Ở độ cao 300m thuộc khu vực núi Chứa Chan (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) hiện có 20 cá thể voọc chà vá chân đen đang sinh sống. Cách đó không xa còn có đàn voọc khác khoảng 20 con.
Ở độ cao 300m thuộc khu vực núi Chứa Chan (xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) hiện có 20 cá thể voọc chà vá chân đen đang sinh sống. Cách đó không xa còn có đàn voọc khác khoảng 20 con.
Đây là lần đầu tiên, Đồng Nai phát hiện số lượng lớn voọc chà vá chân đen, một trong những loài linh trưởng thuộc nhóm nguy cấp, cần được bảo vệ.
* Lần theo dấu tích đàn voọc
Theo trang Wikipedia.org, voọc chà vá chân đen sinh sống ở khu vực Nam Trường Sơn của Việt Nam (một số tỉnh ở Tây Nguyên) và miền núi Campuchia lân cận. So với 2 loài voọc chà vá chân nâu và chân xám, voọc chà vá chân đen có cặp chân đen, 2 cánh tay cũng đen; là một trong những loại động vật nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm 1B, cần được đặc biệt ưu tiên bảo vệ. |
Hạt phó Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh Tôn Hà Quốc Dũng cho biết từ tin báo của người dân, tháng 6-2017 đơn vị tiến hành khảo sát tại núi Chứa Chan. Qua nhiều tháng quan sát, đơn vị ghi nhận có khoảng 40 cá thể voọc chà vá chân đen sinh sống, chia làm 2 đàn. Đặc biệt, trong đàn có những cá thể đang mang thai và một số con còn nhỏ.
Đàn voọc thường xuyên xuất hiện vào buổi sáng sớm đến lúc trời nắng mạnh để tìm thức ăn. Loài linh trưởng này có thói quen khi đi kiếm ăn ít gây ra xáo động xung quanh, không tranh giành như các loài vượn, khỉ khác nên khó phát hiện. Chỉ cần tiếng động lạ là cả đàn nhanh chóng lẩn trốn dưới các vạt cây rừng. Vậy nên việc tiếp cận đàn voọc không hề đơn giản, kể cả với những kiểm lâm viên làm công tác giữ gìn địa bàn.
Đàn voọc đang kiếm ăn quanh khu vực chúng sinh sống. |
Vào mùa này, núi Chứa Chan thường có mây mù bao phủ, cộng với mưa dầm dề liên tục trong nhiều ngày nên tầm nhìn khá hạn chế. Thời tiết ẩm ương nên khi có nắng ấm, đàn voọc tranh thủ kéo nhau ra phơi nắng trên những tảng đá to đồ sộ nằm ở lưng chừng núi.
Ở độ cao này, nếu đứng tại khu vực chùa Thiên Sơn (nằm cạnh núi Chứa Chan), qua ống nhòm chuyên dụng có thể thấy đàn voọc đang trải mình trên các phiến đá. Phơi nắng xong, cả đàn kéo nhau di chuyển sang vạt cây bảy thừa, cây da… ở bên dốc suối Nước Lạnh kiếm thức ăn.
Người dân địa phương cho hay từ trước đến nay núi Chứa Chan khá khan hiếm nước, không chỉ trong mùa khô mà cả mùa mưa. Do đó, cây cối ở đây vốn cằn cỗi, chỉ khu vực suối Nước Lạnh mới có thảm thực vật xanh tốt quanh năm.
Trong khi cả đàn đang bẻ những đọt non ăn ngon lành thì con đực đầu đàn đứng trên ngọn cây cao nhất để canh chừng. Mọi động tĩnh xung quanh đều được nó theo dõi tường tận, không rời mắt khỏi hướng mà chúng tôi đang đứng.
“Nhiều lần theo dấu đàn voọc, tôi thấy loài này di chuyển tìm thức ăn liên tục. Buổi sáng, chúng xuất hiện tầm 9-10 giờ, chiều 13-15 giờ, khi trời bắt đầu chuyển tối thì lũ lượt kéo nhau về. Vì vậy, việc tận mắt chứng kiến chúng sinh hoạt không dễ và phải đứng từ xa. Lần gần nhất, tôi tiếp cận đàn ở vị trí cách 50m” - ông Dũng cho hay.
Với những người quen địa hình và tìm hiểu về loài voọc như ông Dũng, chỉ khi nào chúng nhảy chuyển cành tìm thức ăn hoặc leo lên những tảng đá phơi nắng thì mới nhìn rõ.
Theo ông Dũng, đặc tính của loài này không ăn côn trùng, chỉ ăn lá cây và các loại hạt, quả rừng. Điều lạ nữa, voọc chỉ ăn phần ngon nhất của đọt cây vừa bẻ xuống nên quanh khu vực chúng kiếm thức ăn thường để lại phần thừa, dấu tích. Một số cây mà voọc chọn làm nơi nghỉ ngơi, cành cây trơn nhẵn, vỏ bị xước. Do đó, khi khảo sát địa bàn ông đã nắm được vị trí nào mà voọc thường xuyên lui tới.
Trụ trì chùa Thiên Sơn, thầy Thích Thiện Từ chia sẻ lâu nay sau lưng chùa là dãy núi đá rộng, vốn là nơi đàn voọc chọn làm nơi trú ngụ. Xung quanh có nhiều rẫy điều của bà con, nhưng chưa lần nào loài linh trưởng này đến phá hay hái điều ăn.
Trước đó vào năm 2007, khi thầy Thích Thiện Từ lên đây lập chùa đã thấy đàn voọc với khoảng 10 con. Sau đó, thầy đem chuyện này kể lại nhưng không ai tin, bởi nhiều người cho rằng trên núi cao khỉ thì có, chứ voọc không thể sinh sống lâu dài được. Đến nay, chúng sinh sản và tăng số lượng lên khoảng hơn 20 cá thể, trùng với thống kê của lực lượng chức năng.
* Cấp bách bảo vệ loài voọc quý hiếm
Việc phát hiện đàn voọc chà vá chân đen sinh sống tại núi Chứa Chan khiến người dân xung quanh to mò. Vậy nên những ngày qua nhiều người đã tìm đến đây chờ cơ hội để tận mắt chứng kiến loài vật quý hiếm, trong đó có không ít đối tượng lạ, kẻ xấu rình rập nhằm săn bắn trộm.
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra, giám sát đàn voọc trên núi Chứa Chan. |
“Thỉnh thoảng có người lạ xâm nhập vào khu vực này, các sư thầy trong chùa đều biết. Mỗi lần có động tĩnh khác thường là đàn chó tôi nuôi sủa inh ỏi. Vì vậy, tôi luôn thông báo kịp thời cho các cán bộ kiểm lâm theo dõi để cảnh giác” - thầy Thích Thiện Từ nói.
Ông Dũng cho biết thêm, phạm vi hoạt động của đàn voọc khoảng 24 hécta, là khu vực có đá lộ thiên, dây leo, địa hình dốc cao, thảm thực vật rừng tự nhiên, phía dưới đá có nguồn nước chảy ngầm. Đến nay, có đủ cơ sở để khẳng định trên núi Chứa Chan có 2 quần thể voọc chà vá chân đen sinh sống.
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản về việc tăng cường công tác bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng cần nỗ lực, tăng cường đấu tranh ngăn chặn, xử lý tình trạng săn bắt, mua bán, kinh doanh trái phép… các loài động vật hoang dã, đặc biệt là những loài thuộc diện nguy cấp, quý hiếm. |
Vào mùa này trời đang nắng bỗng mây đen ùn ùn kéo đến rồi mưa như trút nước khiến việc bảo vệ đàn voọc rất vất vả. Núi Chứa Chan cao và rộng lớn, lại nằm giáp ranh với 4 xã: Suối Cát, Xuân Thọ, Xuân Trường, Xuân Hiệp và thị trấn Gia Ray nên có nhiều đường mòn để lên núi.
Chưa kể quanh đây hiện có 32 hộ dân sinh sống và làm rẫy, từ đó rất có thể kẻ xấu sẽ trà trộn vào dân để lên núi săn bắt, ảnh hưởng đến khu vực sinh sống của voọc. Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm liên huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, khuyến cáo bà con khi thấy voọc thì nên tỏ thái độ thân thiện, không được săn bắt trái phép.
“Chúng tôi đã vận động được 9 hộ dân có rẫy gần núi tham gia vào lực lượng bảo vệ đàn voọc. Khi có thông tin gì họ sẽ tích cực phối hợp với anh em kiểm lâm làm nhiệm vụ. Về lâu dài, để người dân là “tai mắt” của mình, cần hỗ trợ thêm kinh phí cho bà con” - ông Dũng lên tiếng.
Để bảo vệ sự toàn vẹn của voọc chà vá, việc tạo môi trường thuận lợi cho voọc cư trú, kiếm ăn việc hạn chế sự hiện diện của con người trong vùng chúng thường xuyên sinh sống, di chuyển là hết sức cần thiết. Hiện tại, Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh đã phối hợp với lực lượng công an, quân đội, địa phương và Ban Quản lý di tích núi Chứa Chan nhằm tăng cường công tác tuần tra, chốt trực các khu vực quan trọng để bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Thanh Hải