứa nhỏ sắp bước vào năm học mới, vào đại học mà nhà kẹt tiền thì cứ mạnh dạn qua hỏi hàng xóm.

Ông Tám Tính (ngụ ấp 1) bày tỏ mấy chục năm sống ở đất Trị An, điều ông sợ nhất là bệnh tật, già yếu chứ ông không sợ thiếu tình nghĩa.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều