Từ nơi khác đến xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) lập nghiệp, dựa vào cây - hạt giống, nhiều người đã có cuộc sống khá giả, để rồi từ đó có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Từ nơi khác đến xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) lập nghiệp, dựa vào cây - hạt giống, nhiều người đã có cuộc sống khá giả, để rồi từ đó có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Trọng Sử (trái) đưa khách đi tham quan vườn ươm cây giống. |
Mùa mưa, có dịp đi vào những vườn cây ở xã Hưng Thịnh, đất đỏ bám chặt lấy giày dép, ống quần rất khó chịu, nhất là với những người không quen việc vườn tược.
Đưa chúng tôi đi xem quy trình làm cây giống, ông Nguyễn Trọng Sử (chủ một vườn cây giống, hạt giống ở ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh) vui vẻ cho biết: “Đất nơi đây quấn chân người. Trời nắng thì bụi bám chân đỏ ngầu, mưa thì đất dính chặt hơn, trơn trượt; nhưng chất đất tốt, phì nhiêu, trồng cây cho năng suất cao, nhờ đó mà nhiều người xa quê vào đây lập nghiệp gắn bó lâu dài, làm ăn phát triển, có điều kiện giúp đỡ anh em, bà con lối xóm”.
* Đất quấn chân người
Ông Đoàn Trung Ngọc đã được nhận giấy khen của UBND các cấp trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông Ngọc cũng trở thành hội viên Câu lạc bộ Sản xuất - kinh doanh giỏi của Hội Cựu chiến binh huyện Trảng Bom và tỉnh. |
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Sử còn công tác tại Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam). Quá trình làm việc có dịp tiếp xúc với những công ty chuyên sản xuất, cung cấp con - cây giống, ông Sử nhận thấy tiềm năng của việc kinh doanh con - cây giống. Do đó đến năm 1989, vợ chồng ông mở một cửa hàng nhỏ tại nhà bán một số loại hạt giống, như: bắp lai, đậu xanh, lúa...
Thời gian đầu, ông bán được 5-10 tấn hạt giống/năm. Đến năm 2002, khi vợ nghỉ hưu, gia đình ông mở rộng cửa hàng kinh doanh cây - hạt giống. Từ 1 sào đất trồng cây giống vào những năm đầu nghiệp kinh doanh, đến nay ông đã mở rộng diện tích ươm trồng cây giống đến 1 hécta.
“Lúc mới bán hạt và cây giống, tôi gặp nhiều khó khăn do ít người biết đến, nhưng khi đó tôi có nguồn cung cấp đảm bảo chất lượng và vợ chồng đều cần cù nên dần dà gom góp mở rộng việc kinh doanh, rồi đưa người thân quen từ quê Hà Tĩnh vào đây cùng làm ăn" - - ông Sử chia sẻ.
Hiện nay, vườn ươm của ông Sử có khoảng 10 người làm công. Vào mùa vụ (từ tháng 6 đến qua Tết Nguyên đán), ông hợp đồng thời vụ thêm nhiều nhân công để ghép cây, đóng bịch... Mỗi năm, gia đình ông cung cấp 300 ngàn cây giống điều và cà phê... cho các khu vực Bình Phước, Bình Thuận và Tây nguyên.
Ông cho biết thêm: "Hiện tôi đang chuyển sang cung cấp cây giống cho các nhà vườn trồng cây ăn trái và những dịch vụ gắn với nông nghiệp. Nghề nông và đất đai cho gia đình tôi được sự nghiệp như hôm nay nên chúng tôi sẽ gắn bó để làm giàu cho gia đình, cho vùng đất này”.
Ông Đoàn Trung Ngọc (ngụ ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh) rời tỉnh Bình Dương đến huyện Trảng Bom lập nghiệp, làm rẫy từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Tại đây, ông đã tham gia hoạt động cách mạng và để lại nửa bàn tay phải trên vùng đất này.
Sau khi đất nước giải phóng, ông Ngọc chú tâm vào vườn rẫy với những loại cây trồng, như: bắp, đậu... Do bị thương, ông chỉ có thể cầm cuốc bằng một tay. Sau đó, ông cũng trải qua nhiều công việc như: cung cấp cá giống, trồng thanh long...
Ông Đoàn Trung Ngọc chăm sóc vườn thanh long đang hình thành trái. |
Đến nay, ông Ngọc đã có vườn thanh long ruột đỏ xuất khẩu đi nước ngoài (trung bình 1 hécta được 20 tấn, 1 năm thu 200 tấn), trong đó có một ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGap xuất khẩu sang châu Âu.
“Có thời gian tôi chuyên cung cấp cá giống, lợi nhuận cao hơn nuôi cá thịt nhiều. Tuy nhiên, cung cấp cá giống không phải đơn giản. Tôi phải đi mời chào các chủ ao, lấy uy tín đảm bảo con giống mình cung cấp khỏe, tỷ lệ chết thấp, nhanh lớn. Bên cạnh đó, tôi còn phải học phương pháp nuôi con giống khỏe. Là thương binh, vừa làm nông vừa nuôi 4 con trai ăn học nên tôi phải cố gắng rất nhiều. Sắp tới, nếu điều kiện cho phép tôi sẽ phát triển cơ sở làm ăn thành công ty hoặc hợp tác xã” - ông Ngọc bộc bạch.
* Chia ngọt sẻ bùi
Gắn bó lâu với mảnh đất Hưng Thịnh, nhiều nông dân phất lên nhờ cây trồng, có điều kiện giúp đỡ cho anh em, hàng xóm, đồng đội cũ; góp phần xây dựng đời sống nông thôn phát triển hơn.
Hiện nay, mỗi khi vào mùa ghép cành, đóng bịch, ông Nguyễn Trọng Sử lại hợp đồng thêm lao động thời vụ là dân địa phương, từ đó giải quyết công ăn việc làm cho một số lao động ở địa phương.
Ông Sử cho biết phần lớn người làm cho ông đều đến từ những vùng quê xa. Lợi thế của họ là chăm chỉ, gia đình có truyền thống làm nông nên nhanh chóng nắm bắt công việc, ngược lại ông hỗ trợ họ nhiều thứ trong cuộc sống để có thể gắn bó với ông lâu dài.
Có gần 10 năm làm việc tại vườn cây giống của ông Sử, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, ông là dân địa phương khác đến đây mưu sinh, may nhờ ông Sử thuê làm việc nên có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình. Ở các vườn ươm khác cũng có nhiều người từ nơi xa đến đây làm việc như ông. Hiện nay, buổi tối ông Hùng ở lại trông nhà và vườn ươm cây giống của ông Sử nên không lo lắng về chỗ ở, từ đó dành dụm được chút ít tiền gửi về quê, hoặc để thực hiện những dự định làm ăn sau này.
"Vùng đất này cưu mang nhiều người đến từ địa phương khác, gắn bó, bám trụ lại đây nhờ nông nghiệp. Bản thân tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực từng ngày để có thể tạo dựng một cuộc sống an cư lạc nghiệp tại đây” - ông Hùng tâm sự.
Hàng năm, khi cây thanh long bắt đầu cho trái, ông Đoàn Trung Ngọc lại thuê thêm khoảng 10 cựu chiến binh là dân địa phương làm một số việc nhẹ trong vườn, với tiền công khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Ngọc cho biết do sức khỏe không tốt, một số bị mất sức nên các cựu chiến binh chỉ có thể làm những việc nhẹ, như “vuốt tai” thanh long và lựa ra những quả đạt chuẩn xuất đi châu Âu.
Vào năm 2014 ông Ngọc còn bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để làm đường cấp phối và làm 1,5km đường điện trung thế dẫn vào rẫy của ông và nhiều hộ khác tại xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom), giúp việc vận chuyển nông sản và đi lại của người dân dễ dàng hơn.
“Tôi trực tiếp gặp các chủ rẫy vận động hiến đất mở rộng đường trên nền đường cũ. Sau đó, mọi người cùng hiến đất để làm con đường cấp phối rộng rãi, có chỗ 7-8m chiều ngang, giúp nông sản đưa đi tiêu thụ dễ dàng, lại có điện phục vụ sản xuất, đời sống từ đó thay đổi. Lúc đầu cũng có chủ rẫy không chịu đóng góp khi tôi đi vận động, nhưng dần dà họ hiểu ra rồi chung tay góp sức với tôi. Ở nông thôn, khi có việc mà nói với nhau một tiếng, có thêm vài người làm cùng thì việc làm xong nhanh lắm” - ông Ngọc tâm sự.
Đăng Tùng