Báo Đồng Nai điện tử
En

Ấm lòng người nằm xuống

10:07, 17/07/2017

Chăm sóc từng phần mộ hay hương khói mỗi ngày cho các liệt sĩ yên nghỉ dưới lòng đất mẹ, nhiều người đã nguyện gắn bó cả cuộc đời với công việc vất vả, thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa để tri ân và phần nào chia sẻ với nỗi đau của thân nhân, gia đình liệt sĩ.

Chăm sóc từng phần mộ hay hương khói mỗi ngày cho các liệt sĩ yên nghỉ dưới lòng đất mẹ, nhiều người đã nguyện gắn bó cả cuộc đời với công việc vất vả, thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa để tri ân và phần nào chia sẻ với nỗi đau của thân nhân, gia đình liệt sĩ.

Vợ chồng bà Võ Thị Sang chăm chút cho bàn thờ các liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch. Ảnh: T. Hải
Vợ chồng bà Võ Thị Sang chăm chút cho bàn thờ các liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ huyện Nhơn Trạch. Ảnh: T. Hải

Từ sáng sớm đến tối khuya, công việc quét dọn, chỉnh trang các phần mộ liệt sĩ được những người quản trang làm chu đáo, tận tâm bằng cả tấm lòng.

* Để các anh không cô đơn

“Vợ chồng tôi vào đây từ khi đứa con đầu mới 7 tuổi, đến nay nó đã lập gia đình. Tiền công chăm sóc nghĩa trang chẳng được là bao nhưng đó là cái nghĩa, cái tình” - bà Phạm Thị Em xúc động chia sẻ.

Gần 20 năm nay, mỗi ngày vợ chồng bà Võ Thị Sang (ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) đều đặn đến chăm sóc, hương khói cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ Nhơn Trạch. Người dân quanh vùng đã quen với hình ảnh vợ chồng già dáng người lom khom cẩn thận chăm chút cho từng ly hương, bát nước, bình hoa… trên bàn thờ các anh.

Gắn bó với việc này từ ngày đền thờ mới lập, bà Sang coi đây như là ngôi nhà thứ 2 của mình. Sáng sớm, bà thức dậy cùng chồng quét dọn, nhổ những bãi cỏ mới mọc, tưới những chậu hoa lớn nhỏ rồi tất tả đi chợ làm cơm đặt lên bàn thờ cúng. Không quản ngại nắng mưa, mọi vị trí trong đền thờ lúc nào cũng được ông bà quét dọn sạch sẽ, hương khói chu đáo.

“Chúng tôi làm công việc thân quen cả mấy chục năm mà chưa một lần có ý định từ bỏ. Thời điểm mới xây Đền thờ liệt sĩ Nhơn Trạch, xung quanh đây không có nhà cửa, quán xá, đường đi vào cũng sình lầy, chỉ xe bò đi được. Vậy mà, sáng nào tôi cũng đạp xe từ nhà đến đây chăm sóc, hương khói cho các liệt sĩ đến tối mới về, còn chồng tôi ở lại làm bảo vệ” - bà Sang tâm sự.

Bà Sang kể, khi chưa có ban quản lý đền thờ, những người trông coi góp mỗi người một ít để bà đi chợ làm cơm “mời” các liệt sĩ. Thời buổi kinh tế còn khó, bữa cơm cũng đạm bạc, nhưng không ngày nào thiếu vắng bởi đó là tấm lòng chân thành, xuất phát từ trái tim của những ai làm công việc thầm lặng này.

Đã nhận chăm sóc, hương khói cho các anh hùng liệt sĩ thì chuyện riêng bao giờ cũng phải gác lại. Những ngày rằm, lễ lạt, 2 ông bà đều có mặt tại đền thờ từ sớm để lau dọn, dâng hương hoa. Vào những ngày tết, khi mọi người đã sum vầy bên gia đình thì ông, bà lại túc trực thường xuyên ở đây đề bàn thờ các anh lúc nào cũng tỏa khói hương ấm áp, thơm nồng.

Đền thờ nằm giữa vườn tràm xanh tốt, bên những hàng dầu cao vút, tán lá xanh um mà đường vào ít nhà dân ở nên khung cảnh nơi đây khá trầm mặc và yên bình. Những năm gần đây, đền thờ đã trở nên khang trang, sạch đẹp hơn; sự thay đổi không nhỏ đó có bàn tay của ông, bà Sang.

Bà Phạm Thị Em, quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành, bên mâm cơm thường ngày dâng lên các anh hùng liệt sĩ.
Bà Phạm Thị Em, quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành, bên mâm cơm thường ngày dâng lên các anh hùng liệt sĩ.

Làm công việc bình dị, suốt bao năm qua, ông Đặng Văn Truyền (chồng bà Sang) không nhớ ông đã bao nhiêu lần đón tiếp các thân nhân liệt sĩ tới viếng thăm đền thờ. Có đoàn chỉ đi 1-2 người, đoàn đến 5-7 người. Những lúc như thế, ông cũng vui lây với các anh và không khí đền thờ trở nên ấm cúng hơn.

“Người ở nhà luôn trông ngóng người đi xa trở về. Sự lui tới thường xuyên của bạn bè, người thân hay các đoàn thăm viếng mỗi dịp lễ, tết ngày kỷ niệm trọng đại cũng khiến các anh an lòng” - ông Truyền nghẹn ngào nói.

* Gắn bó cả cuộc đời

Đã 30 năm nay, bà Phạm Thị Em (57 tuổi, ngụ xã Long Phước, huyện Long Thành) vẫn miệt mài, thầm lặng chăm sóc, chỉnh trang cho hơn 3 ngàn mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành.

Bà Em kể, cha và chị gái bà hy sinh trong vụ địch thảm sát Giồng Sắn khiến 536 thường dân vô tội bị chết và hàng trăm người bị thương vào ngày 27-9-1964. Bao năm qua, bà luôn hy vọng và tâm niệm sẽ tìm được hài cốt của cha và chị gái nên đã xin vào làm việc ở đây như để chăm sóc cho người thân của mình. Không chỉ bà, mà cả chồng và các con của bà đều chân thành gắn bó với công việc này. Còn sức khỏe ngày nào, vợ chồng bà còn gắn bó với nghĩa trang này, bởi đây là trách nhiệm của những người còn sống dành cho các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cuộc đời cho đất nước.

Nằm xen lẫn giữa các ngôi mộ có tên tuổi, quê quán là những tấm bia liệt sĩ chưa biết tên. Họ là những người con đã hy sinh vì Tổ quốc, ngã xuống cho nền độc lập dân tộc nên ngôi mộ nào bà Em cũng chăm sóc chu đáo, hương khói thường xuyên. Ngoài việc chăm sóc các phần mộ, bà còn nhiệt tình hướng dẫn, tiếp đón các đoàn khách đến thăm viếng nghĩa trang.

Dù sáng sớm hay chiều tối muộn, hễ có người muốn vào thắp hương, bà Em và các thành viên trong nhà vẫn nhiệt tình hướng dẫn vị trí, tìm sơ đồ mộ, giúp thân nhân liệt sĩ được thăm viếng nghiêm trang. Những công việc tưởng chừng không tên, nhưng lắm vất vả đã lôi cuốn bà Em gắn bó gần nửa đời người tại nghĩa trang này.

Bà Em bồi hồi chia sẻ: “Ngày mới vào đây, gia đình tôi cũng chật vật lắm, khi không có điện, không có nước sử dụng. Tiền trợ cấp hàng tháng chỉ đủ ăn cơm độn, cháo lạt nói chi đến trang trải chi tiêu sinh hoạt. Cuộc sống quá khó khăn, có lúc tôi nghĩ sẽ không trụ nổi, vậy mà rồi cũng gắn bó ở đây đúng 30 năm”.

Nghĩa trang rộng lớn với hàng chục lô, khu mộ nhưng bà Em hiểu rõ hoàn cảnh hy sinh của các liệt sĩ, cũng như thuộc lòng từng vị trí phần mộ, gốc cây ngọn cỏ trong khuôn viên. Giữa vô vàn phần mộ, chỉ cần nói tên, tuổi, năm sinh liệt sĩ, bất cứ ai trong nhà bà Em đều có thể tìm ra phần mộ liệt sĩ đó nhanh chóng mà không gặp chút khó khăn nào.

Ông Nguyễn Tấn Phong cho hay hồi nhỏ mỗi lần cha mẹ dọn dẹp, chỉnh trang nghĩa trang ông đều xin đi theo. Thấy cha cắt tỉa cây cảnh, mẹ thắp hương, ông cũng chạy lăng xăng phụ giúp. Những hình ảnh cảm động đó đã “thấm” vào tâm lúc nào chẳng hay nên ý nguyện của ông là sẽ thay cha mẹ làm công việc quản trang.

“Anh em, vợ chồng tôi đều lo hương khói cho phần mộ các anh, các chú. Tôi nghĩ, mình được sống ngày hôm nay một phần là nhờ xương máu của các anh nên đóng góp chút công sức này thì có đáng gì” - ông Phong tâm sự.

Thanh Hải

Tin xem nhiều