Báo Đồng Nai điện tử
En

"Độ" còi xe máy, thú chơi nguy hiểm

10:08, 28/08/2017

Những chiếc còi "độ" phát ra tiếng kêu lớn đang được một số người lùng mua trang bị cho chiếc xe của mình để gây chú ý khi đi trên đường. Tuy nhiên, các loại còi xe có âm thanh "khủng" được sử dụng tràn lan hiện nay tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự.

Những chiếc còi “độ” phát ra tiếng kêu lớn đang được một số người lùng mua trang bị cho chiếc xe của mình để gây chú ý khi đi trên đường. Tuy nhiên, các loại còi xe có âm thanh “khủng” được sử dụng tràn lan hiện nay tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự.

Thợ sửa xe đang “chế” còi “khủng” theo yêu cầu của khách hàng.
Thợ sửa xe đang “chế” còi “khủng” theo yêu cầu của khách hàng.

Tại các cửa hàng bán phụ tùng xe máy ở TP.Biên Hòa không thiếu những món “đồ chơi” cho các loại xe 2 bánh. Từ đèn xi-nhan, đèn chiếu, gương chiếu hậu…, đến những chiếc còi phát ra với âm thanh “khủng”.

* Loại nào cũng có

Theo tìm hiểu của phóng viên, khách mua còi “độ” không chỉ là các thanh niên “choai choai”, mà cả một số người đứng tuổi cũng muốn mua loại linh kiện này để gắn vào xe. Mặt hàng này có đủ chủng loại nhằm phục vụ người chơi. Tuy nhiên, loại thông dụng nhất, tiếng kêu thuộc dạng lớn vẫn là những chiếc còi điện có công suất 3A-12V trở lên.

Theo một cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, việc xe máy, xe ô tô, xe tải tự động gắn còi ưu tiên là vi phạm lỗi thay đổi kết cấu xe. Các phương tiện vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100 ngàn đến 2 triệu đồng. Đối với xe máy thì khó phát hiện hơn do người sử dụng thường gắn kín trong xe. Nguy hiểm nhất là người sử dụng còi “độ” thường đi theo nhóm đông rồi hú còi inh ỏi, làm người đi đường hoảng sợ, từ đó dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

H.T., chủ một cửa hàng bán phụ tùng xe máy trên đường Phạm Văn Thuận, đoạn gần cầu Mương Sao (TP.Biên Hòa), cho biết bình thường xe máy đều có gắn một chiếc còi đơn. Lúc đầu thì tiếng kêu của chiếc còi khá lớn, nhưng sau một thời gian sử dụng còi bắt đầu có hiện tượng rè, bị mất tiếng hoặc không đủ độ lớn để báo hiệu. Ngoài ra, có một số loại còi kém chất lượng, lúc rửa xe hoặc bị vào nước sẽ bị  “chết”.

Còn còi xe máy “độ” được người chơi ưa chuộng bởi có thể phát ra những tiếng “độc”, như: còi hụ của xe Cảnh sát 113; còi ô tô, xe buýt… Những chiếc còi này có cấu tạo như đèn đôi của xe hơi, gồm 1 chiếc âm trầm (ký hiệu là L) và 1 chiếc âm cao (ký hiệu chữ H). Dân độ “còi” chuyên nghiệp thường gọi là còi đực và còi cái.

Nói xong, H.T. lôi đủ loại còi ra thử cho khách. Chỉ cần chập 2 dây điện của chiếc còi vào bình ắc-quy, ngay lập tức thứ âm thanh vang dội, chát chúa phát ra khiến những người đứng gần đó phải giật mình.

Các loại còi này chủ yếu lấy từ những cửa hàng bán phụ tùng xe máy ở TP.Hồ Chí Minh. Giá cả tùy thuộc nơi sản xuất, có chiếc chỉ vài chục ngàn đồng, loại trung bình 200-300 ngàn đồng, thậm chí 400-500 ngàn đồng không chừng. Còi càng “độc”, tiếng kêu càng to thì giá cả càng “chát”.

Ngoài các tiệm bán phụ tùng xe máy nổi tiếng trên đường Phạm Văn Thuận, cửa hàng bán phụ tùng xe máy H.P. ở gần Công viên 30-4 (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) được nhiều người chơi xe rỉ tai nhau về việc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu từ A đến Z của dân “độ” còi xe máy.

Cửa hàng này có nhiều dân chơi xe khu vực TP.Biên Hòa và các huyện lân cận tìm đến vì ở đây cung cấp nhiều loại còi “độc”, bảo đảm không đụng “hàng”. Ngoài những chiếc còi “zin”, cửa hàng còn cung cấp các loại còi secondhand được tháo từ xe ô tô cũ. Dù vậy, phụ kiện này vẫn được nhiều người ưa chuộng nhờ chất lượng tốt, âm thanh khủng và giá “mềm”.

“Còi xe máy có nhiều loại lắm, từ bắt chước tiếng còi của các loại xe khác đến tiếng bíp to gấp mấy chục lần so với bản gốc. Bảo đảm chỉ cần bấm còi là người đi đường dạt ra hết vì sợ hãi, bất ngờ” - L. (27 tuổi, ngụ phường Hố Nai, TP.Biên Hòa), khách mang chiếc xe hiệu Yamaha Exciter 135 đến cửa hàng H.P. “độ” còi, lên tiếng.

Một chiếc còi “khủng” được giới thiệu có thể phát ra âm lượng lớn khiến nhiều người đi đường hốt hoảng.
Một chiếc còi “khủng” được giới thiệu có thể phát ra âm lượng lớn khiến nhiều người đi đường hốt hoảng.

* Khiếp vía với tiếng còi “khủng”

Để hoàn thiện chiếc còi “khủng”, đòi hỏi thợ “độ” phải biết “chế” làm sao để còi bền và không bị phát hiện. Bởi, kích cỡ loại còi “độ” thường to hơn còi xe máy bình thường nên khi lắp ráp phải qua một công đoạn “chế” mới có thể thích ứng được.

Đem chiếc còi vừa mua ở cửa hàng bán phụ tùng xe máy đến một tiệm sửa xe, L. được thợ tư vấn khá tận tình. Tuy nhiên, để chiếc còi hoạt động, người chơi phải mua thêm rơ-le đấu nối vào bình ắc-quy. Nếu khách thích kín thì thợ sẽ cắt bớt phần đầu rồi gắn vào trong hộc kín. Gắn như vậy tiếng kêu nhỏ hơn, còn để hẳn bên ngoài sẽ phát ra âm thanh “khủng” gấp nhiều lần.

Đây chỉ một trong những cách “độ” còi bình thường của dân chơi mà nhiều người cũng biết. Nhiều thợ sửa xe không ngại chỉ cho khách nhiều kiểu “độ” tinh vi và dễ thao tác nhằm đối phó với việc kiểm tra của lực lượng chức năng.

Sau một hồi loay hoay, chiếc xe của L. được “chế” thêm một công tắc chuyển nằm ở dưới tay lái bên trái. Chỉ cần gạt qua là có thể sử dụng còi một cách dễ dàng; trường hợp có cảnh sát giao thông kiểm tra thì chuyển sang công tắc còi xe bình thường.

Theo chia sẻ của L., còi rú lên tiếng ngân giống còi ô tô và có thể hụ như xe cảnh sát. Mỗi lần phát ra thời lượng rất dài và lớn, do đó L. yêu cầu thợ “chế” thêm phụ kiện, bằng cách lấy nguồn phát còi từ tay thắng. Chỉ cần không bóp thắng thì chiếc còi “độc” sẽ ngưng hoạt động, tắt ngay lập tức.

Trên nhiều tuyến đường, tiếng còi “khủng” vẫn thường vang lên làm náo động cả một khu vực. Đặc biệt, vào các tối cuối tuần, trên đường đông đúc phương tiện qua lại hoặc khi diễn ra các sự kiện, lễ hội lớn lại xuất hiện vài thanh niên tụ tập chạy theo nhóm bấm còi, nẹt pô xe ầm ĩ. Điều này khiến người tham gia giao thông không khỏi bức xúc, bởi lúc nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu, xe cảnh sát mọi người sẵn sàng nép vào lề nhường đường, nhưng sau đó nhìn lại không phải xe ưu tiên mà chỉ là xe máy bình thường. Nhiều trường hợp khi nghe tiếng còi “khủng”, người điều khiển phương tiện đã hốt hoảng giật mình, luống cuống dẫn đến va chạm giao thông, gây thương tích.

Ngoài nguy cơ mất an toàn giao thông và an ninh trật tự thì việc tự tiện “độ” còi xe một cách vô tội vạ có thể dẫn đến tình trạng cháy, nổ do chập điện. Vì vậy, với những trường hợp bị phát hiện cần phải kiên quyết xử lý nghiêm, không để tình trạng này gây nguy hiểm đến người đi đường.

Dương Ngọc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Cập nhật sxmb mới nhất định vị viettel cho ô tô