Hơn 3 năm qua, từ khi dựng căn nhà tạm ở chân cầu Đồng Nai làm nơi đậu xuồng chở khách và bán than, ông Lê Văn Dũng (tên thường gọi là Bảy Đò, ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đã không ít lần dùng xuồng chở các chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông cứu sống những người nhảy cầu tự tử.
Hơn 3 năm qua, từ khi dựng căn nhà tạm ở chân cầu Đồng Nai làm nơi đậu xuồng chở khách và bán than, ông Lê Văn Dũng (tên thường gọi là Bảy Đò, ngụ phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đã không ít lần dùng xuồng chở các chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông cứu sống những người nhảy cầu tự tử.
Ông Bảy Đò với gia tài là những chiếc xuồng neo đậu ở chân cầu Đồng Nai. |
Trung bình mỗi năm ông Bảy Đò tham gia cứu 2-3 người nhảy cầu. Đó là chưa kể những lần ông hỗ trợ lực lượng cứu nạn, cứu hộ vớt xác đem vào bờ giúp thân nhân của người bị nạn đem về an táng.
Cứu người không mong trả ơn
Căn nhà tạm của ông Bảy Đò nằm ở chân cầu Đồng Nai, được phủ bóng mát bởi những cây cao mọc lâu năm. Kế bên đó là căn nhà tạm làm bằng thùng container của tổ trực thuộc Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông).
Hầu như chiến sĩ nào được luân chuyển về tổ cũng thân thiết với ông Bảy Đò vì mỗi khi có người nhảy cầu hay có xác chết trôi, ông là một trong những người dân đầu tiên sốt sắng cùng các chiến sĩ cứu người đưa vào bờ an toàn.
Thượng tá Nguyễn Văn Nhâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, cho biết ông Lê Văn Dũng đã nhiều lần hỗ trợ lực lượng cứu nạn hoàn thành nhiệm vụ. Những điều ông làm đều tự nguyện. Mạng sống của người sắp chết đuối tính bằng giây nên mỗi khi phát hiện có người nhảy cầu, ông không nề hà mà ra tay giúp đỡ ngay lập tức. |
Ông Bảy cho biết: “Người ta gọi tôi là Bảy Đò vì tôi thứ bảy và làm nghề chèo xuồng đưa khách từ các sà lan vào bờ. Tôi làm nghề này hơn 20 năm rồi".
Ông kể, trước đây, ông ở trong bến sông ngay trước nhà, sau này mới dời ra chân cầu dựng nhà tạm.
Ở đây, mỗi khi nghe tiếng người la hét trên cầu và nghe tiếng nước động mạnh là ông biết vừa có người nhảy xuống sông tự tử. Lúc thì các chiến sĩ công an báo cho ông, khi thì ông phát hiện sự việc rồi báo các anh công an lên xuồng của ông đưa ra sông cứu người nhảy cầu.
"Mà cũng ngộ, nhiều người lúc leo lên thành cầu nhảy sông không thấy sợ, nhưng khi chân vừa rời khỏi cầu, rơi xuống nước lại kêu cứu và lúc được đưa lên bờ an toàn thì nói lời cảm ơn rối rít” - ông Bảy Đò tâm sự.
Trung bình mỗi năm ông Bảy Đò trực tiếp cứu hoặc hỗ trợ các chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông cứu sống được 2-3 người nhảy cầu, còn vớt xác thì không thể nhớ.
Riêng năm 2016, ông đã trực tiếp cứu 1 người và hỗ trợ cứu 2 người; có người sau đó đến gặp ông để cảm ơn, có người thì không, nhưng với ông chỉ cần cứu được người là tốt rồi, chuyện ơn nghĩa ông không màng.
Như lần ông cứu sống một phụ nữ ở huyện Long Thành nhảy cầu vào năm 2016, vài ngày sau chồng của người phụ nữ ấy tìm tới ông gửi tiền hậu tạ. Tuy nhiên, ông nhất quyết không cầm tiền, chỉ yêu cầu người chồng kia ngồi ăn bữa cơm và nói chuyện với ông là được rồi.
“Tôi sống trên sông nước từ lâu nên việc cứu người bị nạn trên sông là điều bình thường. Cứu người là tạo thêm phúc cho bản thân nên gặp chuyện thì làm, chẳng cần ai nhờ vả. Các anh công an đóng chốt gần đây cũng coi tôi như người nhà, có việc cần cứu người nhảy cầu gấp mà không kịp lấy ca nô lại chạy qua gọi tôi chở ra sông. Nhiều lúc mải cứu người bị nước cuốn mà xuồng của tôi đâm vào sà lan đang neo ở cảng gần đó làm móp mũi xuồng, nhưng tôi tự bỏ tiền túi sửa, miễn cứu sống người là tôi vui rồi” - ông Bảy Đò bộc bạch.
Ông Bảy Đò bán than mưu sinh ở chân cầu Đồng Nai. Ảnh: Đăng Tùng |
Những cuộc vật lộn nơi dòng nước
Ông Bảy Đò cho biết, để cứu được người nhảy cầu không phải dễ vì khi đó họ đang trong trạng thái hoảng loạn, chới với, nếu có một mình rất dễ xảy ra tình trạng cả 2 người đều bị nước cuốn chìm. Có vài trường hợp, dù đã có đủ phao, dây thừng nhưng nước sông chảy xiết, ông phải dựa vào kinh nghiệm sông nước của bản thân để điều khiển xuồng đuổi theo, vừa cứu được người vừa đảm bảo an toàn cho người trên xuồng.
Ông nhớ lại: chiều 9-11-2016, ông nghe tiếng tri hô có người nhảy cầu của mọi người, đồng thời lúc này các chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ chạy qua gọi ông lái xuồng đưa họ ra vớt người nhảy cầu. Ông lập tức nhảy xuống xuồng, chở các chiến sĩ công an ra sông. Khi đó nước chảy mạnh, ông phải đưa xuồng đến gần người nhảy cầu để các chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ ném phao, dây thừng rồi nhảy xuống nước đưa người đuối nước lên.
"Phải nói thật, người nhảy cầu biết bơi còn cứu được, chứ người không biết bơi nhảy xuống sông chỉ có nước chìm luôn. Xuồng nhanh lắm cũng mất 1-2 phút từ khi nghe tiếng la đến khi tiếp cận người cần cứu, nhưng 1-2 phút với người không biết bơi thì dài dằng dặc, nên khi đó cần phải nhanh chóng chạy đua với tử thần để cứu người” - ông Bảy Đò chia sẻ.
Không chỉ dùng xuồng đưa lực lượng cứu nạn, cứu hộ tiếp cận nạn nhân đuối nước cứu người, ông Bảy Đò còn nhiều lần tự cứu người đuối nước một cách âm thầm. Năm 2016, trong lúc chèo xuồng chở than, nghe tiếng la hét trên cầu Đồng Nai, ông nhìn xuống sông thì thấy một người phụ nữ chới với giữa dòng nước.
Ngay lập tức, ông quay xuồng, cùng một người đang trên xuồng đuổi theo nạn nhân đang bị nước cuốn. Để kịp cứu người, ông chấp nhận lao xuồng vào sà lan đang neo ở bến để kịp ném phao cho người bị nạn, tránh cho nạn nhân va vào sà lan. Sau khi cứu người lên bờ, ông mới báo cho cơ quan chức năng biết.
“Cũng trong năm 2016, vào ngày 26-12-2016, tôi còn hỗ trợ lực lượng cứu nạn, cứu hộ cứu sống anh Trần Quốc Hùng, nhà ở phường Long Bình Tân. Khi đưa nạn nhân lên bờ, mẹ của anh Hùng đã đến nhà cảm ơn chúng tôi rối rít và đề nghị hậu tạ, nhưng chúng tôi không nhận. Cuối năm rồi, cũng nhờ nhiều lần hỗ trợ lực lượng cứu nạn, cứu hộ mà tôi được nhận giấy khen của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Với tôi, sống trên đời làm việc thiện là vì cái tâm, chứ không cần báo ơn hay đền đáp. Có như vậy, cái đức đời cha mới tích được cho đời con cháu” - ông Bảy Đò vui vẻ cho biết.
Đăng Tùng