Báo Đồng Nai điện tử
En

Nữ công nhân nghèo với giấc mơ võ phục

12:07, 17/07/2017

Từ một cô bé bán vé số dạo, bà Vũ Thị Ngư (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đã cố gắng học để lấy tấm bằng tốt nghiệp THPT, rồi bằng cử nhân. Tốt nghiệp đại học, bà Ngư xin vào làm ở một công ty chuyên sản xuất võ phục xuất khẩu.

Từ một cô bé bán vé số dạo, bà Vũ Thị Ngư (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đã cố gắng học để lấy tấm bằng tốt nghiệp THPT, rồi bằng cử nhân. Tốt nghiệp đại học, bà Ngư xin vào làm ở một công ty chuyên sản xuất võ phục xuất khẩu. Công ty giải thể, bà lập công ty chuyên sản xuất, gia công võ phục để tạo việc làm cho hơn 20 nữ công nhân lớn tuổi khó xin việc làm mới và ấp ủ khát vọng được vinh danh cùng các võ sĩ, võ sinh trên sàn đấu, sàn tập.

Từ một nữ công nhân nghèo, bà Vũ Thị Ngư đã vươn lên nuôi dưỡng khát vọng cho tinh thần Việt của mình.
Từ một nữ công nhân nghèo, bà Vũ Thị Ngư đã vươn lên nuôi dưỡng khát vọng cho tinh thần Việt của mình.

* Giấc mơ lọ lem

Năm 1988, bà Ngư theo cha mẹ từ tỉnh Nam Định vào TP.Biên Hòa sinh sống. Gia đình khó khăn, năm 14 tuổi, bà Ngư phải một buổi bán vé số dạo, buổi còn lại đi học. Để có tiền học đại học, bà Ngư làm đủ việc từ gia sư, đến rửa chén thuê cho các quán ăn, hoặc đi phát tờ rơi quảng cáo…

Rồi 4 năm vừa học vừa làm cũng qua, bà Ngư vui mừng cầm hồ sơ xin vào làm nhân viên hành chính cho một công ty chuyên gia công võ phục xuất khẩu. Tại đây, bà gặp và nên duyên vợ chồng với anh công nhân nghèo cùng quê Phạm Văn Thành. Tuy vậy, đồng lương công nhân của vợ chồng bà chỉ tạm ổn để nuôi con và phụ giúp cha mẹ già.

Được cha mẹ chồng cho miếng đất nhỏ cất ngôi nhà tạm để ở, vợ chồng bà Ngư mừng lắm nên càng quyết tâm dành dụm để mua thêm khu đất liền kề được một người dân địa phương bán với giá rẻ.

Năm 2014, công ty nơi vợ chồng bà Ngư làm việc tuyên bố phá sản, vợ chồng bà và nhiều công nhân trong công ty phập phồng lo thất nghiệp nên chạy đôn chạy đáo tìm việc.

Ông Thành mau chóng tìm được công việc phù hợp, bà Ngư thì bận ở nhà chăm 2 con nhỏ. Ngồi nhà buồn, nhớ công việc và bạn bè, bà Ngư lóe lên suy nghĩ tập hợp những công nhân có tay nghề để mở cơ sở gia công võ phục cho riêng mình. Ý tưởng táo bạo của bà đã được chồng ủng hộ nên cái cơ sở nho nhỏ may võ phục của bà Ngư ra đời.

Để có cái cơ sở đó, bà Ngư bán khu đất vợ chồng tạo dựng lấy 800 triệu đồng làm vốn và rủ thêm 3 nữ công nhân lớn tuổi có tay nghề cao từng làm chung với mình về phụ giúp. Hàng làm ra, vợ chồng bà xách xe máy chạy khắp các lò võ, shop kinh doanh dụng cụ thể dục - thể thao, trung tâm thể dục - thể thao trong và ngoài tỉnh chào hàng.

Dù thấy hàng của bà Ngư làm đẹp, sắc sảo, giá cả mềm nhưng các mối hàng vẫn lắc đầu từ chối, hoặc ra điều kiện bà phải ký gửi dài ngày, khi nào bán được hàng mới thanh toán tiền.

Vẫn cái tính kiên nhẫn của con nhà nghèo, bền bỉ như lúc bán từng tờ vé số thời còn bé, hàng của bà Ngư dần dà cũng chen chân vào các shop dụng cụ thể dục - thể thao, trung tâm thể dục - thể thao có tiếng, nhất là được giới võ sư võ cổ truyền Việt Nam ủng hộ, nhận may võ phục cho các môn sinh với số lượng lớn.

Bà Vũ Thị Ngư (phải) cùng các công nhân là bạn bè thân thiết ngay từ ngày khởi nghiệp.
Bà Vũ Thị Ngư (phải) cùng các công nhân là bạn bè thân thiết ngay từ ngày khởi nghiệp.

* Tạo việc làm cho lao động lớn tuổi

Khi có được nhiều đơn đặt hàng ổn định, bà Ngư tiến tới thành lập Công ty TNHH một thành viên may mặc Tinh thần Việt, chuyên về sản xuất, gia công võ phục. Từ cơ sở nhỏ lên công ty, bà Ngư lập tức được nhiều công nhân nơi công ty cũ tìm đến giúp sức.

Có được người bạn thiết kế giàu kinh nghiệm Nguyễn Thị Kim Hà, cùng 4 công nhân tay nghề cao: Đinh Thị Biên Hòa, Nguyễn Bích Ngọc, Mã Thị Thu Loan và Nguyễn Thị Lang một thời “kề vai sát cánh” bên nhau nên bà Ngư vững tin mời gọi thêm 15 công nhân là bạn bè thân thiết trước kia nhập cuộc. Vì cái tính hiếu nghĩa có trước có sau của bà Ngư, công nhân trong công ty ai cũng vui, cảm kích và quyết tâm gắn bó với bà.

Thợ thiết kế Nguyễn Thị Thu Hà cho hay lương và chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của bà được bà Ngư chi trả bằng với mức khi làm việc ở công ty cũ; làm việc với bà Ngư, bà cũng không bị sức ép về thời gian, làm theo khuôn mẫu mà thỏa sức sáng tạo theo nhu cầu của khách đặt hàng. Vì vậy, dù chỉ duy nhất là một bộ võ phục cho một khách hàng, bà cũng thiết kế mẫu mới phù hợp với thể trạng của họ và nhận được sự hài lòng của khách.

Người thiết kế thời trang võ phục như bà Hà, bà Ngư cũng khá hiểu những thế đánh, đòn né, đòn quật ngã của giới võ thuật thuộc các môn phái: karate, taekwondo, judo, võ cổ truyền Việt Nam...

Bà Hà cho biết bộ đồng phục hợp tạng người, bền, đẹp, sắc sảo cũng góp phần giúp cho võ sĩ, võ sinh vinh danh tài năng trên sàn đấu, sàn tập. Khi người võ sĩ, võ sinh vinh danh trên sàn đấu, sàn tập, người thiết kế như bà Hà và thương hiệu võ phục Tinh thần Việt của bà Ngư cũng thơm lây.

Biết tâm lý người Việt thích mặc đồ đẹp, bền, chắc và giá cả mềm, bà Ngư từng bước đưa hàng vào các lò võ, shop kinh doanh dụng cụ thể dục - thể thao trong và ngoài tỉnh. Hàng phong trào (dành cho võ sinh), bà vẫn chọn nguồn vải của các công ty có thương hiệu để may cho khách. Còn võ phục dành cho võ sư, huấn luyện viên, võ sĩ thì dùng nguồn vải nhập ngoại và những đường thêu sắc sảo do thợ thêu Nguyễn Thị Linh đảm trách.

Thợ thêu Nguyễn Thị Linh cho biết dân võ cũng thích thể hiện phong cách ăn mặc thông qua những đường thêu, logo, bảng tên trên võ phục. Để chiều ý khách, bà và bà Ngư càng thỏa sức sáng tạo theo ý tưởng của họ. Bà cảm thấy vui với công việc vì tạo thêm nét uy dũng cho các võ sĩ, võ sinh trên sàn đấu, sàn tập.

Những công nhân làm cùng công ty cũ khi về công ty bà Ngư làm việc đều được bà đón nhận, trả lương từ 5-7 triệu đồng/tháng và các chế độ khác theo từng vị trí công việc. Vì vậy, mọi người rất vui và dồn hết tâm huyết cùng bà Ngư đưa sản phẩm của Tinh thần Việt ngày càng vươn xa, xứng danh trên các sàn đấu, sàn tập cùng võ sĩ, võ sinh.

Sau thời gian dài thất nghiệp nay quay về với công việc cũ, bà Nguyễn Thị Lang mừng rỡ cho biết do công ty nhỏ nên bà và các chị em công nhân xem nhau như người trong nhà. Ai cũng có trách nhiệm qua từng đường kim, mũi chỉ mà không cần ai giám sát, rầy rà và dọa đuổi việc.

Bà Vũ Thị Ngư cho biết do công ty của bà quy mô còn nhỏ nên chỉ giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động. Dù chật vật trong việc tìm mối hàng, hàng phải giao gối đầu nhiều nhưng bà vẫn trả lương và các chế độ khác cho công nhân đúng với Bộ luật Lao động và làm tròn nghĩa vụ thuế với Nhà nước. “Tháng nào tôi có lương bằng với công nhân trong công ty là tôi vui lắm, cho dù tôi phải kiêm nhiều việc, như: giám đốc, bỏ mối hàng, thiết kế, đối ngoại...” - bà Ngư vui vẻ thổ lộ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều