Báo Đồng Nai điện tử
En

Cựu chiến binh bảo vệ vườn cao su

11:08, 02/08/2017

Nông trường cao su Cẩm Đường là một trong những đơn vị có tỷ lệ bảo vệ sản phẩm tốt nhất trong các nông trường thuộc Công ty TNHH Tổng công ty cao su Đồng Nai...

Nông trường cao su Cẩm Đường (nằm trên địa bàn xã Cẩm Đường, huyện Long Thành và xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ) là một trong những đơn vị có tỷ lệ bảo vệ sản phẩm tốt nhất trong các nông trường thuộc Công ty TNHH Tổng công ty cao su Đồng Nai. Để đạt được kết quả đó, các nhân viên bảo vệ, nhất là những nhân viên Hội Cựu chiến binh của Nông trường cao su Cẩm Đường đã không quản khó khăn để làm nhiệm vụ.

Đội trưởng Đội bảo vệ Nông trường cao su Cẩm Đường Trần Hữu Tài (bìa phải) kiểm tra một tổ trực. Ảnh: Đăng Tùng
Đội trưởng Đội bảo vệ Nông trường cao su Cẩm Đường Trần Hữu Tài (bìa phải) kiểm tra một tổ trực. Ảnh: Đăng Tùng

Tinh thần và ý chí được rèn luyện qua những năm tháng quân ngũ đã giúp những nhân viên Hội Cựu chiến binh trở thành nòng cốt của lực lượng bảo vệ nông trường.

* Gian nan bảo vệ tài sản nông trường

28 năm công tác tại Đội bảo vệ của Nông trường cao su Cẩm Đường, ông Trần Hữu Tài, Đội trưởng Đội bảo vệ, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nông trường cao su Cẩm Đường nhớ lại: Ngày ông mới về nông trường, diện tích cao su nơi đây rất lớn, ngút tầm mắt là cao su, nhưng đường sá đi lại còn khó khăn, điện thắp sáng chưa có (năm 1996 mới có điện).

Công việc bảo vệ nông trường những năm 1980-1990 rất vất vả, có nhiều kẻ xấu vào trộm mủ cao su, đôi khi họ chống lại lực lượng bảo vệ. Khi đó, bảo vệ nông trường còn được trang bị vũ khí cá nhân như súng tiểu liên M16; trong một số trường hợp bất khả kháng, để bảo vệ tài sản của nông trường, nhân viên bảo vệ phải nổ súng thị uy.

Ông Lê Trung Thảo, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Công ty TNHH Tổng công ty cao su Đồng Nai, đánh giá: “Cả tổng công ty hiện có 328 hội viên cựu chiến binh, trong đó có 106 hội viên làm nhiệm vụ bảo vệ, 63 hội viên làm công tác tự vệ. Phát huy tinh thần của những người từng trải qua quân ngũ, họ đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ nông trường, bảo vệ tài sản của tổng công ty. Với Nông trường cao su Cẩm Đường, chúng tôi đánh giá rất cao năng lực và sự nhiệt tình của anh em cựu chiến binh làm công tác bảo vệ. Qua kết quả đánh giá của tổng công ty, cùng với Nông trường cao su Túc Trưng, Nông trường cao su Cẩm Đường là một trong những nông trường dẫn đầu về công tác bảo vệ sản phẩm trong những năm qua”.

Ông kể, lúc ông mới về làm nhân viên bảo vệ nông trường, mỗi ngày ra lô cao su hầu như đều đụng mặt các đối tượng trộm mủ. Có khi họ ỷ vào số đông mà ném đá, ném gậy về phía lực lượng bảo vệ nông trường. Thường thì họ canh thời điểm tháng 8 năm này đến tháng 1 năm sau, lúc cao su cho nhiều mủ nhất, để vào trộm. Ban đêm, họ lén lút tới những gốc cây rồi lấy chén đựng mủ trút mủ vào túi ny-lông.

"Khi đó, bảo vệ chủ yếu đi bộ hoặc xe đạp, điện thoại không có nên khi phát hiện các đối tượng trộm mủ phải đạp xe đi gọi thêm nhiều người đến hỗ trợ. Rừng cao su rất rộng nên rất vất vả mới bảo vệ được tài sản của nông trường” - ông Tài nhớ lại.

Hiện nay, Đội bảo vệ của Nông trường cao su Cẩm Đường có 54 người (trong đó có 15 cựu chiến binh), được giao nhiệm vụ giữ gìn tài sản trên tổng diện tích 2,9 ngàn hécta toàn nông trường.

Những năm gần đây, tình trạng trộm mủ cao su đã giảm hẳn nên việc nhân viên bảo vệ nông trường phải đối mặt căng thẳng với kẻ trộm mủ cũng không còn. Nếu phát hiện đối tượng đang có hành vi trộm mủ, lực lượng bảo vệ sử dụng điện thoại di động báo tin cho nhau để tiến hành vây bắt quả tang. Tuy nhiên, khi vừa phát hiện bóng dáng nhân viên bảo vệ nông trường từ xa, các đối tượng trộm mủ cũng nhanh tay vứt bỏ tang vật để chạy trốn. Nhờ vậy, nguồn mủ cũng được thu hồi an toàn.

Ông Nguyễn Văn Tòng, nhân viên bảo vệ, hội viên Hội Cựu chiến binh nông trường Cẩm Đường cho biết, bây giờ mọi chuyện đã ổn định hơn hồi những năm 1990 rất nhiều. Lực lượng bảo vệ nông trường lại thường xuyên phối hợp với công an địa phương tuần tra, tuyên truyền nên việc kẻ xấu vào nông trường trộm mủ cũng giảm bớt.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tòng, không phải vì vậy mà công việc của bảo vệ ít vất vả hơn. Hiện lực lượng bảo vệ của đơn vị phải chia nhau đi trực tại các chốt trong nông trường, có chốt ngoài bìa lô, có chốt nằm tít sâu bên trong.

"Người lạ vào rừng cao su ai cũng ngán ngại mỗi khi nghĩ tới cảnh màn đêm buông xuống mà chỉ có một thân một mình với chiếc đèn pin đi tuần giữa rừng, còn chúng tôi thì đã quen rồi. Vả lại, nhiều bảo vệ là cựu chiến binh nên đã rèn luyện bản lĩnh, tính gan dạ qua những năm tháng phục vụ trong quân ngũ” - ông Tòng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tòng cùng đồng nghiệp chuẩn bị võng, bạt cho phiên trực tối.
Ông Nguyễn Văn Tòng cùng đồng nghiệp chuẩn bị võng, bạt cho phiên trực tối.

* Thầm lặng canh rừng đêm

Hàng đêm, theo sự phân công từ trước, nhân viên bảo vệ Nông trường cao su Cẩm Đường sẽ chọn một vị trí trong lô cao su để giăng võng, bạt làm chỗ nghỉ ngơi sau những lúc đi tuần tra. Trong bóng tối, nhân viên bảo vệ phải đi bộ một mình, khi phát hiện có kẻ xấu thì gọi thêm lực lượng bảo vệ hỗ trợ.

Để thực hiện được việc đó, đòi hỏi bảo vệ phải dũng cảm và thích nghi tốt với không gian tĩnh mịch trong rừng cao su vào đêm. Ông Nguyễn Ngọc Lộc, nhân viên bảo vệ, hội viên Hội Cựu chiến binh Nông trường cao su Cẩm Đường cho biết, nhiệm vụ của bảo vệ nông trường giờ nhẹ hơn so với trước, nhưng lại gắn với rừng cao su hơn.

"Buổi sáng, anh em phải có mặt tại đơn vị từ 8 giờ, phải theo công nhân đi lấy mủ để làm nhiệm vụ bảo vệ. Sau 17 giờ, chúng tôi phân công người gác đêm, mỗi người đảm nhiệm diện tích từ 25 hécta trở lên, từ vị trí người này đến người kia 500m. Nhiều khi mưa gió bão bùng không giăng bạt được, mọi người lại tập trung về chốt để đảm bảo an toàn, vì cây cao su khá giòn, dễ gãy, nếu đêm hôm mưa gió mà ở trong lô dễ bị thương” - ông Lộc nói.

Trong 5 năm qua, tất cả nông trường cao su ở Đồng Nai có gần 170 hội viên cựu chiến binh làm công tác bảo vệ, tuần tra canh gác; bắt quả tang gần 1,2 ngàn vụ vi phạm trộm mủ cao su, thu hơn 8 tấn mủ cao su các loại. Để làm được điều này, đòi hỏi sự nhẫn nại, kiên cường của những người từng kinh qua môi trường quân đội, không ngại đêm hôm, gian khó để tuần tra, phát hiện những hành vi sai trái.

Ông Trần Hữu Tài cho biết: “Nhiệm vụ của đội bảo vệ là đảm bảo an toàn tài sản cho nông trường. Khi bắt quả tang người trộm mủ, chúng tôi giao cho cơ quan chức năng địa phương xử lý. Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp nguồn tin cho công an triệt phá một số tụ điểm mua bán mủ cao su lấy trộm từ nông trường. Thời gian gần đây, giá mủ cao su không còn cao như trước nên tình trạng kẻ xấu vào lô trộm mủ đã giảm đi rất nhiều. Điều đó cũng giảm bớt áp lực cho công việc của bảo vệ nông trường. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng tôi được phép lơ là mà càng phải đề cao cảnh giác, đảm bảo an toàn tài sản cho nông trường”.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích